GN - Những gương mặt ngơ ngác của bệnh nhân thơ trẻ, những gương mặt khốn khổ của thân nhân chăm bệnh vì thiếu đói không tiền mua thức ăn là hình ảnh quen thuộc tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai...
Hình ảnh ấy sẽ sớm không còn và người nghèo khó sẽ yên tâm ở lại bệnh viện điều trị. Bởi, từ ngày 20-7-2017, đã có bếp ăn từ thiện chùa Long Phước (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chăm lo chu đáo bữa cháo cho bệnh nhi, bữa cơm ấm bụng cho thân nhân đến nuôi bệnh.
“Không còn sợ bị đói”
Ngày đầu tiên được nhận suất cơm từ bếp ăn từ thiện, bà con đồng bào dân tộc ai cũng hớn hở, vui mừng. Nghe quý sư cô thông báo, buổi sáng tặng cháo cho trẻ em, buổi trưa tặng cơm cho người lớn (ai ăn cơm đều được tặng). Họ tỏ rõ niềm vui hỏi: “Cho suốt tuần luôn hả cô”?
Nghe NS.Thích nữ Huệ Dâng, trụ trì chùa Long Phước trả lời “Tặng suốt tuần luôn”, họ vẫn không tin, cứ thay phiên nhau hỏi: “Thật hả cô? Có thật không cô? Cô hứa cho tụi con ăn suốt tuần ở bệnh viện nha cô”. Khi Ni sư gật đầu, xác nhận là “thật, cô hứa sẽ cho suốt tuần luôn”, một người phụ nữ khắc khổ từ trong huyện Chư Bứ đưa con ra nhập viện, chữa bệnh liền nói “đã hai ngày nay mình không có tiền mua cháo cho con. Con mình và mình đều đói...”.
NS.TN Huệ Dâng ký kết tài trợ bếp cơm cho bệnh nhi
Hầu như tất cả người dân tộc đến đây điều trị bệnh cho con đều chung cảnh nghèo giống nhau, nên khi được tặng suất cơm trưa còn nóng hổi trên tay, khuôn mặt ai cũng đều ánh lên niềm hạnh phúc, rạng rỡ. Một cụ già, người dân tộc lên bệnh viện phụ con chăm cháu, khi được tặng phiếu xuống bếp nhận cơm không tốn tiền, bà mừng ra mặt.
"Cơm ngon quá cô, có thức ăn nữa. Lâu lắm rồi tui mới được ăn ngon vầy nè”. Chị Kpă-Yel, làng Ngo Se nghèn nghẹn nói rằng: “Con mình bệnh suốt mấy tháng nay, nhà hết tiền, hết gạo luôn rồi, không còn chỗ để vay được nữa. Bây giờ được tặng cơm miễn phí, mình mới còn sức ở bệnh viện lo cho con, nếu không, chắc mẹ con mình phải ôm nhau về nhà”.
Ở Bệnh viện Nhi này, khi mà đời sống người dân tộc còn nhiều khó khăn, cái ăn còn chưa đủ đầy, cái mặc còn chưa lành lặn thì tư tưởng lạc hậu phó mặc hết cho ông trời quyết định vẫn còn trong đầu nhiều người. Như lời chị Kim, y tá điều dưỡng tại bệnh viện cho chúng tôi biết: “Thương lắm những người dân tộc nghèo khó, họ ôm con đến bệnh viện với hai tay trắng, không có tiền; nhiều người không có bộ đồ nào lành lặn để mang theo. Ở được vài ngày, họ nhất quyết ôm nhau về, vì về nhà đi mần thuê thì mới có cái để ăn. Giờ có bếp ăn từ thiện, chắc chắn sẽ đỡ cho gia đình bệnh nhân rất nhiều”.
Mỗi ngày có hơn 160 suất cháo, hơn 160 suất cơm được tặng cho bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân. Ở nơi đây, bất cứ ai được nhận suất cơm miễn phí ăn đều khen ngon, nhiều người bảo “lâu rồi mới được ăn sướng như vậy”.
Chúng tôi biết đó là lời nói chân thật xuất phát tự đáy lòng của bà con. Bởi, mỗi suất cơm mà người nhà các bệnh nhân nhận không chỉ đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn chứa tình thương của nhiều tấm lòng gửi gắm trọn vẹn trong đó. Để có những suất ăn đảm bảo dinh dưỡng cho cả trẻ em và người lớn, NS.TN Huệ Dâng mời cô Bích Thảo, giáo viên Hội Đầu bếp chuyên nghiệp từ TP.HCM đến Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai để hướng dẫn các tình nguyện viên cách nấu các món cháo, súp, và các món ăn cùng cơm sao cho đảm bảo được dinh dưỡng, không bị mất chất và cần cung cấp thực phẩm gì để người bệnh dùng mau hồi phục sức khỏe.
