Số lượng các trường hợp được ghi nhận gần đây đang tăng đột biến trên khắp trên thế giới. Nhiều nơi đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai và thứ ba trầm trọng và nặng nề hơn cả những đợt lây nhiễm trước đó. Trong năm nay, hàng tỷ người phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ bất kỳ một thành viên nào trong gia đình hay thậm chí là một người lạ mặt nào đó trong các đám đông nơi công cộng. Những thay đổi quan trọng và các thách thức to lớn mang tính toàn cầu do đại dịch gây nên khiến nỗi bất an càng ngày càng nặng nề.
Hơn bao giờ hết, đại dịch giúp chúng ta nhận thức rõ ràng về mối liên hệ duyên sinh và sự vô thường của mọi vật. Trước đó, không ít người nghĩ rằng mỗi cá nhân là một cá thể biệt lập đối với thế giới xung quanh, nhưng nay, đại dịch đã chứng tỏ một điều rằng chúng ta không hề đơn lẻ, mà ngược lại có mối liên hệ mật thiết với những người khác. Tất cả đều được kết nối chặt chẽ với nhau, giữa người này với người khác, gia đình này với gia đình khác, cộng đồng này với cộng đồng khác và quốc gia này với quốc gia khác. Như vậy, là một cá thể trong mạng lưới duyên sinh ấy, mỗi người nên đối mặt với đại dịch như thế nào?
Khi nhìn vào những ngày tháng sắp tới, chúng ta có thể chuẩn bị thực hiện theo ba bước quan trọng sau đây. Thứ nhất, giãn cách, sinh hoạt riêng biệt với xã hội và rút lui khỏi những hoạt động tụ tập hàng ngày; thứ hai là tập chấp nhận và quán chiếu về tính vô thường và bất toại nguyện trong cuộc sống; cuối cùng là giữ bình an và cố gắng trở thành “người hùng” của chính bản thân và những người xung quanh.
Lời dạy của Đức Phật về việc sống một mình rất rõ ràng và chuẩn xác. Thế giới xung quanh bị xáo trộn trong mớ công việc hàng ngày khiến cuộc sống tinh thần của chúng ta bị xao lãng và xuống dốc. Khi áp lực, căng thẳng chồng chất thì mối liên kết giữa chúng ta với giáo pháp trở nên yếu ớt, thậm chí là biến mất hoàn toàn. Vì vậy, nếu có bất kỳ cơ hội nào, chúng ta phải biết nắm bắt, cố gắng thực hành và quán sát. Sự thực hành có khi chỉ đơn giản là tỉnh thức trong từng hơi thở của chúng ta, hoặc tụng niệm, hay làm điều gì đó để củng cố mối liên hệ của chúng ta với giáo pháp. Và nếu đại dịch đã lấy đi của chúng ta bất kỳ thói quen nào thì chúng ta có thể xem đó là cơ hội để đánh giá, xem xét lại giá trị của hoạt động đó và bắt đầu việc tu tập và rèn luyện của bản thân.
Sự quán chiếu và chấp nhận thực tại sẽ đến một cách tự nhiên khi chúng ta chủ động sống trong tình trạng cô lập. Sự thật về vô thường thực ra không có gì mới đối với nhân loại. Thực tế, sự biến chuyển vô thường là một trong ba đặc điểm của hiện hữu. Phải rời xa những gì chúng ta yêu thích cũng như không đạt được những gì chúng ta mong muốn là nguyên nhân của khổ đau. Nếu bất kỳ ai trong chúng ta chưa tin tưởng về những lời dạy của Đức Phật cách đây khoảng 2.500 năm, thì giờ đây, đã đến lúc chúng ta nên xóa bỏ mọi nghi ngờ đối với những chân lý ấy.
Như ngài Dzongsar Khyentse Rinpoche đã viết trong cuốn sách What makes you not a Buddhist (Điều gì khiến bạn không phải là Phật tử):
Sợ hãi và lo lắng là hai trạng thái tâm lý chi phối tâm trí con người nhiều nhất. Đằng sau nỗi sợ hãi ẩn chứa một khao khát mãnh liệt hướng đến cái chắc chắn... Sẽ không có bất kỳ nỗi sợ nào khi chúng ta hiểu rõ về vô thường.
Bước cuối cùng thường bị các Phật tử hiện nay bỏ qua: đó là luôn vui vẻ, bình an, nỗ lực để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Mới đây, một y tá làm việc tại một bệnh viện nông thôn ở Hoa Kỳ đã được phỏng vấn về những trải nghiệm khó khăn của cô ấy trong thời gian gần đây. Đôi lúc, với giọng run run, cô ấy cho biết: mọi người thường cho rằng năm nay là “năm của y tá” hay “y tá là anh hùng”, nhưng trên thực tế, tất cả chúng ta đều có thể là anh hùng: đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội, rửa tay, ở nhà và chỉ ra đường khi thực sự cần thiết.
Tất cả chúng ta đều có thể là anh hùng. Thay đổi thói quen và hạn chế những mong muốn thường ngày của chúng ta trong thời gian dịch bệnh là một điều rất khó. Tất cả những hoạt động, việc làm của chúng ta đều phải được đặt trong ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng. Nếu làm được như thế thì không những bản thân chúng ta mà tất cả những người thân yêu của chúng ta hay thậm chí những người xa lạ cũng được bình an. Đây là lòng từ ở dạng cơ bản nhất nên được thực hành trên khắp thế giới trong thời gian đại dịch đang hoành hành.