Vịnh biển ấy từng là một địa danh đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc, niềm tự hào của quân và dân Phú Yên. Và bây giờ vùng biển ấy cũng đã thay da đổi thịt không còn là vùng đất nghèo thủa nào.
Vùng biển “tàu không số”
Vũng Rô là một vịnh nhỏ thuộc xã Hòa Xuân Nam (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa. Trong những điểm đến của chuyến tàu không số có Vũng Rô - một địa danh đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc, niềm tự hào của quân và dân Phú Yên.
Trong nắng mùa xuân, vùng biển Vũng Rô lung linh như bức tranh thủy mặc khổng lồ soi mình dưới làn nước. Vịnh Vũng Rô là vùng vịnh biển xinh đẹp trải dài trong diện tích khoảng 16.4 km2 và được bao bọc bởi 3 dãy núi cao hùng vĩ giữa biển trời gồm Đèo Cả (ở hướng Bắc), Đá Bia (ở hướng Đồng), Hòn Bà (ở hướng Tây) và được đảo Hòn Nưa ở hướng Nam che chắn.
Người dân làng biển Vũng Rô thu hoạch sau chuyến biển mở đầu năm mới Tân Sửu |
Vùng biển Vũng Rô được che chắn bởi các dãy núi nên không có sóng lớn, gió mạnh nào tràn vào. Cả một vùng nước bao la chỉ có những con sóng nhỏ lăn tăn vờn đuổi nhau. Với nước sâu và êm sóng, Vũng Rô rất thuận tiện cho các tầu cập bến ăn hàng, trả hàng và tránh bão. Vì có vị trí địa lý đặc biệt khuất dấu dưới chân đèo Cả của biển Phú Yên, vịnh Vũng Rô từng được chọn là điểm cập kết cho nhiều chuyến liên tiếp của “Đoàn tàu không số” chi viện cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước, làm nên “Sự kiện Vũng Rô” năm 1965.
Vịnh Vũng Rô không chỉ được biết đến là di tích lịch sử huyền thoại trong kháng chiến, đây còn là miền đất hứa cho du khách thích yên tĩnh, khám phá, trải nghiệm những điều mới lạ.
Cảnh sắc nơi đây vừa hùng vĩ lại vừa trữ tình, nên thơ. Vùng vịnh biển này là bức tranh phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ tuyệt đẹp, được tạo nên từ những chất liệu thiên nhiên thân thuộc, có bầu trời, có đất, có núi, có biển và có cả mây trắng, rừng xanh. Chẳng thế mà Vũng Rô có tên trong 10 vịnh đẹp hàng đầu của Việt Nam và cũng là vịnh biển đẹp nhất Đông Nam Á với những bãi tắm nguyên sơ, yên bình như bãi Lách, bãi Mù U, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Lau, bãi Nhãn, bãi Bàng… khiến bao người say đắm.
Đổi thay ở làng biển
Thôn Vũng Rô được chính thức thành lập năm 1986 gồm bãi Mù U, bãi Lách, bãi Ngà, bãi Chùa, bãi Hồ, bãi Hương, bãi Chính, bãi Lau, bãi Bàng, bãi Nhãn, mũi Yến, mũi Điện và hòn Nưa. Hiện nay, thôn Vũng Rô ngay cạnh di tích lịch sử tàu không số Vũng Rô có khoảng hơn 400 gia đình ngư dân quần tụ.
Thu hoạch cá ở làng biển Vũng Rô |
Đây là thôn được tập hợp lại từ những cư dân ở nhiều vùng quê khác nhau như Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa… Tuy nhiên, “vùng kinh tế mới” lúc bấy giờ đã có người đến khai khẩn từ năm 1980. Công dân đầu tiên của Vũng Rô là ông Châu Đình Kháng, năm nay đã ngoài 80 tuổi.
