GN - Lâu lắm rồi, người ta quên mất đi cái tên của bà. Đến nỗi khi có ai ở xa đến hỏi, nếu không mô tả cụ thể gia cảnh, chỉ hỏi bà Tâm, thì rất nhiều người xóm Cống lắc đầu. Bởi với họ, những điều bà đã và đang làm hàng ngày không bình thường. Tiếng xì xào từ ngõ này qua nhà khác rồi quen dần. Họ đặt cho bà cái tên không mấy tốt đẹp: “Bà điên xóm Cống”, dù chỉ là gọi vui...
Túp lều mái lá và quây xung quanh vách tôn cũ kỹ nằm sâu hun hút cuối vườn là nơi bà Tâm và người con gái bị tâm thần sống qua ngày. Mẹ hơn 90 tuổi hàng ngày đút cơm và tắm rửa cho con gái đã qua tuổi 60. Hơn 60 năm qua, biết bao đêm bà phải thức trắng vì con, biết bao lần phải lao đao khi con gái lên cơn, bỏ đi hoặc phá phách. Đi từ đầu xóm, đã nghe tiếng cô Vấn, con của bà, la ré, đạp giường ầm ầm suốt cả ngày.
Chưa hết, bước vào căn lều là hai lỗ mũi bị tra tấn ngay bởi mùi nước tiểu và phân người xộc ngay tận óc. Bà Tâm thì đã già yếu, dù rất cố gắng dọn dẹp, rửa ráy nhưng cũng không làm sao hết cái mùi mà người con gái bất hạnh của bà thải ra được. Bà cũng chẳng có tiền để mua những thứ nước xịt hay nước rửa khử mùi. Thì đành cứ để như vậy.
Cái sự khổ của bà Tâm và cô Vấn đã lan ra cả vùng rộng lớn, chứ không chỉ xóm Cống này. Nên có những người thương cảm, lâu lâu lại đem đến vài chục ký gạo, thùng mì tôm hay quà bánh để hai mẹ con bà dùng tạm. Thật ra bà cũng già quá rồi, ăn uống có bao nhiêu đâu. Chỉ lo cho con gái, vì bị tâm thần nên ăn uống cứ như đứa con nít. Mà bà thì không còn sức để làm ra tiền, ra gạo nữa. Nhiều khi bà nghĩ nếu không có sự thương xót của những người có tâm thiện trong xóm cũng như các nơi khác, không biết rồi bà và con gái ra sao.
Có những đêm bà bị mệt, ngất lịm đi, may mà lúc ấy kịp có hàng xóm đến thăm, chở đi bệnh viện cấp cứu. Rồi có khi nằm cả tuần ở bệnh viện tỉnh, cũng là mấy người hàng xóm thay nhau cơm nước, chăm sóc cho bà. Rồi bà con lại đến lo cơm nước, chăm sóc cho cô Vấn thay bà nữa. Ơn ấy, chắc bà mang theo mãi, kể cả khi chết đi.
Để đi được vào căn lều bà Tâm và cô Vấn đang lay lắt sống, người ta phải vào ngõ một ngôi nhà 3 tầng khang trang, len qua một con hẻm đất chật hẹp, sâu vào bên trong, ngoằn ngoèo dẫn ra góc vườn. Ngang qua ngôi nhà ấy, không khó để nhận ra nội thất và tiện nghi trong nhà hết sức sang trọng. Trong một khu vườn và hai nơi ở quá đối lập nhau, khiến không ít người tò mò, thắc mắc. Hầu như nhận định ban đầu của tất cả mọi người vào thăm bà Tâm là bà ở nhờ trên mảnh đất của chủ nhà có căn hộ sang trọng kia. Nhưng khi hỏi ra, ai cũng sẽ bật ngửa người. Nhà ấy là của con trai bà, tên Hưng. Và mảnh vườn này là cả đời bà làm lụng, gìn giữ, để lại và cho người con trai một miếng làm nhà. Đó cũng là cái lý do chính để người đời cho bà Tâm là một bà điên.
