GN - Từ cung trời Đâu Suất, sau khi dùng tuệ nhãn quan sát thời điểm, quốc độ, xã hội và con người, Bồ-tát Hộ Minh quyết định chọn vương quốc Ca-tỳ-la-vệ làm quê hương, chọn đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia làm cha mẹ. Ngài đã báo mộng cho hoàng hậu qua giấc mơ về hình tượng voi trắng sáu ngà hiện thân vào hông phải. Tất cả các sự việc trên đây đều là hạnh Phương tiện của bậc Bồ-tát khi lập đại hạnh cứu độ chúng sinh.
HT.Thích Bảo Nghiêm
Cũng với hạnh phương tiện, Ngài thị hiện Đản sinh dưới gốc cây Vô-ưu trong vườn Lâm-tì-ni vào buổi sáng tinh mơ ngày trăng tròn tháng Vesak. Ngài lại phương tiện khai bày cho nhân gian biết một vị Phật đã ra đời, Ngài đã hướng về phương Bắc bước đi bảy bước và tuyên bố:“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, vô lượng sinh tử, ư kim tận hỷ”. (Trong cõi Trời và Người, chỉ có Ta là tôn quý hơn cả, sau vô lượng kiếp trôi lăn trong sinh tử, đây là đời sống sau cùng, không còn tái sinh nữa).
Trong buổi lễ quán đảnh diễn ra tại triều ca, trước bá quan văn võ và các nhà đạo sư thông thái nhất thời bấy giờ, Ngài được phụ vương đặt cho tên gọi Tất-đạt-đa, với ý nghĩa “Người thành tựu mọi điều”.
Những gì diễn ra trong cuộc đời Thái tử Tất-đạt-đa không phải do nghiệp báo, mà từ tuệ nhãn quán sát thế gian và suy xét phương cách cứu độ chúng sinh. Ngài sống cuộc đời cũng như bao vị hoàng tử khác, nhưng bên trong con người Tất-đạt-đa, hạt giống Bồ-đề đã có mặt trong từng tế bào làm nên con người ngũ uẩn của Ngài. Từ đó, Ngài nhìn thế giới chung quanh với một thái độ tỉnh táo, khách quan, tràn ngập hoài bão cứu đời. Đấy chính là biểu hiện “tôn quý” đầu tiên của con người Tất-đạt-đa.
Khi mọi điều kiện và nhân duyên hội đủ, Tất-đạt-đa ra đi tìm đạo giải thoát trong khi mọi người còn triền miên trong giấc mộng nhân thế. Ngài đã rũ bỏ mọi ràng buộc vướng víu của thế gian để có đủ điều kiện toàn tâm toàn ý cho đại nguyện “cứu đời”.
Trong sáu năm đi tìm chân lý và thể nghiệm chân lý bằng nhiều phương pháp khác nhau, Ngài cũng đã từng chọn lối tu khổ hạnh ép xác theo truyền thống của đa số các vị Sa-môn, Bà-la-môn thời bấy giờ. Từ kinh nghiệm này mà về sau khi những người Kalama đến hỏi Ngài về đức tin, Ngài đã trả lời rằng: “... Này các ông, các ông đừng tin một điều gì vì nó là tập quán lưu truyền...”.
Nhưng cũng chính trong cảnh “thập tử nhất sinh” do tu khổ hạnh mà Ngài khám phá ra lý trung đạo. Đây là đạo lý đặc thù bao trùm hết thảy vũ trụ quan, nhân sinh quan của đạo Phật và hình thành nên phong cách, lối sống của hàng triệu triệu Phật tử trên thế giới về sau. Qua sự kiện này cho chúng ta một bài học rằng: Thực tiễn luôn có giá trị lớn lao quyết định cho thành công; và thất bại cũng là điều cần thiết để đi đến thành công.
