Đầu năm 1999, tại một quán cà phê ở Huế, ngay sau khi chọn tranh cho triển lãm chào xuân nhân dịp Tết Kỷ Mão, một người trong nhóm họa sĩ Huế chợt thốt lên: “Đã có tranh mừng xuân, sao không làm tranh về con giáp!”. Ý tưởng độc đáo đó tức thì được nhiều người hưởng ứng. Nhà thơ Võ Quê - lúc ấy đang lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, “quyết” một cách dứt khoát: “Nhất định phải có phòng tranh con giáp hằng năm!” và đặt hàng ngay cho các họa sĩ có mặt lúc đó gồm: Đặng Mậu Tựu, Thân Văn Huy, Hồng Trọng Mỹ, Vũ Văn Thiện...
Sân chơi truyền thống
Trước đó, một số họa sĩ Huế cũng vẽ tranh con giáp mừng tết nhưng chỉ để treo nhà chơi xuân hoặc ký tặng bạn bè. Đơn giản chỉ vì tranh con giáp gần như... không bán được. Kể từ phòng tranh con rồng Canh Thìn khai mạc đầu năm 2000, phòng tranh con giáp như một cách đón tết khá đặc biệt của họa sĩ Huế - chính thức mở màn tại nhà trưng bày 26 Lê Lợi.
Người vẽ tăng dần hằng năm trong khi không gian trưng bày không thể “nở” ra được. Kể từ năm Giáp Thân 2004, phòng tranh con giáp dành riêng cho các họa sĩ trẻ tại cà phê Sông Như (14/7 Nguyễn Công Trứ, Huế) bắt đầu với những yêu cầu thoáng hơn, trẻ hơn, đồng thời khuyến khích thể hiện trên các loại nghệ thuật mới.
Ngoài thể hiện các đặc tính tự nhiên của loài vật, rất nhiều vấn đề thời sự được các họa sĩ ngụ ý trong các con giáp hằng năm. Song năm nào cũng có nhiều tác phẩm mang lại tiếng cười sảng khoái, những câu chuyện loài vật thành lời chúc xuân dí dỏm. Đó có thể là con khỉ Giáp Thân oằn mình cõng cái quạt ba tiêu như một tàu lá chuối vì không biết cách biến hóa cho bé lại. Một con trâu Kỷ Sửu nằm cười toe toét khoe “trí khôn của ta đây” bên con hổ bị lừa. Hay con chuột Mậu Tý với ước mơ trở thành con dơi. Cái bẫy chuột nhưng lại sập đuôi mèo khiến bức tranh như một lời “thọc lét”...
Riêng ở cà phê Sông Như, trải qua bảy con giáp, các tác giả trẻ còn vẽ các con vật bằng nghệ thuật trình diễn, sắp đặt. Sân chơi này cũng kịp hình thành một số phong cách khá riêng của từng gương mặt. Đó là một Nguyễn Văn Hè luôn trình diễn những cảm xúc của các con vật. Một Trần Hữu Nhật thể hiện loài vật bằng những lát cắt hành động rất cá tính. Một Nguyễn Hoàng Việt thường sắp đặt những dấu ấn mà những con vật để lại...
Tròn vòng con giáp đã có hàng nghìn tác phẩm tranh để lại. Không ít họa sĩ có đủ tranh giáp cho một triển lãm cá nhân. Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu - chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế: “Tranh con giáp được tuyển chọn khá gắt gao trước khi triển lãm. Đó vừa là sân chơi của các họa sĩ trong dịp Tết Nguyên đán, vừa là “sàn đấu” kích thích sự sáng tạo nghệ thuật chất lượng cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật mà công chúng Huế vốn trông chờ hằng năm!”.
Muôn mặt con mèo
Những ngày sắp bước sang năm Tân Mão (*), chúng tôi tìm đến nhà của các họa sĩ Huế để nghe “bật mí” về chuyện con mèo. Nơi đầu tiên chúng tôi ghé đến là nhà riêng của họa sĩ Trần Văn Mãng nằm ven hạ lưu sông Hương thuộc thôn Địa Linh (huyện Hương Trà). Họa sĩ Mãng đang trau chuốt bột màu cho Con mèo trong xó bếp. Gương mặt, đặc biệt là mắt mèo rất sáng, rất thông minh.
Ông bảo con mèo nhà ông có lẽ đã luôn như vậy để giữ yên được cái bếp của nhà ông trước sự phá hoại của lũ... giặc chuột. Trong khi đó họa sĩ lão thành Vĩnh Phối lại đón tết năm Mão bằng hình ảnh con mèo cắp con chuột lòng thòng trên môi. Với họa sĩ sơn mài Võ Xuân Huy, thì con mèo với những khối nét bán trừu tượng như uyển chuyển đi ra từ những nét khắc chạm mèo của đình làng miền Bắc.
Riêng đối với họa sĩ Đặng Mậu Tựu, bội thu với mười trạng thái mèo tạo thành sưu tập “thập mưu đồ”. Ông nói nhiều về cá tính, tính cách của mèo, song tâm đắc với tác phẩm Bản sắc và hội nhập, thể hiện con cọp đang lay con mèo trèo cây cau. Ông dẫn giải: Ngày xưa cọp và mèo cùng chung sống trong hòa bình.
Con mèo dù nhỏ nhắn nhưng lắm tài và giỏi võ. Mèo nhận lời truyền cho cọp một số bí quyết. Cứ ngỡ đã có được mọi ngón nghề, cọp bỗng trở mặt vồ lấy mèo. Mèo trèo vụt lên cây cau - “ngón nghề” mà cọp chưa hề biết đến... Bức tranh gửi gắm câu chuyện: có những bản sắc riêng cần thiết phải gìn giữ trong cuộc sống chung - hội nhập...