Xây xưởng sản xuất dưới chân chùa Tây Phương

Một xưởng sản xuất quy mô lớn mọc lên sát chân núi Tây Phương – nơi có ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng, tuy nhiên Trưởng ban Quản lý khu di tích chùa Tây Phương nói không nắm được xưởng có nằm trong khuôn viên bảo vệ của khu di tích hay không.

Nhà máy mọc lên sát chân chùa

Thời gian gần đây, một số người dân sống gần khu vực chùa Tây Phương phản ánh một xưởng sản xuất với quy mô lớn mọc lên ngay sát chân núi Tây Phương gây ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như không gian văn hóa của ngôi chùa nổi tiếng này.

Để tìm hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Bee.net.vn đã có mặt tại đây.

Một xưởng sản xuất quy mô lớn mọc lên ngay sát chân núi Tây Phương. Chính quyền xã nói đó là nhà tạm.
Một xưởng sản xuất quy mô lớn mọc lên ngay sát chân núi Tây Phương. Chính quyền xã nói đó là nhà tạm.
Theo quan sát, xưởng sản xuất này nằm ngay sát chân núi Tây Phương (thuộc địa phận thôn 9 xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Đến thời điểm hiện tại (25/11/2011), khu vực nhà xưởng này đã cơ bản thi công xong, gồm 4 dãy nhà xưởng được xây dựng kiên cố với tường xi măng và kết cấu khung thép, lợp mái tôn.

Đây là nhà xưởng của Công ty Âu Trường Thành xây dựng để sản xuất bao bì, hiện đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho đi vào sử dụng. Trên công trường này, hằng ngày máy xúc và các thiết bị khác đang hoạt động “nhiệt tình” với tiếng máy móc ầm ĩ. Công ty này cũng bắt đầu thông báo tuyển công nhân để chuẩn bị đi vào hoạt động.
Máy móc vẫn đang hoạt động ầm ĩ hàng ngày dưới chân chùa.
Máy móc vẫn đang hoạt động ầm ĩ hàng ngày dưới chân chùa.
Nhiều người dân cho rằng, việc xây dựng một xưởng sản xuất lớn như vậy ngay sát chân núi Tây Phương ảnh hưởng rất lớn đến không gian văn hóa của chùa.

Anh Chiến, một người dân địa phương cho biết: Việc xây dựng một nhà máy như thế không tránh khỏi tiếng ồn ảnh hưởng đến không gian tĩnh mịch của chùa. Chưa kể nó phá vỡ không gian cảnh quan chung của khu vực khu di tích này.
Trụ trì chùa Tây Phương cũng thừa nhận: Không gian thanh tĩnh sẽ bị phá vỡ do tiếng ồn và khói bụi.

Bây giờ là tiếng máy móc, đến khi đi vào sản xuất liệu tiếng ồn có gây ảnh hưởng đến không gian tĩnh mịch của chùa?
Bây giờ là tiếng máy móc, đến khi đi vào sản xuất liệu tiếng ồn có gây ảnh hưởng đến không gian tĩnh mịch của chùa?
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm nay, tình trạng “xẻ thịt” chân núi Tây Phương làm nhà cũng thường xuyên diễn ra. Theo lý giải của người dân nơi đây, họ không có đất làm nhà và cũng không đủ tiền mua đất chỗ khác nên cũng đành phải khoét núi lấy đất làm nhà.

Trong những ngày làm việc thực tế tại đây, phóng viên nhận thấy xung quanh khu vực sát chân núi rất nhiều chỗ người dân đã xẻ núi hạ ta luy cao cả chục mét để làm nhà.

Về vấn đề này, chính quyền xã cho biết trước đây đã có chủ trương di dân ra khỏi khu vực xung quanh sát chân núi thuộc khu di tích này, nhưng cũng chưa thể làm được do thiếu kinh phí.

