Về thời gian vua Lý Thái Tổ đăng quang

Đầu rồng hiện lên ở núi Đại Sơn/ Đuôi rồng giấu ở chùa Minh Châu/ Nhà Lý nhất định thành sự nghiệp/ Khi mà hình rồng hiện lên ở cây gạo/ Vào ngày Mèo tháng Chuột năm Gà/ Nhất định vị vua anh minh sẽ xuất hiện...

Về thời gian vua Lý Thái Tổ đăng quang ảnh 1

Tượng Vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội

Sách "Thiền Uyển tập anh" viết khoảng cuối thế kỷ XIII là một trong rất ít bộ sách cổ nhất hiện còn, trong truyện "Trưởng lão La Quý An" có đoạn: "Trước khi thị tịch, sư gọi đệ tử là Thiền Ông đến bảo rằng:

- Trước đây Cao Biền đắp thành ở sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả bèn đào sông Điềm Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch, tất cả mười chín nơi. Ta đã khuyên Khúc Lãm đắp lại như cũ. Ta lại trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn chỗ đất bị cắt long mạch, đời sau tất có bậc đế vương xuất hiện để vun trồng chính pháp của ta. Sau khi ta mất, người nên cho đắp đất, dựng nhiều bảo tháp, dùng pháp thuật mà yểm tàng, không để cho người ngoài biết.

Nói xong sư qua đời, thọ tám mươi lăm tuổi.

Lại nói năm Bính Thân niên hiệu Thanh Thái thứ ba (936) thời thuộc Đường, khi trồng cây gạo, sư có đọc bài kệ như sau:

"Đại sơn long đầu khởi
Cù vĩ ẩn chu minh
Thập bát tử định thành
Miên thụ hiện long hình
Thố kê thử nguyệt nội
Định kiến nhật xuất thanh”.

Các nhà nghiên cứu văn học sử xưa nay đều coi bài kệ trên là một bài thơ sấm báo trước sự ra đời của nhà Lý và có ý coi đại sơn và chu minh là danh từ chung (câu 1 + 2), coi câu 5 là các tháng Thỏ, tháng Gà, tháng Chuột. Trong Thơ văn Lý – Trần (tập I), bài kệ trên được dịch nghĩa như sau:

Đầu rồng nổi lên ở núi lớn
Đuôi rồng giấu sự thịnh vượng
Họ Lý ắt thành sự nghiệp
Cây gạo hiện hình rồng
Trong tháng thỏ, tháng gà, tháng chuột
Chắc chắn sẽ thấy mặt trời mọc lên trong trẻo.

Dịch như trên thì ẩn ý của tác giả vẫn chưa rõ. Không gian không cụ thể và thời gian cũng còn mơ hồ. Nếu nghiên cứu kỹ thì thấy tác giả muốn báo trước một cách chính xác việc vương triều Lý thành lập.

Về không gian có các mốc Đại SơnChu Minh là tên riêng mà ta phải viết hoa mới định được hướng để đi tìm. Về thời gian là khi nào cây gạo hiện hình rồng, vậy thỏ-gà-chuột phải là các mốc thời điểm cùng xuất hiện một lúc.

Đây là vùng đất Cổ Pháp, các địa danh Điểm Giang và Phù Chẩn nay vẫn còn, đại thể tương ứng với vùng huyện Tiên Du và huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Trong khu vực này có dãy núi Nguyệt Hằng với một trong số các mỏm cao được gọi là Đại Sơn; còn chữ Chu Minh cũng đọc là Châu Minh, tiếp theo lại có cây gạo, vậy ta nghĩ ngay đến cây gạo ở trước chùa Minh Châu trồng năm 936. Hơn nữa câu 1 và câu 2 phải đối nhau, Đại Sơn đã là danh từ riêng thì Châu Minh cũng phải là danh từ riêng, và vị trí của Đại Sơn ở đầu câu thì Châu Minh không thể ở cuối câu, câu 2 phải đọc ngược lại thành “Minh Châu...”. Thế là rõ: thế đất ở vùng này như con rồng khổng lồ, đầu nó nhô lên ai cũng thấy, là núi Đại Sơn, còn đuôi nó ẩn náu nơi đất thiêng thì chỉ có vị chân nhân (trưởng lão) mới nhận biết, đã cho dựng lên ở đó ngôi chùa Minh Châu để đánh dấu, lại còn trồng cây gạo để trấn chỗ đất bị cắt long mạch. Vùng đất này là quê hương của Lý Công Uẩn tức vua Lý Thái Tổ, ứng với việc phục nguyên chữ sau khi chiết tự thành ba chữ Thập – Bát – Tử.

