Hỏi: Tôi có đức tin đặc biệt vào Bồ-tát Quán Thế Âm và phát nguyện tu tập hạnh lắng nghe. Tôi thường lắng nghe Phật pháp để hiểu về lời Phật dạy. Tôi lắng nghe chính mình để biết rõ tâm tư mà điều chỉnh bản thân, sống đời tử tế. Tôi cũng lắng nghe những tâm sự của nhiều người để hiểu, cảm thông và giúp họ bớt khổ. Tôi còn nghe ra tự tánh, thấy được tánh nghe luôn hiện hữu dù có âm thanh hay không. Gần đây, tôi nghe một số người nói thời Đức Phật, Ngài không dạy tu hạnh lắng nghe này. Tôi vì kiến thức còn hạn hẹp nên rất băn khoăn về lời nói trên. Mong được quý Báo sẻ chia và hướng dẫn.
(TRÀ MY, langnghe…@gmail.com)
Bạn Trà My thân mến!
Đức tin vào Bồ-tát Quán Thế Âm và tu tập hạnh lắng nghe là pháp tu thuộc Phật giáo Đại thừa (Phát triển, Bắc tông). Ngoài việc cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn trong những lúc nguy cấp, chủ yếu dựa vào tha lực thì tu tập hạnh lắng nghe (nghe Phật pháp, nghe chính mình, nghe chúng sinh, nghe ra tự tánh) là tự lực. Kết hợp giữa tự lực với tha lực, tức tinh tấn nỗ lực tu tập của cá nhân cùng với sự gia hộ, gia trì của chư Phật, Bồ-tát sẽ giúp hành giả mau thành tựu giác ngộ, giải thoát.
Bồ-tát có nhiều hạnh nguyện, từ bi và trí tuệ, tự độ và độ tha, trong đó quán sát và lắng nghe âm thanh đau khổ của thế gian mà tìm cách cứu độ (Quán Thế Âm) là công hạnh độ tha điển hình. Về tự độ, Bồ-tát đã chỉ bày pháp tu lắng nghe trọn vẹn, thấu suốt cùng khắp (Nhĩ căn viên thông) để nghe ra tự tánh mà thể nhập tánh nghe (Chân tâm, Phật tánh, tánh Không) vốn không hư vọng, viên mãn tròn đầy (kinh Lăng nghiêm).
Thời Đức Phật tại thế (Phật giáo Nguyên thủy), Ngài đã tuyên thuyết rất nhiều về hạnh lắng nghe. Những ai nói rằng “thời Đức Phật, Ngài không dạy tu hạnh lắng nghe” là chưa hiểu biết nhiều về Chánh pháp. Hàng đệ tử xuất gia của Đức Phật gọi là Thanh văn; bậc lắng nghe âm thanh thuyết pháp của Đức Phật để tu tập mà thành tựu giác ngộ, giải thoát.
Trong sự tu tập của hàng Phật tử nói chung, kinh Tăng chi bộ (chương 11, phần Tùy niệm) Đức Phật dạy Tín, Giới, Văn, Thí, Tuệ là những hạnh tu căn bản để thành tựu “Nay vui, đời sau vui” (kinh Pháp cú, kệ 16). Văn ở đây chính là nghe hiểu Chánh pháp. Lắng nghe và hiểu biết Chánh pháp thuộc về trí tuệ (văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ). “Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ” là một trong những lời răn nhắc quan trọng được Đức Phật tái xác định nhiều lần trong Kinh tạng Pàli.
Dĩ nhiên có điểm giống và khác biệt trong tu tập hạnh lắng nghe giữa Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa. Hàng Thanh văn tu tập hạnh lắng nghe để chứng đắc Thánh quả A-la-hán. Nhờ nghe Chánh pháp mà suy nghiệm, quán chiếu để thấy rõ và chứng nghiệm bản chất vô thường, khổ, vô ngã của vạn pháp. Hàng Phật tử thì tu tập hạnh lắng nghe giáo pháp để hướng đến ba Thánh quả còn lại (A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn).
Hạnh lắng nghe trong Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là pháp Nhĩ căn viên thông của Bồ-tát Quán Thế Âm là quay lại tánh nghe. Quán chiếu về sự nghe (nhĩ căn-lỗ tai, thanh trần-âm thanh, nhĩ thức-nghe biết) là duyên sinh, giả hợp. Nhờ đó mà nhận ra bản chất của vạn pháp là trống rỗng, vô thường, vô ngã, là Không. Nghe biết được cả cái nghe - nhĩ thức (tuệ tri cả danh và sắc) chính là khởi đầu của tiến trình nghe ra tự tánh.
Lắng nghe chính là phương tiện tu tập hướng đến mục tiêu trực nhận bản chất duyên sinh, vô ngã của vạn pháp. Đây là điểm tương đồng cơ bản trong tu tập hạnh lắng nghe để chứng đắc Thánh quả của hai truyền thống Phật giáo. Điểm dị biệt là Phật giáo Đại thừa còn nương nơi sự nghe để cứu khổ và quán sát bản chất tánh nghe nhằm nghe ra tự tánh mà chứng đạt Viên thông.
Tóm lại, trên phương diện tu tập của hàng Phật tử, thực tập hạnh lắng nghe theo như bạn trình bày là phù hợp, đúng đắn với Chánh pháp nên không có gì phải băn khoăn về pháp tu hiện tại.
Chúc bạn tinh tấn!