Trong phẩm Tựa, Đức Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ định và phóng quang cho thấy tất cả cảnh giới của tứ thánh lục phàm. Những người vào được ánh quang Phật, tức tiếp nhận được giáo pháp Phật mới nhận chân toàn cảnh Pháp giới. Còn người chấp pháp, chấp ngã thì tuyệt phần. Phật thương xót những người chưa vào Thiền định được, nên từ an tường tam muội thuyết pháp cho Bồ tát trong Thiền định, Ngài trở lại đời sống bình thường và bắt đầu giảng nói về phương tiện.
Phẩm thứ hai của kinh Pháp Hoa tên là Phương tiện, tất nhiên chính yếu nói về phương tiện. Mở đầu phẩm Phương tiện, Đức Phật gọi Xá Lợi Phất để nói về trí tuệ sâu mầu của Như Lai mà Ngài đã tu chứng. Ngài khẳng định rằng trí tuệ Phật khó hiểu khó vào, hàng Nhị thừa mới đến lớp vỏ và hàng Bồ tát chỉ vào được một phần, làm thế nào nói cho chúng sinh bị ngũ uẩn ngăn che nhận biết được. Và Đức Phật kết luận rằng “Duy Phật dữ Phật nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng”, nghĩa là chỉ có Phật Thích Ca và chư Phật thấu biết pháp chân thật, hay thật tướng các pháp.
Thật vậy, pháp chân thật mà Đức Phật chứng đắc lìa vọng tưởng điên đảo, lìa ngôn ngữ, lìa suy nghĩ theo thế nhân, trong khi mọi người luôn sống với vọng thức thì làm sao hiểu được. Muốn cho chúng sinh hiểu pháp chân thật, Đức Phật phải mở cửa phương tiện. Trước nhất, Phật cho họ thấy cái mà loài người gọi là bất tư nghì; vì từ trước mọi người chỉ tin tưởng đấng tạo hóa toàn quyền quyết định sự sống của muôn loài. Nay Đức Phật dạy ngược lại rằng mọi người tu hành có thể thành Phật, nghĩa là chủ động trong việc chuyển hóa muôn sự muôn vật theo ý muốn của mình. Và chuyển đổi bằng cách từ bỏ tất cả để được tất cả. Còn chấp ngã chấp pháp không thâm nhập Phật huệ được.
Cuộc sống của Đức Phật đã chứng minh sâu sắc ý này. Ngài từ bỏ ngai vàng điện ngọc và trải qua 11 năm phát huy trí giác đến cùng tột, Ngài thành tựu quả Vô thượng Bồ đề. Từ đó, Đức Phật đã dấn thân trên vạn nẻo đường với hai tay không để giáo hóa độ sinh, nhưng bước chân từ ái của Ngài đến nơi nào thì người người dâng cúng đất đai, tinh xá, phẩm vật, v.v... Đức Phật đã rất nhẹ nhàng đối với việc sở hữu vật chất, nếu có vật chất thì đó chỉ là phương tiện để Ngài độ sinh; còn phần lớn Đức Phật sử dụng công đức để giáo hóa.
Trên bước đường tu, chúng ta cần sử dụng vô số phương tiện tương ưng với mình để tiến tu và cuối cùng chuyển hữu lậu ngũ uẩn thành vô lậu ngũ uẩn. Và nhờ thân vô lậu ngũ uẩn là thân không chấp ngã, không chấp pháp, tức thân đã trở thành thanh tịnh, cho nên cũng thân tứ đại ấy, nhưng vô lậu ngũ uẩn tác động cho người trông thấy ta phát tâm Bồ đề, còn nhìn thấy hữu lậu ngũ uẩn, họ sinh phiền não.
