GN - Chúng tôi có mặt tại làng Đại Bường lúc 11 giờ thứ Sáu của ngày giữa tháng 11 sau khi vượt qua hàng trăm km đường... Chương trình đến với miền Trung lần này do Câu lạc bộ thiện nguyện Nhóm Trẻ (TP.HCM) dưới sự hướng dẫn của chị Hiếu và các Phật tử thành viên sống tại TP.HCM chung sức, chung lòng thực hiện.
Chạy lũ ở Nông Sơn
Buổi trưa đầu tiên tại làng Đại Bường, H.Nông Sơn, Quảng
Trao quà đến các gia đình trong mưa bão ở Nông Sơn
Từ bến đò, chúng tôi leo lên 54 cấp (mỗi cấp như một bậc thang) mới đến cổng vào làng. Chiều đến, dòng sông Thu hung tợn hơn, xoáy mình giận dữ, vọt lên trên cấp bằng (từ đáy bãi lên 15 cấp). Trời mưa ngày càng lớn hơn, tiếng gió rít rợn người xen lẫn tiếng sấm gầm thét.
Do ảnh hưởng của cơn bão lũ, điện bị cắt tối om, xa xa những ngọn đèn dầu leo lét được thắp lên, cây cối nghiêng ngả, gãy đổ khắp nơi. Nước sông Thu lừ lừ vượt lên 30 cấp gây ngập khắp nơi. Lúc này, người dân trong làng hối hả, sợ hãi rời khỏi nhà, lên núi tránh lũ. Cảnh tượng thật là hãi hùng.
12 giờ khuya, nước vượt qua 54 cấp, hùng hổ tiến vào làng. Những người già, trẻ em, phụ nữ đã chạy lên núi, người còn khỏe ở lại. Họ bất chấp nguy hiểm lội nước đi vớt đồ đạc bị nước cuốn trôi trong bầu trời tối om như mực cùng với tiếng gầm thét đe dọa của sấm, gió, bão bùng.
Vượt lũ đến với đồng bào
7 giờ sáng, xe tải chúng tôi chở vật phẩm cứu trợ cho đồng bào bị cơn bão lũ trước gây ra. Chiếc xe chở hàng cứu trợ đi được một đoạn ngắn thì đường bị ngập trong nước sâu, có nơi cột điện bên đường ngập lút nên đoàn xe đành quay về gửi tạm ở Quế Sơn.
Ngày hôm đó, mưa liên miên không dứt, gió vẫn rít, chớp giật liên hồi. Chúng tôi, trong lòng ai cũng bất an, lo sợ. Và, cảnh tượng bi thương tang tóc, hãi hùng của trận lụt năm Thìn (1964) hiện về. Toàn bộ làng ngập sâu và cô lập hoàn toàn trong biển nước, nhiều người đã đói vì không có cái gì ăn.
Trên đầu làng có người chết, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khóc hòa lẫn trong mưa, khiến không khí thật thê lương… Sáng hôm sau, bất chấp khó khăn, xe tải vượt qua đèo Le ở Quế Sơn, đến chân đèo Quế Lộc thì đường bị nước ngập sâu, không có cách nào đi được.
Chiếc ghe chở hàng cứu trợ đến đồng bào vùng sâu
Chúng tôi phải nhờ một người đưa đò gan dạ ở làng, có lòng thương người cùng với một người phụ và hai học sinh (đang học lớp 9, lớp 10) rất dạn sông nước, men theo các hàng tre, chở chúng tôi từ bến đò Đại Bường. Chiếc ghe đi xuyên qua các địa phương: Trung Phước, Trung Lập, Khe Le đến chân đèo Quế Lộc trong mưa bão dữ dội.
Nhờ bác tài xế xe tải và anh phụ lái, vất vả chất hàng cứu trợ từ xe tải lên ghe, chở về đến bến đò Đại Bường, ghe bơi xuyên qua mấy cây cầu bị ngập nước. Nhờ nhiều người dân và các Phật tử chùa Đại Bình tận tình giúp đỡ… Họ đã dùng xe bò, xe đẩy chở gạo mì, phẩm vật về chùa Đại Bình.
Buổi tặng quà đến với đồng bào làng Đại Bường trong mưa gió, trong niềm thương mến, cảm thông vô hạn. Xong điểm thứ nhất, tạm biệt bà con làng Đại Bường, chúng tôi ngược dòng sông Thu Bồn chèo ghe lên vùng Quế Ninh, Phước Ninh, Dùi Chiêng tiếp tục cứu trợ cho đồng bào vùng này. Ở đây, cả vùng rộng lớn này cũng bị ngập chìm trong nước lũ và bị cô lập hoàn toàn…
Trời vẫn mưa lớn, gió vẫn thổi mạnh. Đồng bào ở Quế Ninh, Phước Ninh, Dùi Chiêng phải lội nước sâu, nhận quà trên những chiếc ghe nhỏ của chúng tôi tạm đậu lại. Cảnh tượng này, xưa nay hiếm thấy nhưng ai trong đoàn cũng cảm động và gởi niềm thương thật nhiều cho đồng bào còn nghèo khó ở quê mình…
Trời nhá nhem tối, ghe của chúng tôi thuận dòng nước chảy quay về làng Đại Bường. Nhìn lên bầu trời vẫn còn đen kịt, mưa vẫn lớn hạt. Nước vẫn dâng cao. Gió vẫn rít. Sấm sét vẫn gầm gào ghê sợ… nhưng tất cả chúng tôi đã hoàn thành một chuyến đi thiện nguyện phải nói là nhiều “sóng gió”. Chuyến đi ấy cho chúng tôi thêm niềm tin rằng, dù ở đâu trên mọi miền đất nước, bà con hoạn nạn luôn được sống trong sự đùm bọc, sự chia sẻ ấm áp của tình người.