Cuối cùng, sau bao lần lầm thầm mơ ước một mình, nhiều lần ấp úng bâng quơ, nhiều phen nói rõ to cái điều mong muốn được ăn Tết ở nhà sau mấy mươi năm xa Huế, chồng tôi đồng ý gật đầu, Mai Lan cũng gật gật cái đầu be bé, cười tí toe cho mạ đi, và tôi khăn gói về quê Ăn Tết.
Khi kéo chiếc va li ra khỏi phi trường Phú Bài, lòng tôi hớn hở, tim tôi nhảy thót, tai tôi nghe loảng xoảng cái „bồng binh dồn „nhớ Tết quê hương“ đang vỡ vụn dưới chân… Mỗi bước là mỗi huy hoàng xua bóng tối, cái tâm bệnh nhớ Tết quê hương sẽ thôi không còn lộng hành dằn vặt người xa quê mô nữa, có nghe bước chân… ta về…
Tôi đang về đây, đến đó… gấp bước mà đi… vì tôi đang…về..“về nhà“… với một nỗi hăm hở chưa từng, hăm hở sẽ ngốn ngấu hết những điều mà trong cơn mơ nhớ nhà nhớ Tết đã mấy mươi năm lận đận không nguôi…
27 Tết! Tuy đã muộn nhưng vẫn còn kịp chán thì giờ để làm mứt. Trái mứt me chạy hàng đầu trong trí nhớ. Thuở học trò thích ăn chua! Mứt me! Ơi me dầm chua chua ngọt ngọt thèm chảy nước miếng. Còn nhớ ngày nào chị tôi bắt tôi ngồi cạo lớp vỏ me nâu nơi sân mà tôi nhất định trốn vào một góc để đọc cho xong cuốn tiểu thuyết Nhất Linh, khi ngẩng đầu lên được là chỉ biết há hốc mồm trầm trồ thẩu mứt của chị khéo làm sao!
28 Tết… Ta hãy làm mứt bí đao như mẹ ngày nào. Mẹ làm mứt bí đao trắng trong như miếng ngọc thạch được bà khen hoài mỗi năm ngày mồng Một Tết. Ai đã thử cắn miếng mứt bí đao chưa nhỉ? Tôi thì sợ nó vì nó vừa quá đẹp vừa quá ngọt! Nói ra thì Bà với Mẹ chê ngu, ngon rứa mà sợ!
Tôi thì tôi chỉ thích nhất bánh măng, thơm mùi măng thiên nhiên, hầu như đang tuyệt gốc vì khó làm, nhưng tại sao không làm lần này? Lại còn bao nhiêu thứ bánh Huế: bánh mận, bánh sen tán, bánh phục linh, bánh su sê, bánh ít đen…Năm nay „đơm quả bồng“ giao thừa và cúng ông bà đầu năm phải lộng lẫy cao ngất hơn năm nào! – Còn nhớ các bác gái trổ tài trên nhà thờ họ ở gần chùa Linh Mụ - rực rỡ làm sao những quả bồng chưng ngày tết!
Còn dư ngày 29 Tết, dành cho việc chuẩn bị gói bánh chưng bánh tét, chơ chi nữa! Ngâm nếp, ngâm đậu, đặt thịt heo tươi, bẻ lá…Còn nhớ thời xưa, ngày cuối năm mẹ bảo các anh đạp xe lên vườn nhà thờ xin mệ lá dong, lá chuối, lá dừa. Thế là cả bọn rủ nhau đua xe đạp trong gió lạnh, qua cầu Gia Hội, qua Phú Văn lâu, chợ Kim Long, vừa đạp vừa cười dòn hơn bắp rang!
A! tôi sắp sửa chui người vào… trong một cái Tết thật sự ở nhà!
Khi cô nhân viên cắt miếng giấy hành lý trước khi ra cửa, mắt tôi rực ánh lửa đêm Giao thừa nấu bánh sắp tới, chấp chóa cả cái khung cửa ra sân bay, làm chao đảo mắt nhìn. Tôi giao cái va li vào tay anh cả, người lạng đi như say.
