Xác lập kỷ lục châu Á 2 tượng Phật ở Việt Nam

GN - Tượng Phật Di Lặc ở núi Cấm (An Giang) và tượng Phật nhập Niết-bàn ở núi Tà Cú (Bình Thuận) vừa được xác lập kỷ lục châu Á vào ngày 2-3-2013.

tuong Phat tren dinh Ta Cu.jpg

Tôn dung Đức Phật nhập Niết-bàn trên đỉnh Tà Cú - Ảnh: Binh Nguyên

Theo đó, trong dịp tham dự Ngày hội Kỷ lục châu Á và hội thảo về những sáng kiến của kỷ lục tạo nên các giá trị châu Á lần này, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã có bài giới thiệu trước Hội đồng xác lập Kỷ lục châu Á, đưa ra những thông số chính xác và các hình ảnh cụ thể nhất, để so sánh và đối chiếu trên toàn châu Á nhằm tiến hành xác lập trực tiếp kỷ lục châu Á cho 2 tượng Phật trên. Dự kiến Bằng xác lập sẽ được Tổ chức Kỷ lục châu Á trao vào cuối tháng 4 này.

Được biết, tượng Phật Di Lặc trên núi lớn nhất được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào ngày 2-1-2006. Tượng được đặt trên núi Thiên Cấm Sơn (cao 710m so với mực nước biển), một ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn. Pho tượng có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu của tượng là 33,6m, diện tích bệ tượng 27x27m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê-tông cốt thép, trong khuôn viên tượng Phật rộng 2,2ha. Thời gian thi công tượng từ tháng 2-2004 đến tháng 12-2005, với lượng nhân công thường xuyên khoảng 60 người.

Chân đế bệ tượng làm bằng đá lung linh gắn kính phản xạ cao cấp màu xanh ve mang ý nghĩa là một khối kim cương. Mặt bằng tổng thể khu vực tượng đài Phật Di Lặc là một công viên, trang trí thảm hoa. Đây là công trình văn hóa tâm linh tôn nghiêm, có quy mô, độc đáo.

tuong Phat o nui Cam.jpg

Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm (An Giang)

Pho tượng Phật nhập Niết-bàn (trên đỉnh núi) dài nhất, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập vào ngày 2-1-2006, tôn trí tại khuôn viên chùa Linh Sơn Trường Thọ trên núi Tà Cú (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Pho tượng Đức Phật nhập Niết-bàn lưng tựa vào vách núi được tôn tạo bằng bê-tông cốt thép phủ vôi trắng có tổng thể chu vi 832m, chiều dài 49m, ngang nơi bàn chân là 8,8m, cao từ 2 bàn chân xếp lên là 4,9m, cao từ vai xuống là 12,2m, tôn tạo trong khoảng từ năm 1963 đến năm 1966 thì hoàn thành.

P.V

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.