Vượt thoát tham ái

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Giáo pháp của Đức Phật nhằm hướng dẫn, giúp chúng sinh đối trị, vượt qua phiền não của chính mình để chuyển hóa thân tâm từ ô nhiễm thành thanh tịnh, từ phàm phu đến bậc Thánh. Phiền não của chúng sinh thì có nhiều, trong đó khó trừ nhất là tham ái dục.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1199 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1199 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Tham dục là bản chất của con người, dĩ nhiên đó không phải là việc xấu. Đối với người đời thì việc lập gia đình, xây dựng hạnh phúc hôn nhân là cần yếu. Người xưa cho rằng kết hôn là một trong ba việc lớn của đời người. Người tu thì chọn lối sống độc thân “từ bỏ gia đình sống không gia đình”, coi việc tham dục là một chướng ngại cho sự tu tập giải thoát.

Tuy nhiên, do tập khí tham ái từ vô thỉ nên không phải nói bỏ là có thể bỏ liền được mà phải từng bước tu tập để diệt trừ hạt giống tham ái cũ và làm phát sinh hạt giống bồ-đề mới. Và trong giai đoạn giao thời đó, sự nỗ lực của bản thân với những phương pháp tu tập là cần thiết.

Tham ái phát sinh là do đâu? Do rất nhiều nguyên nhân như nghiệp và tập khí từ quá khứ, hoàn cảnh hiện tại tác động, ý chí không vững, không có pháp tu làm nền tảng...

Nếu như tham ái phát sinh do sự hấp dẫn của thân thể thì cần tu pháp Quán thân bất tịnh. Trong kinh Đức Phật đã chỉ ra tính chất nhơ nhớp, không đáng ưa thích của cơ thể con người. Thân thể con người với lớp da bên ngoài nhìn có vẻ sạch sẽ nhưng bên trong lại là những thứ rất nhơ nhớp, hôi tanh. Nhìn rõ về thân thể như vậy, ta sẽ sinh tâm nhàm chán, không còn tham đắm vào thân thể nữa và lòng dục của ta sẽ nguội lạnh dần.

Về mặt cảm xúc, ta cần thấy rõ về khái niệm gọi là “tình yêu”. Khi ta cảm thấy luyến ái ai đó hoặc ai đó nói rằng họ yêu ta, thật ra không phải họ yêu đối tượng luyến ái mà chỉ là yêu cái cảm giác dễ chịu của bản thân do đối tượng kia đem lại. Ví dụ khi ta khát và uống nước, ta cảm thấy thích. Điều này không có nghĩa là ta yêu nước mà là ta yêu cái cảm giác hết khát do nước đem lại.

Ta có thể thích loại nước này nhiều hơn loại nước khác là bởi vì loại nước đó tạo cho ta cái cảm giác dễ chịu nhất. Và sau một thời gian, sở thích của ta thay đổi và ta sẽ chuyển sang thích loại nước khác. Khi đó, khái niệm “phụ bạc” hay “phản bội” trong tình yêu xuất hiện. Đối tượng tham ái vẫn vậy, không có gì thay đổi, chỉ có cảm giác của con người thay đổi mà thôi.

Vì thế, không nên ảo tưởng về cái gọi là “tình yêu vĩnh cửu”. Tình yêu vốn đã không có thì làm gì có vĩnh cửu. Có thể nhân loại ảo tưởng về tình yêu thật, nhưng cũng có thể họ biết rõ không có cái gọi là tình yêu nhưng cố ý tô hồng, ca ngợi nó để được yên tâm yêu. Cho nên không có gì mong manh hơn tình yêu, bởi vì không có gì mau thay đổi hơn cảm xúc của con người. Khi cảm xúc thay đổi, tức là tình yêu đã không còn như ban đầu thì mỗi người sẽ có cách xử sự khác nhau.

Nếu người đó có nền tảng đạo đức, trọng tình nghĩa, biết ơn thì người ta cư xử với đối tượng tham ái một cách nhân văn. Nhưng nếu như người không có nền tảng đạo đức thì khi cái bản ngã của mình bị đụng chạm, khi cảm xúc của mình không được thỏa mãn thì họ chỉ phản ứng theo bản năng, tức là hoặc phụ bạc, hoặc phản bội, hoặc tiêu diệt đối tượng.

