Bản chất của khổ đau (tiếp theo & hết)

Giác Ngộ - Vì sự vật vô thường, nhưng muốn nó vĩnh viễn làm sao có được. Tất cả mọi việc là vô thường, biến đổi, nhưng người khôn thì đổi được, như Phật, Bồ tát chuyển đổi phân, nước, bùn thành  hương sen.

>> Bản chất của khổ đau (kỳ 1)

Kinh Hoa Nghiêm gọi là chúng hoa, nghĩa là tất cả mọi người, ai cũng tốt được, cũng an lạc được, cũng có hương đặc thù; nhưng chúng ta không biết sử dụng cho tỏa hương, vì tham vọng và vô minh mà làm khổ đau cho mình và người.

49599_dsc_5070_112.jpg

Nếu không biết cách chuyển hóa, khổ đau sẽ chất chồng - Ảnh minh họa

Có một vị Tỳ kheo thưa với Phật rằng lúc chưa xuất gia, họ có tiền, có quyền; nhưng theo Phật tu, bỏ hết, nay lại thấy Phật dạy Bồ tát làm các việc công đức, thì họ không làm được nữa. Đương nhiên có quyền, có tiền thì mình làm người mỉm cười dễ, lấy an vui của người làm mình an vui là dễ. Cho người đói miếng bánh mì, họ mỉm cười, ta cũng sung sướng khi thấy họ vui. Vì vậy, người có quyền, có tiền hành Bồ tát đạo dễ; nhưng hết tiền, hết quyền vẫn làm được việc. Như Tỳ kheo Mã Thắng chỉ với tâm an lạc cũng làm cho người giải thoát... 

Các bậc chân tu làm cho cuộc đời tốt đẹp bằng tâm an lạc của các Ngài. Chúng ta tu hành, từ bỏ đời sống vật chất, có thế giới tâm linh, từ bỏ khổ đau, có đời sống an lạc, mới làm cho người an lạc thật sự. Còn ta cho họ một ổ bánh mì, họ mỉm cười lúc đó thôi, vì sau đó, cái đói của họ cũng tăng lên mà chúng ta không thể giúp họ no mãi được. 

Vì vậy, kinh Niết Bàn nói rằng ta bố thí mà làm cho chúng sinh tăng thêm tham vọng là người bố thí tự chuốc họa vào thân, vì không thể tiếp tục đáp ứng tham vọng của họ, họ trở thành thù và giết ta. Còn ta bố thí cho họ và giúp họ hiểu đạo, được giải thoát, thì giải thoát của họ là giải thoát của ta.

Bỏ tục xuất gia là bỏ thế giới khổ đau, ta sống với thế giới Niết bàn an lạc, tác động cho người an lạc theo. Thật vậy, thực tế nếu chúng ta được tiếp cận với các bậc chân tu đức hạnh, họ sẽ ảnh hưởng tâm ta được an lạc.

Bỏ thế giới vật chất, ta phải có thế giới tâm linh; còn bỏ vật chất mà không có tâm linh là mất hết. Trước có nhiều vật chất theo Phật tu hành, nhưng không nhập được cửa giải thoát là mất trắng. Phật tử đừng phạm sai lầm này. Ta bỏ gia đình và công việc, tìm đến tu Một ngày an lạc, nhưng không an lạc là mất trắng thì càng tu càng khổ.

Tu hành chúng ta được gì? Bồ tát biến đổi phân, nước, đất thành hương. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng ai phát tâm tu theo Phật cũng tỏa hương, nếu là công nhân thì là công nhân tiên tiến, nếu là học sinh là học sinh giỏi, nếu là lãnh đạo là người tài ba được mọi người yêu quý, v.v… Nói chung, làm việc theo tâm niệm của Bồ tát đều đạt kết quả tốt, giả sử làm một việc nhỏ nhất như lượm một cây gai bỏ giữa đường vứt vào thùng rác để người khác không giẫm phải, thì việc đó cũng có công đức. Còn ác ma thì đem đinh rải trên đường đi,  làm khổ mọi người. Bồ tát làm an lạc cho cuộc đời, trong khi ác ma làm cuộc đời đau khổ thêm.

Tất cả mọi người tự giải thoát cho mình và cho người, vì Niết bàn và khổ đau đều là ảo, do chúng ta tạo ra. Chúng ta không tạo nguyên nhân khổ, nhưng tạo con đường giải thoát, thì càng tu càng giải thoát, cho đến đạt được quả vị Phật.

