Vương vấn những giàn bầu

Vương vấn những giàn bầu

Một buổi trưa đầu tháng Năm, về với Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), trải chiếu nằm dưới bóng cây bồ đề trước sân ngôi chùa cổ Hải Tạng, nhìn lên, chợt thấy những trái bầu hồ lô lúc lắc treo trên giàn bầu của vườn chùa. Lòng nôn nao và đau đáu nhớ về những mảnh vỡ ký ức còn in đậm cho đến bây giờ. Ký ức những giàn bầu ruổi rong theo chân mình trên khắp nẻo đường lang bạt...

Ngày còn nhỏ, nhỏ đến độ mỗi lần ra đồng, mẹ để tôi lên một bên gánh, bên kia bỏ thêm vào cái gì cho cân bằng rồi gánh theo. Lúc thì vài cục gạch, lúc thì bao phân chuồng vãi lúa. Rồi lúc làm đồng về, bên gánh kia thường là khoai, bí, bắp hoặc những “sản vật” quê mùa khác. Nhưng tôi vẫn nhớ nhất là những trái bầu. Cảm giác ngồi trên một đầu gánh mẹ gánh về, bên kia là những trái bầu rung rung theo bước chân mẹ đi có lẽ tôi không bao giờ quên được. Có cái gì đó vừa vui, vừa thích thú lại vừa lâng lâng đến khó tả. Qua mỗi quãng đồng, qua mỗi bờ ruộng, bà con cô bác cười với tôi, và cũng cầm những trái bầu lên, khen bầu nhà tôi to và đẹp. Tôi vênh mặt lên như chính mình được khen vậy.

Thời cơ cực của gia đình tôi cũng gắn liền với giàn bầu. Ăn Tết xong, ba lại lấy hạt bầu từ trong chỗ cất ra, đem gieo vào những lỗ đất đã làm sẵn men theo bờ ruộng. Ngày tháng cứ trôi đi, khi ngọn bầu hơn gang tay người, cứ mượt mà xanh lên thì ba bắt đầu làm giàn. Tre trúc trong vườn và nhánh cây quanh rào có sẵn, non non một buổi là giàn bầu đã được làm xong. Giữa lúc cơm mắm gieo neo, mỗi trái bầu mẹ gánh xuống chợ là cả niềm hy vọng cho gia đình tôi lúc bấy giờ. Nào mắm muối, nào thức ăn, nào sách vở áo quần cho chị em tôi đến trường. Nhà ở gần đường sắt, thường thì tờ mờ sáng, ba đã gánh giúp mẹ gánh bầu một đoạn qua chỗ dốc đường xe lửa. Rồi mẹ gánh, vượt hơn 5 cây số để xuống tới chợ. Hơn 5 cây số đường đất, đường cát để cho chị em tôi có cái ăn cái mặc. Không chỉ gánh bầu mà đôi vai mẹ còn gánh biết bao nhiêu khoai, đậu, cải, hành xuống chợ từ khi sương còn mờ mịt. Cái gánh gieo neo cứ đi suốt đời mẹ, và cho đến cả bây giờ...

Rồi lòng chợt chạm vào một mảnh ký ức không lấy gì là vui lắm. Một mối tình đơn phương hồi cấp 3. Nhà em cũng làm nông, cũng có một giàn bầu. Nhưng giàn bầu ấy nằm ngay trước hiên nhà. Ngày còn lỡ dở giữa bé dại và người lớn ấy, không biết đã bao lần tôi vào nhà em, đi qua dưới giàn bầu, dưới những trái bầu từ lúc nhỏ cho đến khi gần chạm xuống mặt sân. Nhà tôi ở gần trường, em thì cách khoảng 15 cây số. Cứ canh Chủ nhật em về hoặc những ngày được nghỉ, tôi lại tìm những lý do để đến nhà em. Đạp xe 15 cây số để được nhìn em, để được nhìn những trái bầu lúc lắc dưới nắng trưa. Em chỉ hồn nhiên tiếp chuyện tôi vài lần, sau đó rồi lẩn tránh. Nói chuyện với đứa em trai của em mãi rồi nó cũng chán. Ba mẹ em thì cũng đầu tắt mặt tối ngoài đồng. Vậy là lững thững đạp xe về. Không một lời chia tay, không một câu giận dỗi, để bây giờ, giàn bầu nhà em vẫn còn vương vấn mãi trong ký ức tuổi 16 của tôi. Em giờ công thành danh toại, nghe đâu làm việc cho một công ty nước ngoài ở Sài Gòn, sắp lấy một anh chồng Việt kiều. Âu cũng là duyên phận. Lòng ngùi ngùi mừng cho em nhưng lại có chút gì xót xa cho chính mình. Tôi thì lang bạt qua biết bao miền đất lạ, nhắc tên em, và cả giàn bầu trước nhà em trong những cơn say, trong những bữa gặp mặt bạn bè cũ.

Từ Hà Nội, về Đà Nẵng rồi lại trở về với mảnh vườn, chút ruộng còn lại của gia đình, lòng chợt thấy ấm áp hơn sau mấy nẻo mưu sinh đầy bơ vơ, trắc trở. Ba lại trồng bầu. Giàn bầu cũng đã được vài chục trái to như bắp chân người lớn. Sáng ngủ dậy, lại lò dò ra ruộng, ngồi dưới giàn bầu thật lâu, cho đến khi ánh nắng đầu hè xuyên qua kẽ lá bầu, chiếu vào mặt mới nhớ ra mình còn một số chuyện phải làm. Không khác gì hồi nhỏ, những trái bầu vẫn thân thương, gần gũi quá đỗi. Tự dặn mình ít hôm nữa, khi bầu hái xuống, phải xin mẹ chở giúp xuống chợ cho mẹ bán. Như vậy chắc sẽ vui hơn, sẽ thấy lòng nhẹ bớt hơn.

Cụ từ giữ chùa Hải Tạng trong cái buổi trưa hôm ấy, thấy tôi nhìn những trái bầu hồ lô bằng ánh mắt vừa đắm đuối, vừa ngây thơ, vừa là lạ. Cụ bảo tháng 7 quay lại, cụ sẽ để dành cho tôi một trái về phơi khô mà đựng rượu uống như mấy ông trong phim Tàu cổ. Tôi cảm ơn cụ, hứa sẽ ra và đính chính thêm là mình vừa bỏ rượu cách đây không lâu. Cụ mỉm cười, bảo về đựng nước đem theo uống trong những chuyến đi của mình cũng thú vị. Ừ, mà tại sao lúc ấy cụ nhắc tôi mới nhớ ra nhỉ. Những cuộc phiêu lưu, lang bạt trên khắp nẻo đường đất nước của tôi còn dài, vui gì hơn là bên hông có một hồ lô nước. Cứ hết thì mua hoặc xin nước đổ vào.
Và tôi nghĩ ngay đến việc xin nước giếng của chùa đổ vào vỏ bầu hồ lô lần đầu tiên. Nước giếng ở đây trong và ngọt. Không những thế, tôi tin vào sự thanh thản, may mắn khi mọi chuyện khởi tâm từ một ngôi chùa cổ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.