Âm hưởng Phật giáo trong vũ khúc cung đình triều Nguyễn

Trình diễn múa "Lục cúng hoa đăng" trước Ngọ môn, Hoàng cung Huế - Ảnh: Lê Đình Hoàng
Trình diễn múa "Lục cúng hoa đăng" trước Ngọ môn, Hoàng cung Huế - Ảnh: Lê Đình Hoàng
GNO - Trong số các vũ khúc cung đình triều Nguyễn, “Lục cúng hoa đăng” và “Đấu Chiến Thắng Phật” là hai điệu múa mang đậm dấu ấn của Phật giáo, thể hiện phần nào sự ảnh hưởng của tôn giáo này trong đời sống tinh thần triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.

Mặc dù triều Nguyễn chỉ mới chấm dứt vai trò lịch sử của mình vào tháng 8-1945 với sự kiện vua Bảo Đại trao lại ấn kiếm - biểu tượng của chế độ quân chủ cho chính quyền cách mạng, tuy nhiên, do những tác động của chiến tranh khốc liệt và sai biệt về nhận thức trong một số giai đoạn lịch sử, có không ít các hình thái, thiết chế văn hóa được tạo lập dưới triều Nguyễn đã ít nhiều mất dấu.

Lục cúng hoa đăng là điệu múa nổi bật, mang đậm dấu ấn Phật giáo trong hệ thống vũ nhạc cung đình triều Nguyễn
Lục cúng hoa đăng là điệu múa nổi bật, mang đậm dấu ấn Phật giáo trong hệ thống vũ nhạc cung đình triều Nguyễn

Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn là một trong số ít những hình thái còn được bảo lưu tương đối phong phú với các bài bản kinh điển, tuy không còn trọn vẹn như những gì vốn có. Trong hệ thống nhã nhạc cung đình, ngoài các bài bản được trình tấu bởi dàn nhạc, còn có các vũ khúc được sử dụng trong các dịp đại lễ, yến tiệc, khánh thọ,… của hoàng triều.

Tính cho đến hiện nay, một trong số những tài liệu dễ tiếp cận đối với số đông, chứa những thông tin tương đối đầy đủ và về xuất xứ, nội dung trình diễn của các vũ khúc cung đình đó là cuốn Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam được biên soạn bởi Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, xuất bản vào năm 1968 tại Sài Gòn. Trong đó, người ta có thể tìm thấy những khảo tả cụ thể về hai điệu múa mang ảnh hưởng của Phật giáo trong cung đình triều Nguyễn đó là “Lục cúng hoa đăng” và “Đấu Chiến Thắng Phật”.

Lục cúng hoa đăng - từ chùa vô nội

Có thể nói, “Lục cúng hoa đăng” là điệu múa quan trọng và đặc sắc nhất trong hệ thống các vũ khúc cung đình triều Nguyễn. Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, điệu múa này có xuất xứ từ nghi thức dâng lục cúng trong Phật giáo, được đưa vào hệ thống vũ nhạc cung đình dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1839). Theo lệnh của nhà vua, Hàn lâm viện đã biến cải một số chi tiết cho phù hợp với các sinh hoạt cung đình. Theo quy định, Lục cúng hoa đăng thường được biểu diễn vào những dịp lễ vạn thọ, thánh thọ, tiên thọ.

Vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” do đội Ba Vũ trình diễn - Ảnh: John Dominis
Vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” do đội Ba Vũ trình diễn - Ảnh: John Dominis

Mặc dù đã được cải biến, tuy nhiên, dấu ấn của Phật giáo trong vũ điệu này vẫn còn khá đậm nét. Trong trình diễn, số lượng các vũ sinh tham gia trong một lần trình diễn được quy định với các con số cụ thể 16, 32, 48, hay 64; phổ biến nhất vẫn là 48 và 64 vũ sinh. Các vũ sinh khi trình diễn đội mũ hoa sen, thắt dây kết bông, trong mặc áo lót màu lục, ngoài mặc áo mã tiên, xiêm dài, quần giáp, chân quấn xà cạp, bít tất trắng. Mỗi vũ sinh cầm trên hai tay ngọn đèn hình hoa sen múa hát, di chuyển trên nền nhạc với những động tác, cử điệu ảnh hưởng từ nghệ thuật tuồng.

Màn trình diễn Lục cúng hoa đăng được chia thành nhiều phần. Trong mỗi phần, ngoài âm nhạc, còn có các bài tán tương ứng gồm: Đăng hoa, Hương phù, Hoa quả, Trí đăng, Phật diện, Khể thủ và Tam tự quy. Mặc dù là các bài tán được sử dụng trong nghi lễ Phật giáo, tuy nhiên, khi được đưa vào trình diễn trong không gian cung đình đã được sửa đổi ít nhiều, đặc biệt là về mặt âm sắc.

