GN - Sau cơn bão số 3 vừa qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà trở mình đón những tia nắng ấm đầu tiên, tôi chợt nhớ, vội đến thăm Khu vườn Sơn Trà Tịnh Viên, thuộc Bán đảo Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.
Nơi đây, hơn 10 năm trước có một vị tu sĩ Phật giáo ngày đêm lặn lội một thân, một mình đem hết tâm huyết và sức lực để sưu tầm, nhân giống và kiến tạo khu vườn bảo tồn các giống tre, trúc đang dần bị lãng quên trước tốc độ phát triển đô thị…
Vị thầy nặng lòng với tre, trúc
Nỗi lo của một người con Phật, ĐĐ.Thích Thế Tường e rằng một ngày nào đó, các giống tre, trúc quý hiếm của đất Việt chỉ còn lại trên sách vở. Từ đó, thầy lặn lội khắp các vùng miền, từ địa đầu Lũng Cú đến các vùng sâu Tây Nguyên, tới Bến Tre, ra tận Móng Cái, Bắc Kạn để tìm kiếm những giống tre, trúc còn sống rất ít ở những vùng rừng núi thâm u. Thầy đem về khảo cứu, nuôi trồng và duy trì sự sống cho chúng.
ĐĐ.Thế Tường bên cây trúc bương ở tỉnh Thanh Hòa - Ảnh: Thanh Nam
Theo ĐĐ.Thích Thế Tường, cây tre, cây trúc hình như đã có nhiều gắn kết. Sau khi được một Phật tử cao niên hiến tặng cho một khu rừng hơn 1 héc ta, năm 2005, thầy bắt tay vào phát dọn, chặt cây mở đường, xeo đá, đào hồ… Từ một khu rừng rậm rạp, toàn là giống cây hoang dại trở thành khuôn viên có lối đi trong vườn, tạo dựng các con suối, tất cả những công việc nặng nhọc ấy đều do thầy tự tạo.
Một hôm tình cờ trên đường xuống núi, ĐĐ.Thích Thế Tường nhìn thấy vùng Thọ Quang có khu nhà dân đang cày, ủi để giải phóng mặt bằng, họ dùng xe múc, xúc đổ đi mấy bụi tre Bụng Phật (tên khoa học là Bambusa Vulgaris). Thầy thấy xót quá nên xin về trồng trên lối vào đầu tiên của khu vườn. Từ đó “kiến tha lâu đầy tổ”, cứ vào mùa xuân hàng năm, thầy dựa theo truyền thống ông bà, có câu: “tháng Giêng trồng trúc, tháng Sáu chuối tiêu” mà trồng thêm nhiều tre, trúc.
Ngoài ra, thầy cũng miệt mài ươm giống, cắt tỉa, chăm sóc cho từng bụi tre, ngọn trúc. Mùa hè có những lúc phải tưới cả ngày ngoài trời nhưng thầy không cảm thấy mệt nhọc mà ngược lại còn cảm thấy rất vui khi được làm những công việc yêu thích của mình.
Hướng đến bảo tồn bền vững
Để phát triển khu vườn vững chắc hơn, Đại đức đã lặn lội ra tận Viện Tre VN (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp VN tại Hà Nội), với sự giúp đỡ tận tình của Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Hoàng Nghĩa. Và, căn cứ theo sách Tre trúc VN của tác giả Nguyễn Hoàng Nghĩa xuất bản năm 2005, trong hơn 10 năm qua, thầy đã lần lượt sưu tầm được 108 loài đem về trồng, chăm sóc.
Hiện nay, tre, trúc trong khu vườn thầy đang phát triển rất tốt, trong đó có những giống tre, trúc đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng như: trúc vuông (vùng Ngân Sơn, Bắc Kạn), trúc hóa long, hay loài tre có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất thủ công, mỹ nghệ như tre bông (ở tỉnh Bến Tre)…
Trong cuộc tìm, sưu tầm tre, trúc của thầy có những nhân duyên thú vị như, chuyến hành hương về miền đất Phật năm 2012, hàng trăm Phật tử có dịp được xin lộc từ Đức Đạt Lai Lạt Ma, riêng ĐĐ.Thích Thế Tường chỉ xin một cây trúc trong khuôn viên tịnh thất của ngài để làm phong phú các loài tre, trúc trong Sơn Trà Tịnh Viên. Cây trúc “Dharam sala” được trồng trong khuôn viên Sơn Trà Tịnh Viên trở thành món quà tâm linh từ đất Phật.
