Ý nghĩa bài kệ mở đầu kinh Pháp hoa

Bài giảng ngày 24-6-2018 tại trường hạ Việt Nam Quốc Tự

GN - Mở đầu kinh Pháp hoa, chúng  ta đọc bài kệ sau:

Lục vạn dư ngôn thất trục trang

Vô biên diệu nghĩa quảng hàm tàng

Hầu trung cam lộ quyên quyên nhuận

Khẩu nội đề hồ trích trích lương

Bạch ngọc sĩ biên lưu xá lợi

Hồng liên thiệt thượng phóng hào quang       

Giả nhiêu tạo tội quá sơn nhạc

Bất tu diệu pháp lưỡng tam hàng.

Bài kệ trên là kinh nghiệm của những vị tu hành trước chúng ta được kết tập lại.

kinh.jpg

Câu 1: Lục vạn dư ngôn thất trục trang.

Nghĩa là bộ kinh Pháp hoa có hơn 60.000 từ hợp lại thành 7 quyển, đó là bộ Pháp hoa do ngài Cưu Ma La Thập dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán.

Kinh Pháp hoa dịch ra chữ Hán có 6 bản. Bản đầu dịch ở Giao Châu (Hà Nội). Bấy giờ là thời kỳ Tam Quốc ở Trung Hoa. Như vậy, lúc đó Trung Hoa chưa có Phật giáo. Theo sử liệu Trung Hoa thì đạo tràng phiên dịch ở Giao Châu đã được thành lập vào đời Hậu Hán.

Theo Lịch đại Tam bảo ký, một vị cao tăng Ấn Độ là ngài Chi Cương Lương Tiếp đã đến Giao Châu, hợp tác với các học giả Việt Nam dịch kinh Pháp hoa đầu tiên từ chữ Phạn ra chữ Hán tên là Pháp hoa Tam muội vào năm 260.

Một vị cao tăng khác là Phật Đà Bạt Đà La vượt thông lãnh tới Quảng Đông, qua Giao Châu lấy bộ kinh Pháp hoa Tam muội đem về Trung Hoa vào thế kỷ thứ IV và ngài đã dịch ra bộ Chánh Pháp hoa. Như vậy, cái gốc của bộ kinh này cũng phát xuất từ bộ Pháp hoa Tam muội.

Sau đó khoảng một thế kỷ, Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch bản kinh Pháp hoa khác cũng từ chữ Phạn.

Tôi nghiên cứu thấy Hàn Quốc cũng có bộ kinh Pháp hoa, nhưng được dịch từ bộ Pháp hoa của ngài Cưu Ma La Thập. Ở Nhật cũng có nhiều bộ kinh Pháp hoa, nhưng cũng được dịch từ bộ Pháp hoa chữ Hán của ngài Cưu Ma La Thập.

Đến thế kỷ XIX, các học giả tìm được bộ kinh Pháp hoa chữ Phạn ở Népal, thường được gọi là Pháp hoa Népal. Bản kinh này được người Nhật dịch ra tiếng Nhật, nhưng họ cũng không tụng, mà quen tụng bộ Pháp hoa của ngài Cưu Ma La Thập dịch. Về sau, tôi thấy có kinh Pháp hoa tiếng Anh, Pháp, Đức, nhưng không ai tụng.

Chỉ duy nhất bản kinh Pháp hoa của ngài Cưu Ma La Thập dịch được tụng nhiều nhất và ở đâu cũng tụng bộ kinh này. Điều này thể hiện rõ nét tính cách tôn giáo tiềm ẩn trong bộ kinh và đạo hạnh của người dịch kinh đóng vai trò quan trọng.

Ngày nay, ở Việt Nam, chúng ta tụng kinh Pháp hoa cũng phải suy nghĩ điều này. Thật vậy, có nhiều bản kinh Pháp hoa chính xác, nhưng không được tụng, lại tụng bản Pháp hoa của ngài Cưu Ma La Thập dịch.

Trong số những người kính trọng kinh Pháp hoa, người đầu tiên tôi gặp là cố Hòa thượng Trí Hữu sáng lập chùa Ấn Quang. Ngài xây dựng ngôi chùa này trên đất nghĩa địa, sau này trong  lúc xây giảng đường của chùa, còn bốc lên nhiều ngôi mộ. Và bên hông chùa Ấn Quang là Đại Thế Giới, đó là nơi chuyên cờ bạc và đàng điếm, tệ nạn đều nằm trong khu này.