Nếu thật sự có tình yêu, nếu thật sự có chuyện người này yêu người kia (chứ không phải yêu cảm xúc của bản thân) thì sẽ không có sự phụ bạc hay phản bội. Vì người ta chỉ yêu bản thân mình cho nên khi cảm xúc của bản thân không được đối tượng làm cho thỏa mãn mới dẫn đến tiêu diệt.

Chúng ta có khi nào nghe nói cha mẹ phụ bạc hay tiêu diệt con cái không? Đó là vì cha mẹ yêu con cái thật sự chứ không phải yêu cảm xúc của bản thân mình vậy. Tất nhiên ta có thể gọi sự luyến ái một đối tượng khác là tình yêu (hay bất kỳ tên gọi nào khác) cũng không sao, vì đó là quy ước của xã hội. Điều quan trọng là hiểu đúng tính chất của nó.

Nhưng tại sao người ta phải yêu, tại sao người ta tìm kiếm nhau, yêu thương một ai đó, phải kết hôn? Có nhiều lý do làm cho người ta tìm kiếm đối tượng. Đó có thể là do quan niệm chung của xã hội. Ví dụ quan niệm về hôn nhân, rằng con người thì phải kết hôn. Nếu trai lớn lên mà không tìm được vợ, gái lớn lên mà không ai hỏi cưới thì bị cho là người vô duyên, là bất hạnh và hàng xóm nhìn họ với ánh mắt thương hại hoặc chê bai. Cho nên một số người dù không có nhu cầu kết hôn nhưng phải tìm đại một ai đó để cho giống với những người khác.

Người tu thì không bị cái thành kiến đó nhưng đôi khi họ cũng bị luyến ái một đối tượng nào đó. Đối với người tu thì tình ái là một tai nạn xảy ra ngoài ý muốn. Khi đi tu không ai nghĩ rằng mình sẽ yêu ai, trong trong quá trình tu học, vì nhiều lý do khách quan mà họ dính líu đến chuyện tình cảm. Khi tôi hỏi một tu sĩ trẻ điều gì ở chùa làm mình khổ, người đó nói rằng “thiếu tình thương”. Tình thương ở đây là tình thương của thầy tổ, của huynh đệ.

Khi ở nhà, mỗi lần bị cảm là mẹ chạy đi tìm lá nấu cho nồi xông, cháo bưng tới giường năn nỉ ăn. Nhưng vào chùa thì không được như vậy. Bệnh phải tự lo. Có khi còn bị la mắng là giả bộ bệnh để không lên tụng kinh nữa. Thế là tủi thân nằm khóc. Những lúc ấy nếu có đối tượng nào đến quan tâm thì rất dễ dàng làm họ xiêu lòng và thế là tình cảm phát sinh. Người ta cần có người chia sẻ, cần có nơi để nương tựa, cần được chở che. Cho nên người tu muốn không bị sa ngã thì phải tập cho mình một lối sống độc lập không dựa vào ai hay bất cứ cái gì.

Mình nên nghĩ rằng sự “thiếu tình thương” trong chùa là cách để cho ta rèn luyện tính tự lập, xa dần sự luyến ái, lệ thuộc và đó chính là điều kiện để ta tiến xa trên con đường giải thoát. Đức Phật cũng khuyên chúng Tỳ-kheo hãy sống hạnh viễn ly. Thực tế cho thấy những người ham vui, thích sống tụ hội với đám đông ít có phẩm chất siêu việt còn những người thích sống một mình thường là những người có đời sống nội tâm sâu sắc.

Chúng ta nên biết rằng, không phải không có lý do mà Đức Phật chế định người xuất gia phải sống độc thân và xa rời gia đình. Đâu phải Ngài không biết cuộc sống như thế là thiếu tình cảm, thiếu sự chăm sóc. Nhưng phải như thế thì mới tu được, mới vượt thoát phàm tình mà trở thành bậc Thánh được.

Việc quán thân bất tịnh và nhận ra tính chất hư ảo của tình yêu phần nào làm cho ta bớt tham đắm và không bám víu vào đối tượng tham ái, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì vẫn chưa đủ. Cái cũ bị phá bỏ thì cần có cái mới thay thế, nếu không ta rất có thể sẽ quay trở lại cái cũ. Hơn nữa, muốn tiến xa trên con đường đạo thì hành giả cần có một pháp môn tu tập nào đó mà mình thấy là thích hợp và hiệu quả.