Nắng Phú bài vẫn như độ nào, vừa hanh hanh bóng núi, vừa lộng gió đồng quê…hơi nóng bất thần phả vào mặt, bóp nghẽn con tim, ngưng máu trong nửa giây, hoa hoa mắt, cơ thể chớp nhoáng như rơi tòm vào một lỗ hổng, rồi vùng lên hối hả…
Vẫn như thế mỗi khi bước chân trên nền ga Phú bài…cái cảm giác tê người trong nắng… nhớ ấy. Và tiếng rù máy rè rè của chiếc landrover cũ kỹ…Anh tôi mĩm cười trong khi mày mò vặn chìa khóa xe, tìm cho được điểm chạm đã mòn của động cơ. Chiếc xe chồm lên đột ngột rồi lúc lắc chạy như người đi cà nhắc. Tôi níu tay nơi khung xe, nhìn sang anh, vẻ trầm tĩnh hiền hòa của anh, chẳng bốc một tí ti gì hơi Tết, pha nguội phần nào cái nóng bếp lửa Giao thừa đang hừng hực trong tôi…
Dần dà từng chặn, qua luống đồng ngập nước loang loáng bóng núi chạy ngược về Nam, cho đến khi đến nhà thì…cái bếp lửa hầu như tắt ngấm…theo với cái bếp ga lạnh tanh trong nhà. Một nỗi hiu quạnh nào đó xông lên đột ngột len vào người, mặc cho buổi tái ngộ anh em làm vui lòng không nhỏ, nhưng ngó quanh thì thật là đơn chiếc.
Căn nhà rộng, vắng người, trẻ không có, người già…cũng không, (tôi vẫn xếp anh tôi thuộc thế hệ trẻ…có lẽ để mình cũng đừng già theo), nếu có mẹ ngồi cạnh bà nơi sập gỗ, thì căn nhà chắc đã rộn ràng tiếng chào hỏi…
Ðêm nằm ngủ nghe lạnh một bên lưng.
Sáng sớm thức giấc, tôi gọi điện cho con: „Bé ơi, mạ đã đến Huế rồi! Ui chao nhà vắng quá! E cái tết ni mạ ăn một mình con nờ, vì ai cũng bận rộn lo Tết cho gia đình riêng cả. Tết ở Muenchen coai rứa mà e vui hơn con ơi!“
Tôi nghe đứa con cười nhỏ nhỏ bên kia. Hắn hay thương hại „người Mạ“ nớ vì những chuyện loay hoay, có những cơn nhớ nhà ray rứt lạ lùng mà hắn không có, hắn cũng thương Huế từ khi lọt lòng, nhưng không bị dằn co giữa hai đầu múi Huế - Muenchen vô ích như rứa.
„Rứa thì đáng kiếp Mạ rồi! Ai biểu mạ đoài về! Chừ lại kêu chắc ăn tết buồn xo!“. Giọng Huế của Bé rặc giọng bà ngoại xưa, nghe như có lẫn tiếng mắng của Mạ ngày nào! Nhưng tiếp theo, đứa con từ tâm an ủi, biết chia lòng với mẹ „Thôi mạ cứ ăn Tết cho vui chơ“, vì hắn biết rõ tính của người Mạ ni không chịu thua hoàn cảnh. Hắn còn tiên tri „Không can chi mô, rứa rồi Tết hắn vui cho Mạ coai. Mạ đừng buồn. Vài bữa về đây Mạ lại nhớ cái tết ni cho mà coai!“
Hắn cười biết nói đúng tim đen „Con thương Mạ hí!“ Tôi cũng cười, một nửa miệng bên kia gần như mếu. Tôi muốn chạy về ôm con…
Nói cho đúng, ngoài đường người ta đi sắm Tết xôn xao. Huế rộn rịp thấy rõ trên các nẻo đường. Nào chợ hoa, chợ trái cây, hàng mứt hàng bánh, muôn sắc tưng bừng, dù cát bụi nghèo nàn của trận lụt vừa qua vẫn còn quấn chân. Người đi đông nghịt, xe honda chạy rào rào. Tất bật – stress cho Lễ Tết thấy rõ nơi từng dáng đi. Ấy vậy mà quay lưng vào nhà, tôi cảm nghe nỗi bất lực chạy trên sống lưng, tôi biết, cái chương trình ăn tết đồ sộ trong đầu của tôi đang xìu như cái bong bóng.
