Ve và kiến

GN - "Ve và Kiến” là một chuyện trong tập truyện thơ ngụ ngôn của nhà văn người Pháp Jean De La Fontaine (1621- 1695). Đó là một trong những chuyện có tính giáo dục cao và được bao nhiêu thế hệ học sinh học thuộc nằm lòng.

ve va kien.jpg
Ve suốt ngày ca hát, kiến cần mẫn tha mồi...

“Ve suốt ngày ca hát trong cả mùa hè. Kiến thì cần mẫn tha mồi về tổ. Khi mùa đông đến, Ve không có gì ăn, phải đến vay Kiến một ít lương thực. Kiến không cho mà còn mỉa mai: “Sao bây giờ anh không hát tiếp đi”…

Hơn 300 năm sau, Ve và Kiến lại có dịp gặp nhau.

- Chào chị Kiến.

- A! Chào anh Ve. Thật là ngạc nhiên hết sức vì hồi này đâu còn nghe tiếng ve nào đâu mà bây giờ anh xuất hiện?

- Đúng thế chị ạ! Dòng họ tôi gần như tuyệt tự trong thành phố này. Chị xem xung quanh đây đều phủ bởi bê-tông, từ nhà cửa cho đến đường sá, còn chỗ nào là đất đai trống để cho dòng họ tôi đẻ trứng, nuôi dưỡng ấu trùng, chờ ngày lớn lên, thoát xác trở thành chú ve trưởng thành?

Tôi hiện diện nơi đây nhờ một mảng bê-tông bể lớn của lề đường trơ cả đất chừng năm nay mà nhà nước không chịu trám lại.

May lắm tại công viên thành phố, nơi có nhiều đất trống, họ hàng nhà chúng tôi mới có cơ sống sót và duy trì nòi giống.

- Rồi anh sẽ ca hát suốt ngày cho đến khi hết lương thực thì… đi vay?

- Chị không nên chế giễu bạn bè trong lúc cô đơn ngặt nghèo. Giả sử bây giờ mà tôi cất giọng ca thì có ai đáp lại. Bạn bè tôi thì ở xa quá, mãi đến công viên thành phố. Ngược lại, trước đây mỗi lần tôi cất tiếng thì một loạt bạn bè cùng hòa ca tạo thành một dàn hợp xướng nghe sướng tai lắm. Vì thế có nhiều người ghiền tiếng ve. Tiếng ve đi vào văn chương âm nhạc của loài người. Nhạc sĩ Hoàng Việt là một trong những người đưa âm thanh này trong một bài hát nổi tiếng: “Nhạc rừng”.

 “Cúc cu! Cúc cu! Chim rừng ca trong nắng

 Im nghe! Im nghe! Ve rừng kêu liên miên

 Rừng hát gió lay trên cành biếc

 Lao xao! Rì rào! Dòng suối uốn quanh làn nước trôi trong xanh

 Róc rách! Róc rách nước luồn qua khóm trúc

 Lá rơi! Lá rơi! Xoay tròn nước cuốn trôi

 Có anh chiến sĩ đi qua khu rừng vắng

 Lắng nghe nhạc rừng tâm hồn vui phơi phới

 Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang

 Cây rừng dội tiếng theo lời ca mênh mang

 …”

 Tiếng ve cùng hòa với tiếng chim hót, tiếng nước suối chảy róc rách, tiếng lá rơi… tạo nên bản nhạc rừng làm cho tâm hồn người nghe phơi phới đến nỗi cất tiếng hát vang!

Bản nhạc trên chỉ là một trong vô vàn tác phẩm nói về chúng tôi. Chị thử hỏi xem bất cứ người nào, trong độ tuổi áo trắng học trò, những kỷ niệm êm đềm mà vắng tiếng ve? Tiếng ve và màu đỏ của hoa phượng là âm thanh và màu sắc rất đỗi thân thương của các cô cậu trong độ tuổi mới lớn. Loài ve chúng tôi cũng góp phần làm đẹp, làm vui cuộc đời đấy chứ!

 - Anh nói bây giờ tôi mới hiểu. Riêng phần tôi, trong thế giới ngày nay cũng bầm dập không kém. Họ hàng tôi là dân kiến vàng thích làm tổ trên cao nhưng cây cao cổ thụ bị đốn hết cả rồi. Chúng tôi phải di chuyển về đây, cây nhỏ mới trồng. Thế mà đâu có yên. Trận gió vừa rồi cây đổ mới biết cái bầu đất bị bao phủ bởi một lớp nylon mà khi trồng cây lẽ ra phải được gỡ bỏ. Không rõ vì sao bộ rễ không thể phát triển được. Vì thế, chỉ một trận gió, một loạt cây ngã nghiêng thê thảm.

 Không biết từ đâu có nguồn tin nói kiến vàng chữa được đau lưng, gãy xương. Có người còn nói kiến vàng ăn được, ngon cũng như thịt cá. Có người lại nói ăn côn trùng là khuynh hướng của thời đại một khi sản phẩm của rừng, của biển dần dần cạn kiệt. Thế là người ta đi bắt kiến. Có người sáng chế ra món “muối ớt kiến vàng” độc đáo nữa do vị mặn của muối, vị cay nồng của ớt quyện với vị chua của kiến vàng!

 - Thôi chị đừng nói nữa. Không chừng đã có những bữa nhậu “Ve 6 món” rồi đấy ạ.

 Câu nói chua chát trên cũng là lời chia tay đôi bạn.

 Còn lại một mình, Ve cất lên một bản nhạc buồn. Lạ thay âm thanh phát ra rè rè, không nghe được. Xem lại thì thấy bộ cánh của mình, bộ phận phát ra âm thanh, bị rách toạc do cố tình chui qua mảng bê-tông bể của lề đường.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.