Vĩnh biệt vị Đại tướng của nhân dân

GN - Sau thời gian dưỡng bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), vào 18 giờ 09 phút ngày 4-10-2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khóa I - khóa VII, đã trút hơi thở cuối cùng tại đây, hưởng đại thọ 102 tuổi.

>>> Chùa Thịnh Đán, Vân Hồ tưởng niệm Đại tướng

Dai tuong.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duy trì việc tập thiền trong đời sống hàng ngày - Ảnh: Trần Hồng

Thông tin về việc từ trần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhanh chóng được truyền đi không chỉ trên các phương tiện truyền thông trong nước mà còn được nhiều tờ báo lớn và các hãng thông tấn nước ngoài loan tải. Lãnh đạo nhiều quốc gia trên khắp các châu lục đã gửi điện chia buồn, gọi “đó là sự mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam”. Tại tư gia của Đại tướng, hàng vạn người dân đủ các thành phần, các giới xếp thành nhiều hàng dài, trật tự, trang nghiêm, thành kính, lần lượt đến viếng ông trong những ngày qua. Trên các báo, nhiều bài viết, hồi ức về những kỷ niệm thân thương, gắn bó được các thân hữu, thuộc cấp và những người có duyên gặp gỡ, làm việc cùng ông kể lại trong nỗi sụt sùi thương tiếc một nhân cách lớn, một hiền nhân đã ra đi. Tất cả đều trân trọng gọi ông là “Vị đại tướng của nhân dân”, sống trọn vẹn một đời cho dân, cho nước, cho nền hòa bình, độc lập và sự phát triển cường thịnh của dân tộc.

Trong những hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngoài vai trò là một vị Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Việt Nam thì những hình ảnh bình dị, gần gũi trong đời sống hàng ngày của ông lúc sinh thời được nhiều người trân trọng, ngợi ca và bày tỏ lòng cảm phục, ngưỡng mộ trước phong thái sống ung dung, cung cách từ hòa, thân thiện.

Để có được một đời sống an lạc, vững chãi trước những biến cố thời cuộc, những đổi thay của đất nước, theo nhiều người gần gũi ông chia sẻ, mỗi ngày Đại tướng vẫn tuân thủ nghiêm túc chế độ thực tập thiền vào buổi sáng, tập thể dục hàng ngày, viết và đọc sách khi tuổi về chiều... Trong những dòng tin về Đại tướng nêu bật mối liên quan đến Phật giáo có thông tin ông viết thư gửi Hội thảo khoa học “Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - con người và sự nghiệp” do GHPGVN phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức diễn ra vào 26-11-2008 tại Quảng Ninh. 

Theo đó, bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tựa đề “Làm sáng tỏ công lao Phật hoàng Trần Nhân Tông”, Đại tướng đã nhấn mạnh: “Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam, hòa nhập với nền văn hóa dân tộc, góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đến thời đại nhà Trần, vua Trần Nhân Tông đã hai lần trực tiếp lãnh đạo quân và dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông và mở mang đất nước”.

“Trong thời đại nhà Trần, lần đầu tiên xuất hiện một vị vua - vua Trần Nhân Tông đã rời bỏ ngai vàng đi vào nhân dân, xuất gia tu hành đạo Phật, sáng tạo nên một trường phái Phật giáo mới - Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam.

Trần Nhân Tông đúng là một vị vua văn võ song toàn, một vị Phật hoàng có công lao to lớn đối với dân tộc”. (Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 26-11-2008).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình - mảnh đất địa linh nhân kiệt, phát xuất nhiều danh nhân văn hóa. Ông là chỉ huy của hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và kháng chiến chống Mỹ (1960-1975) giành độc lập dân tộc. Với tài thao lược quân sự của mình, ông được giới truyền thông các nước tôn xưng là “huyền thoại Võ Nguyên Giáp”. Còn Giáo sư sử học quân sự Cecil Currey, tác giả cuốn Victory at any cost (Chiến thắng bằng bất cứ giá nào), ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi trả lời Đài Tiếng nói Quốc gia Mỹ (NPR) vào ngày 5-10-2013 rằng: “Sánh cùng với các vĩ nhân quân sự trong suốt 2.000 năm qua, ngang tầm với Alexander đại đế, vượt tầm Napoleon, vượt qua mọi vị tướng của chúng ta, là nhân vật vĩ đại của mọi thời đại”.

Dai tuong 2.jpg
Nghi thức tâm linh tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành theo truyền thống Phật giáo
(Ảnh: ĐSPL)

Lòng nhân từ của ông được các thuộc cấp, những người lính thế hệ tiếp nối như Đại tá Lê Trọng Nghĩa nhận định là “Đại tướng của hòa bình” hay, ông Tô Văn Cắm, một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trong dòng hồi ức về Đại tướng đã khẳng định: “Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) dặn dò không được giết hại kẻ thù vì lòng căm tức cá nhân. Làm như vậy là bất nhân, làm mất lòng tin của người dân…”. Có lẽ, chính vì thế mà nhân dân đã tin ông, tôn thờ ông, còn những người bên kia chiến tuyến vẫn kính nể ông, kính nể trước một nhân cách cao thượng.

Ngày 7-10, Ban Tổ chức Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thể theo tâm nguyện vọng của Đại tướng lúc sinh tiền, đã quyết định địa điểm an táng Đại tướng tại khu vực biển Vũng Chùa - đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vùng biển này nằm cách đèo Ngang (giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) 10km về phía Nam, cách Quốc lộ 1 khoảng 3km. Vũng Chùa là một vũng biển nhỏ, có bờ cát trắng và bằng phẳng, sóng êm dịu, được hình thành bởi một triền núi đá đâm ra biển, người dân địa phương gọi là mũi Rồng. Địa thế của mũi Rồng rất đẹp. Phía Nam mũi Rồng là biển, phía Bắc là đất liền, nơi có khu kinh tế và cảng biển Hòn La. Đảo Yến gồm hai đảo nhỏ dính liền nhau, có tổng diện tích hơn 10ha, nằm cách bờ biển Vũng Chùa 2km, cách mũi Rồng hơn 2km, trên đảo có nhiều hang nên chim yến tìm về làm tổ. Quanh khu vực này không có dân cư sinh sống vì đó là vùng núi đá.

Địa điểm an táng Đại tướng ở lưng chừng triền núi phía Nam mũi Rồng, cách ngọn mũi Rồng khoảng 1km.

Trước đó, ngày 5-10-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương đã ra Thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Thông cáo có đoạn: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang”. Theo đó, linh cữu Đại tướng quàn tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7g30 ngày 12-10. Lễ truy điệu trọng thể cũng được tổ chức tại Nhà Tang lễ Quốc gia bắt đầu từ 7g ngày 13-10. Toàn bộ chương trình lễ truy điệu và lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng tại Hà Nội, sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại Trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình và Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.

Trong hai ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từ 12g ngày 11-10 đến 12g ngày 13-10), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Trước đây, trong một số dịp, chư tôn đức giáo phẩm Hội đồng Trị sự GHPGVN đã đến thăm, chúc thọ Đại tướng. Thiền sư Thích Nhất Hạnh và phái đoàn đạo tràng Mai Thôn trong lần về Việt Nam năm 2007 cũng đã đến thăm sức khỏe vị tướng của nhân dân. Thể theo tâm nguyện của gia đình, nghi thức lễ tang tại tư gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành theo nghi lễ truyền thống Phật giáo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.