Chồng mất sớm, bà Tâm một mình lặn lội làng trên xóm dưới làm thuê làm mướn nuôi hai con qua ngày. Đến mùa đến vụ thì bà quay về với mảnh vườn, miếng ruộng để làm thêm hạt lúa, củ khoai. Đã khổ, trời lại chẳng thương khi hành bà phải khốn đốn với đứa con gái bị tâm thần. Đi làm đồng hoặc làm thuê, có khi bà phải gửi con gái cho hàng xóm trông, có khi phải xích lại, dù lòng bà không muốn chút nào.
Mỗi trưa, mỗi tối về thấy con tự cào cấu mình, tự đâm đầu vào cột nhà đến chảy máu ròng ròng, bà chỉ biết khóc, ôm con vào lòng. Cay đắng hơn, một ngày cách đây khoảng 40 năm, trong lúc lên cơn điên dại, cô Vấn đã đốt đi căn nhà của mẹ con bà sống. May mà hàng xóm lao được vào lửa cứu cô ra. Từ đó, căn lều góc vườn là nơi sinh sống của 3 mẹ con. Bà Tâm cũng chẳng có tiền để làm lại căn nhà mới...
*
Chiều buông xuống, làn sương mờ giăng đầy xóm Cống. Ăn và đút cơm cho con gái ăn xong sớm, bà nghỉ một chút, trước khi lên chùa kịp buổi tụng kinh tối. Lệ ấy, bà đã duy trì được 10 năm qua, và thấy lòng bình yên hơn, bớt xót xa hơn. Giờ, ra ngồi trước căn lều, nhìn đàn muỗi vo ve bay quanh quanh rồi xộc thẳng vào lều, bà Tâm thở mạnh ra từng đợt. Trong ấy có lẽ là chỗ lý tưởng để lũ muỗi trú ngụ qua đêm chăng.
Lúc nãy, bồng con gái tắm, nhấc lên không nổi, bà Tâm trượt chân ngã xuống nền nhà, nằm hồi lâu mới tỉnh dậy được. Bà chỉ còn da bọc xương. Cô con gái bà, dù đã qua 60 nhưng cơ thể vẫn rất to lớn. Mỗi lần dìu con, tắm rửa cho con hay cản con gái không đập phá là cả một cực hình với bà. Và cái mệt lại đến. Bà thấy mình yếu thật rồi. Cái tuổi 90 không cho phép bà làm lụng từ đồng trên qua xóm dưới, không cho bà sức để vực con gái dậy dễ dàng như hồi trước nữa. Bà cứ sợ mình chết, con gái sẽ ra sao khi không ai chăm sóc.
Hàng xóm cứ bảo bà điên thật. Nếu họ, từng tuổi này, họ làm đơn đưa cô Vấn vào trại tâm thần là xong. Chính quyền sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi. Đã già yếu lại còn đeo thêm một cục thịt tâm thần di động, sao không khổ cho được. Nghe nhiều, bà Tâm cũng chạnh lòng, nhưng không làm thế được...
Rồi bà nghĩ đến thằng con trai tội nghiệp của mình - ông Hưng. Người đời nhìn vào, ai cũng chửi rủa nó, thậm chí họ còn nhổ nước miếng khi nó đi ngang qua. Nhưng bà, với lòng một người mẹ từng mang nặng đẻ đau, chăm lo cho con trai từng muỗng cháo khi đau ốm, bà thương con nhiều hơn giận.
Cha mất sớm, khi tụi nhỏ trong xóm cùng tuổi đa phần đều cắp sách tới trường thì nó phải cùng bà đi làm thuê làm mướn để có miếng ăn, có áo quần mặc. Nó siêng lắm. Quần quật mãi rồi 36 tuổi mới kiếm được vợ.
