GN Xuân - Ban đầu là chị Linh bán tạp hóa bị bịnh mọc râu, là chị bị nám da ở chỗ mà đàn ông mọc râu. Vậy đó, chị bán hàng kem và son và phấn và đủ thứ làm đẹp mà khuôn mặt của mình như vậy thì nói năng với khách hàng sao đây? Ai dám tin kem dưỡng da của chị bán đúng là dưỡng da?
Nếu không tẩy được cái vết nám quái ác đó thì chị phải chuyển nghề là cái chắc. Đang buôn bán yên lành quen mối lái quen khách hàng mà phải chuyển qua nghề khác chị Linh thấy ớn quá, vừa đi bác sĩ da liễu chị vừa khấn vái: “Xin Trời Phật cho con hết bị nám thì con sẽ tới chùa làm từ thiện”.
Tiếp theo là bà Nhu bán hàng nồi niêu chén bát. Bà Nhu có đứa con trai đang ngoan hiền chăm chỉ học hành bỗng nổi tính lười học và hay cãi, mẹ khuyên răn một câu thì con trai trả treo lại bốn câu.
Bệnh nhân tâm thần và bữa cơm ngày cuối năm do quý Ni chia sẻ - Ảnh tư liệu GNO
Thấy mùng một với ngày rằm chị Linh dọn hàng sớm để lên chùa phụ bếp cơm tình thương vì vết nám trên mặt chị chỉ còn mờ mờ và hứa hẹn sẽ biến mất, bà Nhu cũng phập phồng cầu khấn: “Xin Trời Phật cho thằng con trai của con hết hỗn hào thì con sẽ tới chùa làm từ thiện”.
Chợ chia làm hai phe, phe này không tin bà Nhu được Trời Phật nghe thấu bởi vì chị Linh có ông bác sĩ da liễu, còn bà Nhu chỉ là cầu khấn suông. “Nỗi lòng người mẹ sao gọi là suông được”, phe kia cũng nặng lòng con cái như bà Nhu nói vậy, sinh ra đứa con vô lễ ăn chơi đua đòi thì coi như là bị dao đâm từng ngày.
Vậy nên cái ngày mà bà Nhu ra chợ với khuôn mặt đầm đìa nước mắt, ai nấy ái ngại không dám nói năng gì sợ bà buồn thêm thì bà vừa khóc vừa cười chìa điện thoại ra cho mọi người đọc tin nhắn của con trai: “Con biết con làm mẹ buồn nhiều lắm, con hứa sẽ thay đổi, từ nay mẹ không phải khóc nữa đâu”.
Dòng tin nhắn khiến mấy sạp hàng quanh bà Nhu rúng động. Quá là linh thiêng. Nhưng có người lắc đầu: “Tới tuổi dậy thì đứa nào cũng ương ương, qua tuổi đó thì trở lại bình thường là đúng rồi”. Lập tức có nhiều người nhao nhao chứng minh câu nói này sai bét ngay, kìa, có nhiều đứa qua tuổi dậy thì tới cả chục năm rồi mà vẫn khiến cha mẹ cắn răng.
***
Chợ chỉ có khoảng bốn chục sạp hàng, buôn bán ồn ào được chút buổi sáng còn buổi chiều thì nghỉ. Chợ nhỏ vậy nên có chuyện gì ở đầu này thì một lát sau đầu kia biết ngay. Vậy nên chẳng lạ gì khi mấy bà mấy chị lần lượt nối nhau theo chị Linh và bà Nhu đi chùa.
Không phải ai cũng dễ dàng ruột để ngoài da bởi vì có những nỗi khổ khó nói ra thành lời.
Thì nói thầm với Phật, cũng được nhẹ lòng.
Có người cười tươi hơn sau những lần đi chùa về, có người vẫn còn buồn rầu nhưng niềm vui người khác có được khiến họ thấy mình có hy vọng.
Niềm vui và hy vọng khiến người ta dễ thương hơn. Ít cáu gắt, có lỡ nổi giận thì cũng nhanh xẹp xuống và sau đó thì cười xòa bỏ qua. Xuất hiện những câu đùa kiểu như: “May cho mày là tao đang chuẩn bị chiều nay đi chùa đó nghe”. Khắp chợ cười rân khi bà bán giày dép tinh nghịch huơ một chiếc dép trước mặt ông thu thuế ngày ế ẩm: “May cho ông là hôm nay mùng một đó nghe”. Ông thu thuế vui lắm vì từ trước tới nay công việc của ông khiến mọi người trong chợ ai cũng không ưa, nói gì tới chọc giỡn thân tình.
