An cư - Pháp môn tu tập truyền thống của đệ tử Phật

GN - Hàng năm cứ mùa sen nở, chư Tăng Ni vân tập về một trú xứ để kiết giới an cư mà ngày nay gọi đạo tràng an cư kiết hạ. Đây là truyền thống tu tập của Tăng-già được thiết lập từ thời Đức Phật còn tại thế.

Thật ra theo các tài liệu sử sách ghi chép lại, thì truyền thống an cư vào mùa mưa được các tu sĩ Bà-la-môn thực thi từ xa xưa ở xứ Ấn Độ. Thế nhưng, kể từ khi thiết chế luật an cư cho toàn thể Tăng Ni (sau 12 năm Đức Phật chuyển pháp luân), thì pháp an cư kiết hạ không chỉ giải tỏa những dư luận không hay trong đời sống Tăng-già như: vào mùa mưa chư Tăng Ni vẫn du hành giẫm đạp chết côn trùng hay chư Tăng trong một năm không có vài tháng tịnh tu để tăng trưởng đạo hạnh(1)… mà còn hướng cho đệ tử xuất gia có đầy đủ thắng duyên thực thi con đường giới định tuệ và thành tựu quả vị Niết-bàn; đệ tử tại gia thì nương vào hội chúng an cư mà thành tựu nếp sống hướng thượng, thăng hóa tâm linh.

2 phat hoc.jpg


Chư Ni chùa Kim Sơn hành pháp quá đường - Ảnh: Bảo Toàn

Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, thời gian an cư của chư Tăng Ni được bắt đầu từ ngày 16 tháng 4  âm lịch và giải hạ vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, còn theo Phật giáo Nam tông thì thời gian kiết hạ được tính từ ngày 16 tháng 6 âm lịch và ngày kết thúc giải hạ là 16 tháng 9 âm lịch. Tuy nhiên, luật Tứ phần cũng quy định thời gian kiết hạ an cư được chia làm 2 đợt. Nếu hành giả nào nhập hạ vào ngày 16 tháng 4 thì gọi là tiền an cư; do duyên sự gì đó, hành giả bắt đầu nhập hạ từ ngày 17 tháng 4 đến 16 tháng 5 âm lịch thì gọi là hậu an cư. Có điều vào ngày rằm tháng 7, bất cứ hành giả nào cũng phải tự tứ giải hạ. Trong trường hợp hành giả nào nhập hạ hậu an cư thì sau lễ Tự tứ phải tiếp tục ở lại tu học hành trì giới pháp cho đủ 3 tháng mới được phép rời trú xứ nơi mình nhập hạ.

Đối tượng an cư kiết hạ hẳn nhiên là giới xuất gia, bao gồm chúng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, ngoài ra các chúng Sa-di và Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni là những hành giả thực tập an cư. Tất cả các hành giả phải có mặt để tác pháp an cư tại trú xứ mà mình xin thọ an cư trong ba tháng. Các hành giả lần lượt tác bạch với Tỳ-kheo tôn túc phẩm hạnh, thưa trình chí nguyện của mình, gọi là đối thú an cư. Trong trường hợp ở những vùng sâu, vùng xa, hay tại các trú xứ không có bậc tôn túc trưởng lão để y chỉ, thì hành giả đó có thể tâm niệm an cư như luật định. Tuy nhiên, luật cũng ghi rõ chỉ có Tỳ-kheo mới tiến hành pháp tâm niệm an cư có hiệu lực, còn Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Thức-xoa-ma-na và Sa-di-ni thì phải tuân thủ theo luật định mới đúng pháp.

Về trú xứ an cư tức là nơi tập trung cho các hành giả an cư mà ngày nay gọi là đạo tràng an cư kiết hạ, không phải tự nhiên chọn lựa tùy ý của bất cứ ai mà phải tùy thuộc vào Tăng chúng yết-ma, nhằm bảo đảm các yêu cầu theo luật quy định như là điều kiện tiên quyết hướng đến tính thanh tịnh, tính chất thuận lợi, cũng như phương tiện sinh hoạt của một môi trường tu tập lý tưởng cho chư Tăng Ni, bao gồm 5 điểm chính: 1/ Trú xứ an cư không quá xa dân chúng, 2/ Trú xứ an cư không được quá gần dân chúng, 3/ Trú xứ an cư không có các loài độc trùng nguy hại, 4/ Trú xứ đó hội tụ các thầy phẩm hạnh để y chỉ, 5/ Phương tiện ẩm thực và sinh hoạt tương đối đầy đủ và thuận lợi. Rõ ràng, đây là các điều kiện cần và đủ để tạo ra một môi trường tu tập thuận lợi nhất nhằm duy trì và phát triển đời sống tâm linh cho các hành giả an cư.

