GN - Sinh năm 1987, tốt nghiệp ngành Vật lý tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus nhưng nhiều người biết đến anh là nhà văn trẻ với bút lực dồi dào. Trong đó, nhiều người thích thú với “Cõng nhau trong một cõi người” (NXB Trẻ 2013) vì truyện của người trẻ, viết về Phật giáo với những triết lý sống nhẹ nhàng, thâm thúy...
Hoàng Công Danh (ảnh) cho biết nhân duyên đưa bạn tới... nghiệp văn của mình:
- Từ nhỏ tôi thích đọc sách. Nhà tôi lúc đó có một tủ sách của ông nội, chủ yếu là sách Phật học và tạng kinh. Học lên phổ thông tôi thường xuyên lên thư viện trường. Một lần tình cờ thấy có các báo in truyện và tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện viết. Lúc đầu chỉ viết thơ, tản văn, sau mới thử viết truyện. Những truyện trong “Cõng nhau trong một cõi người” cũng coi như là những truyện ngắn đầu tay của tôi. Một sự khởi đầu khá nhẹ nhàng.
Một người học chuyên ngành Vật lý viết văn thì có mạnh, yếu như thế nào?Và dấu ấn ngành Vật lý trong tác phẩm của bạn?
- Hoàng Công Danh: Tôi chưa từng cân đong nặng nhẹ chuyện này. Vì cái sự học của người viết văn là vô cùng. Vật lý, hay thậm chí môn Văn trong nhà trường, cũng chỉ là một góc nhỏ trong nguồn tri thức của người viết mà thôi. Có điều, một khi đã bắt tay vào viết thì không nghĩ đến mình học cái gì nữa. Dấu ấn ngành nghề cũng không có nhiều trong các trang viết của tôi. Tuy nhiên, học Vật lý đã giúp tôi được sự tư duy khách quan hơn. Và khi nhìn nhận vấn đề cuộc sống để đưa vào tác phẩm cũng “sát” hơn.
Viết truyện về Phật giáo mà tải được những giá trị nhân văn của cuộc sống, thu hút được bạn trẻ thì cần phải trau dồi con chữ, tâm hồn, theo cách như thế nào?
- Người viết văn mà tham vọng chuyển tải quá nhiều trong tác phẩm thì khó viết. Tôi nhớ lời của một người anh dặn: Cứ viết tự nhiên đi. Cuộc sống vốn rất tự nhiên, những triết lý của nhà Phật cũng vậy. Viết về Phật giáo càng tự nhiên thì càng dễ “tới” hơn.
Bạn có thể chia sẻ một chút về tựa đề tập truyện “Cõng nhau trong một kiếp người”, những thông điệp mà mình muốn gửi gắm?
- Tên sách cũng là tên một truyện trong tập. Tôi nghĩ cái tên đó đại diện được cho cả tập sách. Và nó cũng chứa đựng thông điệp tôi muốn gửi gắm - Cõng nhau trong một cõi người - nương tựa nhau, san sẻ cho nhau mà sống.
Khi thực hiện tập sách này, bạn có những sự trợ duyên nào không?
- Tôi viết truyện đầu tiên trong tập năm 20 tuổi, lúc đó đang là sinh viên ở Minsk. Viết được chừng 5 truyện thì thấy có thể phát triển được dòng truyện. Tôi viết khá chậm nên phải mất bốn năm mới được 23 truyện cho tập.
May mắn cho tôi là tất cả truyện trong tập đều được nhà văn Hồ Anh Thái đọc, góp ý và biên tập. Chính anh Thái là người viết lời giới thiệu và đưa bản thảo đến NXB Trẻ, rồi lo lắng chuyện vẽ bìa, trình bày... Anh Hồ Anh Thái là người am hiểu sâu về Phật học, lại là một nhà văn chuyên nghiệp và làm việc nghiêm túc. Tôi học được rất nhiều điều từ anh.