Sự thành đạo của Đức Phật Thích Ca là một bài học vô giá cho Phật tử chúng ta về lòng dũng mãnh, hạnh tinh cần, đức kiên trì và sự nỗ lực phi thường của một con người đã miệt mài đi tìm chân lý cuộc đời qua vô vàn kiếp sống, và đến hôm nay, người ấy đã thành công viên mãn, trở thành bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, Đức Phật không hề khiến ai phải cầu khẩn Ngài điều gì. Phật cũng không đưa ra một đấng thần thánh nào và dạy mọi người phải cầu khẩn thần thánh ấy. Ngài dạy: Phật hay ma cũng chỉ là ta mà thôi. Khi ta nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện thì ta là Phật; còn khi ta nghĩ ác, nói ác, làm ác thì chính ta là ma vậy. Không có một thế lực siêu nhiên nào can thiệp vào cuộc đời ta để giáng họa hay ban phước cho ta cả.
Tóm lại, Đức Phật ra đời là một nhân duyên đại sự của bậc Bồ-tát nhằm đem hạnh phúc đến với con người. Đạo Phật ra đời là để phục vụ con người chứ không phải để con người sợ hãi, lễ lạy, cầu xin. Kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, những người con Phật chúng ta nguyện đi theo bước chân Ngài và làm cho những giá trị của giáo lý Phật được lan truyền và tỏa sáng như ánh mặt trời ban mai rực rỡ chiếu khắp ngàn cây ngọn cỏ trên hành tinh này.
***
Hôm nay, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2.562 - Dương lịch 2018 lại về trong không khí hân hoan của Tăng Ni và Phật tử cả nước chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ VIII thành công tốt đẹp tại thủ đô Hà Nội. Đại lễ Phật đản năm nay đánh dấu một chặng đường phát triển mới của Phật giáo Việt Nam.
Trong tình hình thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0, Phật giáo Việt Nam cần phải có những bước đi mới, vận dụng tinh thần khế lý khế thời và phát huy các phương tiện Bồ-tát hạnh, giữ vững lý tưởng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân” trong thời hiện đại.
Để đạt được điều đó, Giáo hội cần nâng cao chất lượng đào tạo để có lực lượng Tăng Ni có đủ năng lực truyền tải giáo lý ứng dụng cho số đông, nhằm giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra trong đời sống đương đại. Bên cạnh đó, Giáo hội cũng cần mở rộng đối ngoại đa phương, tích cực trong tương quan với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là kết nối chặt chẽ với các hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
Trước làn sóng toàn cầu hóa mạnh mẽ đang diễn ra, Giáo hội cần có chương trình giao lưu, nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động dịch thuật và ấn hành kinh điển từ các nguồn: Hán tạng, Pali, Sanskrit để sớm hoàn thiện bộ Đại tạng kinh Việt Nam, đồng thời giới thiệu bản sắc Phật giáo Việt Nam đến với cộng đồng Phật giáo trên thế giới.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) này, Giáo hội xem trọng việc phát triển ngành truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp, trong đó Ban Hoằng pháp và Ban Thông tin-Truyền thông kết hợp, phối hợp nhằm chuyển tải thông tin các hoạt động Phật sự đến với xã hội một cách rộng rãi, qua đó nêu cao các giá trị Từ bi, Trí tuệ... của đạo Phật, tuyên dương những hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử và của Giáo hội các cấp trong sự nghiệp hoằng dương Chính pháp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2562, để thiết thực cúng dường Đức Thế Tôn và trang nghiêm Giáo hội, những người con Phật hãy cùng nguyện vận dụng mọi phương tiện theo tinh thần Bồ-tát hạnh, đổi mới và sáng tạo trong hoạt động hoằng pháp nhằm xiển dương đạo đức Phật giáo, góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội; nguyện chung sức chung lòng xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng bền vững trên tất cả lĩnh vực, vì lợi ích của Giáo hội, của Dân tộc, vì an lạc cho số đông.
Đức Phật Thích Ca khai dòng
Truyền lưu Chánh pháp tươi hồng hoằng dương
Một phương lan tỏa mười phương
Ca-tỳ-la-vệ chiếu gương sáng ngời
Bồ Đề Đạo Tràng cao ngôi
Vườn Lộc Uyển độ Năm Người đại duyên
Câu-thi-na Niết-bàn thiền Sa-la
Song thọ hương thiên ngát trời
Hăm lăm thế kỷ dần trôi
Đạo vàng nhuận rạng tuyệt vời sen thiêng.
Nam-mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
HT.Thích Bảo Nghiêm
Phó Chủ tịch HĐTS
kiêm Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư