Ấn Độ - Những ngày đông rực nắng - Phần 3

Chiều muộn ở Kushinagar, tôi lang thang trong chùa Linh Sơn, khuôn viên chùa cũng rộng lớn và đẹp nhưng tôi có một điều hơi băn khoăn là ở cổng chính của chùa không có bảng hiệu tiếng Việt, chỉ có ở trước gian chánh điện mà thôi.

Từ chùa Linh Sơn, tôi đi lòng vòng viếng thăm chùa Myamar Mahasukhamdadachan vàng rực hoành tráng, điện thờ Tibet bé nhỏ do Đức Dalai Latma của Phật giáo Tây Tạng xây dựng,… trước khi hòa vào dòng người thành kính đi khấn nguyện vòng quanh chùa Mahaparinirvana, nơi có bức tượng Đức Phật từ TK V, mô phỏng tư thế lúc Ngài nhập Niết bàn. Phía sau chùa là 1 stupa lớn, mà mô hình của ngôi chùa và stupa này đã được thu nhỏ và được xây dựng ở nhiều ngôi chùa khác mà tôi đã được gặp về sau. Xung quanh chùa là những di tích của thời huy hoàng ngày xưa, giờ cũng là nơi tu tập của rất nhiều sư tăng trên toàn thế giới. Cạnh ngôi chùa này, có 1 chiếc chuông lớn, do Đức Dalai Latma và cộng đồng người Tibet dâng tặng.

Chùa Linh Sơn nhìn từ bên ngoài - không thấy tiếng Việt
Chùa Linh Sơn nhìn từ bên ngoài - không thấy tiếng Việt
Chỉ thấy tiếng Việt trước chánh điện
Chỉ thấy tiếng Việt trước chánh điện

Các chùa khác trên đường lang thang chiều Kushinagar

Chùa Myanmar rực rỡ trong chiều xám
Chùa Myanmar rực rỡ trong chiều xám
Điện thờ của Phật giáo Tây Tạng, tấm bảng nhỏ ở góc phải nói rằng do Đức Dalai Lama đóng góp năm 1981
Điện thờ của Phật giáo Tây Tạng, tấm bảng nhỏ ở góc phải nói rằng do Đức Dalai Lama đóng góp năm 1981
“Tu viện Liên Hiệp Quốc” Japan - Sri Lanka trong chiều muộn
“Tu viện Liên Hiệp Quốc” Japan - Sri Lanka trong chiều muộn

Vì chiều quê đã sẫm màu, tôi tranh thủ rảo bước ra trước chùa và đi tiếp. Có những ngôi chùa nhỏ khác nữa trên đường nhưng không có tên tiếng Anh nên tôi cũng không rành lắm. Đi tiếp nữa, gặp tu viện của Japan - Sri Lanka, chẳng hiểu sao 2 quốc gia này giờ lại xây chung 1 tu viện ở đây nữa. Nhưng giờ đã trễ nên tôi cũng chỉ lòng vòng bên ngoài, chưa được vào viếng bên trong.

Đoàn người hành hương Sri Lanka thành kính quanh chùa Mahaparinirvana
Đoàn người hành hương Sri Lanka thành kính quanh chùa Mahaparinirvana

Kushinagar vốn là 1 làng quê nghèo, bây giờ vẫn còn nghèo. Từ con đường tỉnh lộ đi vào làng chỉ có 1 con đường nhựa độc đạo, còn các ngã rẽ đều là đường đất. Ở đây chỉ có các ngôi chùa là to lớn hoành tráng còn nhà cửa của người dân vẫn lụp xụp, xiêu vẹo. Dịch vụ du lịch cho khách hành hương cũng chỉ kéo theo được 1 cái khách sạn, Pathik Niwas, nhìn bề ngoài to to, mới mới nhưng bên trong cũng đã xuống cấp. Điểm đặc biệt là khách du lịch đến đây hầu hết là từ các nước châu Á, theo Phật giáo. Trên đường phố, tôi cũng có thấy vài bạn “tóc vàng hoe” nhưng rất hiếm hoi.

Các kiến trúc mô phỏng 4 vùng đất Phật trong khuôn viên chùa Linh Sơn
Các kiến trúc mô phỏng 4 vùng đất Phật trong khuôn viên chùa Linh Sơn

Trên con đường, quanh các chùa, dân làng bày bán nhiều thứ trái cây rau quả, hàng hóa linh tinh… nhưng đặc biệt nhiều là các quà lưu niệm với những chiếc lá bồ đề, những postcard hình ảnh của ngôi chùa Mahaparinirvana, tượng Đức Phật đang nằm… và có rất nhiều ki-ốt kinh doanh dịch vụ gọi nhờ điện thoại, như ở Việt Nam một thời xa xưa lâu lắm.

Ấn Độ - Những ngày đông rực nắng - Phần 3 ảnh 8
Chuông đồng trong khuôn viên chùa Mahaparinirvana, do Đức Dalai Lama và cộng đồng Phật giáo Tibet kính tặng
Một ngôi chùa hay ngôi đền… tôi chỉ biết ký tự chữ “Om” trước cửa chùa, hay gặp ở Tibet & Nepal
Một ngôi chùa hay ngôi đền… tôi chỉ biết ký tự chữ “Om” trước cửa chùa, hay gặp ở Tibet & Nepal
Tượng Phật trong một ngôi đền nhỏ, kế bên một khu phế tích, ngay ngã rẽ trái để đi đến Ramabhar Stupa
Tượng Phật trong một ngôi đền nhỏ, kế bên một khu phế tích, ngay ngã rẽ trái để đi đến Ramabhar Stupa

Ở đây, buổi tối không có quán xá gì hết, chỉ có mấy quán bên đường nhưng vì đường nhiều bụi quá nên tôi cũng không dám ghé vào. Chỉ đi lon ton ngó nghiêng và đi tìm mua cái sim điện thoại có chức năng sms quốc tế. Hỏi thăm mãi mới mua được cái sim của Vodaphone và nhờ anh chàng bán sim kích hoạt cho nó được national-roaming nếu không qua bang khác sẽ không xài được. Xong xuôi đi kiếm Internet để chia sẻ niềm vui với bạn bè ở quê nhà về hành trình mới, thông báo số ĐT mới qua email để lỡ khi có việc cấp bách.…

Nhưng than ôi, cả cái làng chỉ có 1 tiệm duy nhất, có 1 cái máy duy nhất, xài Internet dạng dial, nối kết qua điện thoại, chậm rì rì và liên tục rớt lên rớt xuống. Rồi còn không cho cắm USB vào máy nữa, sợ virus (!). Thế là tan tành luôn net, vỡ toang giấc mộng copy hình vào thẻ… Mà đâu phải đơn giản là tôi biết được thông tin đó ngay từ đầu đâu. Trước đó, có phải đến là được ngồi vào máy liền đâu, phải chờ chú nhóc trông hàng (kiêm luôn nhiệm vụ photocopy) đi kêu, cả hơn 30 phút “kỹ thuật viên” mới đến và cho tôi sờ vào máy.

Chiều về trên những hàng cây sau chùa Mahaparinirvana
Chiều về trên những hàng cây sau chùa Mahaparinirvana

Xong xuôi, tôi lại ra đường nhưng chẳng có ai ngoài đường. Tôi ra cả đường cái chính nhưng cũng chẳng có ai bán buôn gì cả. Trời lại tối đen, đèn đóm chập chờn mờ mờ ảo ảo, chẳng biết làm gì cả, bia bọt thì không có chỗ nào bán, trừ trong cái khách sạn Pathik Niwas, lúc nãy có làm 1 chai nhưng giờ đóng cửa nhà ăn luôn rồi - đành về ngủ sớm. Đêm đầu tiên trên đất Ấn trôi qua nhẹ nhàng.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy thật sớm, vì ước muốn được đón bình minh trên đất Phật. Và tôi đã được toại nguyện, dù tôi có dậy trễ hơn nữa. Vì ở đây sương mù buổi sáng dày đặc nên khi bình minh thì mặt trời cũng đã ngang ngang ngọn tre rồi.

Tôi không biết nhà văn “chuyên trị” về Ấn Độ, Hồ Anh Thái có lấy ý tưởng gì về bình minh ở đâu đó để đặt tên cho các tác phẩm của mình hay không? Nhưng tôi tin chắc rằng tựa đề một tác phẩm của anh, “Trong sương hồng hiện ra”, nhất quyết là có lấy từ bình minh Ấn Độ. Bạn thử nhìn xem có phải không nhé.

Chùa Mahaparinirvana trong sương hồng và không gian yên tĩnh - như trong một cõi nào đó khác
Chùa Mahaparinirvana trong sương hồng và không gian yên tĩnh - như trong một cõi nào đó khác

Rất hạnh phúc đắm chìm trong sương hồng ban mai, tôi lại lang thang vào chùa Mahaparinirvana. Trong sáng sớm, chùa yên bình hơn chiều qua rất nhiều và không khí lặng yên vắng vẻ buổi sáng sớm đã trả lại cho ngôi chùa không gian thật trang nghiêm thanh tịnh. Ngay trong chánh điện, nơi bức tượng Đức Phật tọa lạc, lúc này chỉ có mình tôi. Tôi kính cẩn quỳ xuống trước Người, trong một không khí thật tinh khôi và thanh khiết ban mai, tôi cảm thấy thật yên bình, hạnh phúc. Và tôi cũng cảm thấy rằng mình đã thật may mắn đã được đến đây, để quỳ trước Người.

