QĐây là việc làm góp phần đẩy mạnh các thông tin về Phật giáo và Phật học ứng dụng trong không gian mạng, hướng tới bạn đọc trẻ, người yêu mến đạo Phật.
Báo Giác Ngộ chuyển mình cùng thời đại
Vài năm trở lại đây, Báo Giác Ngộ phát triển thêm sản phẩm (như Giác Ngộ TV) và hoàn thiện các định dạng báo chí đã có (làm mới Giác Ngộ online, cải tiến tuần báo - in màu, thay đổi các trang mục), để tờ báo từng bước hiện đại theo hướng đa phương tiện. Với nhân lực không dày dặn như các cơ quan thông tấn báo chí khác, những gì Giác Ngộ đã làm cho thấy sự nỗ lực rất lớn.
Trong việc thực hiện chủ trương Quy hoạch báo chí đến năm 2025 của Chính phủ, kết quả, năm 2020 cả nước giảm 71 cơ quan báo chí (so với năm 2019). Về hoạt động, báo cáo từ Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 cho hay, cơ quan báo chí sụt giảm đến 70% doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông. Đó là thời điểm dịch Covid-19 đã xuất hiện một năm và chưa tác động đến mọi mặt đời sống như thời điểm hiện tại.
Có thể thấy, năm 2021, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế cả nước. TP.HCM, một địa phương đi đầu cả nước về kinh tế đã điêu đứng khi có tới gần 4 tháng đóng cửa theo Chỉ thị 16. Trong lúc cam go nhất, có những tờ báo phải đình bản nhiều ngày vì không đảm bảo nguồn nhân lực cho in ấn, phát hành. Báo Giác Ngộ đã linh động thực hiện số ghép, bảo đảm tính liên tục theo kế hoạch, để thích ứng với tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Báo in không thể đến tay độc giả vì “ngăn sông cách núi” nhưng báo mạng vẫn được cập nhật hàng ngày. Đặc biệt, trong thời gian người dân gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội nghiêm ngặt, tinh thần đi xuống, Giác Ngộ với vai trò hoằng pháp của mình đã tổ chức sản xuất chương trình thuyết giảng hàng tuần. Sự xuất hiện của chư tôn tịnh đức Trưởng lão lãnh đạo tối cao của Giáo hội với những lời sách tấn tu học đã phần nào an ủi người dân, cộng đồng Phật tử, những người mến đạo, đang loay hoay trong nỗi lo dịch bệnh.
Với hoạt động nổi lên ở mùa dịch, tiếp nối từ những dịp lễ đặc biệt trước đó (như Phật đản, Tết Nguyên đán…), nay trên kênh Giác Ngộ online, Giác Ngộ TV, Fanpage chính thức của báo đã có chương trình thuyết giảng gần gũi, tạo thói quen học Phật qua phương tiện online khi không thể đến chùa, tham dự khóa tu vì Covid.
Với Cổng thông tin Zalo Official Account, chắc chắn những thông tin có xuất xứ báo Giác Ngộ sẽ càng dễ được tiếp cận đến độc giả, khán giả, hành giả nhiều hơn.
Chuyển đổi số là con đường tất yếu
Mới đây, hôm 23-12-2021, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM cùng Hội Tin học TP cũng đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững”. Tại đây, Chủ tịch Hội Nhà báo TP - ông Trần Trọng Dũng đã khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong các cơ quan, đơn vị, trong đó có báo chí Việt Nam nói chung và báo chí TP.HCM nói riêng.
Theo ông Dũng, “Dịch Covid-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề đến tất cả lĩnh vực, kể cả lĩnh vực báo chí tại TP.HCM. Dù vậy, các cơ quan báo chí ở thành phố tùy theo khả năng của từng đơn vị đã tích cực chuyển đổi số, ví dụ cho ra sản phẩm báo chí mới trên nền tảng trực tuyến như Facebook, YouTube, áp dụng công nghệ trong các khâu nội dung, kỹ thuật, phát hành… Tuy vậy, kết quả còn rất khiêm tốn, còn nhiều hạn chế, khó khăn. Một bộ phận không nhỏ ngại thay đổi, muốn làm báo theo kinh nghiệm và phương cách truyền thống nên rất lúng túng và hạn chế khi áp dụng các phương cách làm báo hiện đại”.
Nhận định của Chủ tịch Hội Nhà báo TP có thể xem là vấn đề mà các cơ quan báo chí cần lưu tâm để không “bỏ rơi” bạn đọc khi họ đang thích ứng mạnh mẽ với công nghệ. Người trẻ được tiếp xúc với smartphone sớm, thế hệ người lớn tuổi cũng không đi bên lề cuộc sống khi có thể lướt Facebook, dùng Zalo, xem YouTube hàng ngày thì báo chí không thể nào ngoài cuộc trong chuyển đổi số.
Mừng vì báo Giác Ngộ đã là một trong hai tờ báo tôn giáo được giữ lại trong quy hoạch báo chí. Mừng hơn là Giác Ngộ đã đổi mới từng ngày trong câu chuyện làm báo (đa phương tiện) và có phương thức tiếp cận bạn đọc trên những kênh hiện đại đương thời.
Phật giáo trong các hoạt động tổ chức các khóa tu học, các nghi lễ quan trọng cũng đã đưa công nghệ vào nhằm nối dài không gian tâm linh. Có thể thấy, từ những tác động của đại dịch, nhờ công nghệ và sự nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, thích ứng của các Ban Trị sự, các hệ phái, các chùa… mà những chương trình như cầu truyền hình Vu lan 3 miền hay các khóa lễ tâm linh cầu nguyện nạn nhân Covid-19 đã không chỉ giới hạn ở địa giới hành chính mà mở rộng toàn cầu, trên nền tảng công nghệ sẵn có.
Đây cũng là cái thấy và sự chuyển đổi theo hướng “trong nguy có cơ” mà Phật giáo và báo chí Phật giáo - báo Giác Ngộ đã kịp thời tiến hành, từng bước nâng chất hoạt động hoằng pháp - truyền thông của mình. Do vậy, bạn đọc có quyền tin tưởng sẽ được đón nhận thêm những sản phẩm chất lượng từ tờ báo duy nhất của Phật giáo đã tồn tại trong suốt 46 năm qua, và những ngày này đã bước vào năm thứ 47, với nhiều thăng trầm, nhiều thay đổi, thích ứng để phát triển cùng thời đại.