Viết giữa những vội vàng trong bệnh viện dã chiến Covid-19

Nhiều bệnh nhân đang còn khỏe nhưng chốc lát lại trở nặng, nhóm hỗ trợ đưa các F0 xuống phòng cấp cứu
Nhiều bệnh nhân đang còn khỏe nhưng chốc lát lại trở nặng, nhóm hỗ trợ đưa các F0 xuống phòng cấp cứu
0:00 / 0:00
0:00

GN - Sư cô Thích nữ Nhuận Bình, đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ chương trình đào tạo sau đại học của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, là một trong 80 Tăng Ni, Phật tử được chọn phục vụ hỗ trợ ở các bệnh viện dã chiến, điều trị F0 Covid-19. Sư cô được phân công về Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12, TP.Thủ Đức.

Sư cô Thích nữ Nhuận Bình tại Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12

Sư cô Thích nữ Nhuận Bình tại Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12

Giữa bận rộn, theo đề nghị từ tòa soạn, Sư cô đã gửi những dòng ghi chép của một vị tu sĩ Phật giáo có mặt nơi tuyến khắc nghiệt này:

"Chưa bao giờ thấy thương Sài Gòn như lúc này. Thành phố bệnh nặng, nhiều vết thương loang lổ. Chưa bao giờ thành phố biết kêu cứu hay van xin, nhưng đến nay dường như sức thành phố đã mệt, lực đã cạn, cần thêm sự trợ giúp. Những gì Covid-19 gây ra thật đáng sợ, nguy hiểm khôn lường, kéo theo tang tóc, đau thương vây lấy hàng ngàn số phận.

Ở bệnh viện, vào những ngày này, ngày cũng như đêm, bệnh nhân ra vào liên tục. Hàng ngàn bệnh nhân đến, hàng chục bệnh nhân trở nặng phải chuyển lên tuyến trên. Có người mới hôm nay còn đi tới, đi lui, nói cười khỏe mạnh, sáng ra đã thấy gắn oxy đẩy xuống phòng cấp cứu, rồi gấp rút chuyển viện điều trị.

Nhiều bệnh nhân quá lo sợ, hoảng loạn, bất an mà la hét suốt đêm

Nhiều bệnh nhân quá lo sợ, hoảng loạn, bất an mà la hét suốt đêm

Ban đêm ở các bệnh viện điều trị F0 là khoảng thời gian đáng sợ nhất. Nhiều bệnh nhân quá lo sợ, hoảng loạn, bất an mà la hét suốt đêm. Có khi các bệnh nhân ở tòa nhà của bệnh viện bên này, í ới gọi bệnh nhân của tòa nhà bên kia, rồi hai bên cùng hét vang “cố lên” để động viên và đẩy lùi nỗi sợ hãi.

Làm tình nguyện viên ở những bệnh viện này, ngoài việc giữ chánh niệm để cẩn trọng trong vấn đề phòng lây nhiễm, còn phải thật nhẫn nại để giúp đỡ đời sống tinh thần cho bệnh nhân. Ban Giám đốc bệnh viện đã có sáng kiến lập nhóm tư vấn tâm lý tại khoa Lâm sàng để an ủi, động viên, giúp đỡ, khuyến khích bệnh nhân ổn định tinh thần, yên tâm tịnh dưỡng và hợp tác tốt với đội ngũ y bác sĩ trong quá trình điều trị. Nhờ những cuộc gọi trấn an tinh thần này mà nhiều bệnh nhân có được giấc ngủ sâu, ăn ngon, siêng tập thể dục và có tiến triển về sức khỏe.

Ở đây, theo sự phân công của Sở Y tế, quý Tăng Ni, Phật tử trong số 80 tình nguyện viên Phật giáo đợt 1 phụng sự ở rất nhiều khâu tại Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12, TP.Thủ Đức.

Trong nhóm chúng tôi có 2 bạn được phân công hỗ trợ các việc hành chánh văn phòng. Một bạn lo phần hành chánh hỗ trợ Ban Giám đốc bệnh viện, một bạn lo phần hành chánh cho bệnh nhân ở bộ phận lâm sàng.

Khi có bệnh nhân trở nặng, nhóm hỗ trợ phòng cấp cứu sẽ làm các công việc để giúp bệnh nhân, đưa các F0 xuống phòng cấp cứu giúp họ qua cơn nguy kịch. Bên cạnh đó, các bạn làm ở bộ phận sàng lọc, phụ trách đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân từ lúc xuống xe đến khi nhập viện. Riêng sư M.H đặc trách lo hậu sự nếu có bệnh nhân trở nặng và không qua khỏi.

Đội ngũ ở tuyến đầu đã làm hết công suất nhưng số ca nhiễm vẫn ngày một tăng cao

Đội ngũ ở tuyến đầu đã làm hết công suất nhưng số ca nhiễm vẫn ngày một tăng cao

Điều mà chúng tôi cảm nhận rõ ở nơi có thể nói là “nóng” và căng thẳng nhất trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 này đó là thành phố đang thật sự đuối dần vì quá tải. Đội ngũ ở tuyến đầu đã làm hết công suất nhưng số ca nhiễm vẫn ngày một tăng cao.

Điều đơn giản nhất mà tôi có thể nói với mọi người, đó là trước khi đợi các bác sĩ cứu mình, tốt nhất mỗi người, mỗi nhà hãy tự cứu lấy bản thân trước: Không đi ra ngoài, không tiếp xúc; Ở yên; Sống lành mạnh; Áp dụng 5K để tự cứu lấy mình; Bệnh tật rất gần với cái chết.

Lời nhắn gởi được gợi lên vội vàng giữa những công việc hỗ trợ theo phân công, “đến để thấy”, khó diễn đạt nên lời, chỉ với câu chữ vụng về gửi đến những ai đang may mắn và hạnh phúc vì còn đủ sức khỏe rằng xin hãy trân quý sức khỏe của chính mình. Đó cũng là cách tối thiểu để đóng góp cho cộng đồng, cho Sài Gòn mau khỏe mạnh, để cuộc sống vui tươi, nhộn nhịp sớm trở lại với tất cả chúng ta…".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.