GN - Đó là câu đố mà bà nội tôi khi còn sống hay đố mấy anh em chúng tôi về thứ bánh cúng mà bà hay siêng gói mỗi dịp rằm lớn trong năm.
Bánh cúng được gói bên ngoài bằng lá chuối và phần ở trong là bột gạo. Người nội trợ đi xay bột gạo rồi pha chung với nước cốt dừa, một ít đường. Sau đó lại ra ngoài vườn hái lá chuối, lau sạch và rọc thành từng miếng lớn, rồi mới quấn nòng tức quấn lá theo ống trúc sao cho dài cỡ chiếc đũa và lấy dây chuối buộc lại một đầu, kế đến đổ bột vào đầu còn lại rồi tiếp tục buộc cho kín. Dây chuối còn được dùng quấn cho chặt thân bánh và bó bánh lại thành xâu, mỗi xâu thường là 10 cái. Người ta bỏ từng xâu vào nồi nước sôi để luộc cho chín mới vớt ra.
Ngày rằm lớn hay giỗ chạp, người dân quê mới chịu khó làm thứ bánh này cúng trời Phật, ông bà. Khi ăn, bánh có vị béo, ngọt, mềm mại, đặc biệt còn thơm mùi lá dứa thoang thoảng. Mấy đứa con nít chúng tôi thì ăn mỗi lần cả xâu mới thấy no bụng. Nhưng thích nhất là liếm phần bột còn dính lại trên lá chuối, vừa béo vừa ngon, trước khi ăn phần bánh bên trong.
Ðến giờ, tôi vẫn nhớ rõ câu chuyện Sự tích bánh cúng được bà nội kể lại hồi nhỏ. Ở một cái chùa nọ, đến ngày rằm, mấy bà tập hợp lại gói bánh, nấu chè để cúng Phật, nhưng khi xong, thì thấy bột gạo còn dư nhiều, không biết làm gì nên một bà lên chánh điện hỏi ý sư trụ trì. Khi bà hỏi thì đúng lúc ông sư đang tụng kinh và giơ cái dùi đánh chuông. Thấy vậy, bà xuống bếp nói lại là thầy trụ trì bảo lấy phần bột dư làm bánh có hình giống cái dùi chuông. Từ đó bánh cúng xuất hiện đến nay, đặc biệt phổ biến ở các chùa.
Bánh cúng, món ăn tuy giản dị nhưng đã gắn liền với nhiều thế hệ người dân quê tôi trước giờ mà không thể nào quên được.