Còn lại ba anh em – 2/3 người thân nay tản mác nơi những góc trời Âu Mỹ, kẻ đi người ở, có người đã về với đất - chụm lại với nhau trong buổi cơm nơi căn nhà rộng, chúng tôi bàn chuyện ăn Tết và chia công. Chưa có buổi chia công nào đơn giản hơn: ba đứa thì mỗi đứa lo một nhà: anh cả nhà thờ họ, em tôi nhà thờ ba mẹ, còn tôi lo bàn thờ giao thừa trong nhà đang ở.
Chia rứa là biết: đêm Giao thừa là mỗi đứa một nơi, hết cái cảnh tụm đầu vào nhau đêm ba mươi Tết ngồi canh nồi bánh kể chuyện ma như thuở nào thơ ấu! Vì bàn thờ nào cũng cần có hương khói, cúng thổ thần đất đai, các vong linh tổ tiên, người khuất mặt nơi mỗi nhà, nếu không có mặt thì thôi, có mặt là có bổn phận phải lo trong giờ phút linh thiêng bắt đầu năm mới.
Tôi là người đã từng điều khiển, không phải „ba quân“ mà nhiều lần „ba buổi“ Tết ở tha phương. Cũng đã từng dựng lều dựng rạp, làm cây nêu, chưng mai (giả hiệu!), chưng hồng, gầy thủy tiên, hì hục gói bánh chưng bánh tét, viết câu đối dán lên khung sân khấu làm cổng làng đón xuân, làm thơ ông táo chầu trời, nấu những buổi cỗ thịnh soạn cho con cháu và bạn bè đến thưởng thức hương vị Tết theo đúng những hoài niệm đã có về những cái tết trong thời thiếu niên.
Nhưng khi nghe chia công việc hôm 27 Tết, nhìn căn nhà xưa trống trải với những cái cột gỗ đen gầy guộc âm thầm, cái bếp ga lạnh lùng, xa lạ, tôi biết mình không thể nào huy động „phép thần“ để biến những ngày tết hôm nay thành những ngày Tết hôm qua.
Nhìn quanh, cái chi cũng thiếu - thiếu tiếng cười trẻ thơ, thiếu tiếng guốc khua rộn ràng từ nhà dưới lên nhà trên của bà, của mẹ, của chị, thiếu tiếng la rầy chỉ vẻ của Mệ nội, thiếu tiếng trò chuyện của mấy cô mấy bác về những món ăn đang nấu, thiếu tiếng khóc đòi của mấy đứa cháu chắt đang chập chững đi, thiếu bồn chồn chờ áo mới, … thiếu hết những thứ ấy thì nỗi hồi hộp chờ Tết không còn…và Tết còn chi là Tết nữa?
Thật tình, nếu muốn „kêu gọi“ các anh em bà con thì cũng có thể bày biện tổ chức kiểu hội hè đình đám ăn Tết như ở các khách sạn nơi nơi đang rộ quảng cáo. Có tiền mua tiên cũng được huống hồ là sắm Tết. Ấy thế mà không dễ! Dịp thường thì may ra, dịp Tết thì kẹt. Năm hết tết tới ai cũng lo mua mua sắm sắm, chẳngcó ai rảnh rỗi. Người nào cũng búi việc cho gia đình. Có lòng nghe tôi về thì cũng tạt qua vài giờ, ai cũng hẹn chị: „sau Tết nghe!“. Thật xa vời cái chữ „sau“ ấy!
Mà muốn làm mứt làm bánh nào phải dễ, nồi niêu song chảo thất lạc tứ táng mỗi nhà, bếp núc không quen…vật liệu phải mua sắm từ lâu.
Chợ Ðông Ba cái chi cũng có mà mình đi vô chợ thì cứ luớ quớ như chơi trò „vuốt hột nổ, đổ bánh bèo, xao xác vạc kêu, nồi đồng, vung méo…“.
Chừ đây 28 Tết, cái chi cũng chưa chi cái gì!!!
Tôi rảo một vòng chợ Ðông Ba xem hàng Tết. Thôi thì thiên hô vạn hát: những núi mứt trên các thúng chưng bày, không thiếu loại mứt gì, bánh thì cũng trăm thứ, người chen không lọt. Gạo, nếp, bột đường không thiếu. Nào ai có thì giờ để tự làm? Mua là mau nhất!
