Báo Giác Ngộ "dắt" tôi vào nghề báo

CTV Viên Quang - hiện đang làm việc tại tạp chí HTV (Đài Truyền hình TP.HCM)
CTV Viên Quang - hiện đang làm việc tại tạp chí HTV (Đài Truyền hình TP.HCM)

GNO - Không chọn ngành báo, cũng chẳng tốt nghiệp trường báo, nhưng cho đến hiện tại tôi lại sống với công việc đặc thù chữ nghĩa - nghề báo. Và câu chuyện của những ngày mới tập tễnh với nghề, với nghiệp viết lách giờ đã trở thành kỷ niệm của… một thời để nhớ.

Ngày ấy...

Đó là khoảng những năm 1999-2000, qua lớp học giáo lý trong chùa, tôi được biết đến Giác Ngộ - tờ báo thuộc Cơ quan Ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh. Cũng từ đó, tôi trở thành anh chàng cộng tác viên “bất đắc dĩ”. 

Chuyện là, sau khi theo dõi những chuyên mục thường xuyên của báo, tính hiếu thắng từ một người thích khám phá bản thân như tôi trỗi dậy. Thấy những trang tin về hoạt động Phật giáo tỉnh thành có vẻ vừa với sức của mình, tôi đã mạnh dạn viết và gửi “tác phẩm” đi. Những công đoạn để tôi có thể hoàn thành một mẩu tin ngắn ngày đó rất nan giải và mất thời gian: viết thì bằng tay, trên giấy A4 một mặt, cho vào bì thư và đi gửi qua đường bưu điện. Bởi lúc ấy, công cụ hỗ trợ như internet, hoặc hộp thư điện tử không phổ cập như bây giờ.

Về khoản hình ảnh cũng vậy, với hoàn cảnh “eo hẹp”, đâu có dễ để sở hữu một chiếc máy ảnh. Vì vậy, tôi phải nhờ bác thợ ảnh gần nhà chụp hình giúp, rồi đi in, chọn ảnh mất cả một số tiền lớn. Sau này, khi “máu nghề” đã ngấm, tôi mới dành dụm để sắm cho mình chiếc máy ảnh cơ (dùng phim âm bản, có từ thế kỷ thứ 11).

Vì thế, những công đoạn như lắp, cắt phim cũng không hề đơn giản. Bất cẩn một chút là công toi, bởi chỉ cần bị lộ sáng là mọi thứ… xuống sông xuống biển.

Cầu nối vào nghề

Sau những công đoạn tưởng như thử thách, tiếp theo là những lo lắng, hồi hộp chờ ngày báo ra. Miền Bắc phát hành chậm hơn miền Nam vì Giác Ngộ được in tại TP.Hồ Chí Minh. Vì vậy, mà từng ngày, từng giờ tôi háo hức để mong được cầm trên tay tờ báo.

Trải qua “n” lần như thế cảm xúc mới được vỡ òa. Nhìn thấy mẩu tin của mình được đăng, chẳng có niềm hạnh phúc nào lớn lao bằng. Nhưng cũng chẳng dám khoe với mọi người, vì bút danh lúc đó tôi lấy tên Đức Tài, không phải tên thật của tôi. 

Bao Toan.jpg

Báo Giác Ngộ nóng hổi tại nhà in Nguyễn Minh Hoàng - Ảnh: Bảo Toàn

Rồi khi báo biếu về đến nhà, tôi rưng rưng trong niềm vui khôn xiết, xé lớp bao bì được cuộn tròn bằng bìa giấy xi măng, tờ báo thân thương mà tôi mong đợi hiện hữu. Nhuận bút và thư cảm ơn cũng được đính kèm cùng báo biếu. Cầm thù lao trên tay, tôi chẳng nghĩ đến giá trị của nó, bởi trong lòng lâng lâng cảm xúc khó có thể diễn đạt bằng lời.