***
Không phải lúc nào đi chùa cũng vui. Cuộc đụng độ với nhóm Phật tử Chợ Lớn hôm đó khiến dân chợ nhỏ tự ái buồn bực kinh khủng. Ờ, mình buôn bán ở chợ nhỏ thì gọi là nhóm Phật tử Chợ Nhỏ chớ lòng thành thì đâu có thua ai kia, vậy mà ỷ chợ lớn quyên góp được nhiều hơn nên tỏ vẻ quyền hành quá. Ghét. Bếp cơm tình thương của chùa đâu phải của riêng ai làm chủ mà bà Nhu góp ý là bụng dạ người bịnh yếu cho nên đừng có nấu món canh chua, nấu canh bầu canh bí đỏ lành hơn, vậy mà hôm sau lại thấy nồi canh chua bốc khói trong bếp.
Coi thường ý kiến người khác quá đi.
Vậy thì dân chợ nhỏ lập riêng Hội Từ thiện Chợ Nhỏ, khỏi dính dáng tới ai cho khỏi mất công buồn.
***
Má tôi là chủ nhân của hàng chè. Từ ngày có Hội Từ thiện Chợ Nhỏ, má tôi nhận nhiệm vụ mỗi Chủ nhật nấu thêm một nồi chè khoảng năm chục phần. Má giao lại nhiệm vụ này cho tôi, má nói: “Tập làm từ thiện đi để kiếm chút phước con à”. Tôi thấy buồn cười. Tôi đọc mấy cuốn kinh má mượn ở chùa về, kinh dạy “thi ân bất cầu báo” mà má tôi cũng như mấy bà mấy chị ở chợ nhỏ làm gì cũng nghĩ là đang kiếm phước. Chẳng biết hiểu sao cho đúng nữa. Rắc rối. Thôi, má sai biểu thì mình cứ làm thôi.
Không như bếp cơm tình thương của chùa chọn bệnh viện đa khoa số lượng bệnh nhân nghèo thường xuyên thay đổi, Hội Từ thiện Chợ Nhỏ chọn khu tâm thần, nơi này số lượng bệnh nhân hiếm khi trồi sụt.
Mỗi phần ăn sáng gồm một ổ bánh mì kẹp chả lụa và một bịch chè, có khi thay đổi bằng bánh chưng và trái cây, tuần nào có được nhiều tiền hơn thì có thêm hộp sữa tươi.
Tài xế là tôi. Hôm đó, má tôi bị cảm sốt, người đi thay là chị Linh.
Như thường lệ, thấy tôi bưng thùng tới thì bệnh nhân từ trong phòng ùa ra sân và chạy về phía hàng rào. Như thường lệ, họ thò tay qua hàng song chờ đợi tôi đưa gói quà.
Khác thường là hôm nay họ ríu rít.
- Má đâu?
- Má đâu?
- Má đâu rồi?
Câu hỏi nối tiếp nhau vang lên khiến tôi thoáng giật mình, thường ngày họ chỉ cười cười và im lặng nhận quà rồi đi về phòng.
Chị Linh tròn mắt nhìn tôi:
- Họ nhớ cách em gọi má kìa.
Chị Linh lẩm bẩm “Họ có nhớ… ”, rồi chị đưa tay ra hiệu tôi khoan phát quà.
- Họ nhớ được, em à - Chị Linh nói.
- Thì sao? - Tôi hỏi lại.
- Thì… mình dạy họ niệm danh hiệu Phật để kiếm chút phước.
Lại kiếm phước. Cho chị hay cho bệnh nhân? Đề tài này luôn khiến tôi thấy mâu thuẫn, tôi lắc đầu:
- Ở đây không phải là chùa của mình đâu. Chị làm vậy lỡ Ban Giám đốc…
- Ban Giám đốc ngồi tận văn phòng - Chị Linh liếc nhìn ông bảo vệ đứng ở cổng và nói nhanh - Mình vì mọi người chắc ông trời không để mình bị khiển trách đâu. Câu niệm Phật nào ngắn ngắn dễ nhớ hả?
Nói xong, chị Linh xọc tay vô tóc, như là chị cũng đâm ra bối rối trước sự bất ngờ mà chị vừa nghĩ ra. Rồi chị cầm lên một gói quà, đưa tới trước mặt một người bệnh và nói:
- Nói rồi mới được nhận quà. Nói “A Di Đà Phật” đi.
Người bệnh mở to mắt ngẩn ngơ nhìn chị Linh.
- A - Di - Đà - Phật - Chị Linh nhả từng tiếng thật chậm. Nói đi, A.
Người bệnh há miệng ra “A” rồi ngơ ngác ngừng lại.
