Quang lâm chứng minh và tham dự lễ an vị tôn tượng có Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Ban Giám luật, Hội đồng Chứng minh GHPGVN; chư vị Phó Pháp chủ: Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh, Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty; chư vị Trưởng lão Ủy viên Thường trực, Thành viên Hội đồng Chứng minh; chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự tỉnh Tây Ninh cùng các tỉnh thành lân cận, chư tôn đức Tăng Ni các nơi đồng tham dự.
Chư vị giáo phẩm tham dự |
Buổi lễ còn có sự hiện diện của quý vị lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và các tỉnh thành lân cận; quý vị lãnh đạo Tập đoàn Sungroup.
Mở đầu buổi lễ, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sungroup, đơn vị có vai trò chủ chốt trong việc kiến tạo tôn tượng Bồ-tát Di Lặc trên đỉnh núi Bà Đen đã có lời chào mừng đầy hoan hỷ, trân trọng đến chư vị Trưởng lão, chư tôn đức Tăng Ni cùng toàn thể quý quan khách. Đồng thời, nêu bật ý nghĩa của bảo tượng Bồ-tát Di Lặc trên đỉnh núi Bà Đen, nơi được mệnh danh là nóc nhà Nam bộ, ngọn núi thiêng liêng trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh việc tạo dựng một công trình tâm linh mang tầm vóc lớn lao, cầu nguyện cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, công trình còn phần nào hướng tới mục tiêu lan tỏa giá trị của khu danh thắng núi Bà Đen.
Hòa thượng Thích Lệ Trang sái tịnh đàn tràng |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá việc tạo dựng quần thể tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn và tượng Bồ-tát Di Lặc tại núi Bà Đen làm phong phú thêm giá trị văn hóa, tâm linh cho địa điểm mang tính thiêng liêng này, cũng như đóng góp cho sự phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh. Từ đó, góp phần tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa tại địa phương.
Đạo từ tại buổi lễ, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh tán thán công đức của Tập đoàn Sungroup cũng như Ban Quản trị Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen đã kiến thiết nên một trình tâm linh và văn hóa có tầm vóc lớn lao, tạo nên một nơi hội tụ về tâm linh đối với Phật tử nói riêng, đồng bào khắp nơi nói chung.
Phần nghi lễ tâm linh được cử hành theo nghi thức truyền thống Phật giáo miền Nam và miền Bắc. Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương đương vi sám chủ, cử hành nghi thức sái tịnh, an vị bảo tượng Bồ-tát Di Lặc theo nghi lễ Phật giáo miền Nam. Tiếp đó, Hòa thượng Thích Đức Tuấn cùng Ban Kinh sư cử hành lễ hô thần nhập tượng theo truyền thống Phật giáo miền Bắc.
Hòa thượng Thích Đức Tuấn hành lễ thỉnh Phật quan giáng theo nghi lễ miền Bắc |
Tôn tượng Đức Di Lặc tọa lạc tại độ cao 900m trên đỉnh núi Bà Đen, với chiều cao 36m, nặng 5.112 tấn, được ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang. Tôn tượng Đức Di Lặc tại núi Bà Đen là pho tượng Đức Di Lặc bằng đá sa thạch lớn bậc nhất thế giới, so với những pho tượng Bồ-tát Di Lặc lớn nhất trên thế giới được kiến tạo từ đá, cả về chiều cao và trọng lượng.
Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ:
Đàn tràng của buổi lễ an vị được thiết trí trang nghiêm |
Cung nghinh chư tôn đức quang lâm |
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương đương vi Sám chủ buổi lễ an vị |
Niệm Phật cầu gia bị |
Buổi lễ được cử hành vào thời khắc thiêng liêng giao hòa giữa ngày và đêm |
Với sự hiện diện và hiệp lực cầu nguyện của chư tôn đức Tăng Ni các nơi |
Lẵng hoa chúc mừng của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tây Ninh |
Hòa thượng Thích Lệ Trang cử hành nghi thức an vị tôn tượng |
Nghi thức an vị theo nghi lễ truyền thống Phật giáo miền Nam |
Cử nhành dương sái tịnh |
Với ý nghĩa tẩy sạch cấu trần, dứt trừ tai chướng, tịnh hóa không gian |
Sau khóa lễ an vị là lễ hô thần nhập tượng theo nghi lễ Phật giáo miền Bắc |
Chư Tăng hiệp tâm cầu nguyện |
Hơn 20.000 ngọn hoa đăng cầu nguyện cũng được đồng loạt thắp lên tại không gian trước tôn tượng Bồ-tát Di Lặc ngay sau lễ an vị |