Khi hai vợ chồng nó đám cưới, bà cho ngay nó một miếng đất phía trước vườn, gần đường lộ để ở riêng. Gặp con vợ cũng siêng năng cày cuốc, nên sau mấy năm cũng có được một ngôi nhà nhỏ nhỏ. Rồi nó sinh một trai một gái cũng khá bụ bẫm. Lòng mẹ còn gì vui hơn khi thấy con trai hạnh phúc, đủ ăn, con cái thì đủ cả nếp lẫn tẻ. Với bà, đó là chút phúc mà Trời không lấy nốt.
Trong ký ức bà còn hiện nguyên dạng những ngày cũ. Lúc ấy cậu con trai tên Hưng của bà là một thanh niên mới mười chín đôi mươi. Vốn thấy nhà khổ, nó lặn lội đi làm thuê để phụ giúp mẹ, giúp chị. Có dạo nó vào tận miền Nam làm thợ, mỗi tháng gửi về cho bà cả triệu đồng, bảo mẹ mua đồ ăn và sắm sửa. Thương con, bà đâu có tiêu vào số tiền đó, cứ cất dồn lại. Đến lúc nó về, Tết, bà lại đem ra, coi như cất giùm con. Năm sau, nó không gửi tiền nữa mà lâu lâu lại gửi quần áo, giày dép, chăn màn về cho mẹ, cho chị. Mỗi lần nhớ đến những ngày tháng ấy, bà lại mỉm cười hạnh phúc. Nhưng thoáng ấy trôi qua quá nhanh, giờ chỉ còn là ký ức đẹp về đứa con trai mà dù sao đi nữa bà cũng thương vô cùng...
Nói thì nói vậy, cũng có những đêm bà nằm khóc, vì giận con trai không thương mẹ, không thương chị tật nguyền. Từ ngày có vợ, có nhà ở riêng, con trai bà như thành một người khác hoàn toàn. Cách đây mấy năm, khi hoàn cảnh của bà và cô Vấn được các nhóm từ thiện, đài truyền hình biết đến, rất nhiều tấm lòng đã ủng hộ tiền cho bà. Tin con trai, và cũng nghĩ một bà già và một người tâm thần giữ tiền làm gì, nên bà đều nhờ con trai nhận cất giùm. Không đưa lấy cho mẹ và chị một đồng nào, ông Hưng lại xây lên cái nhà 3 tầng khang trang nhất xóm.
Làm nhà xong, con trai lại xây tường rào, bít lối đi vào căn lều mẹ và chị mình đang sống, chỉ chừa lại một con đường đất nhỏ xíu mà khi muốn đi vào, phải chui qua cái ngõ nhà ông. Nhiều người độc miệng chửi rằng hạng bất nhân như thế trước sau gì cũng bị trời đánh. Bà Tâm nghe được, chậc lưỡi rồi nói đỡ cho con.
Bà bảo bà và cô Vấn muốn ở riêng cho thoải mái, hàng tháng vợ chồng con trai vẫn lo tiền và gạo, lâu lâu còn đem đồ ăn ngon ra cho. Rồi bà nói thôi nó khổ nhiều rồi, giờ coi như mình hy sinh chút để nó sướng cũng không sao. Con mình, cháu mình chứ phải người dưng đâu... Bà nói thì nói vậy, chứ ai mà không biết ông con trai của bà có bao giờ đem cho mẹ và chị hạt cơm nào đâu. Cả con cái, vợ chồng ông ấy cũng cấm cản, không cho ra chơi với bà nội và cô ruột. Thất đức đến thế là cùng...
*
Tiếng chuông chùa chầm chậm ngân khi bà Tâm vừa bước đến đây như mọi đêm. Và, cũng như nhiều đêm khác, trước giờ tụng kinh, bà quỳ trước chánh điện, thành tâm khẩn cầu, xin chư Phật gia hộ cho bà không tật bệnh để đừng chết trước đứa con gái bất hạnh. Rồi, bà cũng dập đầu xin trời Phật đừng trách phạt đứa con trai của bà. Bao nhiêu tội, bà xin gánh thế cho con hết; bao nhiêu khổ bà cũng chịu được, quen rồi...