Từ 15 đến 20-3 vừa qua, đoàn đến 11 nơi, đoạn đường di chuyển xa, nhiều khúc khó đi nhưng tới nơi, Hòa thượng vẫn cùng với mọi người khuân gạo, sắp xếp quà để trao tận tay bà con.
Mỗi phần quà ngoài 200 nghìn đồng tiền mặt, 10 ký gạo, 1 thùng mì, dầu ăn, bột nêm, đường, tập sách, dụng cụ học tập cho học sinh tại các trường vùng núi cao, Hòa thượng còn chi tiền để địa phương mua thêm cá khô bổ sung trong mỗi phần quà, để các em có thêm chút dinh dưỡng cải thiện bữa cơm.
Hòa thượng cùng các thành viên trong đoàn bê gạo chuẩn bị cho buổi phát quà |
Và tùy mỗi nơi, trước những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như những hộ gia đình ở “làng phong”, bao giờ Hòa thượng cũng dành tình thương hơn đôi chút. “Có gì cho thêm nữa không, người ta khổ quá!”, Hòa thượng luôn trăn trở.
Được biết, sau ngày đất nước thống nhất, mỗi năm Hòa thượng đều đi cứu trợ cho bà con nghèo. Những lúc ấy, không có phương tiện hiện đại như bây giờ, phương tiện chính là xe đò chạy bằng than nhưng Hòa thượng vẫn không nản lòng. Riêng từ năm 1982 đến nay, mỗi năm Hòa thượng thường tổ chức đi ít nhất 2 lần từ Quảng Bình đến các tỉnh Tây Nguyên.
Nói với phóng viên Báo Giác Ngộ về nhân duyên này, Hòa thượng Thích Thiện Nghĩa cho biết: “Mình còn được cái ăn, cái mặc, để tu học như vậy đã là phước lắm rồi nên phải nghĩ đến những người có hoàn cảnh khó khăn mà giúp đỡ, nhất là những người đồng bào dân tộc, những người bị bệnh phong. Họ khổ lắm!”.
Hòa thượng ân cần giúp đỡ cho các cụ già |
Ở mỗi chuyến đi, mặc dù có tuổi nhưng Hòa thượng luôn đi bê gạo, phát mì, bê quà cho người già. Khi mọi người hỏi thăm, Hòa thượng nói: “Tôi còn khỏe, còn lạy Phật được thì còn làm được, không làm nặng thì tôi làm việc nhẹ, chớ đi từ thiện ngồi xe mấy ngày rồi xuống đây nhìn mọi người làm thì chẳng có ý nghĩa gì”.
Cả đoàn cũng vì lẽ đó mà càng dành nhiều sự tôn kính và thán phục trước tâm từ bi của Hòa thượng dành cho đồng bào, không những bằng vật chất mà còn đầy ắp tình yêu thương.