Sẵn động lực, mỗi ngày tôi mỗi tích cực hơn trong việc lấy thông tin, ghi lại hình ảnh, viết bài và gửi thư về tòa soạn. Cứ như vậy, tôi trưởng thành với nghề tay trái này nhiều hơn. Thông qua những mẩu tin ngắn, lần lần tôi tự trau dồi mình, rồi dần dần hoàn thiện về cách làm báo, cách viết bài cũng như cách chuyển thông tin đến với bạn đọc. Giác Ngộ đã cho tôi đến với nghề báo sau này.

Tôi yêu Giác Ngộ

Hạnh phúc mỗi khi đọc bài Hòa thượng...

Con là một Phật tử mới chập chững những bước đầu tìm hiểu giáo lý Phật giáo, con thấy thật may mắn khi hàng ngày được vào đọc trang báo Giác Ngộ Online. Đặc biệt, mỗi khi được đọc những bài viết của Hòa thượng Thích Trí Quảng, con luôn thấy mình hạnh phúc vì được soi sáng bởi những giáo lý ngài bố thí cho con và liên hữu gần xa.

Kính mong Hòa thượng thân tâm an lạc, an nhiên tự tại và luôn là ngọn hải đăng soi sáng cho chúng con trên con đường tu học!

Hoàng Thanh Hưng
(Từ Liêm, Hà Nội)

Nhân duyên đưa tôi Nam tiến. Sau một thời gian dài không cộng tác bài vở, tôi lại có thêm có hội để viết cho Giác Ngộ. Những bài viết của tôi cũng đã đa dạng hơn. Từ Câu chuyện trong tuần, cho đến Sống đạo, rồi những Phật giáo-Tuổi trẻ, chuyên trang Xã hội hay những phóng sự về nạn giả sư. Tất cả, đều với tinh thần đóng góp, ước mong Giác Ngộ ngày càng phát triển và lớn mạnh hơn.

Hiện tại, mặc dù lượng bài vở cộng tác đã ít dần đi, nhưng tôi vẫn sát sao, vẫn theo dõi từng trang và bài báo của Giác Ngộ. Đặc biệt, với định dạng báo mạng, thông tin được cập nhật nhanh chóng, và chỉ bằng một cái click chuột, dù bất cứ ở đâu, nơi nào Giác Ngộ vẫn hiện hữu một cách bài bản và sinh động thông qua Giác Ngộ Online. Nhưng, thật sự tôi vẫn hạnh phúc khi được cầm trên tay tờ báo in.

Mỗi khi có dịp ghé qua tòa soạn ở 85 Nguyễn Đình Chiểu (P.6, Q.3, TP.HCM) tôi lại được lâng lâng với niềm hạnh phúc ấy.

Sắp tới đây, Giác Ngộ sẽ kỷ niệm 38 năm ngày ra số báo đầu tiên, hy vọng, bằng sự thay đổi, cải tiến cả về nội dung và hình thức ở hiện tại, Giác Ngộ sẽ dần đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Rồi tờ báo Cơ quan Ngôn luận của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ lan tỏa, khẳng định một “chỗ đứng” nhất định trong làng báo thành phố nói riêng cũng như của cả nước nói chung.

***

Mười lăm năm, quãng thời gian chưa đủ dài, nhưng với từng ấy ngày tháng cũng đủ cho một cộng tác viên chẳng biết “mô tê” như tôi học hỏi, hiểu và trải nghiệm nhiều hơn với nghề báo. Nhìn lại quãng thời gian đi qua, bất chợt một lúc nào đó lại mông lung: thèm được sự nhiệt huyết của những ngày xưa - những ngày lo lắng, hồi hộp, rồi vỡ òa khi cầm trên tay tờ báo biếu với dòng chữ: Gửi tác giả Viên Quang (bút danh sau này của tôi)!

Viên Quang

Ở tuổi 38, Giác Ngộ mong bạn đọc, cộng tác viên hãy gửi những chia sẻ, đặt hàng cũng như mong muốn của mình với tờ báo. Mọi góp ý, xin gửi về: baogiacngo@yahoo.com hoặc bandocgiacngo@gmail.com.

________________

* Đọc thêm:

>> Tôi yêu mến Giác Ngộ dù không là Phật tử
>> Gửi gắm với Giác Ngộ tuổi 38

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.