Bước đầu, Phật dạy thấp nhất phải suy nghĩ kỹ rằng thân này bất tịnh để chúng ta không khởi tâm tham ái, đoạn trừ tham dục. Đối với người nhiều tham đắm sắc, Phật dạy ra nghĩa địa, nhìn xác chết để thấy thân bất tịnh của ta và của đối tác, chúng ta liền sanh tâm ghê tởm, thì cắt được cái khổ của tham dục. Kinh Bát Đại Nhân Giác dạy rằng: “Tham dục nhiều lụy khổ thêm nhiều. Dạt dào sanh tử bao nhiêu. Cũng vì tham dục mọi điều gây nên”.

Trên bước đường tu, nhìn lại dòng lịch sử dài của loài người, chúng ta bắt gặp được các vị hiền thánh, Như Lai và bạo chúa, thì thấy Phật hạnh phúc nhất, rồi đến các vị Bồ tát, hiền thánh, ẩn sĩ. Còn người đau khổ nhất là vua chúa, đau khổ thứ hai là các nhà kinh doanh và đau khổ thứ ba là các tiểu thương, thứ tư là các thợ thuyền. Và người không đau khổ là các thầy tu, vì tâm họ là Không, nhưng không phải vật chất Không. Chúng ta đừng hiểu lầm điều này. Tâm không tham đắm vật chất, mà phước báu họ có đầy đủ là thế giới vật chất có đủ, như Đức Phật Di Đà có vô lượng công đức ở thế giới Cực lạc, không thể đo lường được. Ngài trang nghiêm cuộc sống bằng công đức, không tham vọng. Có công đức và có trí tuệ mới từ không tạo thành có.

Quá trình hành Bồ tát đạo của Phật Di Đà tạo được vô lượng công đức, ngày nay chúng ta gọi là sức người, sức của. Công đức đó là phước báu có nhiều của, nhưng nếu không có trí tuệ và không có người hợp tác, thì sự nghiệp cũng dễ mất. Sức người rất quan trọng và xây dựng được người tốt cho đến thành hiền thánh là những người có năng lực cao tột, chắc chắn sẽ tạo thành xã hội tốt đẹp. Còn tập hợp toàn người xấu, xã hội phải xấu.

Đầu tiên Phật Di Đà xây dựng An dưỡng quốc, không phải bỏ hết để không có gì. Tu không có gì để trắng tay là sai. Tuy “Bản lai vô nhất vật”, nhưng phải nhớ thêm rằng “Vô nhất vật trung vô tận tạng”; nghĩa là trong cái không có, nhưng công đức phải sanh mới thành kho vô tận. Người Việt chúng ta cũng có câu “có đức mặc sức mà ăn” là nghĩa này. Thực tế chúng ta thấy người có đức khi bị sa cơ thất thế cũng có người thương giúp đỡ họ.

Phật Di Đà thành tựu như thị công đức trang nghiêm do hành Bồ tát đạo, do cứu nhân độ thế, mới có được vô lượng công đức. Người thủ đắc sự nghiệp vật chất là mối tranh chấp lớn của lòng tham, sẽ dẫn đến tai họa, khổ đau.

Đức Phật buông bỏ tất cả, nhưng Ngài tại thế, những cơ sở vật chất quan trọng nhất đều là của Phật, điển hình là vườn ngự uyển của vua Tần Bà Sa La trở thành Trúc Lâm tịnh xá của Phật, hoặc Kỳ Hoàn tịnh xá của Phật được lát vàng đổi đất. Và Phật Niết bàn cả mấy ngàn năm mà ngôi chùa Phổ Quang này và tất cả ngôi chùa trên thế giới, ai cũng nghĩ là của Phật. Khối Phật ngọc đẹp nhất thế giới cũng khắc thành tượng Phật và Thái Lan có tượng Phật bằng 5 tấn vàng. Có thể khẳng định rằng Phật buông bỏ tất cả, nhưng công đức của Ngài lớn đến độ tồn tại từ nghìn xưa cho đến ngày nay và mãi đến nghìn sau chắc chắn vẫn còn. Đó chính là Chân không diệu hữu.

Chúng sinh vì quá tham lam nên cánh cửa tâm linh bị bít kín mà chỉ mở toang cánh cửa đau khổ; nhưng nếu biết đóng cánh cửa vật chất, mở cánh cửa tâm linh thì công đức sẽ sinh ra rất nhiều.

Tóm lại, bản chất của khổ đau và Niết bàn là một. Nếu vô  minh khởi là sinh tử khổ đau. Chơn như khởi là Niết bàn, Cực lạc. Mong rằng tất cả Phật tử tu hành, từng bước tiến vào thế giới tâm linh cho đến ngày thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.