GNO - Như đã thành thông lệ, những năm gần đây cứ đến ngày giáp Tết, các bạn trẻ và cô bác Phật tử ở gần chùa Pháp Minh (ấp 1, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) lại rủ nhau về đây để cùng gói bánh, vô quà để tặng cho bà con nghèo đón Tết.
Ở xóm này, nhà nào khó khăn cũng có cái để đón Tết, có bánh cúng kiếng ông bà, không ai bị bỏ lại phía sau.
Năm nay, chùa Pháp Minh gói 500 đòn bánh tét để tặng cho bà con trong xóm và người vô gia cư.
Bánh sau khi gói, được nhanh tay cho vào nồi nấu, 20 phút có người canh củi lửa cho bánh chín đều
5g sáng ngày 26 Tết, mọi người đã tập trung về chùa. Cô bác Phật tử lớn tuổi người thì vo nếp, người làm đậu, người xếp lá để chuẩn bị gói bánh tét; người chuẩn bị bếp, bắc lò để luộc bánh. Các Phật tử trẻ thì vô quà từng phần để tặng cho bà con. Quà tặng được chuẩn bị rất chu đáo, quà cho bà con trong xóm để phần riêng, quà cho người vô gia cư cũng được để phần riêng.
Thầy Tâm Nhơn, quản tự chùa Pháp Minh vui vẻ cho biết: “Quà cho bà con trong xóm năm nay có 4 đòn bánh tét, 1 thùng mì, 1 chai dầu ăn, 1 hộp lạp xưởng, 1 cái mền và bao lì xì một trăm nghìn đồng. Quà cho người vô gia cư gồm 1 đòn bánh tét, 3 hộp bánh, 1 túi sữa, nước suối và bao lì xì năm mươi ngàn. Mỗi phần quà là sự chung tay và tấm lòng của mọi người gom góp lại nên mỗi khâu đều được thực hiện bài bản, trân quý”.
Vừa gói bánh, các cô Phật tử hoan hỷ cho biết: “Bánh tét năm nào cũng được gói và nấu chín trước ngày 29 Tết, để phát cho bà con, kịp cúng rước ông bà vào ngày 30 Tết. Quà Tết cho bà con nghèo trong xóm và người vô gia cư cũng được tặng trước ngày 29 Tết, để bà con đón Tết ấm lòng. Chúng tôi khi biết lịch gói bánh rồi là sắp xếp công việc nhà để về chùa phụ thầy một tay. Nhờ thầy tổ chức gói bánh, phát quà vậy mà ngày Tết ở miền quê thêm ý nghĩa”.
Bánh nguội, thầy Tâm Nhơn “thu gom” vào nhà, để tặng cho bà con
Bánh được gói xong, cho vào nồi nấu, các bạn thanh niên sẽ đảm nhiệm phần canh củi lửa. Khi các cô Phật tử cho biết, đến giờ bánh chín là mỗi người một tay vớt bánh ra, để kịp bắc nồi bánh khác lên. Bánh chín được nhúng qua nước lạnh, sau đó treo lên sào, đợi bánh nguội hẳn rồi cho vào túi quà tặng bà con.
Trong niềm hân hoan đó, một cô Phật tử đã nói với chúng tôi: “Tết ở chùa cũng rộn ràng như Tết ở nhà. Gói bánh xong rồi nấu bánh. Thời gian nấu bánh ngồi tụm năm, tụm bảy bên bếp lò canh lửa. Có điều khác là, ở nhà thì tụm lại nói chuyện đầu trên xóm dưới, còn ở chùa thì nói chuyện đời, chuyện đạo. Bánh chín là thấy Tết”.
Tết về bên hiên chùa
Như lời cô Phật tử nói, “bánh chín là thấy Tết” - khi bánh tét đã chín và nguội, từng đòn bánh được cẩn thận cho vào túi quà. Nồi bánh thứ 2 vừa sôi nước, cũng là lúc bên hiên chùa, từng phần quà được trao đến bà con. Quà được trao tay, cả người tặng và người nhận đều hoan hỷ.
Mỗi người một ít chở xuân về Để chuẩn bị Tết cho bà con, Phật tử người hùn đậu xanh, chuối, đường; người hùn nếp, lá chuối; người hùn củi nấu bánh tét. Người hùn bánh, tịnh tài; người góp công - mỗi người một chút để chở xuân về. 200 phần quà được trao, với kinh phí gần 50 triệu đồng, là tấm lòng của nhiều người, trong đó có sự chia sẻ của cô bác về hưu, anh chị công nhân và các bạn trẻ.
|
Bài, ảnh: Khánh Vy