Tôi đi qua hàng hoa quả. Năm nay quýt thật nhiều, mãn cầu cũng lắm, từ Bắc vô từ Nam ra, thanh long tươi rói từ Phan Rang, đu đủ từ vùng quê, xoài từ Nam Bộ, Thái lan, dưa hấu lại đủ màu vàng đỏ rất chi là…thời trang.
Tôi thích nhất từ thuở bé những trái quýt nhỏ có lá xanh trên những chiếc thúng nhà quê, vị ngọt thanh quýt Hương Cần. Thuở đó có được một trái quýt Hương Cần vỏ xanh ướm vàng là như có của báu. Như bù vào những hiếm hoi thơ dại, tôi mua một lần 5 ký quýt về đơm bàn thờ! Chẳng giống ai, lôi thôi cái kiểu „quýt làm cam chịu“ vào ba bữa Tết như tôi!
Còn chuối, thì eo ơi! Càng gần ngày tết, chuối leo thang cao ngất, còn nhanh hơn ông Táo lên trời! Nhất là chuối cau, chuối mật. Ðến ngày 30 Tết, một nải chuối vẻn vẹn 10 trái đến sáu chục, 1 trăm ngàn, ngày thường 5, 7 ngàn chơ mấy! Giá ni thì chỉ có cán bộ xịn mới kham nỗi…còn người nghèo thì oằn cổ. Cô em họ tôi lắc đầu thè luỡi bảo.
Người Huế không đơm quả bồng với chuối bà lùn, nên nhớ!
Chuối „cau“ đọc theo kiểu Huế hay kiểu Quảng trật bét thành ra cao, „cao“ …quí …sang… chắc, còn „mật“ là ngọt ngào, trù phú. Câu nguyện đầu năm trên bàn thờ ông bà nằm nơi nải chuối, cũng như cầu dừa đủ xoài và hấu, ngũ quả trong Nam. Ở bên tây thì chỉ có chuối bà lùn…quanh năm! Mà nào có thấy ông bà rầy la, tụi trẻ con thì lớn phồng như cây nêu, có đứa mô bị lún bị lùn mô!.
Tổng kết buổi đi chợ quẩn quanh 28 tết là cái bếp ga nhà tôi được huy động triệt để vì tôi quyết định làm mứt. Mứt me? Cô em can chị. Mứt bí? Ui chao, hắn quày quâỵ lắc đầu, làm răng được, thì giờ mô? Thôi thì mứt gừng!
Chi thì chi cũng phải có một món mứt tự làm trong ngày Tết, để…có chuyện Ăn Tết Huế mà kể cho Mai Lan nghe trong điện thoại như chuyện đời xưa. Cô em họ đã nhanh nhẩu giúp tôi đem gừng đi xắt thành lát mỏng, mua đường, mua chanh. Luộc gừng, xả gừng, ngào đường với gừng, mà phải để lửa riu riu, mới khó với bếp ga! Không như bếp củi có thể ủ tro đều.
Lâu quá mới được thấy nhánh gừng uốn luợn với chồi lá, thơm ấm cả lồng ngực khi chúi mũi vào đám rễ vàng mọng nhựa đất. Cô em thấy tôi lễ mễ, ráng thêm một chút thời gian, trong lúc chân cẳng chỉ muốn chạy vì còn khối việc phải làm. Ui chao nói dễ mà làm thì khó. Lọ lem, cô Tấm đâu??? Khi đường tan thì cô em biến mất để tôi lại với chảo mứt gừng còn ướt nhèm nhẹp. Cầm hai cái đũa bếp to tướng, tôi nghĩ chẳng bao giờ chảo gừng sẽ khô..