Câu 4 nói về thời gian khi nào cây gạo hiện hình rồng thì vương triều mới sẽ ra đời gắn với thời điểm liên quan đến các con thỏ, con gà và con chuột. Theo lịch Trung Quốc, con thỏ gắn với mão, ở Việt Nam chuyển thành con mèo. Điều này được Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ về năm Kỷ Dậu: “Mùa Đông, tháng Mười, ngày Tân Hợi, vua Lê (Ngoạ Triều) băng... Tháng ấy, ngày Quý Sửu, Lý Công Uẩn tự lập làm vua. Trước đấy ở hương Diên Uẩn châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh, người làng ấy xem kỹ dấu sét đánh thấy có chữ...”. Vậy vết sét đánh loằng ngoằng trên thân cây chính là dấu hiệu của cây gạo hiện hình rồng. Trong sách Thiền Uyển tập anh, ở truyện Thiền sư Định Không đã nói rõ hương Diên Uẩn được đổi thành hương Cổ Pháp. Vậy cây gạo trồng năm 936 ở chùa Minh Châu hương Cổ Pháp chính là cây gạo hương Diên Uẩn bị sét đánh trước lúc Lý Công Uẩn làm vua. Cái tên Lý Công Uẩn cũng đã nói rõ nguồn gốc con người này là ông họ Lý người làng Diên Uẩn. Truyền thuyết cho biết thêm, vì chuyện sét đánh nên làng Diên Uẩn đổi thành Dương Lôi, còn gọi là Đình Sấm. Hai tên này cùng đồng thời tồn tại cho đến nay, chỉ một làng thuộc xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đầu làng (cũng là khu vực đình thờ tám vua nhà Lý và chùa vừa thờ Phật vừa thờ thân mẫu vua Lý Thái Tổ) vốn có cây gạo đại thụ chết già vài mươi năm trước, được trồng thay bằng cây đa. Điều lý thú là cây đa từ một gốc mọc chĩa ra chín cành lớn, nhưng rồi gió bão đánh gẫy một cành còn tám. Người già bảo nó ứng với việc vương triều Lỹ có cả thảy chín vị vua, nhưng Lý Chiêu Hoàng làm vua có một năm rồi nhường cho chồng, lúc ấy mới có tám tuổi, nên sử thường coi nhà Lý chỉ có tám vị vua và gọi là Lý bát đế. Điềm cây đa tám cành ai cũng kiểm chứng được.

Từ câu ghi trong sử cũ, xưa nay vẫn nghĩ Lý Thái Tổ đăng quang ngày Quý Sửu tháng Mười năm Kỷ Dậu. Giáo sư Lê Thành Lân đã tính ra tháng mười năm ấy là tháng thiếu, Lê Ngoạ Triều mất ngày Tân Hợi đã là ngày 29, do đó ngày Quý Sửu vua Lý Thái Tổ đăng quang là ngày mồng Hai tháng Mười Một (theo thói quen gọi là tháng Một) năm Kỷ Dậu (21/11/1009). Thời điểm ấy là ngày Trâu tháng Chuột năm Gà. Về tháng Chuột và năm Gà thì hoàn toàn khớp với dự báo, riêng về ngày nếu không tính theo hội (chu kỳ 60) mà tính theo giáp (chu kỳ 12) tức Tý – Sửu – Dần – Mão... là Một – Chạp – Giêng – Hai... thì Hai lại ứng với con Thỏ (ở Việt Nam nay là con Mèo tức Mão). Vậy Thỏ - Gà - Chuột trong bài kệ có thể xem là ứng nghiệm của sự dự báo tuyệt đối chính xác. Đến đây có thể dịch lại bài kệ:

Đầu rồng hiện lên ở núi Đại Sơn
Đuôi rồng giấu ở chùa Minh Châu
Nhà Lý nhất định thành sự nghiệp
Khi mà hình rồng hiện lên ở cây gạo
Vào ngày Mèo tháng Chuột năm Gà
Nhất định vị vua anh minh sẽ xuất hiện.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.