Hòa thượng Trí Hữu chuyên tụng kinh Pháp hoa, mỗi ngày ngài tụng một bộ kinh. Ngài dặn thị giả khi ngài tụng xong một bộ kinh Pháp hoa thì đốt một liều hương trên đầu Ngài. Trên đầu không còn chỗ đốt hương, Ngài đốt hương trên hai cánh tay. Khi hết chỗ đốt, Hòa thượng đốt một ngón tay cháy rụng xuống. Tôi hỏi Hòa thượng nóng không. Hòa thượng nói nóng thì đừng đốt nghe con.

Nhớ lại lúc tôi mới thọ Sa-di đốt một liều hương trên đầu, ráng chịu nóng khiến nhức đầu cả đêm. Không thấy nóng mới đốt, tức tâm tập trung được, trụ chánh niệm thì sự vật xung quanh chúng ta không biết.

Có lần, buổi tối, lên chánh điện, tôi thấy Phật tử vừa tụng kinh Pháp hoa vừa cầm quạt quạt liên tục. Tụng kinh mà nghĩ tới nóng thì thôi, đừng tụng.

Tuy mặc nhiều áo, nhưng không nóng, vì tụng kinh nhiếp tâm được, từng bước thâm nhập Pháp hoa tam muội, tức vượt được ngũ uẩn thì ta mới tới được với Phật, mà Pháp hoa là Nhứt Phật thừa.

Chúng ta còn thấy nóng là vẫn còn ở vòng ngoài, chưa vào Tam thừa, làm sao vô Phật thừa. Trong Tam thừa, ở hàng Sơ quả, cái được thấp nhất là Ly sanh hỷ lạc thì không còn bị hàn nhiệt chi phối, tức không còn cảm giác nóng lạnh.

Sang Nhật học, tôi thấy các thầy tụng kinh Pháp hoa ngồi trên tuyết, không cảm thấy lạnh, không bị bệnh thì họ đánh giá thầy này tu được. Phải qua thử thách mới biết tu thiệt, tu giả. Còn bị nóng lạnh chi phối là còn ở vòng ngoài.

Ngài Nhật Liên bị đày ra đảo Sado, ở đó quanh năm toàn tuyết phủ, không ai sống được, không có loài cây cỏ nào sống sót nổi. Ngài ở đảo 3 năm vẫn bình thường, khiến vua phải khiếp sợ. Người tu phải có đặc biệt hơn người không tu. Có thử thách, chúng ta mới biết tu cao hay tu thấp. Điển hình như các vị Tổ tu pháp môn nào cũng đều trải qua gian nan thử thách có thể mất mạng, nhưng các ngài vẫn ung dung tự tại mới làm Tổ được.

Trên bước đường tu, thường có hai thử thách, một là bị đe dọa mà ta không sợ hãi, hai là bị cám dỗ, ta không ngã lòng. Vượt qua được hai thứ ma đó thì biết tu được.

Trước kia, cố Hòa thượng Minh Thành có thị giả mà Hòa thượng thương, muốn ông tu, nhưng lại sợ ông hoàn tục. Tôi mới bày Hòa thượng phương cách để thử, coi ông này tu được không.

Trong chùa bắt thức khuya, dậy sớm, tụng niệm, lễ bái, làm đủ thứ việc khó khăn. Nhưng người không sợ khó, không sợ khổ, quyết tâm tu. Còn người sợ khó, sợ khổ, thích ăn ngon, ngủ kỹ, làm sao tu.

Hòa thượng Minh Thành nhờ một Phật tử khá giả đến nói với ông đạo rằng ông tu cực khổ quá. Bây giờ ông về nhà tôi nuôi cho ăn học. Đến khi ông thành tài, muốn tu thì tu, không tu thì tôi gả con gái cho, có nhà cao cửa rộng, tha hồ sống sung sướng. Nghe vậy, ông liền trốn đi, tìm đến bà nọ. Mới thấy mặt ông, bà nói chỉ muốn thử ông thôi và bà đã thẳng tay đuổi đi. Trường hợp ông đạo này cho thấy rõ vì tánh tham quá lớn khiến ông mờ mắt, mù tâm, không còn biết đúng sai, không biết sợ ma dụ dỗ, giống như con thiêu thân lao vào chỗ chết. Trước khó  khăn, nguy  hiểm, hay cám dỗ mà vượt qua được, mới thấy Phật hộ niệm.