Khu vườn Sơn Trà Tịnh Viên, thuộc Bán đảo Sơn Trà với nhiều tre, trúc Việt Nam - Ảnh: Thanh Nam
Phía sau nhà Tổ của Sơn Trà Tịnh Viên, ĐĐ.Thích Thế Tường đã dồn tâm huyết của mình tôn tạo một pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông rất đẹp. Thầy giải thích: “Tư tưởng chủ đạo của tôi là noi theo tấm gương của Phật hoàng, luôn sống theo hạnh đầu đà, cống hiến hết mình cho Đạo pháp và Dân tộc nhưng vẫn luôn lạc quan, nỗ lực trên tinh thần bài kệ “Cư trần lạc đạo” của ngài: ‘Sống đời vui đạo hãy tùy duyên/ Khát uống, đói ăn, mệt ngủ liền/ Của báu trong nhà tìm chi nữa/ Đối cảnh vô tâm hỏi chi Thiền’”.
Hiện nay, thầy đang tu tập một mình trên Sơn Trà Tịnh Viên, giữa rừng núi thâm u, một thân, một mình với bao công việc đa đoan, vừa là thành viên Ban Văn hóa Phật giáo thuộc Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, thầy đã dành nhiều công sức cho việc ra mắt các ấn phẩm văn hóa của Phật giáo như: Tập san Từ Vân, tham gia các hoạt động của Ban Văn hóa, vừa phải hàng ngày lo toan cho hàng trăm cây tre, trúc để được vươn cành, xanh lá.
Thầy tâm niệm: “Mình có sức ít thì đóng góp ít, luôn phát huy tính kiên trì, lòng nhẫn nại để biến không thành có, góp một phần nhỏ vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt. Tôi luôn hướng đến tinh thần của người tu sĩ Phật giáo, luôn nhập thế, đồng hành cùng những trăn trở của xã hội, dù gian khó đến đâu”.
Đánh giá những hoạt động của ĐĐ.Thích Thế Tường trong thời gian qua, TT.Thích Huệ Vinh, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.Đà Nẵng cho biết: “ĐĐ.Thích Thế Tường đã có những nỗ lực đáng khâm phục trong việc sưu tầm, nhân giống và bảo tồn hơn 108 loài tre, trúc Việt Nam.
Trong hơn 10 năm qua, lúc đầu thầy gặp rất nhiều khó khăn, không nơi trú ẩn, thiếu điều kiện sinh hoạt nhưng đã nỗ lực vượt qua, đó là một hạnh nguyện đáng trân quý của người tu sĩ hiện nay. Với vai trò là một thành viên Ban Văn hóa, thầy đã tích cực trong các hoạt động của Ban, biên tập, cho ra mắt tập san, cập nhật tin tức kịp thời và tham gia các hoạt động Phật sự khác rất tích cực”.
Tâm nguyện của ĐĐ.Thích Thế Tường là hướng theo con đường phát triển, bảo tồn các giống tre, trúc Việt Nam. Thầy kỳ vọng trong thời gian sớm nhất có thể đạt được 250 loài tre, trúc hiện có trong cả nước. Công việc này góp phần cùng cộng đồng xây dựng đời sống gần gũi với thiên nhiên, phát triển mảng xanh mang đậm bản sắc Việt. Qua đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn được các loài tre, trúc đang có nguy cơ tuyệt chủng.
ĐĐ.Thích Thế Tường, thế danh Đào Phúc, sinh năm 1968 tại phường Vĩ Dạ, TP.Huế, xuất gia năm 12 tuổi. Sau 10 năm tu học cùng bổn sư là HT.Thích Đức Tâm, chùa Pháp Hải (P.Vĩ Dạ, TP.Huế). Năm 1990, ĐĐ.Thích Thế Tường vào học Phật cùng y chỉ sư là cố TT.Thích Huệ Hướng tại chùa Quan Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng. Từ đây, Đại đức bén duyên cùng nghiệp vun trồng và nghiên cứu, bảo tồn các giống tre, trúc Việt Nam tại bán đảo Sơn Trà, TP.Đà Nẵng. Hiện nay, ĐĐ.Thích Thế Tường là ủy viên Ban Văn hóa GHPGVN TP.Đà Nẵng. |