GN - Trong đại dịch Covid-19, hiện nay, đã có trên 1,85 triệu người ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra, với hơn 11,4 vạn người tử vong.
Con số chưa dừng lại ở đó, vẫn biến động theo chiều hướng tăng mỗi giờ.
Một chiến sĩ trên mặt trận chống Covid-19
Tại nước ta, người dân ban đầu có sự bàng hoàng trước chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ khi công bố “cách ly toàn xã hội” trên phạm vi toàn quốc, vận động người dân hạn chế đi lại nhằm đối phó với diễn biến phức tạp của đại dịch, đặc biệt lúc mất dấu vết F0 ở ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Nhưng sau đó, qua sự giải thích của chính Thủ tướng cũng như người phát ngôn của Chính phủ, người dân đã nhanh chóng nhận thức tính cấp bách và hệ trọng của việc cách ly xã hội, sớm thích nghi với mong muốn tình hình dịch bệnh được kiểm soát và dập tắt.
Cho đến hôm nay, 13-4, có 118/262 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước ta được chữa khỏi. Nhiều người bày tỏ lời cảm ơn đối với đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng và các chuyên viên y tế - lực lượng tuyến đầu phải đối mặt trực tiếp với dịch bệnh và có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất.
Chúng ta còn nhớ câu chuyện của một Việt kiều tại Úc kể về những sự kỳ thị của người dân nơi đây đối với người có dấu hiệu nhiễm bệnh, dẫu chỉ là cảm mạo thông thường. Một người bị ho, hắt hơi vì cảm mạo, khi lên xe buýt, đến các nơi công cộng, lập tức bị mọi người nhìn bằng ánh mắt ái ngại và xa lánh.
Vậy mà, với người làm ngành y, ròng rã hơn 2 tháng qua, họ đã dẹp đi tất cả sự ích kỷ, nỗi lo âu sợ hãi, dấn thân theo thiên chức, tự nguyện gánh vác trách nhiệm trong “cuộc chiến” giành lại sức khỏe và cả mạng sống cho người khác.
Nhìn những vết hằn bởi khẩu trang và vẻ mệt nhoài vì phải cố gắng quá sức của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng không được nghỉ ngơi mới thấy đức hy sinh của nghề mà người xưa ví như người mẹ hiền.
Ai cũng lánh xa những người sau khi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, số đông sợ con virus vô hình có sức tàn phá sự sống con người làm cả thế giới hoang mang, còn những người tiên phong ấy thì vẫn ân cần chăm sóc từ thuốc men cho tới cái ăn, thức uống trong những căn buồng điều trị cách ly đặc biệt.
Lúc này, dường như cả xã hội đều đồng thuận với lời nói nén đầy cảm xúc: “XIN CẢM ƠN”, “VÔ CÙNG BIẾT ƠN” dành cho những chiến sĩ mà sức mạnh và vũ khí của họ là lòng vị tha.
Sự biết ơn là phẩm chất tốt đẹp của con người. Với người Phật tử, lòng biết ơn còn là pháp tu, cần thực hành trong đời sống hàng ngày để phát triển tâm linh, mở rộng tâm từ bi, thăng tiến về đời sống tâm linh.
Ở bối cảnh hiện nay khi cả nước, cả thế giới đang phải oằn mình chống lại đại dịch Covid-19, một cách thể hiện lòng biết ơn thiết thực nhất chính là hành động hợp tác, tuân thủ nghiêm ngặt các mệnh lệnh chung và chia sẻ những gì có thể để giảm thiểu sự khó khăn, góp sức đẩy lùi, dập tắt sự lây lan của đại dịch này.
Mỗi người chúng ta nỗ lực dấn thân làm các thiện sự tùy hoàn cảnh của mình, để không chỉ là người thụ hưởng sự tử tế từ người khác mà chủ động hiến tặng điều tốt lành, góp phần làm cuộc đời tốt đẹp hơn. Đó là cách nuôi dưỡng và tăng trưởng phẩm chất tốt đẹp này, không bị “gió cuốn đi”!
Thích Pháp Hỷ