Trưa 23-11, chúng tôi đến chùa Phổ Giác ở cuối phố Ngô Sỹ Liên, quận Đống Đa, và trước mắt là một cảnh tượng vô cùng sửng sốt: Toàn bộ ngôi chùa cổ với nhà Mẫu, chùa chính và nhà Tổ đã bị đập phá hoàn toàn, nền chùa chứa đầy gạch đá ngổn ngang, khuôn viên chùa thành nơi tập kết nguyên vật liệu.
Vết tích còn sót lại của ngôi chùa cũ
Những bức tượng Phật to lớn được bê ra tập kết tạm bợ trước sân của gian nhà Tổ bên cạnh, che tạm bằng mái che. Đồ thờ, tượng nhỏ để ngổn ngang khắp nơi.
Các pho tượng Phật được xếp tạm trước sân
Vị sư trụ trì ngôi chùa, sư thầy Thích Đàm Tường xác nhận, toàn bộ chùa đã được đập bỏ để xây mới. Lễ khởi công vừa được tiến hành vào ngày 16-10 âm lịch (tức ngày 21-11). Chùa mới sẽ được xây dựng trên nền cũ có quy mô lớn hơn nhiều. Sở dĩ phải phá bỏ đi xây lại mới hoàn toàn, là vì chùa cũ đã bị hư hỏng, xuống cấp nặng nề, mái bị dột nặng, trời mưa không có chỗ ngồi tụng kinh. Trong một trận mưa giông, mái ngói đã bị rơi xuống làm nứt mặt pho tượng Phật lớn nhất trong chùa.
Tượng A Di Đà bị nứt
Tìm hiểu về giá trị lịch sử, kiến trúc của ngôi chùa, chúng tôi được biết, Chùa Phổ Giác có gốc tích niên đại vào thời hậu Lê (1770-1774).
Ban đầu, chùa được xây dựng tại phường Phục Cổ (phía Đông hồ Gươm), là một công trình kiến trúc Phật giáo. Năm 1886, thực dân Pháp lấy đất để xây dựng Tòa Đốc lý và Ngân hàng Đông Dương, chùa đã bị dỡ bỏ và được dời tới vị trí hiện nay, ở phố Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa).
Chùa Phổ Giác cũ
Sư thầy Thích Đàm Tường cũng cho biết, ngoài thờ Phật và thờ Mẫu, chùa còn thờ ngài Phan Cảnh Điệp, người có tài huấn luyện voi dưới thời vua Lê - chúa Trịnh. Ông là người Nghệ An, có công huấn luyện voi giúp vua và được phong quận công.
Trong chùa có hệ thống tượng Phật hơn 20 bức, và nét độc đáo là tượng voi chiến, cùng với chân dung Phan Cảnh Điệp và thần phả ghi công tích của ông.
Đặc biệt, tại chùa hiện lưu giữ tấm bia Dương Võ, tương truyền dựng vào tháng 8 năm Canh Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31 với nội dung ghi lại lịch sử binh chủng tượng binh và nghề huấn luyện voi trận.
Tam quan bằng đá
Nét độc đáo nhất về kiến trúc của ngôi chùa là tam quan bằng đá vòm cuốn. Đây là một tam quan đẹp và độc đáo trong số các ngôi chùa cổ của kinh thành Thăng Long xưa. Tam quan không xây dựng cao rộng bề thế mà được ghép lại bởi những hòn đá để mộc tạo thành hình một con sư tử lớn đang há miệng quỳ về phía bắc kinh thành Thăng Long. Các cánh cửa tam quan được ghép bằng những thanh gỗ dài, đẽo tròn lại với nhau mô phỏng hình dáng cây tre. Ngay hai bên cổng tam quan, hai cây si cổ thụ quấn quýt làm nên vẻ đẹp huyền bí thâm trầm và cổ kính cho di tích.
Gỗ mua mới để xây chùa
Chùa Phổ Giác đã qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, các bia dựng năm 1856-1876 còn ghi rõ việc sửa chữa chùa, đôi câu đối ngoài trụ biểu ghi năm Bính Tuất 1886 chùa trùng tu lại tượng Phật, năm Kỷ Sửu 1889, chùa sửa sang lại các bộ phận. Lần trùng tu gần nhất là vào năm 1951, lưu giữ hiện trạng chùa cho đến hiện nay, trước khi bị phá bỏ.
Chùa cũ hiện đã phá sạch toàn bộ, chỉ còn lại cổng tam quan cùng với cây cổ thụ nên nếu đến chùa bây giờ không còn có thể hình dung kiến trúc cũ như thế nào. Theo những tư liệu cũ để lại mà chúng tôi tìm được, thì chùa cũ có nhà tiền đường bảy gian, tường hồi bít đốc, lợp ngói ta, xà bê tông, của bức bàn có chân sóng. Hậu cung nối với tiền đường thành hình chữ “đinh”. Tòa điện Mẫu sáu gian, bốn gian thờ và hai gian tiếp khách. Nhà thờ Tổ cũng có sáu gian, giữa tòa điện Mẫu và nhà thờ tổ là vườn cây ăn quả và các bồn hoa.
Đá xám lấy về từ Ninh Bình để xây chùa
Chùa Phổ Giác đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 2-10-1991.
Quá ngạc nhiên và băn khoăn về việc một ngôi chùa cổ là di tích quốc gia bị đập phá hoàn toàn để xây mới, chúng tôi tìm đến phường Văn Miếu và quận Đống Đa, địa phương trực tiếp quản lý di sản.
(Còn tiếp)