Hơn 60.000 từ trong 7 quyển kinh Pháp hoa chứa đựng nghĩa rất quan trọng của ba đời mười phương Phật. Người đầu tiên nhận được nghĩa này, nói rằng “Hầu trung cam lộ quyên quyên nhuận”. Vì khi thâm nhập Pháp hoa, quý vị tụng kinh Pháp hoa từ sáng đến tối, càng tụng, tiếng càng thanh và có cảm giác mát cổ. Đó cũng là kinh nghiệm của tôi.

Khi tôi giảng kinh, không khô cổ, càng giảng tiếng càng lớn, càng thanh là thâm nhập Pháp hoa. Càng giảng càng khô cổ, khát nước thì còn ở bên ngoài, cũng như các thầy qua sơ khảo vòng ngoài rớt là hỏng.

Tụng kinh suốt ngày không khô cổ và tụng lâu thêm một bước, mặc y hậu nhưng không thấy nóng. Ngày nay có quạt máy, máy lạnh nên thấy mát. Ngày xưa chùa nhỏ, hẹp, mái tôn, nhưng tụng kinh không cảm thấy nóng, không đổ mồ hôi là nhập được “Diệu” (Diệu nghĩa). Tu hành, chưa nhập được “Diệu” thì còn kẹt ngũ ấm, chết sẽ đọa địa ngục.

Nhập được “Diệu”, hay thâm nhập diệu nghĩa bên trong thì không cảm giác nóng lạnh. Tiến thêm một bước nữa, không cảm giác nóng lạnh và cũng không bệnh mới được.

Không cảm giác do tu được, khác với ráng chịu là bệnh. Không cảm giác đói, nên không ăn; không phải đói mà ráng nhịn. Một số thầy thấy người khác không ăn chiều cũng bắt chước nhịn, nhưng đó là ráng nhịn không tốt. Thật vậy, khi tôi còn là Sa-di không ăn chiều, đói ráng chịu gây ra bệnh đau bao tử.

Có một cách tu là chúng ta không phải ráng chịu, nhưng say mê được giáo pháp, say mê trụ trong thiền định, thì không cảm giác đói khát, nóng lạnh. Còn ráng là bệnh.

Tập trung vào kinh, không suy nghĩ việc khác và cảm nhận được diệu nghĩa của kinh thì rất sung sướng, không muốn nghỉ, chắc chắn không cảm thấy nóng lạnh. Được sở đắc này, tôi nói có ba thứ đói, đói tâm, đói con mắt và đói cái bụng.

Muốn phá nghiệp tâm đói phải phá nghiệp đói con mắt. Thấy muốn ăn, nên thấy đói, là đói con mắt khác với đói cái bụng. Phật tu khổ hạnh, da bụng dính với xương sống, nhưng Ngài không biết đói, vì tâm Ngài không đói.

Vì vậy, đầu tiên khắc phục bên ngoài, nghiệp cắt trước là cắt sự giải đãi bằng cách đóng năm giác quan, đừng cho tiếp nhận bên ngoài. Vì mắt mở thấy thức ăn, mũi đánh hơi thấy mùi thơm, tai nghe âm thanh êm dịu… Muốn tâm đừng khởi, đóng năm giác quan. Có nhiều cách đóng năm giác quan.

Một là lấy bông gòn nhét tai. Nhưng tu cao, không muốn nghe thì dù có âm thanh cũng không nghe. Vì lòng muốn nghe rồi lóng tai nghe, nên nghe. Người trong lòng không muốn nghe, lòng không để ý, nên không nghe. Có bạn nói, tôi ừ, nhưng tôi không nghe.

Kinh nghiệm tôi đóng năm giác quan lại, còn ý thức bên trong chỉ nghĩ đến Phật, đến kinh, mới nhận được ý nghĩa bên trong.

Tôi học kinh với các vị cao tăng, không phải học kinh bộ. Học hạnh tu của các ngài, giúp tôi thấy biết những điều không phải suy nghĩ bằng ý thức. Vì mình học Phật là học bằng tâm thanh tịnh, nên biết những điều người thường không thể biết. Người tu hơn học giả, vì học giả biết nhiều, nhưng họ không biết thực nghĩa do tu chứng mà có được. Trên bước đường tu, làm sao chúng ta thấy được nghĩa vô biên, hay vô lượng nghĩa.

