Vu lan này vắng ba

GNO - Tháng bảy, mùa Vu lan lại về nhưng ba đã rời xa chúng tôi. Những năm tháng tuổi trẻ, ba và má chúng tôi sống mỗi người một nơi nhưng những ngày cuối đời ba đã trở về nhà đúng như câu nói tôi thường nghe: "Lá rụng về cội”.

Chúng tôi không được gần gũi ba và những kỷ niệm về ba không nhiều nhưng nhớ lại tôi vẫn thấy bồi hồi vì biết ba cũng đã yêu thương con theo cách của mình.

Nhớ năm 1968, Tết Mậu Thân, má ở lại Sài Gòn, ba dẫn hai chị em chúng tôi về quê. Có lần chị bị bệnh nặng, ba tìm thầy chạy chữa và thức suốt đêm chăm sóc cho chị - đến lúc chị khỏi hẳn. Còn tôi bị trái rạ, ba cũng chẳng quản ngại kiếm thuốc, xức thuốc và nấu nước gốc rạ để tắm cho tôi.

bachocon.jpg


Ba chở con - Ảnh minh họa

Thỉnh thoảng, ba chở tôi trên chiếc xe đòn dông để đi chơi. Hình ảnh hai cha con trên đường, hai bên là đồng lúa xanh tươi hoặc lần theo con đường mòn xuyên qua những vườn cây rậm rạp tôi vẫn nhớ như in. 

Lâu lâu ghé về nhà, ba lại mang những trái vú sữa tím rất ngon cho chúng tôi. Ngày tôi nhận nhiệm sở để đi dạy, ba đạp xe theo tôi hàng chục cây số…

Những năm tháng lang bạt sống kham khổ và tuổi tác ngày càng chồng chất, ba quyết định dừng chân. Chúng tôi không trách ba vì người lớn có những lý do riêng và những điều khó nói chỉ có người trong cuộc mới biết rõ mà thôi. Chúng tôi chỉ thấy thương ba vì không được hưởng hạnh phúc gia đình và bản thân ba cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nên ba về sống với con cái như một lẽ đương nhiên để chúng tôi có dịp báo hiếu cho ba. Đơn giản vì đó là ba của chúng tôi. Thế là, chị em tôi đã đón ba về để chăm sóc, phụng dưỡng...

Lúc này, ba không còn khỏe nữa - sức khỏe sa sút dần và đến ngày ba rất khó khăn để có thể rời khỏi giường. Những tháng ngày chăm ba bệnh, tôi đã làm tất cả những gì có thể: nấu những món ăn ba thích, tìm kiếm những tờ báo ba muốn đọc, dìu đỡ ba khi đi tắm, xoa bóp những lúc ba đau,…

Chúng tôi cố gắng không làm điều gì cho ba buồn với mong ước ba sẽ sống lâu. Nhưng khoảng cách vô hình vì tuổi tác, cách nhìn nhận cuộc sống khác nhau và vì ba khá khó tính làm cho chúng tôi ngày càng ít tâm sự với ba. Ba cũng ngày càng ít nói hơn.

Dẫu biết ba bệnh, cơ thể héo gầy, suy kiệt từng ngày, mỗi ngày qua là thời gian ở bên chúng tôi dần ngắn lại như một chuyến tàu đang lao nhanh về ga cuối. Nhưng tôi vẫn trì hoãn khi định sẽ làm việc này, việc nọ rồi sẽ kể cho ba chuyện thằng cháu vừa thi đại học, đọc cho ba nghe một bài báo… Vì thế, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy day dứt vì những thiếu sót, vô tâm của mình.

Ba hay băn khoăn, sợ chúng tôi tốn kém khi tổ chức đám tang cho ba nhưng ba ơi, lẽ nào phút cuối cùng ba trở về với ông bà và má, chúng con lại không lo được cho ba. Tôi vẫn thường nói với ba như thế. Ba chưa yên lòng nhưng vẫn im lặng. Tôi thấy điều đó qua ánh nhìn xa xăm của ba. Tôi cũng chưa từng ngồi lại đủ lâu để giải tỏa những tâm tư đó của ba vì cứ nghĩ rằng đâu có gì quan trọng. Con thật vô tình quá, phải không ba?

Ba không có niềm tin về tôn giáo cũng như không ăn chay được. Tôi hay khuyên ba niệm Phật để lúc ra đi sẽ thanh thản hơn. Không biết ba có để ý đến lời tôi nói không nhưng ba đã ra đi thật nhẹ nhàng.

Khi nghe cháu hỏi: Ông cố đâu rồi? Tôi chỉ lên bầu trời xanh thăm thẳm có những đám mây trắng đuổi theo nhau về chốn vô tận: Ông đang ở trên đó.

Chúng tôi đưa tro cốt ba vô chùa để ba có thể nghe kinh kệ, hướng về cõi lành, làm những việc tốt để hồi hướng cho ba. Tháng bảy, mưa dầm sùi sụt như nỗi lòng của những người con hướng về cha mẹ đã mất. Ở chốn xa xôi nào đó, con cầu mong ba được bình an và hãy tha thứ những gì chúng con đã làm ba buồn, ba nhé! Con vẫn luôn nhớ về ba. 

Diệp Kim Tùng
(Bến Phú Định, P.16, Q.8,TP.HCM)

Mời bạn đọc viết "Vu lan trong tim con"

Tháng Bảy - mùa Vu lan - mùa Hiếu hạnh. Đây là dịp để mỗi người ôn nhắc công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; ơn giáo dưỡng của thầy tổ... trong Tứ trọng ơn Phật dạy. Và đây cũng là cơ hội để những người con, học trò giãi bày với cha mẹ, thầy mình về những lỗi lầm lỡ phạm, kỷ niệm đã qua và lòng biết ơn sâu sắc.

Lời sám hối, câu xin lỗi không bao giờ muộn, giúp hòa giải và gắn kết, để mỗi người được nuôi dưỡng nguồn mạch tình thương, vun bồi cội rễ tâm linh cao đẹp.

Đức Phật dạy, hạnh Hiếu là hạnh Phật. Hiếu với người tạo nên hình hài, dưỡng nuôi tâm thức, trao truyền giá trị tốt đẹp để mình có thể thấy trời cao, đất rộng... còn là đạo lý dân tộc. Vì thế, tháng Bảy - Vu lan, nếu bạn có những xúc cảm nào cần bày tỏ, những nỗi niềm nào cần được chia sẻ..., hãy gửi cho Giác Ngộ - chúng tôi tình nguyện bắc một nhịp cầu để bạn được trải lòng một cách nhẹ nhàng, bình an.

Biết đâu, mỗi con chữ của bạn sẽ trở thành món quà ý nghĩa, thành đóa hoa tươi thắm dâng tặng đấng sinh thành, tỏ lòng biết ơn người một đời giáo dưỡng để mình nên huệ mạng?

Mọi chia sẻ và bài viết của bạn đều được chúng tôi trân trọng đọc, chọn đăng trên tuần báo Giác Ngộ và Giác Ngộ online - để cùng góp tay khơi dậy tinh thần hiếu đạo nơi mỗi người, giúp mỗi người neo đậu lòng mình trước phong ba cuộc đời...

Bài vở (nếu được, có thể gửi thêm hình ảnh nhân vật trong câu chuyện) hoan hỷ gửi về: onlinegiacngo@gmail.com (ghi rõ: gửi mục Vu lan trong tim con); nhận bài đến ngày 25-8 (rằm tháng Bảy).

Kính chúc quý bạn đọc có một mùa Vu lan an lạc, tinh tấn.

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.