Hiện nay, “Lục cúng hoa đăng” vẫn là vũ điệu được trình diễn phổ biến nhất trong số các điệu múa cung đình. Việc trình diễn cũng không còn bị giới hạn trong không gian và hoàn cảnh nghiêm ngặt như xưa. Điều này đã giúp duy trì sức sống nhưng đồng thời cũng tạo ra tác động không nhỏ đến “tính thiêng” của vũ điệu này.

Đặc biệt, ngoài vũ điệu “Lục cúng hoa đăng” nằm trong hệ thống vũ khúc cung đình, hiện nay, Phật giáo cố đô vẫn duy trì hình thức biểu diễn “Lục cúng hoa đăng” dành cho các dịp lễ Phật giáo. Về cơ bản, Lục cúng hoa đăng biểu diễn trong thiền môn tương đồng với “Lục cúng hoa đăng” trong cung đình, nhưng môi trường diễn xướng và âm nhạc có sự khác biệt nhất định.

"Lục cúng hoa đăng" được trình diễn trong không gian Hoàng thành Huế vào năm 1961 - Ảnh: John Dominis
"Lục cúng hoa đăng" được trình diễn trong không gian Hoàng thành Huế vào năm 1961 - Ảnh: John Dominis

Nếu việc cải biến vũ điệu “Lục cúng hoa đăng” trong cung đình cũng đồng thời làm mất đi tính nguyên bản và đặc thù về không gian lẫn mục đích trình diễn của điệu múa này, thì điệu múa “Lục cúng hoa đăng” của thiền môn bảo lưu gần như trọn vẹn tính chất đó.

Trình diễn vũ điệu Lục cúng hoa đăng trong chốn cửa thiền là các Tăng sinh với trang phục áo bá nạp, chân quấn xà cạp, đầu đội mão tỳ-lô, tay cầm đèn hoa sen (được gọi bằng lam ba), riêng hai vị thủ có vai trò dẫn đường thường cầm não bạt để ra hiệu lệnh. Đội hình trình diễn trên nền các điệu tán với âm sắc đặc trưng của lễ nhạc Phật giáo.

Vũ khúc "Lục cúng hoa đăng" trong thiền môn được trình diễn tại Đại lễ Vesak năm 2014 tại Bái Đính
Vũ khúc "Lục cúng hoa đăng" trong thiền môn được trình diễn tại Đại lễ Vesak năm 2014 tại Bái Đính

Một màn trình diễn vũ khúc Lục cúng hoa đăng trong thiền môn gồm 3 phần, ứng với mỗi phần là các bài tán cổ gồm: Phần 1: “Hội Phật tiền”, “Nhạn giới”, “Phật diện”, “Ngã kim y giáo”, “Thuyền duyệt tô đà”; Phần 2: “Nhân duyên”, “Khể thủ”, “Diệu hoa thiên mẫu”; Phần 3: “Ngã kim y giáo”, “La liệt”, và kết lại là bài “Tam tự quy”.

Các điệu múa hành đàn (chạy đàn) song lục, vấn liên đăng (vũ sinh kết với nhau theo hình hoa sen), vấn kết thằng (kết theo hình sợi dây), vấn tứ châu (kết với nhau tại 4 góc đàn) được trình diễn đòi hỏi sự tập trung cao độ, chú tâm theo từng điệu tán, âm nhạc phụ họa, tiếng não bạt làm hiệu lệnh.

Ngày nay, chính việc bảo lưu được tính chất nghi lễ và không gian diễn xướng nguyên bản đã tạo nên điểm khác biệt nổi trội của Lục cúng hoa đăng trong thiền môn.

Đấu Chiến Thắng Phật - vũ điệu bị lãng quên

Vũ khúc "Đấu Chiến Thắng Phật"
Vũ khúc "Đấu Chiến Thắng Phật"

Khác với “Lục cúng hoa đăng”, vũ điệu “Đấu Chiến Thắng Phật” hầu như vắng bóng trong nhiều năm gần đây. Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, tác giả của vũ điệu này là Đào Duy Từ. Dưới thời các chúa Nguyễn, vũ điệu này được trình diễn với ý nghĩa khu trừ ma quỷ, tai chướng. Điệu múa này còn có tên gọi Song Quang, được trình diễn vào các dịp chúc thọ, cúng Mụ. Khác với số lượng đông đảo vũ sinh tham gia trong Lục cúng hoa đăng, vũ điệu Đấu Chiến Thắng Phật chỉ gồm 2 vũ sinh hóa trang thành 2 nhân vật là Tề Thiên Đại thánh và Hộ pháp.