Đưa cả cái mặt hơ trên hương gừng bốc lên, mới nhớ mạ và chị làm sao! Những bàn tay khéo léo ấy nay đã tan biến trong đất. Hơi gừng cay làm nhoè mắt, nhấp nháy giọt nhớ giọt thương. Mạ ơi! Chị ơi, có về ăn Tết với em không?. Tôi nói chuyện với từng lát mứt gừng vàng óng trong chảo, tưởng như đang nói với từng gương mặt người thân, những người đã ăn tết với tôi năm não năm nao. Những tiếng cười quanh bàn bài vụ, những con trâu xanh, voi trắng, heo đen ngựa đỏ một thời làm mê đến vào trong giấc ngủ. Những tiếng hô „Con Ầm“ „Con Ngủ Trưa“ nơi sòng bài Tới với các bà O ăn trầu miệng đỏ, lúm đồng tiền sâu khi bị ăn gian „mẹ cha mi ăn gian bài bà cô“ cùng tiếng cười ngặt nghẽo của lũ cháu. Tiếng reo đổ xâm hường được Trạng như quanh quất đâu đây. Mỏi tay trở mứt, lại nhớ chị ngồi canh hai ba chảo mứt ngày nào, tóc dài theo với giấc mộng con gái một sáng mùa xuân…Còn tôi, tên trốn bếp, thu mình với cuốn sách ngồi trong góc tối nhìn ra thấy chị ôm luôn chảo mứt của đứa em, với đôi mắt bồ câu đen láy hiền thục mà thương ơi là thương!
Thế rồi như được phép mầu Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, mạ và chị đã đẩy lửa, đẩy tay tôi riu riu rim mứt. Chảo mứt gừng của tôi đến hồi cũng ráo đường. Tuy không đẹp bằng mứt gừng mẹ và chị làm, lát gừng cong cong không thẳng thớm, nhưng tinh khiết, không bị chất tẩy hóa học, ăn vào thật đúng là gừng Huế, vừa cay vừa thơm mùi gừng làm ấm thêm chén trà đầu năm.
Còn gói bánh chưng bánh tét thì…thôi, xin giã từ vũ khí! Thay vì nấu bánh, tôi nảy ra ý bắt chước bà tôi, thường có lệ cuối năm tặng cho bà con nghèo, hàng xóm láng giềng và chùa chiền nếp, đậu (bánh chay) và thịt (bánh mặn) để mỗi nơi có thể gói bánh tét cúng đầu năm. Khi gửi quà đi, tôi bỗng bằng lòng với „sáng kiến“ ấy và vui với hình ảnh cái bếp Giao thừa của tôi tiếp tục ngời lửa nơi mấy mươi cái bếp ở trên thôn dưới biển trong đêm ba mươi, còn tôi thì…“tập vồng vông tay không tay có…
30 Tết, anh tôi đem về một cành đào chưng ở phòng khách. Tôi nhìn cành đào với một con mắt, con mắt bên kia bỗng hiện lên cành mai vàng một thời đã xa. Năm nay trời lạnh sớm, mai không chịu nở, nên người ta chưng đào. Nhìn tôi, anh bảo, trên nhà thờ Linh Mụ anh chưng mai, dưới phố chưng đào cũng được, năm nay mai vừa hiếm vừa không đẹp, mà đầu năm không chịu nở thì …xui cho mình. Anh nói như hù doạ đứa em đang tụng trong lòng bài kinh Ăn Tết.
Tôi biết anh nói an ủi, nhưng có điều anh không biết là từ hôm về nhà, tôi đã bỏ dần những ước lệ "ăn Tết" trong tôi, chỉ làm những gì cần làm nhất.
Buổi trưa cô em họ dẹp mâm quýt của tôi, vừa dẹp vừa bảo, ngày tết cúng ngũ quả chị nờ. Cô sắp mâm ngũ quả cho hợp qui lễ ngày Tết. Hương đèn, giấy tiền, giấy bạc, áo binh, hột nổ cũng đã được bày biện. Cũng thấy Tết ra phết! Cô đứng lên, đội mũ mặc áo. Anh tôi chần chừ. Tôi biết giờ hoàng đạo sắp đến, năm mới bước tới trong từng giây.
Tiễn cô em và anh tôi là người cuối cùng ra cửa, gió lạnh đêm trừ tịch ùa đến, làm sởn gai da thịt. Bỗng thấy trơ trọi vô biên, chợt như hiện thân chiếc bóng mình đang đứng trên ngọn đồi đã thẫm đen một buổi chiều cuối năm đợi xe về nhà trọ. Năm Tết đầu tiên xa Huế, xa nhà, gió buốt thốc từng cơn lạnh lòng nhớ nhà nhớ mẹ.
Hôm nay được ở Huế,- ở nhà- mà sao lạ, tôi nhớ quá cánh tay mềm ấm choàng qua vai của đứa con ở... nhà... bên kia!