Xã hội hóa giáo dục Phật giáo

Xã hội hóa giáo dục Phật giáo
(Trích Tham luận trình bày tại Hội thảo Đại lễ Vesak LHQ - PL.2552 tổ chức tại Hà Nội - VN từ ngày 13 – 17-5-2008)

 III. XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO:

1./ Ngay từ đầu, Giáo dục Phật giáo đã mang tính xã hội và đã được xã hội hóa:

Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ” (Trung Bô - Kinh Xà Du). Khổ là một thực tế mà mọi người đều phải gánh chịu; Diệt khổ là mục tiêu của mọi hành động, là mong ước mà mọi người. Giáo lý cứu khổ, giải thoát đã mang tính xã hội ngay trong nguyên nghĩa. Nhưng, xã hội hóa giáo dục là đưa giáo dục đến với xã hội chớ không phải chờ các thành viên xã hội đến với Phật giáo. Cho nên, khi giáo đoàn mới được thành lập gồm 60 Tỳ kheo, Đức Phật đã thúc giục: “Này các Tỳ kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc, vì hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của trời và người”. (Mahavagga I - Đại phẩm). Do vậy mà Tôn giả Phú Lâu Na (Punna) xin đến xứ Du Lãn Na (Sranaparanta) để giáo hóa nhân dân ở đấy vốn còn sơ khai, hung bạo (Trung Bộ, Kinh 145, Punnovada). Đức Phật là người chủ trương xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp, Ngài và chư Tỳ kheo đến với mọi hạng người trong xã hội, Ngài thu nhận vào Giáo đoàn tất cả những ai mong cầu giải thoát, chứ không phân biệt sang hèn, đẳng cấp, tuổi tác, giới tính. Ngài khẳng định tất cả mọi người đều bình đẳng: “Không phải do sinh ra mà thành Bà la môn. Không phải do sinh ra mà thành tiện nhân. Trở thành tiện nhân là do hành vi của mình. Trở thành Bà la môn là do hành vi của mình” (Kinh Tập, kệ 136).

2./ Cần đẩy mạnh xã hội hóa Giáo dục Phật giáo trong thời đại mới:

Thế giới hiện nay có nguy cơ ngập chìm trong những tai biến trầm trọng, chiến tranh, bạo lực, hận thù, nghèo đói, cạn kiệt môi trường sống, suy thoái đạo đức, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo… Giáo lý từ bi và trí tuệ của Phật giáo cần được nêu cao, phổ biến để góp phần xây dựng hạnh phúc, an bình cho nhân loại.

Từ lâu, Giáo dục Phật giáo chủ yếu được áp dụng cho Tăng Ni tại các chùa chiền, thiền môn, học viện và các trường Phật học dành riêng cho Tăng Ni. Nền Giáo dục Tăng Ni là rất cần thiết đào tạo những con người mẫu mực, những giảng sư tài năng. Trong khi đó, các khóa giảng, buổi giảng dành riêng cho cư sĩ Phật tử lại quá ngắn, quá ít, không đều đặn và thiếu tính thống nhất về nội dung.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có một số lớp sơ cấp Phật học, 28 trường trung cấp Phật học, 8 lớp cao đẳng Phật học và bốn học viện Phật giáo, tất cả đều dành riêng cho Tăng Ni. Tuy cách tổ chức và nội dung giảng dạy chưa đồng bộ, các cơ sở giáo dục trên cũng tạo được một không khí tu học đạt lợi lạc cho Tăng Ni sinh. Ngoại trừ những khóa giảng, buổi giảng dành cho cư sĩ Phật tử, ngành Giáo dục Phật giáo chưa đáp ứng yêu cầu và rõ ràng, đây chưa phải là một nền Giáo dục xã hội hóa.

