An cư: mùa thanh tu, hòa hợp

GN - Tính đến thời điểm này, ở nước ta, hầu hết chư Tăng Ni theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền đều đã nhập hạ. Luật Tứ phần quy định, việc kiết hạ được thực hiện trước ngày 17-4 ÂL gọi là “tiền tam nguyệt hạ an cư” hay “tiền an cư”, từ ngày 17-4 ÂL đến 16-5 ÂL gọi là “hậu an cư”. Chư Tăng theo truyền thống Phật giáo Nam truyền an cư từ ngày 16-6 ÂL. Thời gian an cư sớm hay muộn cũng đều phải kéo dài đủ 3 tháng.

BTN_0050.jpg
Chư Tăng Phật giáo TP.HCM lễ kính Tam bảo trong lễ tác pháp An cư PL.2564 - Ảnh: Bảo Toàn

Thiết định chư Tăng phải an cư kiết hạ đã có từ thời Đức Phật, nhân sáu vị Tỳ-kheo du hành trong dân gian bất kể mùa, vô tình giẫm đạp côn trùng, bị các cư sĩ than phiền. Rằng: “tu sĩ ngoại đạo hàng năm vẫn có ba tháng cố định tại một chỗ; ngay đến các loài cầm thú vẫn còn có mùa trú ẩn của chúng, huống chi những Sa-môn họ Thích lại không biết nghỉ vào mùa mưa…”.

Như vậy, an cư là tục lệ chung của các tôn giáo Ấn Độ xưa chứ không riêng gì Phật giáo. Có lẽ thời kỳ đầu, khi Đức Phật chưa quy định việc an cư, chư Tăng cũng không đi lại vào mùa mưa. Gây tổn hại cây cỏ và côn trùng đến nỗi bị chê trách chỉ là một trong những lý do để Đức Phật quy định việc an cư. Mục đích của an cư là khiến chư Tăng tập trung về một trú xứ: trì giới, thiền định, trao đổi kinh nghiệm tu tập, thực hiện đời sống phạm hạnh.

Như vậy, có thể thấy rõ, an cư là cơ hội tốt nhất cho chư Tăng thăng tiến trong đời sống tâm linh, tịnh hóa tam nghiệp, chứng đắc thánh quả; và đây cũng là cơ hội để các thành viên Tăng sống chung hòa hợp, thanh tịnh.

Thanh tịnh và hòa hợp chính là bản thể của Tăng. Bản thể đó được biểu hiện qua sự thanh tu, hành trì giới luật của mỗi thành viên theo mô thức: nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ. Giới - Định - Tuệ là căn bản và cũng là cốt tủy của việc tu hành. Một Tỳ-kheo bận rộn, bất kể bận rộn vì hoằng pháp hay giáo hóa đồ chúng, thì cũng đều ảnh hưởng đến việc tu hành, ví “như cây đại thọ mà cả bầy chim chóc tập hợp lại thì vẫn bị cái họa khô gãy”.

Chư Tăng thời Phật không nhiều duyên sự như chư Tăng thời nay. Nhưng, dẫu chúng ta có khoác lên sự bận rộn của mình bằng mỹ từ nào đi nữa, đặc biệt là “Phật sự”, thì “Phật sự” ấy cũng gây nhiễu loạn ít nhiều đến tâm, giống như Đức Phật đã ví ở trên. Chính vì lẽ đó mà trong thời gian an cư ít ỏi, người xuất gia thời nay cần phải nghiêm cẩn hơn nữa, nỗ lực vượt bậc để giữ cho Chánh pháp Phật dạy được tồn tại trong thế gian bằng việc nghiêm trì giới luật - giới luật là bậc Thầy cao cả; giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp mất.

Trong vài năm trở lại đây, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã có sáng kiến tổ chức khóa cấm túc an cư 10 ngày dành cho các thành viên Ban Trị sự. Đây có thể gọi là thời gian tinh tu, bởi trên thực tế, tuy an cư, chư vị vẫn bận không ít Phật sự, đặc biệt phải hy sinh một phần thời gian cho việc vận hành bộ máy hành chánh Giáo hội cũng như các ngoại duyên khác.

10 ngày trong 90 ngày hạ, thời gian tinh tu này giúp cho các vị cởi bỏ mọi chức vụ đè nặng trên vai, hoàn toàn sống với nhau trong tinh thần thanh tịnh - hòa hợp, thảnh thơi thưởng thức hương vị ngọt ngào của việc thực hành Chánh pháp. Hoan hỷ thay!

Đăng Tâm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.