GNO - Đến thăm vườn Lâm-tỳ-ni tại gia đình anh Võ Đăng Dũng (113/48 Trần Văn Đang, P.11, Q.3, TP.HCM) trong một buổi chiều tối, tôi được đón chào như người con nhỏ trong gia đình đi xa mới về, mọi người hân hoan vui mừng như cùng đón chào ngày Đức Từ Phụ ra đời.
Vườn Lâm-tỳ-ni tại nhà anh Đăng Dũng - Ảnh: Danh Danh
Năm 2011 lần đầu tiên anh làm vườn Lâm-tỳ-ni tại nhà và năm nay là lần thứ 2, với mong muốn cúng dường chư Phật. Anh chia sẻ: “Người con Phật, việc tri ân, tưởng nhớ Đức Phật, người đã chỉ cho mình con đường để đi, dạy cho mình về lòng từ bi, về cách để bình an trong cuộc sống hằng ngày và để cuộc sống mình ngày càng tốt đẹp và an lạc hơn phải được làm thường xuyên; nhưng Phật đản là dịp thể hiện sâu sắc nhất”. Chính vì vậy, gia đình anh cũng đã phát động bà con trong khu phố treo cờ Phật giáo, vận động tịnh tài, tùy tấm lòng của mọi người để mọi người cùng được có cơ hội cúng dường chư Phật.
Lúc đầu gia đình anh treo cờ mọi người ở đây không hiểu, có nhiều người thắc mắc cũng lại hỏi, khi làm lễ đài thì có nhiều người lúc đầu cứ tưởng ở đây có một chùa nào đó nên mới treo cờ và làm lễ đài Phật đản sanh chứ không ai nghĩ ở nhà Phật tử mà cũng làm vậy. Từ năm ngoái đến năm nay nhiều người cũng đã hiểu được ý nghĩa treo cờ làm lễ đài Phật đản, nên thấy mọi người ai cũng hoan hỷ.
Trên con hẻm nhỏ vào nhà anh và các nhà lân cận, những lá cờ Phật giáo đã được treo lên, tung bay phất phới, tuy chỉ được một số hẻm nhỏ nhưng đó cũng là khởi đầu của những tín tâm tin hiểu sâu vào đạo để những dịp lễ sau này sẽ còn nhiều nhiều hơn những những lễ đài tại các tư gia Phật tử và khắp nơi rợp những cờ hoa biểu ngữ đón chào ngày Phật đản. Khi làm lễ đài thì cũng đã gieo vào lòng mọi người một ấn tượng, một hiếu kỳ, họ sẽ hướng tới tìm hiểu về đạo Phật, rồi tìm hiểu sâu hơn… như triết lý nhân quả, luân hồi, nghiệp báo tạo nên những mối duyên lành tốt cho chúng sanh đó cũng là một sự hoằng pháp lợi sanh.
Gia đình nhà anh có truyền thống theo Phật lâu nhưng phải đến năm 2008 khi có nhân duyên gặp được một thiện tri thức chỉ dạy, thì anh bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về đạo Phật đi từ những nấc thang nhỏ bước vào tìm hiểu nghiên cứu đạo sâu hơn và anh đã “ngộ” ra nhiều điều từ giáo lý của Ngài.
- Nhiều chùa gần tới ngày mới treo cờ Phật giáo mừng đại lễ thì lúc đó sao Phật tử biết mà treo, các chùa nên phát động sớm và các chùa phải làm gương trước thì Phật tử mới biết mà hưởng ứng. - Bên báo Giác Ngộ nên có một diễn đàn tìm hiểu về Đức Phật Thích Ca, hay Phật giáo quận, huyện nên phát động phong trào thi thiết kế lễ đài trong từng khu xóm hoặc nhà dân, nếu như nhiều xóm cùng làm thì nó sẽ tạo nên phong trào thi đua giữa các xóm, để cùng dâng lên chư Phật, hoặc phát động phong trào giữa các chùa, tự viện thi với nhau lúc đầu nhỏ nhưng rồi sẽ lan rộng ra hướng đến các Phật tử ở bên ngoài.
Một vài chia sẻ của gia đình Phật tử Võ Đăng Dũng
Danh Danh
Bạn đọc của Giác Ngộ "phát hiện" những hoạt động đón mừng Phật đản ở đâu hay, rộn ràng, đặc biệt - với không khí vui tươi, hân hoan... vui lòng gửi thông tin, bài vở về cho chúng tôi. Báo Giác Ngộ sẽ chuyển tải những hoạt động đón mừng Đản sinh liên tục trên Giác Ngộ Online, Giác Ngộ tuần báo, cùng bạn chia sẻ cảm xúc an-vui trong mùa lễ quan trọng này của Phật giáo. Mọi thư từ, bài vở cộng tác gửi về toasoan@giacngo.vn hoặc bandocgiacngo@gmail.com. Giác Ngộ chào đón tin, bài, hình ảnh của quý bạn đọc! Tòa soạn