- Di - Chị Linh nói.
Người bệnh ngập ngừng:
- Di…
- Đà - Chị Linh nói.
Người bệnh liếc nhìn gói quà, nước dãi ứa ra mép:
- Đà…
- Phật - Chị Linh nói.
Người bệnh liếm môi:
- Phật.
- Giỏi lắm - Chị Linh khen.
Người bệnh cầm gói quà chị Linh vừa đưa tới và vùng chạy ra xa như sợ chị giựt lại.
Người thứ hai cũng vậy, chị Linh phải nói từng tiếng một và họ lập lại từng tiếng một. Lần lượt, tới thêm vài người nữa thì nỗi căng thẳng trước sự lạ lùng giảm dần, có vài khuôn mặt hiện lên sự hớn hở đợi tới phiên mình. Chị Linh vừa nói “A” thì bệnh nhân tuôn ra luôn “A Di Đà Phật”.
Chị Linh cười tươi:
- Giỏi lắm giỏi lắm. Nhớ nghe. Nhớ hàng ngày niệm A Di Đà Phật nghe.
Tôi ngoái nhìn về phía cổng bảo vệ, chắc là ông bảo vệ tưởng chị Linh trò chuyện khích lệ bệnh nhân thôi. Nếu ông biết chị đang làm gì thì sẽ ra sao? Người ta thấy chị đang ra điều kiện phải niệm Phật mới được nhận quà thì sẽ ra sao?
Thật lòng, chính tôi đây cũng thấy kỳ kỳ.
***
Nghe tôi kể lại chuyến đi với chị Linh, má tôi lo lắng: “Làm vậy mà lỡ gia đình người ta không phải theo đạo Phật thì sao?”.
Chẳng biết sẽ ra sao nữa.
Má dặn tôi:
- Con đừng kể ai ngoài chợ nghe, họ rầy la chị Linh thì mình mang tiếng nhiều chuyện. Để lần sau phân công chị Linh làm việc khác.
Lần sau, tôi chở bà Nhu đi. Người ngồi sau là bà Nhu thì tài xế thật hồi hộp vì tay lái cứ bị loạng choạng theo nhúc nhích liên tục của bà.
Tôi nhìn qua kính chiếu hậu, có chuyện gì mà bà đọc tin nhắn điện thoại suốt trên đường đi? Tay này gí gọng kính đẩy nó lên sống mũi cho đúng chỗ, tay kia bà cầm cái điện thoại đưa ra xa tầm mắt.
Thật nguy hiểm khi ngồi phía sau xe máy trong tư thế đó, mà giữa bà và tôi còn có một cái thùng đựng hàng.
- Bác Nhu ơi, có chuyện gì thì tí nữa tới nơi bác đọc tin nhắn sau đi nghe - Tôi nói.
Giọng bà bẽn lẽn:
- Có gì đâu, cái tin nhắn thằng con bác gởi đó mà. Bác đọc đi đọc lại hoài mà lúc nào cũng muốn đọc nữa cháu à. À, bác hỏi nè, bác già rồi nên không biết, tổng đài có khi nào tự xóa tin nhắn trong điện thoại của mình không hả cháu? Như là bác muốn giữ cái tin nhắn này mãi mãi thì có được không?
Tôi chưa được nhận tin nhắn nào khiến mình muốn lưu giữ mãi mãi cho nên cũng không biết tổng đài có tự nhiên mà xóa nó đi không. Tôi chưa biết trả lời sao thì bà Nhu tiếp tục bằng giọng hạnh phúc:
- Cô giáo chủ nhiệm nói dạo này nó tiến bộ nhiều lắm, hay giơ tay xung phong trả bài, mà lễ phép lắm, thầy cô ai cũng thương.
Niềm hạnh phúc của bà khiến tôi phải chạy xe chậm rì rì, cuối cùng thì cũng tới nơi. Ông bảo vệ nhìn đồng hồ và mỉm cười:
- Hôm nay công việc ở chợ bận rộn nên tới hơi trễ hả?
- Đói bụng ăn càng ngon.
Vui vẻ trả lời ông bảo vệ như vậy nhưng bà Nhu thúc tôi bưng cái thùng đi thật nhanh.
Bệnh nhân đã đứng gần hàng rào chờ đợi. Tôi đặt cái thùng xuống và mở miệng thùng ra.
- A Di Đà Phật.
- A Di Đà Phật.
- A Di Đà Phật.
- A Di Đà Phật.