Pháp môn ấy vừa tạo cho ta sự an lạc trong cuộc sống, vừa có thể phát triển con đường tâm linh. Ta thấy hiện nay có một số quý thầy, cô có những cách sống rất cao thượng, thanh tao. Có người chọn việc giúp đỡ tha nhân làm niềm vui, có người chọn việc thuyết giảng làm niềm vui, có người chọn việc sáng tác nghệ thuật làm niềm vui, có người chọn vui thú điền viên… nhưng đó chỉ là tránh duyên, chuyển tâm sang một đối tượng khác chứ không phải hướng đến mục tiêu diệt tham, ly dục của người tu.

Trong Phật pháp có rất nhiều pháp môn tu để đoạn giảm và chấm dứt tham ái phiền não. Ở Việt Nam phổ biến nhất vẫn là pháp môn Thiền và Tịnh độ. Tùy theo căn cơ của mình mà ta có thể chọn tu thiền hoặc niệm Phật. Tu một cách nghiêm túc chứ không phải tu theo thời khóa cho có lệ. Bởi vì chỉ có tu tập miên mật mới có hiệu quả, mới cảm nhận được sự tiến bộ. Và khi thấy được hiệu quả của việc tu thì ta mới có niềm tin vào Phật pháp, rằng giác ngộ hay chứng quả không phải chỉ là lý thuyết suông, không phải là chuyện của các ngài Xá-lợi-phất hay Mục-kiền-liên từ xa xưa.

Trong kinh Đức Phật dạy rằng niềm vui trong thiền định là niềm vui rất vi diệu mà dục lạc thế gian không thể nào sánh được. Khi đã nếm được niềm hỷ lạc của thiền định hay của sự tu tập nói chung rồi thì không còn ham muốn gì với những niềm vui thô thiển của thế gian nữa. Và chắc chắn khi đó sự tham ái đối với những đối tượng dục lạc bên ngoài sẽ không còn làm cho ta phải bận tâm nữa.

Thông thường người ta cho rằng tham ái thuộc về bản năng. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của Phật giáo thì không có cái gì gọi là bản năng có tính cố định không thể thay đổi. Tất cả các pháp từ vật chất đến tinh thần đều như dòng nước luôn luôn lưu chuyển không ngừng. Mọi thứ luôn trong trạng thái trở thành thì làm gì có cái gọi là bản năng.

Duy thức học chỉ ra rằng mọi tập khí đều do những hạt giống đã gieo vào A-lại-da thức. Tùy theo hạt giống thiện ác tốt xấu mà biểu hiện ra khuynh hướng hành vi của người đó. Đó là lý do tại sao có người có bản tính ác và có người có bản tính thiện. Có người tham dục rất nhiều và cũng có người tham dục ít. Nói rộng hơn chúng sinh mỗi cõi giới có tính chất tham dục khác nhau. Và cũng có những cõi giới không có tham dục (cõi Sắc và Vô sắc). Tóm lại, tập khí tham ái dục vọng là do sự huân tập nên sẽ thay đổi nếu chúng ta biết tu tập chuyển hóa và đoạn tận.

Có hai hướng tu tập chính để đoạn trừ tham ái dục trong Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa.

Thời Đức Phật, các vị Thanh văn tu tập chỉ và quán, có tác dụng làm cho các chủng tử đã gieo không thể nảy mầm và dần dần sẽ bị hư thối, tiêu diệt hoàn toàn. Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy thường dạy “Diệt trừ các cảm thọ cũ, và không cho khởi lên cảm thọ mới” (Đại kinh xóm ngựa, Trung bộ kinh). Cứu cánh của một vị A-la-hán là ái diệt, vô sinh, không còn tái sinh nữa, không còn gì hiện hữu nữa, như “củi hết lửa tắt”.

Ta hãy đọc tiếp đoạn kinh sau đây, cũng trong Đại kinh xóm ngựa: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? Chúng ta phải hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp…

Chúng ta phải chánh niệm tỉnh giác, khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác, khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi đứng, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, các ông có thể khởi lên ý kiến: Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sinh mạng thanh tịnh, và các căn đã được hộ trì”.

