Vì mục tiêu phát triển vững bền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Giác Ngộ - Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, đến nay Giáo hội đã bước vào năm thứ 3 với nhiều chương trình hoạt động ghi dấu sự lớn mạnh và phát triển không ngừng. Nhiệm kỳ VI (2007-2012) với cột mốc bản lề giao thoa giữa hai thập kỷ gắn liền các sự kiện tầm cỡ quốc tế do GHPGVN đăng cai tổ chức hoặc được mời tham dự đã củng cố vị thế của tổ chức Giáo hội, khẳng định vai trò quan trọng của một tôn giáo có lịch sử gắn bó, cộng tồn cùng dân tộc qua nhiều thời kỳ.
kyniem-2.gif
Chư tôn đức dự lễ kỷ niệm 27 năm ngày thành lập
Giáo hội Phật giáo Việt Nam(07/11/1981 – 01/11/2008)

Nhìn lại một năm qua, bên cạnh nhiều cơ duyên thuận lợi trong các hoạt động Phật sự, Phật giáo đồng thời cũng đối mặt với nội tình còn lắm bất cập của bộ máy tham mưu tổ chức, trong đó sự đồng bộ giữa một thế giới đa chiều luôn đòi hỏi phải hoàn chỉnh các mặt sinh hoạt khoa học và tầm nhìn chiến lược xứng với tiềm năng to lớn. Với vai trò là cơ quan chỉ đạo điều hành tối cao của Phật giáo Việt Nam , Giáo hội cần tăng cường khẳng định vị thế trong cộng đồng dân tộc. Bởi tiếng nói của Giáo hội là tiếng nói của những người con Phật xuất gia và tại gia đang sinh hoạt tu học trên đất nước Việt Nam và ở nước ngoài mà nếu biết khai thác, đây sẽ là yếu tố hết sức thuận lợi cho lộ trình phát triển  Phật giáo Việt Nam trong tương lai.

GHPGVN đang đứng trước những yêu cầu cần phải có một sự phản biện thích hợp trong hoạt động của mình đối với những thành viên gia nhập vào đời sống Tăng già. Từ chối hoặc im lặng trước những yêu cầu bức thiết của Tăng Ni, Phật tử đang gặp trở ngại khách quan về các hoạt động Phật sự tại các địa phương đồng nghĩa với việc chúng ta không thể hiện được ý chí, giáo quyền của một tôn giáo theo hướng thượng tôn luật pháp trước việc xâm phạm các quyền lợi chính đáng đã được Hiến pháp và pháp luật Nhà nước Việt Nam quy định. Làm được như thế, Phật giáo mới chứng tỏ vai trò là một bộ phận thiết thân của dân tộc trong việc góp phần cùng với các đoàn thể xã hội trong công cuộc xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp và phồn thịnh.

Một nhiệm kỳ thời gian 5 năm là quá ngắn ngủi so với bước hình thành và phát triển của một tôn giáo lớn có nhiều ưu thế trong bối cảnh đất nước đang trên đường phát triển và hội nhập. Nhìn lại hoạt động một năm qua chính là cơ hội cần thiết để có thể tự đánh giá sự hoàn thành nhiệm vụ Tăng sai, đồng thời ra sức làm chỉn chu bước phát triển của năm sau. Cách thể hiện có khác so với chư vị tiền bối Tổ sư từ khi Giáo đoàn của Đức Thế Tôn được hình thành như trong Tỳ ni luật tạng quy định: “Sám hối thời được an vui. Không sám hối thời tội lỗi càng thêm nặng. Người không có lỗi thời yên lặng. Vì yên lặng nên biết đại chúng thanh tịnh” (trích Nghi thức tụng giới, HT.Thích Trí Tịnh).

Tổng kết, đánh giá thành tựu và thẳng thắn thừa nhận các mặt chưa thành tựu trong hoạt động Giáo hội là sự chuyển hóa nhận thức mang yếu tính tối thắng theo tinh thần Phật dạy. Đó chính là nỗ lực cao nhất cho mục tiêu phát triển bền vững của Phật giáo trong mọi thời đại và ở mọi quốc độ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.