Góp lại từ nhiều miền quê, thôn Vũng Rô thật đặc biệt, đó là nơi giao thoa của nhiều nét văn hóa, tập quán khác nhau. Một điều có lẽ khá đặc biệt, đó là 400 hộ dân tất cả đều ấm no, khá giả. Trẻ em đến trường đầy đủ. Các dịch vụ chăm sóc y tế được người dân chú trọng quan tâm.
Thôn Vũng Rô có diện tích hẹp, phía trước là biển, sau lưng là dãy núi Đá Bia, đèo Cả. Đời sống người dân nơi đây trước kia còn nhiều khó khăn nhưng nay đã có nhiều đổi mới. Ở thôn Vũng Rô này, những căn nhà khang trang, mọc lên san sát nơi bờ biển, nơi những con đường trải nhựa nối đèo Cả với Tuy Hòa và cảng Vũng Rô, nhiều người đã phải trầm trồ bởi cuộc “lột xác” quá thần kỳ, chẳng khác nào đô thị.
Ông Châu Đình Kháng, cư dân của làng ngậm ngùi kể lại rằng mới ngày nào người làng sau khi đi biển phải mang cá, tôm đi chia nhau hoặc mang lên đèo Cả là đường quốc lộ 1A đổi lấy lương thực, thì giờ ôtô, xe máy chạy vi vu.
Ông Trương Văn Hòa, một ngư dân sống lâu đời trong thôn, cho biết: “So với trước kia thì cuộc sống của người dân Vũng Rô hôm nay đã thay đổi rất nhiều”. Cuộc sống hiện đại, những ngư dân Vũng Rô kiêm luôn cả nghề hướng dẫn viên đặc biệt. Ngôi làng ven biển này mỗi năm có hàng triệu lượt khách đến, nhất là dịp lễ hay ngày nghỉ. Họ mê đắm với khung cảnh thiên nhiên và con người nơi đây.
Vậy nên, người già thì kể chuyện xưa, người trẻ thì tận tình dẫn khách đến các điểm ăn uống, các bè nuôi thủy hải sản theo quy trình sạch. Có người vừa dầm mình bắt cá hôm trước, hôm sau có thể nói tiếng Anh vanh vách và lấy xuồng máy chở khách phiêu diêu trên biển cảm nhận đổi thay của xứ xở này.
Vịnh Vũng Rô lúc nào cũng tấp nập cả trăm tàu thuyền ra vào từ các ngư trường |
Đời sống làng chài Xuân Hòa Nam dưới chân đèo Cả là làng biển nổi tiếng với nghề nuôi tôm hùm, một trong những nơi ngư dân nắm được bí quyết nuôi tôm hùm sớm nhất Nam Trung bộ. Người dân ở vùng vịnh nước sâu và kín gió này đổi đời nhanh chóng, đó là nhờ con tôm hùm. Nghề nuôi tôm hùm bằng lồng bè khởi nguồn tại đây từ năm 1994.
Ông Trần Văn Ngãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam cho biết: “Đời sống người dân nơi đây trước kia còn nhiều khó khăn nhưng nay đã có nhiều đổi mới. Có thể nói, dân Vũng Rô mỗi người một nghề, một giọng nói nhưng bà con luôn đoàn kết, chăm chỉ làm ăn, xây dựng mái ấm gia đình và an cư lạc nghiệp trên quê mới. Người dân Vũng Rô hôm nay đã biết làm dịch vụ, biết được thị hiếu của du khách nên đã cải thiện được đời sống kinh tế gia đình, vừa làm cho quê hương thêm giàu đẹp trong mắt bạn bè”.
Vùng biển Vũng Rô bây giờ, và người làng biển này đã có một cuộc sống mới đủ đầy hơn. Cái eo ngắn từng là nơi cập bến của “đoàn tàu không số” huyền thoại năm xưa, giờ đây chặn gió, cản mưa, bao bọc cho những ngư dân tứ xứ tụ về, quanh năm cần cù, hồn hậu, chân chất. Vũng Rô đang chuyển mình và ngày càng trù phú…