Và bài kệ sau đây trong kinh Nhất dạ hiền (Trung bộ kinh):

“Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng

Quá khứ đã đoạn tận

Tương lai lại chưa đến

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây”.

Các đoạn kinh trên chỉ nói lên và dạy một điều duy nhất là “diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới”. Ở đây xin giải thích một chút về cảm thọ cũ và cảm thọ mới. Những cảm thọ, vọng tưởng, tập khí, nghiệp, cảm giác... của chúng ta không phải mới có mà đã có từ vô thỉ. Theo Duy thức học, thức A-lại-da (tàng thức) như là một cái kho chứa dựng tất cả các hạt giống, và chúng khởi lên liên tục. Đây là cái mà trong kinh gọi là “những cảm thọ cũ”.

Khi vọng tưởng hay những cảm giác cũ này khởi lên, nếu ta phản ứng (sân) hay chạy theo (tham) thì coi như ta đã tiếp tay cho chúng, đã cung cấp thêm cho chúng nhiên liệu để chúng mạnh thêm, sinh sôi nẩy nở; bằng ngược lại, ta chỉ nhận biết và làm ngơ chúng đi thì coi như chúng bị vô hiệu hóa, chúng yếu dần và chết đi. Đây chính là điều mà trong kinh Kim cang gọi là “Có bao nhiêu chúng sinh đều độ hết vào vô dư Niết-bàn”. Đó là “không cho khởi lên những cảm thọ mới”. Nhờ thực tập chánh niệm, tỉnh giác và an trú trong hiện tại mà cảm thọ cũ không có cơ hội khởi lên, và cũng không thể phát sinh những cảm giác mới. Có thể nói, đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các pháp môn tu tập của Phật giáo. Những pháp môn khác đều là sự mở rộng hay giải thích thêm cho phương pháp này.

Cách thứ hai là chuyển hóa. Chuyển hóa như thế nào? Bằng cách gieo vào tâm thức càng nhiều hạt giống tích cực càng tốt. Nếu như cách thứ nhất là sự ứng dụng hai phần trước của Tứ chánh cần: Điều ác chưa sinh thì đừng để sinh, điều ác sinh rồi thì tìm cách diệt; thì cách thứ hai này là sự ứng dụng của hai phần sau: Điều thiện chưa sinh thì làm cho sinh, điều thiện đã sinh thì làm cho tăng trưởng.

Cụ thể là phương pháp Lục độ của Bồ-tát đạo. Bồ-tát không chỉ diệt trừ xan tham mà còn tăng cường bố thí. Giới của Bồ-tát không chỉ Chỉ trì mà còn Tác trì, Chỉ phạm. Bồ-tát nhẫn nhục một cách có trí tuệ để độ chúng sinh. Bồ-tát tinh tấn làm việc thiện (Thanh văn tinh tấn diệt phiền não). Thiền của Bồ-tát là các Tam muội để hóa độ và làm lợi ích chúng sinh (khác với tứ thiền, bát định của Thanh văn). Trí tuệ của Bồ-tát là để thực hiện các phương tiện giáo hóa chúng sinh, lợi ích xã hội. Đối với Duy thức học, tu hành là một sự chuyển hóa, chuyển thức thành trí. Sự chuyển hóa này, nói một cách nôm na là chuyển tham ái thành từ bi, chuyển tình yêu ích kỷ thành thương yêu tất cả chúng sinh.

Chúng ta thường nghe nói tu Tâm chính là cách tu này. Tu cho hết vọng tâm để chỉ còn lại cái chân tâm hiện tiền. Chỉ một việc này thôi mà tu hoài không hết, tu mãi không xong. Một số người không hiểu tưởng đâu tu là phải ăn chay nằm đất, cho nên khi thấy người tu có vẻ nhàn hạ liền cho là không tu. Bên ngoài không tu nhưng đang tu bên trong, tu rất tích cực, rất tinh tấn. Bên trong đang diễn ra một cuộc chiến một mất một còn giữa thiện và ác, chân và vọng; mà chỉ cần mất cảnh giác một chút là thua liền.

