Những ngày này, các chùa ở Hà Nội đều cử hành pháp hội Vu lan, cúng dường chư Phật, xá tội vong nhân, cầu cho quốc thái dân an, báo đáp ân đức tổ tiên...
Trong mỗi người dân Việt Nam, lễ Vu lan (ngày 15-7 âm lịch) từ lâu đã thành ngày không thể thiếu trong hoạt động văn hoá tâm linh nói chung, văn hoá Phật giáo nói riêng. Năm nay, lễ Vu lan diễn ra tại các chùa ở Hà Nội bắt đầu từ mùng 8-7 âm lịch, tùy theo đặc điểm từng nơi.
Mùa Báo hiếu
Tại chùa Quán Sứ, lễ Vu lan diễn ra từ ngày 11 đến 14-7 âm lịch. Rất nhiều du khách và Phật tử thập phương đã tham dự các khóa lễ, tỏ lòng biết ơn đến Đức Phật, báo hiếu cha mẹ, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, những người có công với nước…
Lễ Vu lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc. Nhiều người cùng nhau đến chùa để thắp nhang, khấn nguyện, cầu siêu cho người đã khuất, cầu phúc cho gia đình, người thân được nhiều cơ may, hạnh phúc. Chùa Trấn Quốc, chùa Bà Đá, Quán Sứ… cùng các chùa trên địa bàn Hà Nội mỗi ngày có hàng nghìn người đến cúng cầu, làm lễ, tạo nên không khí tấp nập.
Hòa quyện trong mùi thơm của khói hương, hoa và quả, từng đoàn người tìm đến chùa dâng lễ mong muốn thực hiện ý nguyện tâm linh. Chị Nguyễn Thị Lan Hương, quê ở Bắc Ninh, đang làm việc tại Ngân hàng Đông Á cho biết: “Đến chùa trong dịp lễ Vu lan, tôi tìm thấy không khí bình yên sau những ngày bận rộn của cuộc sống. Tôi muốn cầu phúc cho cả gia đình sức khỏe và hạnh phúc”. Còn ông Nguyễn Viết Lực ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự: “Gia đình tôi đến cầu nguyện cho tất cả bên nội, bên ngoại, cho nhân dân, đất nước được bình yên. Đến chùa tâm trạng thoải mái, thanh thản và tôi cũng muốn nhắc nhở con cháu luôn nhớ ơn về tổ tiên. Sau khi đi chùa về, gia đình chúng tôi sẽ làm cơm cúng tại gia. Mong muốn các cụ đã khuất hiểu cho tấm lòng của con cháu”.
Hướng về cuội nguồn
Đến chùa, tạm quên đi những đua chen vất vả của cuộc sống, để được thả hồn vào những câu kinh báo hiếu mẹ cha, cứu độ chúng sinh. Lễ Vu lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu. Tục lệ này đã thành một nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân tộc Việt từ nhiều đời nay. Người ta mong ngày này, các vong hồn không ai phải đói khát, khổ sở. Mọi người đều có cuộc sống hạnh phúc, an bình.
Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, các chùa tại Hà Nội tổ chức Lễ Vu lan trang nghiêm và thành kính. Công tác chuẩn bị cho lễ Vu lan cũng được các chùa chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đảm bảo nơi ăn chốn ở cho các Phật tử, du khách từ các tỉnh về tham dự lễ.
Mặc dù lượng khách về tham dự lễ Vu lan đông nhưng công tác tổ chức, từ thực hiện các nghi lễ đến sinh hoạt được diễn ra trong không khi tôn nghiêm và thành kính.
Về phong tục ngày rằm tháng 7 – ngày lễ Vu Lan, những người cao tuổi đi lễ chùa trong những ngày này ở chùa Quán Sứ cho biết thêm: Theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam, thì rằm tháng 7 âm lịch hàng năm là ngày các tội nhân ở cõi âm được tha tội, bởi vậy các gia đình ở dương gian bày mâm cúng gia tiên, đốt vàng mã và cầu cúng tụng kinh độ trì cho họ. Phật tử và khách thập phương đến chùa để tưởng nhớ, tôn vinh công sinh thành dưỡng dục, cầu nguyện cho cha mẹ, cho vong hồn người thân và các “cô hồn thập phương” được siêu thoát.
Và cũng từ rất lâu rồi, trong dân gian truyền tụng câu thơ nhắc nhở con cháu đi làm ăn xa: “Dù ai buôn bán đâu đâu - Cứ rằm tháng Bảy mưa ngâu thì về” để nhắc nhở cháu con nhớ về cội nguồn.
Cũng theo Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, việc báo hiếu với tổ tông, người thân không nhất thiết phải đốt quá nhiều đồ vàng mã tại các gia đình trong lễ Vu lan. Đó không phải là việc nhớ về tổ tông, mà quan trọng là hãy sống bằng tâm đức như lời Phật dạy.
Khi những cơn mưa ngâu kéo dài phủ xuống đất trời, chính là lúc nhắc mọi người một mùa Vu lan lại đến, mùa của báo hiếu, ngày xá tội vong nhân…