Bà Nhu trố mắt nhìn những cái miệng rộn ràng và những bàn tay thò qua song tỏ ý là mình đã đọc xong rồi đó, và tiếng đọc tiếp tục vang lên cùng với những bàn tay khác vừa thò ra “A Di Đà Phật”, “A Di Đà Phật”…
- Họ biết niệm Phật à? - Bà Nhu kêu lên.
Không biết nói sao, tôi làm như bận bịu chia quà nên không trả lời. Người bệnh cuối cùng là một cô gái trẻ, cô nhìn vô thùng.
Thường thì mọi người hay chuẩn bị dư ra thêm vài phần quà phòng khi có thêm bệnh nhân mới mà mình chưa biết, những phần quà dư này sau đó tặng mấy bác lao công cho vui.
Cô gái nhìn vô thùng, rồi láu lỉnh nhìn tôi:
- A Di Đà Phật. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật. Đọc ba lần thì được ba phần quà.
Bà Nhu sửng sốt:
- Biết niệm Phật rồi biết lý lẽ nữa trời ơi.
Tôi cũng sửng sốt.
***
Buôn bán cả năm được có tháng Chạp là bán hàng nguyên cả ngày, vậy nên sạp nào cũng bận tít mù. Gần tới ngày Chủ nhật, Hội Từ thiện Chợ Nhỏ hỏi nhau ai có người nhà rảnh rang thì nhờ nấu nướng rồi đem quà tới khu tâm thầm giùm luôn. Câu hỏi này vang tới chùa.
Hội Từ thiện Chợ Lớn xuất hiện:
- Tụi tui đông người mà, bên này làm không hết việc thì sang bớt qua cho tụi tui kiếm tí phước.
Hội Từ thiện Chợ Nhỏ hơi bất ngờ, không ngờ ai kia mà cũng xởi lởi. Sự xuất hiện đúng lúc của Hội Từ thiện Chợ Lớn đã hàn gắn được mối xích mích, nồi canh chua bữa đó không phải là coi thường ý kiến mà vì bạn hàng theo thói quen lỡ đem tới tận nơi. Chẳng lẽ không lấy? Mà bạc hà với rau ngổ thì biết nấu gì khác ngoài món canh chua?
Tôi hồi hộp đợi Hội Từ thiện Chợ Lớn đi tặng quà về có kể chuyện bệnh nhân tâm thần biết niệm Phật không. Không. Không nghe nói gì cả.
Chắc là họ - những bệnh nhân tâm thần đó, đã quên rồi. Câu niệm A Di Đà Phật đã trôi tuột qua tâm trí họ như bao điều đã bị lãng quên. Bỗng tôi thấy buồn buồn và muốn khóc. Má bắt tôi hàng tuần phải làm tài xế tới khu tâm thần là để tôi biết mình may mắn lắm, để tôi biết mở lòng ra.
Mà tôi làm được gì đâu.
***
Để bù đắp cho tháng Chạp không tới được, mọi người hẹn nhau sẽ lì xì bệnh nhân tâm thần vào mùng ba Tết. Bàn bạc một hồi thì chuyển qua ngày mùng một, lên chùa lễ Phật rồi cùng nhau đi luôn cho tiện.
Đã có xe hai mươi bốn chỗ ngồi của Hội Từ thiện Chợ Lớn cho nên không cần tài xế xe máy là tôi.
Tôi đang đi chơi với bạn bè thì điện thoại đổ chuông, giọng má tôi ngập ngừng: “Con vô khu tâm thần ngay bây giờ được không? Có lẽ là mọi người muốn gặp con”.
Ai muốn gặp tôi trong ngày đầu năm này? Sao má lại nói “có lẽ”?
***
Khu tâm thần ngày Tết không có hoa mai hoa đào nhưng có rất nhiều người tới thăm, những thùng quà chất đầy góc phòng khách. Mùa xuân, lòng người rộng rãi hơn rất nhiều.
Nhìn thấy tôi, má vẫy tay. Má đang cùng mọi người đứng ở nơi mà tôi thường bưng thùng quà tới. Không khí xôn xao khác thường của mùa Tết khiến bệnh nhân ngơ ngác nhìn ngó. Có lẽ bộ áo quần mới trên người cũng khiến họ lạ lùng với chính mình.
Tôi đi tới, và vẫy tay với cô gái láu lỉnh hôm nọ.
- A Di Đà Phật - Cô gái reo lên.
- A Di Đà Phật.
- A Di Đà Phật…
Tất cả bệnh nhân cùng nhìn tôi và cùng reo lên “A Di Đà Phật”...
Má đưa tay lên khóe mắt:
- Má đoán đúng là họ chờ nhìn thấy con mà. Thường ngày, chuyến đi nào cũng có con cho nên họ chỉ nhớ mặt con.