Tôi nhận được bộ kinh Pháp hoa từ năm 12 tuổi, đến nay 81 tuổi, tôi trì kinh Pháp hoa mỗi ngày, nhận thấy nghĩa khác nhau. Vì vậy, tôi giảng kinh Pháp hoa trên 40 năm vẫn giảng được và còn người nghe, vì tôi thấy được sự mầu nhiệm trong kinh và ít nhiều sống được với pháp mầu này.

Kinh Pháp hoa hàm chứa vô số nghĩa lý vi diệu, chúng ta tu cố gắng khám phá được pháp mầu nhiệm Phật chỉ dạy; nếu không, chúng ta ở vòng ngoài mãi mãi, tức ở trong khổ đau sinh tử.

Kinh nghiệm riêng tôi tụng kinh suốt ngày không khát nước, không thấy đói. Bình thường tôi cũng không khát nước, nên ít uống nước, vì có khát đâu mà uống. Bác sĩ bảo tôi một ngày phải uống ít nhất 2 lít nước để máu lưu thông, thải độc ra. Nhưng tôi nghĩ nếu không có chất độc thì không cần thải, nên tôi không uống nước, cũng không khát  và cũng không bệnh.

Còn các thầy khát nước thì phải uống nước, vì không uống nước thì bệnh. Nhưng nếu tôi không khát nước mà uống nước cũng thành bệnh. Tôi ít uống nước, suốt ngày không ra mồ hôi, khỏi đi vệ sinh cũng có lợi.

Ban đầu, các thầy uống nhiều nước, tụng kinh xong, áo ướt đẫm mồ hôi. Nhưng tu một thời gian, sau thời  kinh, áo vẫn khô là biết không bị thoát mồ hôi.

Nếu trong người còn nhiều độc tố, phải thải. Nhưng ăn ít và ăn thức ăn sạch, không có độc tố, tất nhiên không cần thải độc, vì có độc đâu mà thải.

Ngài Trí Giả dạy rằng không nên ăn quá nhiều, không nên ăn quá ít và cũng không ăn thức ăn độc hại. Riêng tôi ít ăn đồ chế biến của Đài Loan, vì sợ ăn những thứ có độc tố, phải mất công thải ra. Nên ăn vừa đủ và loại những thức ăn có độc tố. Vì vậy, trường hạ Việt Nam Quốc Tự không nhận thức ăn cúng dường, vì ngại đồ chế biến độc hại và rau củ có thuốc trừ sâu.

Trường hạ chúng ta bắt buộc ăn rau sạch, có thể không ngon, nhưng sau một tháng tu hành, quý thầy không bệnh, tôi mừng. Anh em đã vượt qua một tháng tốt đẹp, cố gắng tu tháng thứ hai sẽ thấy dễ chịu hơn, vì thân tâm đã quen với nếp sống thiền môn trong mùa an cư.

“Khẩu nội đề hồ trích trích lương” nghĩa là trong miệng có cảm nhận như ăn chất đề hồ là chất bổ dưỡng nhất, tức là pháp vi diệu. Người chưa thực tu thì tụng kinh xong, kiếm cái gì ăn. Tu hành phải tập sử dụng hai thức ăn vi diệu ở trong giáo pháp làm món ăn tinh thần của mình.

Tâm không bệnh thì thân không bệnh, vì Phật dạy nguồn gốc của bệnh là tâm, là nghiệp. Nhưng xóa được nghiệp thì tâm không bệnh, thân không bệnh.

“Bạch ngọc sĩ biên lưu xá lợi”. Điều này nói lên ý gì. Đức Phật nhập diệt, sau lễ trà tỳ, còn 1 cái răng của Phật tự chiếu sáng, trở thành xá-lợi được con vua A Dục xây tháp thờ, 2 cái răng khác của Phật bị thiên ma đến lấy.

Phật giáo Việt Nam có Hòa thượng Quảng Đức để lại trái tim, sau khi đốt nhiều lần, quả tim ứa máu, nhưng không cháy. Toàn thân Ngài cháy rực đến cuối cùng cháy hết, thân Ngài cúi xuống, như gật đầu chào. Rõ ràng Ngài là bậc Thánh thể hiện cho chúng ta thấy sự linh nghiệm của tu hành.

