Bảng lảng khói sương

GN - Cho đến nay, đã hơn mười năm nội tôi về với đất, nhưng hình bóng bà dường như vẫn ở bên tôi. Những câu chuyện xưa, những lời dạy cũ như vẫn còn văng vẳng bên tai. Tôi quên sao được những tháng ngày đói kém của vùng kinh tế mới, hình ảnh bà múc từng gàu nước tưới rau, tưới khóm, mót từng củ mì xắt phơi khô kiếm gạo. Khó khăn là vậy, nhưng bà vẫn luôn luôn nhắc nhở tôi từng điều hay lẽ phải trong cuộc sống, những lúc rỗi bà hay kể chuyện cũ của gia đình, vui có mà buồn cũng có. Nhưng bà bao giờ cũng đặt trọn niềm tin vào Chánh pháp, vì bà là một Phật tử hiền lành, và niềm tin nhiệm mầu ấy cũng đã có lần giúp bà thoát khỏi oan ức phũ phàng của miệng đời hiểm ác, nên bà rất tin tưởng và còn truyền niềm tin ấy lại cho tôi đến tận bây giờ…
khoisuong.jpg
Ảnh minh họa

Hơn trăm năm trước, ông cố vì giận người em gái lấy Tây giàu có, coi anh em rẻ rúng, mà bồng chống cả gia đình bỏ xứ Long Thành (Đồng Nai) về quê vợ xứ Gò Công (Tiền Giang) sinh sống. Năm ông nội tôi lên mười thì vùng Gò Công bị cơn bão lụt lịch sử, mà người ta quen gọi là năm Thìn bão lụt, tức là ngày 15-3 năm Giáp Thìn 1904, nước dâng cao đột ngột, gió bão tàn phá sạch nhà cửa, ông cố tôi và người em trai của ông nội bị nước cuốn trôi ra biển, chết không tìm thấy xác, còn bà cố thì ôm người con gái nhỏ ngồi chết cứng bên góc hè, cạnh một vách tường đổ nát của nhà ai đó. Chỉ mình ông nội tôi sống sót. Sau trận bão lụt kinh hoàng thảm khốc đó, người trong làng chết vô số kể, cho đến nay cứ vào ngày 16-3 âm lịch là cả làng vẫn giữ tục làm đám giỗ tập thể cho những người bà con chết trong cơn bão đó.

Rời Gò Công, ông nội tôi lên Sài Gòn học tập và sinh sống. Ông làm kỹ thuật cho Sở Hỏa xa một thời gian thì ông gặp bà nội lớn. Bà nội lớn và ông sống với nhau mà không được người con nào cả. Thấy chồng buồn, nên bà nội lớn của tôi mới tâm sự với em gái mình. Người em gái thương chị và cũng mến đức của người anh rể nên mới bằng lòng kết hôn, giúp chị mình sinh nở cho có con cái nối dõi tông đường. Thế là bà nội lớn tôi đứng ra cưới em gái mình cho chồng. Cả ba người sống hết sức hạnh phúc, rất thương yêu và chăm sóc cho nhau, vì suy cho cùng thì cũng là những khúc ruột nối lại với nhau cả, chứ không phải người dưng nước lã gì mà ganh tị.

Tại đất Sài Thành bà nội tôi sinh cho ông bà nội lớn năm người con, bốn trai một gái, nhưng chỉ nuôi được ba. Lúc bấy giờ có người em họ cùng làm chung Sở Hỏa xa với ông nội, người này nịnh bợ tụi Tây, lên đến chức “cặp-rằng”, xong trở mặt coi anh em không ra gì. Ông nội tôi sinh ra bất mãn. Thế là ông nghỉ việc, bầu đoàn thê tử về lại quê ngoại xứ Gò Công. Tại đất Gò Công, bà nội tôi sinh thêm hai người con trai nữa là cha tôi và bác Bảy. Nhưng ở đời nghĩ cũng lạ mà vạn sự thì cũng tùy duyên.