Khi Đức Phật chưa đắc đạo, chưa chuyển hóa hữu lậu ngũ uẩn thành vô lậu ngũ uẩn, năm anh em Kiều Trần Như cũng không hoan hỷ với Ngài; vì bấy giờ, tất cả đều chấp ngã chấp pháp. Nhưng Đức Phật đạt quả vị Vô thượng Bồ đề, sống với vô lậu ngũ uẩn, trừ sạch chấp ngã chấp pháp thì vừa trông thấy Phật, năm anh em Kiều Trần Như đã quỳ xuống đảnh lễ Ngài. Sau đó vô lậu ngũ uẩn của Phật đã tác động Kiều Trần Như xa rời tâm chấp trước, nên ông cũng đắc quả A la hán. Và bốn vị Tỳ kheo còn lại cũng lần lượt đắc Thánh quả nhờ tiếp nhận đạo lực thanh tịnh của Phật và Kiều Trần Như. Từ đó, giáo đoàn đầu tiên gồm Phật và năm vị Tỳ kheo là biểu tượng của Pháp thân, tức vô lậu ngũ uẩn tỏa sáng khiến cho người người thấy an lành và phát tâm tu theo.
Muốn có được thân vô lậu ngũ uẩn, hay Pháp thân, cần phải chuyển hóa thân hữu lậu ngũ uẩn thành năm phần Pháp thân là giới Pháp thân, định Pháp thân, huệ Pháp thân, giải thoát Pháp thân và giải thoát tri kiến Pháp thân. Trước nhất, thực hiện đức hạnh theo Phật là hiện hữu trên cuộc đời, chúng ta xa rời chấp trước, không tranh chấp hơn thua, để tạo được thân giới đức, tức giới Pháp thân. Đức Phật đã khẳng định rằng chỉ có đời tranh chấp với Như Lai, Như Lai không tranh chấp với đời. Và các vị Thánh tăng cũng dùng đức để cảm hóa người đời, điển hình như Mã Thắng Tỳ kheo giáo hóa Xá Lợi Phất một cách dễ dàng, không bằng lý luận hơn thua mà dáng vẻ giải thoát và giới đức Pháp thân của Ngài đã khiến cho nhà hùng biện bậc nhất ấy phải phát tâm quy ngưỡng.
Ngoài ra, một Tỳ kheo dù nói năng hay yên lặng, vẫn luôn trụ định, nghĩa là thể hiện sức tập trung cao, không bị hoàn cảnh tác động làm vui buồn vinh nhục, nên tâm hồn lúc nào cũng bình ổn, tự tại, giải thoát. Đó là định Pháp thân.
Pháp thân thứ ba là huệ hay trực giác rất cần và là đỉnh cao của người tu. Khi tâm tập trung, không bị hoàn cảnh chi phối, mới nhận ra những việc tốt hay xấu đến với mình, nhận ra người có thiện cảm hay ác cảm, việc làm được hay không được, chỗ nên đến hay nên tránh, nên tiếp xúc với ai về vấn đề gì. Chưa có huệ giải thì gặp chướng duyên, phiền não liền phát sinh. Trái lại, có huệ, thấy việc xảy ra đúng như dự đoán của chúng ta, nên thuận theo đó mà làm đạo, gọi là quán nhân duyên. Quán nhân duyên hay quán sát chúng sinh cần việc gì, mình đáp ứng xong rồi ra đi, lưu lại trong lòng họ ấn tượng tốt đẹp. Làm được như vậy, việc tu hành của chúng ta trở nên nhẹ nhàng, đi đâu cũng gặp người quý mến. Chính Đức Phật mỗi buổi sáng trước khi đi khất thực giáo hóa, Ngài nhập định để quán nhân duyên xem thành phố nào cần đến và đến độ ai.
Và hai Pháp thân sau cùng là giải thoát và giải thoát tri kiến, Đức Phật đã thành tựu, vì Ngài đã thoát khỏi sự chi phối của hành uẩn và thức uẩn, cho đến những khởi tâm của Ngài đều phát khởi từ tâm chân như hoàn toàn thanh tịnh, không phải khởi từ a lại da thức lưu chứa toàn là nghiệp và phiền não như chúng sinh. Còn chúng sinh suy nghĩ tính toan đủ thứ, nhưng không giải quyết được thì còn tồn đọng trong đầu, phải khổ sở với nó, nghĩa là luôn chịu sự tác hại mãnh liệt của hành uẩn và thức uẩn và vô số nghiệp xấu lưu xuất từ a lại da thức.
Pháp thân Phật được kết cấu bằng năm phần: giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Và Phật sử dụng năm phần Pháp thân này để giáo hóa chúng sinh. Và Pháp thân đó chính là thân chân thật của Đức Phật tồn tại vĩnh hằng bất tử.