“Hồng liên thiệt thượng phóng hào quang”. Ngài Cưu Ma La Thập dịch kinh Pháp hoa đã nói rằng nếu kinh này dịch sai ý Phật thì khi thiêu thân xác, cái lưỡi bị cháy hết. Nhưng nếu ngài dịch kinh Pháp hoa đúng ý Phật thì sau khi trà tỳ, cái lưỡi còn nguyên, không cháy. Và quả đúng như lời ngài nguyện, lưỡi ngài còn nguyên và cong lên như cánh sen hồng.

“Giả nhiêu tạo tội quá sơn nhạc. Bất tu Diệu pháp lưỡng tam hàng”. Nghĩa là người tạo bao nhiêu tội ác, nhưng ngộ yếu chỉ kinh Pháp hoa thì tất cả tội đều tiêu.

Tôi đọc bài kệ khởi đầu kinh Pháp hoa giúp niềm tin tôi tăng trưởng mãnh liệt. Và đọc nội dung kinh, tôi nhận thấy rất siêu tuyệt, rồi ứng dụng tinh ba của kinh Phật dạy trong cuộc sống, đã gặt hái được những kết quả vi diệu bất khả tư nghì.

Trên bước đường tu, đầu tiên quý vị tụng kinh Pháp hoa, nên nhớ nếu tụng suốt ngày cho đến suốt đời mà không thâm nhập diệu nghĩa thì coi như không được gì. Tụng kinh, hay trì kinh Pháp hoa thì cuộc sống mình phải được điều gì mầu nhiệm, ít nhất bỏ đói mình một tháng cũng không sao. Mầu nhiệm trở thành hiện thực cuộc sống là “Diệu”. Chánh Pháp hoa kinh, chữ Chánh cũng có nghĩa là Diệu.

Ngài Quảng Đức ngồi trong lửa cháy không nóng là điều lạ và còn lưu lại trái tim, đó là ý nghĩa chữ Diệu. Khi ở Nhật, nhiều người hỏi tôi về việc ngài Quảng Đức vị pháp thiêu thân để lại trái tim, có thiệt hay không. Điều bất tư nghì này là sự thật, nhưng khó tin thì đó là Diệu.

Hoặc ngài Nhật Liên bị đày 3 năm ở đảo Sado chỉ có tuyết phủ mà ngài không chết, đó là Diệu. Và chém đầu ngài, thanh gươm tự gãy khiến người ta phải khiếp sợ, đó là Diệu.

Diệu pháp này ở trong thế giới Phật, thế giới phàm phu không có. Đầu tiên tụng kinh văn và từ đây thâm nhập vào diệu nghĩa ẩn sâu trong kinh. Nếu chỉ đọc suông kinh văn thì không được. Vì Phật nói chúng ta nương giáo pháp ví như ngón tay chỉ mặt trăng để thấy mặt trăng, hay đó là bản đồ chỉ đường.

Chỉ có bản đồ, không được gì; chúng ta phải đi mới tới; phải tu, phải chứng được yếu nghĩa Phật dạy. Đạo Phật không phải tranh hơn thua mà được.

Kinh là bản đồ. Chúng ta coi xong, đi từ Sơ quả đi lên. Mỗi ngày đọc kinh, khám phá chữ Diệu có vô số nghĩa, từng bước thăng hoa trí giác và đạo hạnh.

Còn chấp văn tự, nghe đốt một ngón tay rồi bắt chước, nhưng nóng quá thì phải chữa cho lành vết thương, thành có tật.

Nhập được Pháp hoa tam muội, vượt ngoài ngũ ấm thì đốt thân ngũ ấm, không phải đốt tâm.

Vì còn kẹt tứ đại, nên mình có cảm thọ nóng lạnh. Vượt cảm thọ, không nóng, không lạnh, cắt được thọ uẩn cũng mới ở bước đầu. Nhưng còn tưởng uẩn rất khó vượt qua. Trên mỗi chặng đường, không biết bao nhiêu ma chướng phải đối phó. Điển hình như ngài Huyền Trang phải vượt qua 81 nạn, phá sạch từ sắc uẩn, đến thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn; được như vậy là tu hành có tiến bộ, không bị phiền não thế tục quấy rầy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.