GN - Nếu hơn 1.300 năm trước, một hôm trên bước đường tiêu dao hay giữa một… cơn say rượu túy lúy càn khôn nào đó, thi tiên Lý Bạch đã thốt lên lời cảm khái: Xử thế nhược đại mộng / Hồ vi lao kỳ sinh (1) thì cũng từ lâu lắm, người bình dân Việt đã từng… thực tế trải nghiệm, rằng Sự đời như giấc chiêm bao…
Hoặc nếu từ 2.400 năm trước của Hy Lạp cổ đại, lời dặn của triết gia Socrates (về sau được khắc vào đá ở đền thờ Delphi), rằng Connais-toi, toi-même (Know thyself - Hãy tự hiểu chính mình), thì tại phương Đông, mấy mươi năm sau sinh thời của triết gia, nhà quân sự Tôn Võ Tử cũng đã ghi vào Tôn Ngô binh pháp điều mà bất cứ người cầm quân nào cũng không được quên, là: Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất đãi/ Bất tri bỉ nhi tri kỷ, nhất thắng nhất phụ/ Bất tri bỉ bất tri kỷ, mỗi chiến tất đãi (tức là: Biết mình biết người, trăm trận đánh không thua, Không biết người mà biết mình, một thắng một thua, Không biết người không biết mình, mỗi lần đánh ắt thua).
Ai mà chẳng hay, cuộc đời này chỉ là giấc mộng... Ảnh minh họa
Ấy là, nói lan man chuyện… xa xôi triết học ở trời Tây hay là chuyện… rắc rối quân sự của chốn phương Đông. Còn giờ đây, đối với chuyện thường ngày của hàng Phật tử chúng ta, thì trong thời khóa hàng đêm vẫn đều đặn vang lên lời trì tụng thuộc lòng câu kinh văn chiếu kiến ngũ uẩn giai không… trong Tâm kinh Bát-nhã…
Chưa nói đến cái từ “không” trong câu kinh văn trên bao hàm nhiều nội dung sâu xa khác, mà chỉ dừng lại ở những việc bình thường hàng ngày, ai mà chẳng biết, tất cả mọi nỗ lực, mọi thành công hay thất bại giữa cái cõi này, rốt cuộc cũng dẫn về chỗ “trắng tay”: khi đến với đời, là hai bàn tay không; khi chia tay, cũng chỉ là trắng tay. Ai mà chẳng hay, cuộc đời này chỉ là giấc mộng. Ai mà không rõ, muốn tiến tu thì một trong nhiều việc cần làm là phải tự quán chiếu muôn hình vạn ảnh của dòng tâm thức nơi chính mình. Ai mà chẳng biết như thế!!!
*
Nhưng “chính mình” là cái chi, là sự gì, hình dáng của nó ra làm sao, biến hóa thế nào, gây nên nông nổi gì đây??? Nếu muốn trả lời, thì sẽ phải lê thê dằng dặc nhưng có lẽ, nói gọn lại, thì phải chăng, đó chính là sự chiến đấu dài lâu với cái “tôi”, điều mà theo truyền thuyết, hơn 2.500 năm trước, bậc đạo sư vĩ đại nhất đã từng xác tín cho toàn thể nhân loại, trên con đường của bất kỳ ai muốn đi tìm sự giải thoát: Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn? Hẳn nhiên, cái “ngã” này không phải là bản thân của Ngài, người đã từ chối cả mười danh xưng cao quý như Thế Tôn, Thiên Nhân Sư, Thế Gian Giải… để chỉ khiêm cung tự gọi mình là Như Lai. Và phải chăng, cái “ngã” ấy cũng không phải là cái ngã pháp thân như một lời giải thích đã từng được nghe? Phải chăng, có thể trộm nghĩ rằng, cái “ngã” ấy vừa là đối tượng của quá trình nhận thức và thực hành, vừa là cứu cánh trên con đường tu-học??? Như câu thần chú chính yếu nhất đã từng chỉ lối: Gate’, gate’, paragate’, parasamgate’. Vượt qua cái gì, vượt qua điều gì, cốt tử nhất, nếu không là cái “tôi”?