IV. TÍCH CỰC ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO:

1./ Mở các lớp Phật học dài hạn dành cho cư sĩ Phật tử:

Các lớp này nên mở ngoài giờ hành chánh, có chương trình giảng dạy cụ thể, có ấn định cấp học. Dần dần, nếu có đông học viên, số cấp học tăng lên thì mở Trường Phật học. Trường, lớp Phật học này có thể thu nhận Tăng Ni nhưng chủ yếu là nhằm cho cư sĩ Phật tử. Các học viên này sẽ là những cán bộ giáo dục Phật giáo có hiệu năng trong việc phát triển Phật giáo và xã hội hóa Giáo dục Phật giáo.

2./ Tiến đến việc thành lập một hệ thống Giáo dục Phật giáo hoàn chỉnh:

Quả thật rất khó có thể thu hút các em nhỏ, các giới trẻ vào các trường học do Phật giáo tổ chức. Một trường học, dù là dân lập, tư thục cũng phải theo chương trình học do Nhà nước ấn định. Điều này là hợp lý và cần thiết cho các em vì các em, trước hết phải là những công dân, phải được đào tạo theo chương trình giáo dục và đào tạo của Nhà nước. Tuy vậy, kinh nghiệm về các Trường Bồ Đề ở phía Nam, nước ta từ trước năm 1975 cho thấy - các học sinh vẫn học rất tốt theo chương trình Nhà nước, lại được trang bị thêm mỗi tuần 1 hoặc 2 giờ giáo lý căn bản.

Tại Việt Nam, trước đây có Viện Đại học Vạn Hạnh với các phân khoa: Báo chí, Kinh tế, Khoa học xã hội, Phật học v.v… Phật giáo được phổ biến trong giới trẻ và không ít những người tốt nghiệp thời ấy đang giữ những chức vụ trọng yếu. Điều thiếu sót nhất là hiện nay, Phật giáo chưa có các nhà trẻ, các trường mẫu giáo. Các em nhỏ đầu đời cần gần gũi với hình ảnh hiền hòa từ ái của Đức Phật, cần nghe kể chuyện cổ tích về Đức Phật, hát múa theo các bài hát Phật giáo… Các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, bụi đời, khuyết tật v.v… hiện nay của Giáo hội còn quá ít và chỉ mang tính từ thiện, xã hội chứ chưa phải là những cơ sở giáo dục đúng nghĩa.

3./ Thể hiện trách nhiệm của Giáo hội và của quần chúng Tăng Ni, Phật tử:

a) Trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Giáo hội PGVN, trước hết - cần nhận rõ việc xã hội hóa Giáo dục Phật giáo là cần thiết, cấp bách trong thời đại mới để đáp ứng mục tiêu Cứu khổ của Phật giáo. Giáo hội cần đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ giáo dục, mở thêm các cơ sở giáo dục cho cư sĩ Phật tử. Công việc này cần được chuẩn bị kỹ càng bằng các hội nghị, hội thảo, các cuộc vận động tài chánh và sự giúp đỡ của Nhà nước; đồng thời có sự thông tin, quảng bá về lợi ích thiết thực của việc xã hội hóa Giáo dục Phật giáo đối với xã hội.