Ông nội tôi vốn họ Đỗ, nhưng khi đi làm khai sinh cho cha tôi và bác Bảy, từ làng biển lên huyện cũng khá xa, mà phải đi bộ chứ có xe cộ gì; khổ nỗi ông bà nội tôi quên theo giấy hôn thú, nên quan tòa thời đó không cho cha tôi và bác Bảy lấy kiến họ Đỗ, mà phải lấy theo họ mẹ, tức là họ Đào của bà nội tôi. Thành thử thế hệ con cái sau này của cha tôi với bác Bảy đều mang kiến họ Đào, nhưng phải nhớ máu trong người mình là của dòng họ Đỗ. Thú vị là vậy đó, người ngoài nhìn vô tưởng anh em hai ba dòng, nhưng đâu có phải. Và năm xưa ông nội tôi cũng không hề câu chấp vấn đề đó làm gì; theo ông, họ cha hay họ mẹ gì cũng được cả.

Sống dưới làng biển, bà con bên ngoại của ông nội đông lắm. Ông nội vai lớn, dưới quê xưa kia ai nấy thứ bậc đều rất đàng hoàng, không xô bồ xô bộn như bây giờ. Hai bà nội tôi rất được dân làng, bà con kính nể. Ông nội đi giăng câu cá biển, trồng dưa hấu, làm vườn mãng cầu và giữ lăng Ông thờ cá voi. Cuộc sống không khá giả gì nhưng cũng không phải đói kém. Dưới quê thuở ấy cá tôm, lúa gạo không thiếu, nhưng chỉ thiếu nước ngọt. Nhà ai tháng mưa cũng phải trữ nhiều mái, nhiều hồ nước để dành ăn uống quanh năm. Chén nước quý hơn chén gạo là vậy. Biển Tân Thành không phải là biển cát nước xanh như những miền khác, mà là biển sình, nước đen, rất thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản, về sau này người ta nuôi nghêu cũng có nhiều gia đình trở nên khấm khá.

Xưa kia biển còn ở khá xa bờ, chứ không tiến sát vô trong như bây giờ, cho nên nếu tìm lại nền ngôi nhà cũ sẽ không bao giờ thấy nữa, vì nó đã nằm dưới lòng biển từ hơn năm mươi năm qua rồi. Đầu làng ngày ấy có một cây dương rất cao, cây dương này là điểm quan sát duy nhất cho các ghe đánh cá trong làng định hướng đi về. Ngày ngày bà nội tôi hay bồng cha tôi ra đón ông nội đi câu về nơi gốc cây dương ấy.

Một buổi chiều mưa to gió lớn, ông về đến nhà thì trời đã vào đêm, cả người ướt sũng. Ông bị cảm lạnh, đứng muốn không nổi nữa. Cả nhà đốt lửa sưởi ấm cho ông. Nhưng qua ngày hôm sau thì ông ngã bệnh, bà nội tôi nấu cháo cho ông ăn nhưng ông lại không chịu ăn. Vì từ nào giờ ông nội tôi không thích cháo, bệnh hoạn gì cũng chỉ ăn cơm mà thôi. Lần này cũng vậy, bà nội tôi chiều ý ông, nấu cơm cho ông ăn. Ăn cơm xong ông nghe mệt, rồi nằm mê man, sau đó thì trút luôn hơi thở cuối cùng, không để lại một lời nào cho ai cả… Cả nhà hoảng vía la toáng lên, cả xóm cùng bu lại, kẻ khóc lóc, người kêu trời… Trong lúc bối rối ấy, mấy người cháu dâu của ông nội tôi không biết lý do gì mà họ nói bà tôi thế này.

- Thím có muốn lấy chồng khác thì thím lấy, chứ sao chú tui bệnh mà thím cho chú tui ăn cơm để chú tui chết! Thím ác quá mà!

Lời nói này suy cho cùng cũng vì thương chú, sốt ruột, nhưng thật sự lại quá tàn nhẫn với bà tôi. Bà tôi chấp nhận kết hôn với ông tôi, người chồng lớn hơn mình hai mươi bốn tuổi, thì bà có tiếc gì cái tuổi xuân! Bà đã làm một cuộc hy sinh lớn, thì cớ gì bà lại có ý nghĩ này nọ như họ đã gán cho bà! Bà đã khóc rất nhiều trong uất ức, chồng thì nằm đó, con thì còn nhỏ, bà con bên chồng thì gieo tiếng oán… Phút giây ấy bà còn biết dựa vào ai! Một người Phật tử thì chỉ còn biết nương nhờ vào tha lực và lòng từ bi của Phật chứ còn biết dựa vào đâu nữa. Bà niệm kinh Quán Thế Âm, bà cầu cứu Người mẹ Đại từ bi của nhân loại cứu độ một cách chân thành… và bà cứ làm như thế…