Thử tiếp tục lan man, thì có lẽ, một trong những tra vấn lớn nhất trong cuộc nhân sinh, là câu hỏi về cái chết. Nói đến cái chết, “ai mà chẳng biết” mệnh đề sơ đẳng nhất trong luận lý học là: “Làm người thì phải chết, Aristote là người, Aristote phải chết”. Không cần phân tích tìm hiểu gì nhiều về dáng hình của cái chết, bởi nó rất… nhiêu khê phức tạp: đối với người này thì cái chết là điều bình thường nhưng đối với kẻ khác thì nó có thể rất đáng sợ, đối với người kia thì cái chết lại có nét đẹp lạ kỳ... Nhưng cũng thật kỳ lạ, là ít ai cảm nhận thật sâu sắc, rằng cái chết “dính líu” đến con người nhiều hơn họ nghĩ, rằng cái chết... nằm sát bên con người hơn họ tưởng. Ai mà chẳng từng thốt lên: Ôi chao, mới tối hôm qua còn nói chuyện với ông ấy, mà sáng ra thì ổng “đi” rồi! Ai cũng biết, cái chết có thể đến thật bất ngờ đối với bất kỳ ai; nhưng khi “vận” vào bản thân, thì dường như nhiều người vẫn nghĩ nó… chưa xảy đến với mình; và ít người có thể bình tâm đón nhận khi “nó” xuất hiện!
*
Nếu đã hiểu, đời là giấc mơ, thì sống, chính là đang… ngủ, chẳng phải sao? Cũng có nghĩa, chết đồng nghĩa với sự thức giấc. Nghĩa là, chết mới thực sự là sống. Cũng vì thế, mà mới có câu “sinh ký, tử quy”. Sống gửi, thác về. Về đâu, khi sống chỉ là tạm; chết, mới là dài lâu? Vì khi cái thân này hết… thở, mới bắt đầu quay lại cái “chốn” vĩnh hằng: Dòng Sống miên viễn.
Như thế, “ai mà chẳng biết”, hệ luận tất yếu tiếp theo sẽ là: không có thời gian, hay thời gian chính là… tàng thức, nơi nó luôn làm cái công việc lưu giữ - chọn lọc, để đến một giai kỳ nào đó, sẽ dần hiển lộ những trái quả phù hợp với con đường tâm thức của mỗi người. Nhưng phải chăng, ngoại trừ những con người “may mắn” hoặc những người có căn cơ từ nhiều quá khứ rất xa, dường như đa số trong cái nhân lọai này vẫn đắm chìm trong cuộc phù sinh, vẫn cứ xem mấy mươi năm ngắn ngủi trên cái - gọi - là đời sống này duy nhất có ý nghĩa để rồi buông mình theo những tham ái mù lòa bất định (!?)…
Nhưng có ai thoát khỏi được cái sự “buông mình”? Trôi theo miên man bất tuyệt dòng tâm thức của chính mình??? Như những giọt mưa đêm nay, tháng Bảy…
*
… những giọt mưa đêm nay. Trong tiếng mưa đêm cứ dài ra theo ý nghĩ, có ai đang gắng trồi lên khỏi những thanh âm xao động để đón nhận sự yên tĩnh, rồi từng bước tìm đến sự bất động? Những thanh âm kia phải chăng là tiếng kêu cứu nạn của biết bao sinh linh đang nổi chìm giữa ba đào tâm thức? Và ở đâu, sẽ hiện ra tiếng Quán Âm cứu nạn dường như đang lan rộng tới không bờ?
Ấy là, cháy và tắt, của cuộc nhân sinh bất định, chập chờn những bào ảnh trên sóng thời gian.
Là thế ư, sao buồn đến vậy? Nhưng, liệu sẽ có được niềm vui chăng, nếu không đi đến tận cuối nỗi buồn? Để trở lại Làm Người, sau khi nhận ra sứ mệnh đau thương mà vinh dự của chính phận người, như người leo núi vừa tự mình rấn lên, vừa quay lại giúp cho bạn đồng hành bước tới…
Nguyễn Đông Nhật
_____________
(1) dịch nghĩa: Chuyện đời như giấc mộng lớn / Làm chi cho mệt tấm thân