Ý nghĩa phương tiện và chân thật trong kinh Pháp Hoa được Trí Giả đại sư kiến giải rất rõ ràng. Ngài phân ra thân quyền thật và thừa quyền thật. “Thân” là thân con người và “thừa” là giáo pháp Phật giảng dạy.
Về thân, Đức Phật có thân quyền là phương tiện và thân thật, hay chân thân. Thân thật của Phật ở đâu? Mỗi người đều có sanh thân tứ đại như nhau, nhưng cuộc sống, hoàn cảnh, suy nghĩ, thành quả, v.v... của mỗi người hoàn toàn khác nhau; vì cấu tạo con người thật bên trong của mỗi người khác nhau, đó mới là yếu tố quan trọng. Theo Pháp Hoa, trong con người Phật đã có chứa thân thật là Phật bên trong, mà phẩm Như Lai thọ lượng khẳng định rằng Phật Thích Ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước. Nhìn bề trong, tức nhìn thành quả, nhìn ảnh hưởng của một người trong cuộc sống mà đánh giá được con người thật của họ như thế nào.
Đối với chúng ta, Đức Phật là biểu tượng để chúng ta quán sát. Ảnh hưởng của Phật hoàn toàn tốt đẹp trong suốt 49 năm giáo hóa độ sinh và đạo lực của Ngài còn tỏa sáng cho đến ngày nay, giáo pháp của Phật vẫn là kim chỉ nam soi đường cho cả nhân loại trên khắp năm châu bốn biển. Rõ ràng là chân thân Phật, hay Pháp thân Phật vẫn hằng hữu. Và từ Pháp thân, Ngài mới ứng hiện trên cuộc đời với sanh thân tứ đại. Sanh thân Phật chính là thân phương tiện để dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi sanh tử luân hồi mà trở về với chân thân. Sanh thân Phật tồn tại trong 80 năm và theo quy luật vô thường của thân vật chất hữu hình ở thế giới không bền chắc này, Phật đã rời bỏ sanh thân. Sanh thân mất, nhưng Pháp thân Phật tồn tại vĩnh hằng.
Trí Giả đã dùng hình ảnh hoa sen để ví cho thân quyền và thân thật của Đức Phật như sau:
Vị liên cố hoa
Hoa khai liên hiện
Hoa lạc liên thành.
Hoa sen có nhân quả đồng thời, vì hoa chưa nở đã có hạt rồi, đó là điểm khác biệt của hoa sen với các loài hoa khác. Cốt lõi là gương sen, nhưng phải có hoa bên ngoài bao bọc che chở gương sen. Nhìn hoa đã biết cốt lõi của nó là “Vị liên cố hoa”. Con người cũng vậy. Cốt lõi là linh hồn chúng ta, nhưng chúng ta có thân tứ đại bên ngoài để che chở linh hồn bên trong.
Hoa nở thấy gương sen là “Hoa khai liên hiện”. Căn cứ vào cuộc sống con người thì biết được người thật bên trong mình là Phật, là Bồ tát, Thánh hiền, hay là ma quỷ, v.v...
“Hoa lạc liên thành”, hoa rụng xuống, còn gương sen với những hạt mầm để cho những đóa sen kế tiếp nở hoa. Cũng vậy, sanh thân Phật vắng bóng trên cuộc đời, nhưng Pháp thân Phật tồn tại vĩnh viễn. Tất cả đệ tử Phật vẫn coi Ngài hiện hữu và Phật hiện hữu ở đâu mới là điều quan trọng. Theo Pháp Hoa, Đức Phật hiện hữu trong tâm trí chúng ta, kinh gọi là thế gian tướng thường trụ. Tam bảo thường trụ trong niềm tin con người. Cuộc sống của Đức Phật và giáo pháp của Ngài quá đẹp, cũng như các hàng Thánh chúng vẫn tồn tại mãnh liệt trong lòng nhân thế, đó chính là ý nghĩa “Hoa lạc liên thành”.
