Viết là một cách tu tập

Viết là một cách tu tập

Đứa cháu họ của tôi đang là sinh viên năm thứ ba Đại học Sư phạm thì bị bệnh đành phải giã từ ước mơ trở thành cô giáo. Những đợt điều trị dài ngày trong bệnh viện tưởng chừng như không qua khỏi, nhưng bên cạnh cháu luôn có mẹ, một bà mẹ Phật tử tuyệt vời, bà chỉ có một cách duy nhất là niệm Phật gia hộ cho con vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo, nhìn mắt mẹ ánh lên niềm hy vọng làm cho cháu an tâm hơn. Cháu cũng niệm Phật, có thêm vị thuốc niệm Phật trợ lực làm cho cháu cảm thấy bớt đau, bớt buồn. Sức khỏe của cháu càng ngày càng khá lên, tuy không đạt tới mức mười, nhưng mức trung bình thì cũng đã quá diễm phúc cho cháu lắm rồi.

Nhà chỉ có hai mẹ con thôi, bố cháu mất từ khi cháu mới mười tháng tuổi, mẹ cháu ở vậy thờ chồng, buôn bán tảo tần nuôi con. Ban ngày khó nhọc kiếm tiền nhưng bà không quên thời kinh tối. Mẹ dắt theo con cùng tu tập, bà mua kinh sách cho cháu đọc để làm khuây mỗi ngày khi bà vắng nhà. Cháu rất cô đơn nên muốn giãi bày, ngoài mẹ ra, cháu giãi bày nỗi lòng mình trên trang giấy đầy kín cả cuốn sổ tay dày mấy trăm trang và cảm thấy nhẹ người. Vì mỗi lần viết là cháu chọn chỗ ngồi giữa sàn nhà đối diện với tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, cháu cảm thấy những nỗi u uẩn của mình đã được Mẹ hiền Quán Thế Âm lắng nghe.

Tôi đến thăm cháu thường xuyên vì nhà cháu và nhà tôi ở gần nhau, mọi lần không thấy cháu nói gì về viết văn, lần này cháu đưa cho tôi một xấp giấy viết tay gồm có tùy bút và cả thơ lục bát nữa. Hóa ra lâu nay cháu cũng mày mò tập tành viết lách, những bài viết tập sự có rất nhiều chất liệu từ bi, nhưng cách diễn đạt đối với một người không chuyên thường hay mắc phải đó là dài dòng, không biết cách cô đọng. Tôi rất mừng vì trong cháu có tố chất thơ văn. Còn kỹ thuật viết thì không khó. Tôi có lời khen ngợi động viên khiến cháu vui lắm! Tôi đã trải qua cái thời kỳ khó khăn đầu tiên khi cầm bút, nếu như có ai đó góp ý cho mình thì quý lắm, cho nên tôi đã tận tình giúp đỡ cháu những gì có thể. Và cháu cũng đã đồng ý với tôi rằng mình là người con Phật thì “Viết cũng là một cách tu tập”. Vì muốn viết được một bài văn hoặc một bài báo cho ra trò, thì trước tiên mình phải có vốn liếng kiến thức làm nền tảng, vốn liếng kiến thức đọc được từ kinh sách, từ những trải nghiệm cuộc sống, giống như một người đầu bếp phải có vật liệu phong phú mới có thể chế biến được món ngon vừa ý, giống như con tằm phải ăn lá dâu non mới nhả ra được sợi tơ vàng óng ánh.

Có một lần chuyện trò với một nhà báo trẻ tài năng, bút lực của anh rất dồi dào, tôi hỏi anh làm sao mà anh viết được nhiều bài như vậy? Anh trả lời rất hay rằng nhà báo như là người thư ký ghi chép những gì mình thấy và nghe hàng ngày. Nếu có cái nhìn sâu mà nhà Phật gọi là quán chiếu thì từ một chi tiết rất nhỏ xảy ra trong cuộc sống, mình cũng có thể viết được dưới lăng kính của một người học Phật.

Bác cháu tôi, một già một trẻ, chỉ là người viết không chuyên, có vẻ như đồng cảm với nhau trong câu chuyện viết lách, cùng với mục đích viết là để tu tập, có sự hiểu biết nhiều sẽ không bị tri giác sai lầm. Tôi hy vọng cháu tôi sẽ có nhiều bài viết đem lại lợi lạc cho chính mình và cho người đọc.

Đọc và viết là một cách tu tập rất cần thiết cho người học Phật, nhưng bác cháu tôi không quên thời kinh tối nay. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.