b) Trách nhiệm của Tăng Ni, Phật tử: Xã hội hóa Giáo dục Phật giáo là phổ biến giáo lý của Đức Phật, là trao trách nhiệm thực hiện cho toàn thể xã hội mà bước đầu chủ yếu là cho Tăng Ni, Phật tử. Chư Tăng Ni có quần chúng, có đối tượng giảng dạy đông, phải là người nắm vững lý thuyết và thực hành, là người có kiến thức và đạo đức cao để thực hiện sự nghiệp quan trọng này. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn chính là trách nhiệm của quần chúng Phật tử, vì đây là thành phần đông đảo và hoàn cảnh thực hiện, phù hợp nhất, tự nguyện đóng góp nhiều nhất.
...
Về sự xã hội hóa đầu tiên và xã hội hóa thứ hai, rõ ràng trách nhiệm giáo dục là của người mẹ, người cha và các thành viên khác trong gia đình, việc xã hội hóa do môi trường bên ngoài đã có nhưng chưa sâu đậm. Một gia đình theo đạo Phật cần dạy dỗ con em theo tinh thần Phật giáo, nêu gương đạo đức Phật giáo để đào tạo con em trở thành người Phật tử, người công dân chân chính. Về sự xã hội hóa phát triển và xã hội hóa tham dự chính là bản thân một người học hỏi, diễn tập các cách ứng xử ở nơi làm việc, phát triển các kỹ năng xã hội. Nếu người ấy là một Phật tử và được gia đình giáo dục đúng đắn thì sự xã hội hóa phát triển của người ấy sẽ có định hướng rõ ràng và có cơ sở để phát triển tốt. Lại nữa, nếu trong một tập thể, đoàn thể hay cơ quan gồm nhiều Phật tử đều có ý thức trách nhiệm về việc xã hội hóa thì các thành viên sẽ trở nên tốt hơn về ý nghĩa xã hội và cả về mức độ thành công của tập thể. Sau cùng, về sự xã hội hóa tái lập, tức là sự loại bỏ dần những gì đã được xã hội hóa và thâu nhận một sự xã hội hóa mới. Đây là trường hợp một người phải lìa bỏ môi trường sống và làm việc của mình để đi đến một môi trường mới; ví dụ, thay đổi môi trường làm việc, đi sinh sống ở nước ngoài, chấp nhận một nền văn hóa mới du nhập v.v… Trong trường hợp này, nếu không có một sự xã hội hóa Giáo dục Phật giáo mạnh mẽ thì người Phật tử sẽ bị tha hóa, sẽ từ bỏ đạo Phật.

c) Trách nhiệm của những người thực hiện Giáo dục Phật giáo: Việc xã hội hóa Giáo dục Phật giáo có thành công hay không là trách nhiệm của những người thực hiện Giáo dục Phật giáo. Ở đây, đặt trọng tâm vào tính chuyên môn, tức là vào các kiến thức giáo dục, bao gồm các lý thuyết giáo dục, sư phạm và các kế hoạch hoạt động. Ngành Giáo dục Phật giáo rất cần những chuyên gia giáo dục, biết thâu thập kinh nghiệm về những ưu khuyết điểm của giáo dục xưa nay; đặc biệt là giáo dục hiện đại và biết áp dụng, bổ sung sao cho phù hợp với giáo lý Phật giáo.

V. KẾT LUẬN:

Xã hội hóa Giáo dục Phật giáo là nhằm thực hiện đưa đạo Phật vào đời, thực hiện thông điệp Cứu khổ của Đức Phật đến với từng cá nhân, từng nhóm người, từng tập thể, tiến đến việc phổ biến cho quảng đại quần chúng.

Trong thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam với những điều kiện và phương tiện có được đã làm hết sức mình vẫn chưa đạt được một nền Giáo dục Phật giáo thực sự như mong muốn. Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là tình trạng chung của Phật giáo ở các nước khác. Nhân cuộc Hội thảo này, chúng tôi rất mong đề tài tham luận đã nêu sẽ được chư tôn đức, quý giáo sư thiện hữu trí thức, các nhà nghiên cứu xã hội học và Phật học đóng góp ý kiến. Đồng thời, rất mong chư tôn đức Phật giáo các nước sẽ cùng hợp tác qua các hội thảo, hội nghị về vấn đề này bằng những việc giúp đỡ cụ thể hỗ tương trong nỗ lực xã hội hóa Giáo dục Phật giáo.

Kính chúc sức khỏe chư liệt vị và kính nguyện Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni gia hộ cho tất cả chúng ta luôn được 5 điều phước báu: Sống lâu, sắc tốt, an vui, sức mạnh và trí tuệ… để phụng sự Đạo pháp và nhân sinh.

HT.THÍCH GIÁC TOÀN
(Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban GDTN T.Ư)

...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.