Tề Thiên Đại thánh đầu đội mũ đông, mình mặc giáp, xiêm trường, tay cầm kim côn; Hộ pháp đầu đội kim khôi, mình mặc nhung giáp, chân đi hia, tay cầm bửu chử. Bắt đầu trình diễn, hai nhân vật tiến ra sân khấu rồi cùng biểu diễn những điệu thức tượng trưng cho một cuộc đấu long trời lở đất nhưng kết thúc bất phân thắng bại với ngụ ý rằng trong đời không có kẻ thắng người bại, mà quan trọng là đánh tan đi những cái xấu ác, để hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, an lạc.

Kết thúc phần trình diễn, 2 nhân vật nhân vật Tề Thiên Đại thánh và Hộ pháp cùng đọc 4 câu kệ với mục đích trừ yêu, cầu mong an lạc cho muôn dân:

Kình thiên bửu chử hàng ma chướng

Dốc hải kim côn ngộ tịnh duyên

Cộng chuyển pháp luân quang phổ chiếu

Quang minh thế giới khánh Nam thiên

Nghĩa là:

Chày báu chọc trời hàng phục mọi ma chướng

Gậy vàng khuấy biển làm thức tỉnh tịnh duyên

Cùng chuyển vận bánh xe Pháp để soi sáng khắp nơi

Mừng cho cõi trời Nam được xán lạn.

* "Trong giai đoạn cố Hòa thượng Thích Từ Phương (1946-2005) làm Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế và Hòa thượng Thích Thanh Liên đảm nhận vai trò Phó ban cùng tôi đảm trách vai trò Phó ban kiêm Chánh Thư ký, chúng tôi rất thao thức và đã tìm cách khởi xướng việc khôi phục lại vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” từng được biểu diễn trong các dịp lễ quan trọng của thiền môn xứ Huế. Bấy giờ, việc đầu tiên đó là chúng tôi phải đi tìm thầy, nắm rõ các bài bản, thể thức của điệu múa này để dạy lại.

Khóa học múa “Lục cúng hoa đăng” đầu tiên được tổ chức và khai giảng tại tổ đình Kim Tiên với 42 Tăng sinh theo học, bao gồm cả Tỳ-kheo và Sa-di. Lúc đó, chúng tôi đưa thông báo đến các chùa ở Huế để chiêu sinh. Bởi cùng chung thao thức khôi phục lại một di sản đặc biệt của Phật giáo Huế nên ai cũng dành hết tâm huyết cho việc nghiên cứu, truyền dạy và học tập để trình diễn một cách chuẩn xác nhất. Cho đến Đại lễ Phật đản Phật lịch 2546, vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” lần đầu tiên được trình diễn lại sau mấy chục năm vắng bóng tại chùa Diệu Đế.

Sau đó, vũ khúc được tiếp tục tổ chức trình diễn tại các dịp trọng đại của Phật giáo Huế như các kỳ Đại lễ Phật đản, lễ hội Quán Thế Âm, Đại trai đàn Bình đẳng chấn tế tại chùa Diệu Đế năm 2007,… và tổ chức biểu diễn, giới thiệu đến công chúng trong các kỳ Festival Huế. Thời gian sau này, theo lời mời từ các tỉnh lân cận, chúng tôi cũng có đưa đội múa “Lục cúng hoa đăng” đi trình diễn, giới thiệu. Đồng thời, việc bảo tồn vũ khúc “Lục cúng hoa đăng”, duy trì việc dạy học vũ khúc này trong thiền môn nhằm đảm bảo tính kế thừa sẽ được Phật giáo tỉnh quan tâm và tiếp tục thực hiện”.

Hòa thượng Thích Giác Đạo - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN

* "Trong âm nhạc Phật giáo có cách thài rất độc đáo, trong âm nhạc cung đình khi ca công hát các “chương” phải dùng cách thài, ngày nay cách ấy đã thất truyền, chỉ còn cụ Lữ Hữu Thi là còn nhớ một vài bài. Khi thầy Từ Phương còn sanh tiền, một hôm gặp tôi tại Huế, hôm đó cụ Lữ Hữu Thi cũng đến thăm tôi, tôi nêu ra cách thài trong âm nhạc Phật giáo, thầy Từ Phương minh họa, thì cụ Lữ Hữu Thi rất thích và chúng tôi có cảm giác rằng thài trong Phật giáo rất gần với thài trong âm nhạc cung đình. Ngày nay nếu thài trong cung đình bị quên lãng, có thể nhờ thài trong Phật giáo mà tìm lại những nét nhạc ngày xưa.

Trong các điệu múa cung đình, có điệu múa đèn “Hoa đăng” mà các nghệ nhân thường gọi là “Lục cúng hoa đăng”, nhưng Lục cúng là các điệu múa đặc biệt trong Phật giáo, nên tôi thấy rằng muốn xây dựng, chấn chỉnh hay phát triển “Lục cúng hoa đăng” nên tham khảo các điệu Lục cúng của Phật giáo”.

GS.Trần Văn Khê

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.