Nghe bạn hỏi, mới nghĩ lại, may mà bạn ở nhà bạn, đỡ hơn những người đang ở đâu đó không về nhà được kìa. Cùng hoàn cảnh như nhau, có người bình tâm, có người bực bội trách móc cằn nhằn. Nhưng biết cằn nhằn ai đây? Cũng không dám la to, sợ lỡ "nó" vướng vào mình, thì có kêu trời cũng không xong. Mình cũng đi xe buýt, cũng ghé ăn quán này quán kia, mà đâu biết quán mình ghé có ai đó đã cất giữ "nó" ghé qua không đây, rồi cứ thế mà hồi hộp, nghĩ quanh nghĩ quẩn, điện thoại bàn tán.
Giờ mới nhớ, hôm trước có được nhắc, bớt suy nghĩ lung tung, tự khắc trong lúc tâm dao động vì biến động chung quanh, có chút dừng lại bình yên. Lúc đó mới có những suy nghĩ tích cực.
Giống nhau trong cùng hoàn cảnh, khác nhau trong cái nhìn. “Đừng hoảng hốt”, đâu phải mình nói, mà các thông báo nhắc nhở chung quanh đều nói kìa. Hóa ra bình tĩnh, bình tâm đâu riêng gì người học đạo, mà là điều mọi người đều có, đều làm được, nhưng vì không quen làm, nên lúng túng khi gặp việc.
Tận tâm hết lòng trong những gì có thể làm được, bởi càng suy nghĩ lung tung, chỉ làm tăng tốc lo lắng, dao động quá mức sự thật, khiến sự thật bị những suy nghĩ vô bổ che mờ.
Bạn nói, khi gặp khó khăn mới biết lâu nay mình đã sống thế nào.