Chính quyền xã: Đó là nhà tạm

Đem những thắc mắc về việc một xưởng sản xuất lớn như vậy tại sao lại cho đặt ngay chân núi Tây Phương đến trao đổi với chính quyền xã chúng tôi nhận được câu trả lời: Thiếu chế tài xử lý.

Cụ thể, theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý khu di tích Chùa Tây Phương: “Tôi có biết chuyện xây dựng nhà xưởng để sản xuất ngay sát chân núi Tây Phương. Tôi có báo cáo việc xây dựng này lên UBND xã để chính quyền có hướng xử lý”.

Khi hỏi việc xưởng sản xuất này có nằm trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của khu di tích không? Ông Tuấn trả lời: Tôi không nắm được.

“Thật ra thì cái xưởng sản xuất này đối với địa bàn quản lý cũng như cấp trên thì không được phép xây dựng…” Ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng thừa nhận "không nắm được" việc doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng có báo cáo Ban Quản lý khu di tích hay thông qua ban quản lý không.
Xung quanh chân núi Tây Phương, chỉ cách trung tâm chùa khoảng 500m, rất nhiều nơi đã bị
Xung quanh chân núi Tây Phương, chỉ cách trung tâm chùa khoảng 500m, rất nhiều nơi đã bị "xẻ thịt" để làm nhà.
Về vấn đề ảnh hưởng đến khu di tích, khi phóng viên hỏi liệu xây dựng xưởng sản xuất có gây ảnh hưởng đến không gian văn hóa của khu di tích không? Ông Tuấn cho rằng: Trước mắt chưa có gì ảnh hưởng cả, tôi cũng chưa biết người ta sản xuất cái gì. Người ta mới dựng khung nhà xưởng, chưa biết người ta hoạt động cái gì.

“Ban quản lý chúng tôi chỉ biết quản lý khu vực đó về chống mê tín dị đoan, an ninh trật tự của khu di tích. Ngoài ra những việc khác chúng tôi chỉ biết báo cáo”. Ông Tuấn cho biết thêm.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Thạch Xá, ông Vũ Đình Thành cho biết: Họ (Công ty Âu Trường Thành – PV) có báo cáo xã. Việc xây dựng nhà cấp 4 nhà tôn là nhà tạm,  tôi có hỏi ý kiến cấp trên (cấp huyện – PV), họ vẫn được phép làm.

Do chưa công bố quy hoạch nên cũng không biết ranh giới khu di tích đến đâu. Tuy nhiên dù chưa biết quy hoạch đến đâu nhưng ông chủ tịch xã nói rằng những vùng vành đai đó sẽ xử lý quyết liệt.

Nhiều người lo ngại cho không gian văn hóa của khu di tích sẽ bị xâm hại.
Nhiều người lo ngại cho không gian văn hóa của khu di tích sẽ bị xâm hại.

Còn về phía địa chính xã lý giải vấn đề này cho rằng:  Do chưa công bố quy hoạch về Khu di tích chùa Tây Phương, mà đất xung quanh đấy là đất thổ cư lâu năm nên người dân vẫn được phép làm nhà.

Theo cán bộ địa chính xã thì xưởng sản xuất của công ty Âu Trường Thành là nhà tạm. Theo luật xây dựng, vì nó trong khu dân cư nông thôn không phải xin phép xây dựng. Xã đã lập biên bản nhưng không có chế tài xử lý.

Khi phóng viên đề cập đến luật Di sản tại điều 32 có ghi “Khu bảo vệ 2 là khu tiếp giáp di tích, danh thắng…”  thì việc xây dựng nhà xưởng có được phép không?

Vị đại diện địa chính xã cho biết: Chúng tôi hiện đang lúng túng trong vấn đề này.

- Chùa Tây Phương là ngôi chùa nổi tiếng với nhiều giá trị văn hóa và kiến trúc, đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1962.

- Năm 1960, sau khi đến thăm ngôi chùa này, thi sĩ Huy Cận đã sáng tác bài thơ nổi tiếng “Các vị La Hán chùa Tây Phương”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.