Điều lý thú ở đây là các phương pháp tu này lại được thể hiện một cách thống nhất và thông suốt giữa các truyền thống tu tập Phật giáo. Trong kinh Tứ thập nhị chương Đức Phật có dạy rằng, giáo pháp của Ngài như mật trong chén. Dù mật ở giữa chén hay ngoài rìa thì vẫn ngọt như nhau. Lại nói, nước biển chỉ có một vị mặn, giáo pháp của Phật cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát.

Vô ngã là giáo lý căn bản của Phật giáo, và ở đây, một lần nữa, nó lại biểu diễn vai trò của mình để giải quyết vấn đề gọi là bản năng. Mọi thứ đang trôi chảy và chuyển biến. Không có gì gọi là “bản” ở đây cả, dù là “bản thiện” hay “bản ác”. Cái gọi là bản năng đó chẳng qua là một sự tích tụ lâu đời, như phù sa tích tụ thành cồn, nước đóng lại thành băng. Nếu có cái gọi là bản năng thì sẽ không có sự chuyển biến, không thể tu sửa. Nhưng khi chúng ta hiểu được rằng các pháp do duyên sinh thì vấn đề được giải quyết dễ dàng hơn.

Chúng ta có thể tu tập để giải thoát sinh tử, hoặc chúng ta có thể chuyển thức thành trí, chuyển phiền não thành Bồ-đề, nuôi lớn từ bi và trí tuệ để vào đời hóa độ chúng sinh như các vị Bồ-tát đã làm. Khi đã hiểu rõ được điều này thì chúng ta tin rằng nếu mình nỗ lực tu thì mình có thể diệt trừ hoặc chuyển hóa được tham ái của mình vậy.

Có người hỏi rằng tôi vừa tu vừa tham ái có được không? Thật ra sống hay tu như thế nào là việc của mỗi người. Nhưng nhân nào thì quả đó. Tùy theo chánh báo của mỗi người mà sẽ có y báo tương ứng. Nếu ta đầu tư vào cái gì thì sẽ thành công ở lĩnh vực đó. Nếu đầu tư vào tham ái ta sẽ có tham ái, nếu ta đầu tư vào tiền bạc ta sẽ có tiền bạc, và nếu đầu tư vào tâm linh thì ta sẽ có tâm linh.

Còn nhớ câu chuyện Xá-lợi-phất lần đầu gặp Tỳ-kheo Mã Thắng khi đang khất thực trong thành Vương Xá. Thấy gương mặt trang nghiêm sáng ngời, phong độ thanh thoát của Mã Thắng, Xá-lợi-phất cảm thấy tâm hồn mình chấn động mạnh mẽ, một cảm giác mà từ trước tới giờ chưa từng có nơi ngài. Phải là một người có đời sống nội tâm như thế nào thì mới chiêu cảm được một bậc thức giả như Xá-lợi-phất. Cho nên, không ai có quyền cho phép hay ngăn cản người khác tham ái mà chỉ có thể nói rằng nhân như thế nào thì quả như thế nấy mà thôi.

Kinh Phật được nói ra là để cho người ta thực hành chứ không phải là những câu chuyện huyền thoại viển vông. Đức Phật khẳng định rằng “Như Lai chỉ nói những gì Như Lai làm và Như Lai chỉ làm những gì Như Lai nói”. Những điều Đức Phật nói ra là những gì Ngài đã làm được. Và hàng ngàn năm nay đã có không biết bao nhiêu người đi theo con đường của Ngài và cũng đã thành tựu về mặt tâm linh. Họ cũng từ bỏ gia đình sống không gia đình như Đức Phật. Họ cũng cắt ái từ thân và đoạn trừ tham ái dục để chứng những quả vị tâm linh. Các vị tổ sư, các bậc thầy là những tấm gương về tu tập để ta thêm tin tưởng vào con đường mà mình đang thực hành.

Điều cuối cùng mà người viết muốn nói ở đây là Phật giáo không phủ nhận những giá trị, các vẻ đẹp hay hạnh phúc thế gian. Con người cứ tôn vinh vẻ đẹp của con người. Con người cứ yêu thương và hưởng thụ hạnh phúc của hôn nhân hợp pháp. Điều mà người viết muốn nhắm tới ở đây là đối với người xuất gia hay những ai theo đuổi con đường giải thoát thì phải bỏ lại phía sau những thứ đó, vì những thứ như tham ái dục làm trở ngại con đường tâm linh, không thể chứng đắc giải thoát, Niết-bàn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.