Theo ngài Trí Giả, giáo pháp Phật đã giảng dạy gọi là “Thừa” cũng có pháp phương tiện và pháp chân thật, gọi chung là thừa quyền thật. Thật pháp, hay pháp chân thật thì lìa tướng, lìa ngữ ngôn văn tự, lìa cả tâm duyên, nên không nói được, không giải thích được. Vì vậy, những gì Đức Phật giảng dạy trong 49 năm đều là phương tiện. “Phương” là địa phương, mỗi nơi mỗi khác. “Tiện” là thời gian luôn trôi chảy không dừng. Đức Phật nói pháp ở thành Tỳ Da Ly khác với pháp ở thành Vương Xá; nói chung trong 300 hội, Ngài thuyết pháp không giống nhau, không lặp lại. Pháp phương tiện không giống nhau, không thể chấp pháp nào là tuyệt đối đúng.
Pháp phương tiện của Phật rất nhiều, nhưng chủ yếu là tam thừa giáo. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã khẳng định rằng Ngài vì người cầu Thanh văn, nói pháp Tứ đế; vì người cầu Duyên giác, nói pháp 12 nhân duyên và vì người cầu Bồ tát, nói Lục độ vạn hạnh.
Ngoài ra, Đức Phật còn dùng vô số pháp phương tiện khác để cứu độ chư Thiên và loài người. Vì chư Thiên và loài người còn trong sinh tử, nên không là đối tượng của tam thừa giáo được. Chỉ có hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát nương theo phương tiện tam thừa giáo, ra khỏi Nhà lửa, đạt đến Không môn, kinh Pháp Hoa gọi là bãi đất trống, từ đó Đức Phật mới nói pháp chân thật. Còn giáo pháp dành cho nhân thiên chỉ nhằm tạo phước lạc cho họ. Vì hàng Trời Người còn muốn hưởng phước, muốn vui trong ngũ dục, không muốn lên Niết bàn, thì nói Niết bàn làm sao họ nghe theo. Những người muốn ra khỏi Nhà lửa sinh tử, thoát khỏi lục đạo, đem pháp Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát dạy, họ mới nghe và thực hiện được. Phương tiện của Đức Phật dùng đúng người, đúng lúc, đúng chỗ nên có hiệu quả tốt. Phương tiện này là tam thừa giáo dìu dắt Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát ra khỏi sinh tử và những phương tiện khác làm cho Trời Người được an vui, lợi ích; đó là mục tiêu Đức Phật hiện thân trên cuộc đời này.
KẾT LUẬN
Phẩm thứ hai của kinh Pháp Hoa là phẩm Phương tiện, tất nhiên chính yếu nói về phương tiện; nhưng có thể hiểu rộng ra, toàn bộ kinh Pháp Hoa từ phẩm Tựa thứ nhất đến phẩm An lạc hạnh thứ 14 đều là phương tiện, thuộc Tích môn, trong đó Đức Phật giới thiệu ứng thân Phật là thân phương tiện của Ngài và các pháp Phật chỉ dạy từ trước đều là pháp phương tiện. Hiểu sâu xa hơn nữa, trong suốt 49 năm giáo hóa độ sinh, Đức Phật đã đưa ra vô số pháp phương tiện nhằm dìu dắt mọi người thâm nhập pháp chân thật trên lộ trình tiến đến Phật quả. Và Đức Phật đã sử dụng thân phương tiện là sanh thân Thích Ca Mâu Ni Phật để chỉ cho mọi người nhận ra Pháp thân Phật hằng hữu vô cùng trong khắp Pháp giới.
Theo dấu chân Phật, tất yếu chúng ta phải từng bước nuôi lớn Báo thân và Pháp thân của chính mình. Trên bước đường tu, cần sử dụng những phương tiện của Đức Phật tương ưng với mình để tiến tu, phát huy đầy đủ phước đức trí tuệ, thành tựu được cho mình Báo thân viên mãn, tức trọn vẹn hạnh Bồ tát. Cuối cùng, chuyển đổi được hữu lậu ngũ uẩn thành vô lậu ngũ uẩn, là có được Pháp thân bất sinh bất diệt, vĩnh hằng giống như Đức Phật, không khác.
Đó là mục đích mà Đức Phật thị hiện sanh thân trong thế giới loài người của chúng ta, kinh gọi là khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến và đó cũng là mục tiêu của tất cả người con Phật muốn đạt được trên lộ trình thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.