Tôi cũng được chị Hoàng Anh ở NXB Trẻ biên tập cuốn sách này. Chị Hoàng Anh nhiệt tình, yêu làm sách. Chị chăm chút cho cuốn sách và giới thiệu với mọi người.
Rồi cả bìa sách. Họa sĩ Vũ Xuân Hoàn đã vẽ bìa rất phù hợp với nội dung tập truyện. Nhiều người thích bìa sách này.
Tất cả những điều ấy là sự trợ duyên. Cho đến giờ tôi vẫn chưa được gặp ngoài đời anh Hồ Anh Thái, chị Hoàng Anh và anh Vũ Xuân Hoàn. Có lẽ những gì cần gặp thì đã gặp nhau ở trong quá trình làm sách rồi. Tôi nghĩ thế cho mình đỡ áy náy về một lời cảm ơn trực tiếp.
Chúng tôi thấy bìa sách cũng rất thích...
- Theo như họa sĩ thì bìa sách lấy hình tượng Bánh xe Chánh pháp của nhà Phật. Có người cho rằng cái vòng ở giữa giống chuỗi tràng hạt. Có người nói nó như một chùm ánh sáng lan tỏa… Làm bìa sách mà có được sự hàm ẩn và gợi mở như thế cũng là thành công.
Bìa tập truyện Cõng nhau trong một cõi người - Ảnh: NVCC
Một người còn trẻ mà “dám” viết những câu chuyện có liên quan đến Phật pháp. Bạn có lo lắng những phản hồi của dư luận không, nhất là những người am hiểu về lĩnh vực này?
- Một khi đã đưa tác phẩm đến với mọi người, ít nhiều gì thì cũng sẽ có dư luận. Tôi khá tự tin khi tập sách ra đời, vì trước đó, nhiều truyện trong tập đã được in ở báo Giác Ngộ, tạp chí Văn Hóa Phật Giáo... Ban Biên tập của những tờ báo này đều là những người am hiểu sâu về Phật giáo, nên tôi nghĩ cái mình viết ra chấp nhận được. Hơn nữa, triết lý của nhà Phật vốn là những điều hay lẽ phải của đời sống. Mình cứ bám vào đấy mà viết, giữ cho cái tâm của mình thật sáng thì chẳng có gì đáng ngại.
Đối với bạn, Phật giáo là gì?
- Gia đình tôi có truyền thống theo đạo Phật. Từ nhỏ tôi đã được học Phật pháp. Đối với tôi, những lời Phật dạy là những lẽ phải để mình chiêm nghiệm và áp dụng. Thực hành những điều ấy hàng ngày để thấy mình nhẹ nhàng hơn, dễ sống hơn với mọi người.
Chia sẻ của bạn với những bạn trẻ cùng trang lứa và nhỏ hơn mình?
- Tôi mong các bạn trẻ dành thời gian nhiều cho việc đọc sách và trau dồi mình. Bản thân tôi cũng tự dặn mình như thế.
Dự định của Danh trong năm mới và những điều bạn đã trải, đã đạt được? Những điều ấy bạn đã hài lòng?
- Tôi không có dự định gì lớn lao trong năm mới. Chuyện viết văn, nếu cảm thấy mình làm được thì cứ viết thôi. Đặt ra dự định quá lớn là thành tham vọng, tự mình đeo đá vào mình. Trong cuộc sống thường ngày, tôi dễ hài lòng với những thứ mình đang có.
Cám ơn bạn đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện!
Hoàng Công Danh sinh ra và lớn lên ở làng Phúc Lộc, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngoài tập truyện Cõng nhau trong một kiếp người, Hoàng Công Danh còn có tập tùy bút Khói sẽ làm mắt tôi cay (NXB Trẻ, năm 2014). Đây là cuốn thứ hai của tác giả trẻ Hoàng Công Danh nhưng là những trang viết đầu tiên, khi còn đang học tại nước ngoài, Belarus. Ngoài ra, bạn còn có nhiều truyện đăng trên Giác Ngộ, Tuổi Trẻ... |
Lưu Đình Long thực hiện