Chính vì những giá trị thiết thực của những suất ăn, mà ngày bếp ăn từ thiện được khánh thành, bác sĩ Lý Minh Thái, Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai không giấu được niềm hạnh phúc. Ông trải lòng: “Khó khăn với chúng tôi trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân không chỉ đơn thuần là vấn đề tìm ra bệnh và kê toa thuốc, mà là cần có chế độ chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt cho bệnh nhân thì mới rút ngắn thời gian điều trị. Nhưng với bệnh nhân nghèo, nhiều người còn không có tiền để mua cơm ăn. Hội từ thiện chùa Long Phước tặng suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là giúp cho bệnh nhân rất nhiều. Chúng tôi rất mừng”.
Từ hiểu đến thương
Nói về bếp ăn ấm tình người này, NS.TN Huệ Dâng trải lòng: “Những ngày đầu năm 2017, trong một lần về quê chăm sóc ba đang điều trị bệnh tại Bệnh viện tỉnh Gia Lai, chứng kiến cảnh một người phụ nữ dân tộc thiểu số, tay cầm thanh sắt đứng gào thét, tức tưởi vì mất con. Tôi tìm bác sĩ hỏi thăm thì biết, vì không có tiền mua sữa và thiếu kiến thức, người mẹ này hàng ngày cho con ăn đường thay sữa. Đến khi bé thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng, gia đình đưa đến bệnh viện thì không còn cách cứu chữa.
Em rụt rè nhận suất cơm vì mẹ bận chăm em bị bệnh
Chứng kiến hoàn cảnh đó, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, con người ta sinh ra mặc dù nhận thức khác nhau, phước báu khác nhau nhưng tình thương mà người mẹ dành cho con luôn bình đẳng. Và suốt nhiều tháng liền, hình ảnh người phụ nữ dân tộc khắc khổ, khóc con cứ ám ảnh tôi mãi không thôi”. Điều đó đã thôi thúc NS.TN Huệ Dâng gấp rút liên hệ với lãnh đạo Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai và gõ cửa, vận động từng Phật tử, mạnh thường quân để chung tay cho ra đời bếp ăn tình thương này.
Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết: “Tỉnh Gia Lai có đến 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó. Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận khoảng 300 lượt người dân, đồng bào dân tộc đến khám bệnh. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 160 bệnh nhi nhập viện điều trị, có ngày số lượng lên đến 203 người”.
Số lượng bệnh nhân đến bệnh viện ngày càng có xu hướng tăng, đa số có hoàn cảnh khó khăn. Điều đó có nghĩa, chắc chắn số lượng khẩu phần cơm và những suất cháo dinh dưỡng cho trẻ em sẽ phải tăng thêm. Đó là chưa kể, có những khó khăn mà bà con chỉ biết bộc bạch với quý sư cô: “Cô ơi, con của con không có mền đắp, không có áo mặc, con cũng không có áo mặc”; “Bác sĩ nói thằng nhỏ uống sữa sẽ mau hết bệnh. Con không có tiền, làm sao mua sữa cho nó đây cô...”.
Nói đến đây, ánh mắt của chư Ni và Phật tử chùa Long Phước đều trầm buồn. Bởi, hiện tại để xoay được khoản tiền hàng ngày lo bữa cháo dinh dưỡng cho các bệnh nhi, bữa cơm trưa cho gia đình nuôi bệnh thì mọi chi phí sinh hoạt của chư Ni chùa Long Phước đều phải tiết kiệm đến mức tối đa.
Biết rằng sẽ rất khó khăn nhưng trước những hoàn cảnh lam lũ như thế, NS.TN Huệ Dâng đã quyết định: “Khó cũng cố gắng, dồn sức giúp đỡ cho bà con nghèo đang điều trị ở bệnh viện, ít nhất là những suất ăn để bà con không phải lo cái ăn trong những ngày điều trị”. Cảm nhận được tình thương, tấm lòng từ bi của Ni sư dành cho gia đình mình, biết Ni sư chuẩn bị rời bệnh viện trở về thành phố, người nhà các bệnh nhi rủ nhau đến chào, cảm ơn.
Thương nhất là những cụ già đồng bào dân tộc không biết tiếng Việt, họ cứ cầm lấy tay áo của Ni sư, nở nụ cười thiệt tươi, mắt long lanh ngước nhìn. Mặc dù không nói gì nhưng ai cũng thấu hiểu, cảm nhận rằng, họ đang muốn nói lời cảm ơn chân thành nhất. Trên đường về, NS.TN Huệ Dâng cứ nhớ mãi: “Thương vậy đó, mình từ chối sao đành…”.
“Bếp là lửa. Lửa sưởi ấm lòng người. Hơi ấm tình người tỏa ra từ bếp ăn từ thiện của chùa Long Phước, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã trợ giúp cho bà con nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu đến đây khám chữa bệnh. Điều làm tôi rất vui là bếp ăn từ thiện đi vào hoạt động đã giúp đỡ đúng đối tượng”, ông Trần Duy Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai nói. |