Cái hòm được chở từ Sài Gòn về Gò Công, mọi chuyện coi như xong. Bà con hàng xóm chuẩn bị liệm thì tự nhiên hai tay ông nội tôi động đậy, rồi ông chép miệng đòi uống nước. Bà tôi đổ từng muỗng nước cho ông, chừng hơn nửa giờ sau ông tỉnh dậy hoàn toàn. Cái phút giây vui mừng, hạnh phúc vô bờ ấy, hơn bảy chục năm sau bà tôi kể lại mà vẫn còn khóc tủi rưng rưng. Người ta nói, tuổi già giọt lệ như sương mà bà vẫn nghẹn ngào như vừa trải qua một cơn bi kịch. Ông tôi tỉnh dậy, mọi người ai cũng vui mừng khôn xiết. Họ hỏi sao mà ông sống lại được vậy. Ông nói.

- Tui chỉ ngủ một giấc thôi mà!

Người ta hỏi ông ngủ thấy gì? Ông nói tui thấy có một người đang dắt tôi đi qua những con đường đầy khói trắng. Nhưng tui nghe trong tai mình những tiếng kêu giật lại lớn lắm, dai dẳng lắm. Rồi có một bàn tay rất lớn từ không trung xô tôi té ra khỏi con đường. Thế là tôi tỉnh giấc ngủ, thấy cổ họng đắng nghét, tay chân cứng đơ như bị ai trói… Mọi người nói cho ông biết ông đã chết hơn năm tiếng đồng hồ rồi. Lúc ấy ông mới giật mình. Rồi ông mới nói với mấy người cháu là không được nói bậy bạ. Việc ăn cơm là ý của ông. Bà nội tôi thắp hương lên bàn thờ cảm tạ Đức Quan Âm Bồ-tát… và từ thuở ấy cho đến ngày bà về với đất lúc nào bà cũng tôn kính, tin tưởng vào vị Đại sĩ này. Lần trở về từ cõi chết ấy, ông nội tôi sống thêm được mười mấy năm nữa cho đến khi già yếu rồi mới thực sự ra đi.

Mấy năm sau chiến tranh giặc giã, bom đạn trút xuống, quê hương đau nên nắng hạ cũng buồn. Ông nội tôi lại thêm một lần rời bỏ quê hương, dắt vợ con về Sài Gòn sinh sống. Và cũng tại mảnh đất này, bà nội lớn và bác Hai tôi vĩnh viễn nằm lại, các thành viên khác thì đều trưởng thành, lập gia đình cả… Và tôi, đứa cháu trai đầu tiên của gia đình, cũng được sinh ra và hít thở cái không khí một thời của mảnh đất gọi là chôn nhau cắt rốn ấy.

Mấy chục năm sau tôi mới có dịp về lại xứ Gò Công, cảnh xưa như nội kể đã không còn, người xưa cũng vắng dạng. Nhìn từng con sóng quê hương vỗ vào bờ kè trong bảng lảng khói sương của một ngày thức sớm mà lòng như bâng khuâng với bao nỗi niềm xưa cũ. Bao nỗi nhọc nhằn, vui buồn, uất ức của ông bà thuở trước như tràn về ngập trái tim tôi.

Mấy mươi năm đã thành bãi bể nương dâu, mấy mươi năm ra đi của lớp người thiên cổ, kiếp làm người ai mà chẳng có nỗi đau! Giọt sương cành liễu linh nghiệm này nào giờ đã thành câu chuyện lung linh trong mịt mờ quá vãng. Tôi không có phúc phần biết mặt ông nội, bà nội lớn và bác Hai, nhưng tất cả họ đều sống trọn vẹn trong tâm tưởng tôi bằng tình yêu thành kính. Bà nội tôi là người thương yêu, dạy bảo tôi nhiều nhất. Chuyện chuyện vui buồn bà kể, thoáng mơ màng tôi ngỡ mới hôm qua…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.