Vọng Nguyệt vào xuân

GN - Làng tôi có cái tên thật hay: Vọng Nguyệt.

Nghe nói trước kia làng có tên Ngột Nhì. Sau này, khi mộ cụ tổ họ Chu - người khai cơ lập nghiệp ở làng được đặt cạnh một cái ao bán nguyệt thì làng mới được đặt tên lại như thế. Cái tên ấy đồng điệu với những cái tên thơ mộng không kém là Nguyệt Cầu và Như Nguyệt của hai làng bên cạnh. Tôi chưa từng có dịp ngắm cảnh làng vào một đêm trăng nhưng đã có dịp xao xuyến khi đi một vòng quanh “mảnh đất trăng” ấy vào những ngày chớm xuân đầy hương sắc.

langcovongnguyet.jpg


Sinh hoạt đầu xuân ở làng cổ Vọng Nguyệt - Ảnh: ANTĐ

Để vào làng có tới bốn cổng. Một cổng ngay đầu xã, một cổng qua làng khác và hai cổng từ trên đê đi xuống. Lần theo cổng chính nhất, tôi đi dọc hàng cau vua đang độ trưởng thành. Hàng cau xen với những bụi hoa giấy làm cho đường vào làng vừa khang trang lại vừa trữ tình. Một bên đường là những ngôi nhà mới, một bên vẫn là đồng ruộng. Lúa vừa bén rễ gặp hơi xuân đã lên phơi phới, không dưng nhớ đến câu thơ của Nguyễn Bính “Mùa xuân là cả một mùa xanh / Giời ở trên cao lá ở cành…”. Cánh đồng làng tôi vốn rộng nhất xã, người dân làng tôi vốn có tiếng hay lam hay làm, chịu khó chi chút và nhặt nhạnh… từng chút, từng chút mồ hôi, sương nắng như tích dần nhựa trong từng khóm lúa, nhánh rau, ngọn cỏ để đi bên rìa đồng thấy sự sống đang cựa mình sinh sôi dào dạt. Đường vào làng giờ vừa rộng vừa đẹp, nhựa trải êm ru khắp các ngả. Tôi không biết hết các tên đồng của làng, chỉ ấn tượng hai địa danh Lỗ Lốc, Đồng Giời - nghe đã thấy xa xôi, diệu vợi.

Hai cổng làng khác đều dẫn lên đê. Ngày xưa làng nức tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Bãi dâu của làng miên man xanh ngắt. Sớm sớm, chiều chiều bóng người thấp thoáng nơi bờ sông, cuối bãi... trong làng tiếng guồng quay kéo tơ đều đều khuya sớm như bản hòa ca không ngơi nghỉ. Giờ nghề dâu tằm theo những con đò và gái làng chuyển sang bên kia sông. Bãi làng giờ rặt hoa màu: ngô, đỗ, lạc, cải các loại... trưa sớm tấp nập xe cộ chuyển rau, dưa về những điểm đầu mối - trong đó có khu công nghiệp của người Hàn Quốc vốn thích ăn kim chi. Con đường nhỏ có hai hàng xoan làm duyên uốn lượn xuống bến đò làm bao người dù vội vàng đi đi về về không khỏi xuyến xao. Mưa xuân đang ủ dần đâu đó, chẳng mấy rồi sẽ rủ hoa xoan cùng về... và khi ấy, cả con đường sẽ rưng rưng biết bao niềm hoài niệm bởi gợi nhắc mùa xuân từ những ngày xưa, xưa lắm mà không phải ở làng quê nào giờ cũng có thể bắt gặp.

Tháng Hai, làng vào đám. Chùa làng rạo rực. Cổng ngay chùa - cổng được xây muộn nhất nhưng gần gũi nhất vì nối liền hai làng như hẹp hơn vì dòng người qua lại.

Tối ba mươi và những ngày Tết, suốt từ cổng này vào đến sân chùa được chăng đèn kết hoa thật bắt mắt, đi qua cổng làng mà như được bước vào một thế giới khác, với đầy ý vị thiêng liêng thành kính và dự cảm chớm mùa. Cổng làng mà nhiều khi cứ ngỡ cổng nhà. Ngày đi qua mấy lượt. Thấy gần hơn với cõi Phật bởi mùi hương thoảng trong gió cùng hình ảnh lúc lỉu của những trái đào tiên ven đường.

Đã có lần, có em bán hàng gọi điện bảo em đang đợi chị ở cổng làng vì ô tô đi vào khó, em chụp cả ảnh gửi mà loay hoay mãi và phải giơ cả ảnh để hỏi thăm, đi quanh làng rồi mới tìm được. Thấy mình nhiều khi vô tâm với những thứ gần gũi xung quanh.

Làng còn nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, có họ Ngô năm đời liên tiếp đỗ tiến sĩ. Không biết, ngày vinh quy bái tổ, các ngài tiến sĩ đi phía cổng nào? Còn dấu vết nào không giữa không gian trầm mặc? Bao lớp cỏ cây đã lụi tàn rồi hồi sinh theo năm tháng.

Mùa xuân, đất trời như giao hòa và bốn bề âm thầm nảy lộc. Hồ bán nguyệt vẫn lặng lẽ phía đầu làng soi bóng kẻ lại qua. Không có trăng nhưng ắt hẳn nhiều người khi vội vã lướt qua cổng làng để đi về muôn hướng vẫn nặng lòng và không nguôi nhớ… Vọng Nguyệt.

Tạp bút của Nhất Mạt Hương

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.