Tốc độ triển khai nhanh chóng này đã được quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ca ngợi như “một câu chuyện thành công” trong hoạt động viện trợ vắc-xin toàn cầu.
Trong tuần qua, Bhutan đã tiến hành tiêm hơn 454.000 liều vắc-xin sau khi nhận được nguồn viện trợ từ nước ngoài cho những người trưởng thành đủ điều kiện, tương đương với hơn 85% trong tổng số 530.000 dân của quốc gia này.
Ông Will Park, đại diện quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Bhutan đã khen ngợi chương trình tiêm chủng quy mô và nhanh chóng này như “một câu chuyện thành công lớn của Bhutan”.
“Chúng ta thực sự cần một thế giới mà ở đó những quốc gia còn thừa vắc-xin sẽ viện trợ cho những quốc gia chưa có hoặc bị thiếu vắc-xin. Và điều duy nhất mà tôi hy vọng cả thế giới sẽ học hỏi từ đất nước này đó là một quốc gia có rất ít bác sĩ, rất ít y tá như Bhutan nhưng có một vị vua thực sự tận tâm và giới lãnh đạo chính phủ sẵn sàng tham gia phục vụ cộng đồng. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin cho toàn quốc không phải là chuyện không thể thực hiện được”, ông Park cho biết.
Bhutan được biết đến là một trong những quốc gia thành công trong việc ngăn chặn Covid-19 |
Với những mũi tiêm đầu tiên cho người dân trong đợt này, Bhutan đã nhanh chóng sử dụng gần hết 550.000 liều vắc-xin Astra Zeneca do Ấn Độ tài trợ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 trước khi quốc gia láng giềng này tạm dừng xuất khẩu vắc-xin.
Đối mặt với khoảng cách thời gian ngày càng tăng giữa mũi thứ nhất và mũi thứ hai, Bhutan đã kêu gọi sự viện trợ nguồn vắc-xin từ các quốc gia khác.
Đáp lại lời kêu gọi, thông qua chương trình COVAX, Hoa Kỳ đã tài trợ nửa triệu liều vắc-xin Moderna; đồng thời, 250.000 liều AstraZeneca từ Đan Mạch cũng đã đến Bhutan vào giữa tháng 7.
Theo dự kiến, hơn 400.000 liều AstraZeneca, Pfizer và Sinopharm từ Croatia, Bulgaria, Trung Quốc và các quốc gia khác cũng sẽ được đưa đến quốc gia Nam Á 770.000 dân này.
Chính phủ Bhutan cũng đã đặt mua 200.000 liều Pfizer, dự kiến sẽ được giao vào cuối năm nay.
Tính đến ngày 28-7-2021, Bhutan đã ghi nhận 2.500 trường hợp dương tính với Covid-19, 2 ca tử vong và 488.872 liều vắc-xin đã được tiêm cho người dân. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm toàn cầu đã vượt quá 195,3 triệu; với 4,2 triệu ca tử vong và 3,93 tỷ liều vắc-xin đã được sử dụng.