Một yêu cầu nữa hết sức nghiêm ngặt đối với các hành giả an cư là sự cấm túc, sự hạn chế sự đi ra ngoài trú xứ không cần thiết; mục đích là dành toàn bộ thời gian để trau dồi giới đức, tâm đức, và tuệ đức. Trong những trường hợp Phật sự khẩn thiết như việc thọ tang thầy tổ, bổn sư, cha mẹ, hoặc chứng dự trai tăng, hóa đạo… với thời gian lâu hơn 7 ngày, hoặc quá 1 tháng thì hành giả phải tác bạch đại chúng, sau khi Tăng chúng làm pháp yết-ma cho phép mới được ra khỏi trú xứ. Sau thời gian này hành giả phải quay về lại trú xứ, nếu không thì mùa an cư này tự thân không thành tựu, không được tính thêm một tuổi hạ.

Điểm đáng nói nữa, trong luật Tứ phần cũng đề cập đến là cho phép các hành giả an cư rời trú xứ đã thọ an cư đi đến trú xứ khác mà không bị ảnh hưởng gì về sự thành tựu hạ lạp, nếu trú xứ đó bị gặp 10 nạn: 1/ Nạn thú dữ, 2/ Nạn rắn độc, 3/ Nạn lửa, 4/ Nạn nước, 5/ Nạn vua quan, 6/ Nạn giặc, 7/ Nạn thiếu thực phẩm, 8/ Nạn nữ nhân làm trở ngại sự tu hành, 9/ Nạn người thân gây phiền não, 10/ Nạn người phá hòa hợp Tăng.

Xem ra, tất cả những điều kiện cần và đủ để một hành giả an cư trong một môi trường tu tập thanh tịnh đã trình bày trên được luật Tứ phần ghi khá cụ thể và rõ nét. Mục đích là đảm bảo cho chư Tăng (Ni) có một thời gian tu tập nghiêm túc, một môi trường tu tập thanh tịnh, trong một chương trình an cư đã được hội chúng vạch định nhằm hướng tâm đến sự thanh tịnh, trên hết là sự khai mở trí tuệ, thăng chứng giải thoát.

Thế nên, trong ba tháng an cư mùa mưa, chư Tăng  Ni phải chuyên tâm học hỏi Phật pháp và hành trì thiền định, niệm Phật, bái sám để thực tập đời sống Thánh hạnh, viễn ly các dục, hòa hợp thanh tịnh với các vị đồng phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của chư vị Trưởng lão và những quy định của đạo tràng an cư. Suy cho cùng, sự nghiệp tu hành của người đệ tử Phật là thành tựu con đường giới định tuệ. Cụ thể, trong thời gian thọ an cư, vị ấy hành trì đầy đủ các học giới đã lãnh thọ: “Ở đây, này Ưu-ba-ly, Tỳ-kheo có giới, sống được chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy nghe nhiều, nắm rõ điều được nghe, cất giữ điều được nghe, khéo thông hiểu, khéo quyết định theo kinh, theo chi tiết. Vị ấy nỗ lực đoạn trừ các ác pháp khởi lên, có khả năng phân biệt, chỉ trích tà kiến khởi lên, có khả năng khích lệ trong tăng thượng giới; có khả năng khích lệ trong tăng thượng tuệ”(2).

