Bài học từ những con chữ…

Giác Ngộ - Ngày tôi mới bắt đầu học chữ Hán, ông tôi nghiên cứu cách dạy, chỉ vẽ cho tôi có hứng thú học. Bắt đầu học bộ đến ba nét là đã vui rồi, một quyển tự điển Thiều Chửu, có thể bạn không tin là tôi chỉ biết có mấy nét đã bắt đầu học tra tự điển để tìm ra chữ, rồi học nghĩa.

Sau đó khi lên 4 nét là bắt đầu tra chữ, âm và dịch từng câu thành ngữ rồi. Bạn không tin ư, ông tôi đã tìm ra những ví dụ: Thủy trung lao nguyệt (mò trăng đáy nước), tâm khẩu như nhất (nghĩ sao nói vậy), nhất triêu nhất tịch (một sớm một chiều). Bạn viết ra rồi nhìn xem, chữ nào cũng do những bộ từ một đến ba nét kết hợp, bạn thấy đặc biệt không?

POD (7).JPG
Ảnh minh họa - Ảnh: Bảo Thiên

Ông vẫn nhắc rằng chữ Hán thường nói lên tính nhường nhịn. Như chữ Minh 明(sáng) bộ nhật 日(mặt trời) đứng cạnh bộ nguyệt 月(mặt trăng). Nếu viết bằng nhau sẽ mất cân đối, nên mặt trời nhường mặt trăng một chút, mặt trời vốn sáng rồi, nhường mặt trăng một chút lại tăng thêm ánh sáng có mất mát đi đâu. Bài học đơn giản nhưng thật sâu sắc.

Anh có hơn người về nhiều mặt, nhường bạn mình một chút thì sáng tỏ hơn. Nhường nhịn nhau một chút thì cả hai cùng sáng tỏ rõ ràng. Nhân đó ông thường kể thêm một đôi chuyện trong đời sống hàng ngày, giọng vui vui như kể một chuyện vui nào đó. Nghe qua tôi đã thầm hiểu những sơ sót của mình khi đối xử với nhau rồi.

Mỗi lần học qua một bộ mới, ông tôi đều nhắc lại điểm này, thử xem bộ mộc 木(mộc = cây) một mình nó chững chạc, nhưng khi có một chữ mộc nữa đứng cạnh nó thu bớt một bên cánh tay để nhường chỗ cho huynh đệ đứng kề. Một mình nó chỉ là một cây, nó xích qua nhường chỗ cho một cây nữa đứng cạnh, thì nó trở thành rừng 林 (lâm = rừng), nếu thêm một cây nữa thì rậm hơn, và mỗi người đều phải thấp mình một chút mới thể hiện được sức mạnh chung (森sâm= rừng rậm). Mà đâu chỉ bộ mộc với nó, nó mới nhường, ai khác đứng cạnh, cũng được nhường hết. "Ai khác đứng cạnh cũng được nhường hết", bao năm qua, câu nói này còn vẳng bên tai tôi.

Tôi dần yêu mến con chữ vuông vức này, nó nhường nhịn nhau để có thể đứng chung trong một ô vuông, dù nét chữ có nhiều hơi quá tải! Về sau đi tu, tôi có một chút xấu hổ khi chùa mình tăng thêm huynh đệ, chỗ ở chật hẳn ra, vào ra dễ va chạm. Mình tự không biết cách thu gọn lại để hài hòa như một chữ Hán, mới nhìn rối rắm, nhưng vẫn có một trật tự trên dưới hẳn hoi.

Tôi nhớ lúc bắt đầu tập viết, ông bắt viết theo một trật tự, nét nào trước nét nào sau, không nên tập tính tùy tiện.  

Viết mãi sẽ quen tay, khi viết mà không cần suy nghĩ nét nào trước nét nào sau mới có thể viết nhanh được. Sự học sự tu cũng như vậy, khi hành xử không còn nói thầm: ‘điều này nên làm, điều này không nên làm’. Lúc đó mới có thể mỗi hành động ra là một hành động tốt, thuần thục như vậy mới khả dĩ.

Bước đầu phải viết chữ chân phương, không được tự ý viết phăng ra. Sau này giỏi rồi, muốn viết kiểu nào cũng được. Nền tảng phải là chân chính, từ đó những phát khởi về sau trên một nền tảng vững chắc mới có thể lên cao.

Bây giờ tôi đã qua tháng ngày học vỡ lòng, nhưng bài học ngày nào vẫn còn đó. Thỉnh thoảng đi ngang một lớp đang học, nghe tiếng cười, nhìn những gương mặt trẻ hồn nhiền cặm cụi mím môi với những con chữ như ngày tuổi trẻ của chúng tôi.

Chúng tôi ngày nay bằng cấp nhiều hơn, nhưng nhiệt tình, tấm lòng và sự kiên nhẫn hầu như không có lắm. Có những cội cây già cỗi vô danh đứng bên rừng, như một người bên lề nhìn chúng tôi đi. Đôi khi có những người đứng bên lề, nhưng dường như đã đi suốt lộ trình. Còn chúng tôi đang đi trên đại lộ (hay hoạn lộ!), thỉnh thoảng tôi nghe mình thở dài với bước chân vô định.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.