Tượng Phật từ thế kỷ V trong chánh điện chùa Mahaparinirvana. Thật hạnh phúc được ở đây trong một sáng yên tĩnh
Tượng Phật từ thế kỷ V trong chánh điện chùa Mahaparinirvana. Thật hạnh phúc được ở đây trong một sáng yên tĩnh

Nhẹ nhàng rời khỏi chùa, tôi đi lang thang trong khuôn viên quanh chùa. Dù còn rất sớm và sương vẫn còn dày đặc, tôi thấy có rất nhiều vị tăng, sư nghiêm trang ngồi thiền trên các phế tích xưa quanh chùa. Trong sương hồng bảng lảng và trong cái im lặng không có cảnh mua mua bán bán lúc sớm, tôi yêu và kính làm sao hình ảnh những vị sư già nghiêm trang ngồi thiền trên những phiến gạch xưa cũ, dưới bóng bồ đề và sương nhẹ vây quanh… Không khí nơi đây giờ mới thoát tục làm sao.

Những vị sư già ngồi tụng niệm trong sương sớm
Những vị sư già ngồi tụng niệm trong sương sớm

Trong sương mờ, những ngôi chùa cũng hiện lên mờ mờ với những nét đẹp rất riêng, rất khác chiều qua trong nắng muộn hay lúc hoàng hôn xuống trời mờ buồn… Tôi cảm thấy mình rất may mắn được đến đây, có một buổi sáng thoát tục như thế này ở Kushinagar, rất khó có lần thứ hai…

Thiện nam tín nữ của đoàn khách hành hương Sri Lanka chuẩn bị đến cúng dường ở chùa Mahaparinirvana
Thiện nam tín nữ của đoàn khách hành hương Sri Lanka chuẩn bị đến cúng dường ở chùa Mahaparinirvana

Tôi rời chùa, hướng về Ramabhar Stupa thẳng tiến. Trên con đường mai sớm, tôi lại gặp những thiện nam tín nữ Sri Lanka đang kính cẩn, nghiêm trang đi vào chùa để dâng lễ sáng. Tôi chân thành mong những điều tốt lành đến cho họ.

Càng đi xa chùa, tức là đi vào làng, nhiều cây cối, ven đường, hai bên là cánh đồng mía cao rậm rì nên sương mỗi lúc một dày lên. Mặt trời lúc này cũng đã lên cao, sương càng hồng thắm hơn, rực rỡ hơn. Tôi đi vào con đường sương, như vô định, như tự trôi về cõi nao thâm nghiêm huyền bí. Con đường sương vắng tanh, tôi lang thang một mình, chỉ có những chiếc xe đạp của những người dân, chầm chậm lướt qua, đi vào trong màn sương, rồi như tan biến vào trong sương…

Ấn Độ - Những ngày đông rực nắng - Phần 3 ảnh 16
Con đường chạy hun hút trong sương hồng. Một mình tôi lang thang trên đó. Cô đơn nhưng hạnh phúc

Tôi đến Ramabhar Stupa lúc chưa có đoàn khách nào đến, dù tôi phải đi bộ gần 20p, còn khách hành hương thường đi theo xe đoàn. Trong khu vườn quanh stupa chỉ có những vị sư đang trang nghiêm ngồi thiền, tụng kinh... Nhẹ bước một vòng quanh stupa, tôi chọn một góc vắng, khẽ khàng ngồi trên đám cỏ xanh mềm còn lung linh sương sớm. Ngồi xuống, chẳng nghĩ gì, thật lâu.

Stupa yên tĩnh trong nắng sớm - chỉ có các vị tăng sư nghiêm trang ngồi thiền và tụng niệm
Stupa yên tĩnh trong nắng sớm - chỉ có các vị tăng sư nghiêm trang ngồi thiền và tụng niệm

Stupa này được xây bằng gạch đỏ, trên vị trí được cho là nơi ngày xưa đã làm lễ hỏa táng Đức Phật, sau khi ngài nhập cõi Niết bàn. Không đọc được ở đâu là ngôi stupa này được xây dựng từ năm nào nhưng cũng đã cổ xưa lắm rồi. Những viên gạch đỏ cũng đã nhẵn mòn vết thời gian, đẹp lạ thường trong sương sớm.

Những đoàn khách hành hương bắt đầu làm lễ quanh stupa
Những sắc màu đơn sơ nhưng phối
 nên một một bức tranh đẹp thuần khiết

Khu vườn quanh stupa có một góc trồng nhiều cây bồ đề. Nơi góc vườn tôi đang ngồi bỗng dưng có vài chiếc lá, vẫn còn xanh, chao nghiêng là đà và rơi xuống, cùng sương, khi một cơn gió mai lành lạnh ùa về. Tôi nhặt lấy những chiếc lá bồ đề, còn lóng lánh những giọt sương mai li ti, trong khu vườn thiêng, nhẹ ép vào cuốn L.P, để chúng đi cùng tôi suốt cuộc hành trình - và cả đến hôm nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.