Thậm chí, ngay cả những học giới nhỏ nhặt cũng được nghiêm trì để có sự thành tựu về các căn, không cho sáu căn chạy theo sáu trần. Chính Đức Phật từng dạy cho Magandiya(3): “Con mắt ưa thích sắc, ái lạc sắc, hoan hỷ sắc và Như Lai nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì con mắt và thuyết pháp để phòng hộ con mắt; Tai ưa thích tiếng; Mũi thích mùi hương; Lưỡi ưa thích vị; Thân ưa thích xúc; Ý ưa thích pháp, ái lạc pháp, hoan hỷ pháp và Như Lai nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì ý và thuyết pháp để phòng hộ ý”. Chính sự phòng hộ các căn, giúp hành giả đoạn trừ các dục, vị ngọt của dục, sự nguy hiểm các dục, sự xuất ly các dục và trên hết là an trú trong nội tâm thanh tịnh.

Có thể nói, trong thời gian an cư, hành giả cần nỗ lực tinh cần thực tập đời sống hướng nội, thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thân tịnh, an trú trong một hội chúng sống theo tinh hòa hợp. Chư Tăng Ni tự thân thúc liễm thân tâm, trưởng dưỡng đạo hạnh đi từ sự nỗ lực hành trì giới và sau đó đi vào nếp sống hành trì Tứ niệm xứ. Chính Thế Tôn khi vừa giác ngộ, Ngài đã tuyên bố: “Đây là con đường độc nhất khiến chúng sinh được thanh tịnh, giúp vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ đau, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là Tứ niệm xứ”. Cũng theo bản kinh trên, trong thời gian tập trung an cư, các hành giả có một môi trường tu tập lý tưởng nhất, hàng ngày thực tập và hành trì con đường tu tập Tứ niệm xứ: “Ở đây, các Tỳ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời, quán thọ trên các cảm thọ…như trên…quán tâm trên các tâm; quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời. Và ở đây các đệ tử của Ta, phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu kính viên mãn”.

Rõ ràng, từ sự thành tựu về giới, hướng tâm đến thành tựu định, thành tựu về tuệ và tuệ giải thoát là đích đến của một hành giả an cư. Trong sự thành tựu mỗi cá nhân hành giả an cư sẽ góp phần dẫn đến sự thành tựu cho cả hệ thống tổ chức Tăng-già thanh tịnh, Chánh pháp được trường tồn, chúng sinh nhờ đó mà được an lạc, hạnh phúc. Nói cách khác đi, nơi nào có chư Tăng Ni tu tập thanh tịnh thì nơi đó dân chúng nương theo đó mà tu hành để thoát khổ sinh vui. Do đó, mùa an cư kiết hạ không chỉ dành cho giới đệ tử xuất gia mà có có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với giới đệ tử tại gia trong lộ trình tu tập giải thoát.

Chính vì lẽ đó, chúng ta chẳng ngạc nhiên gì, trong các đạo tràng an cư ngày nay, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa giới xuất gia và tại gia. Ngoài việc hộ trì chư Tăng Ni tu học, dâng phẩm vật cúng dường, hay bố thí từ thiện, quý Phật tử còn được chư Tăng Ni hướng dẫn tham gia các thời khóa học pháp và hành pháp. Từ đây, lòng tịnh tín bất động đối với Tam bảo của quý Phật tử được thành tựu, là cơ sở để bản thân mỗi người tự thân nỗ lực tinh cần bái sám, tụng kinh, niệm Phật tọa thiền theo các thời khóa tu học của chư Tăng. Đây là một thắng duyên to lớn của Phật tử mà chỉ có trong mùa an cư đúng với ý nghĩa “nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng” trong thực tiễn đời sống nhiều biến động của xã hội. 

Và như vậy, an cư kiết hạ là pháp môn truyền thống quyết định sự thành tựu tâm linh, thành tựu giải thoát cho bất cứ ai nỗ lực thực thi pháp hành giới định tuệ. Tại đây, Chánh pháp được trường tồn và chúng sinh được an lạc, hạnh phúc.

Thích Phước Đạt

---------------------------------

Chú thích:

1. Xem Tứ phần luật 37, An cư kiền độ, Đại chính 22.
2. Kinh Tăng chi, tập III, Thích Minh Châu dịch, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam ấn hành, 1988, tr.75.
3. Kinh Trung bộ, tập II, Kinh Maha sakuludayi, Thích Minh Châu dịch, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam ấn hành 1986, tr.252- 253.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.