Tuy nhiên, để tiến tới một xã hội phát triển hài hoà thì nội dung và hình thức ứng xử phải tương quan chặt chẽ với nhau. Những giá trị văn hoá cần phải là những giá trị căn bản mà mỗi người dân biểu hiện trong đời sống ứng xử hàng ngày. Thái độ ứng xử giữa con người với con người, giữa con người và môi trường sống chính là thước đo cho giá trị văn hoá của một dân tộc. Vì thế, bất cứ nền văn hoá của một dân tộc nào cũng phải cố kết, hình thành một chỉnh thể thống nhất, vừa vận động vừa đối kháng để tự sàng lọc và điều chỉnh. Văn hoá Phật giáo trong quá trình giao thoa, tiếp biến đã trở thành một chỉnh thể không thể tách rời với văn hoá dân tộc.
Trong dòng chảy lịch sử, văn hoá Phật giáo luôn có khả năng thích ứng nhằm đối kháng với các hình thức áp đặt văn hoá, đồng hoá văn hóa - chủ yếu thông qua con đường chiến tranh đô hộ. Những làn sóng xâm thực cực đoan về văn hoá luôn đặt ra những thách thức không nhỏ cho nền văn hoá dân tộc. Nhìn vào hệ thống kết cấu văn hoá dân tộc, chúng ta thấy ở đó không chỉ là sự hội tụ mà còn là sự đối kháng với các yếu tố văn hoá đến từ bên ngoài.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, thế giới như xích lại gần nhau hơn, văn hóa giữa các dân tộc được thu hẹp dần khoảng cách. Dù muốn hay không hiện thực đó đòi hỏi những cách tiếp cận và ứng xử linh hoạt hơn. Thực tế cho thấy, để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần, giá trị nào có ảnh hưởng mạnh hơn, giá trị đó sẽ chiếm ưu thế. Dù có đủ khả năng định lượng giá trị đó, xem nó ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực đến đời sống xã hội hiện đại, thì chúng ta cũng phải thừa nhận đây là quá trình sàng lọc tất yếu mà một nền văn hoá không thể không ý thức. Sẽ có những tác động mạnh đến cấu trúc của nền văn hoá dân tộc, khi văn minh nông nghiệp đang được thay thế bằng văn minh công nghiệp, khi đô thị hoá nông thôn đang diễn ra nhanh chóng, khi sự tìm kiếm lợi nhuận trở thành xu hướng chủ đạo trong đời sống kinh tế, khi tôn giáo cực đoan ngày một hoạt động mạnh và diễn biến phức tạp…
Có thể nhận ra những xu hướng xã hội sau đang tác động ít nhiều vào trong đời sống sinh hoạt tôn giáo:
- Xu hướng thực dụng, pha trộn, lai tạp trong đời sống ứng xử văn hoá. Dễ nhận thấy ở xu hướng này là thái độ ích kỷ chỉ nghĩ đến cái lợi, sự tiện nghi cho riêng mình; là sự tiếp thu tùy tiện, thiếu chọn lọc, thiếu định hướng cho lối sống; là thái độ vồ vập thiếu cân nhắc trước các trào lưu ngoại nhập, mặc cho thị hiếu thẩm mỹ tầm thường lấn lướt…
- Ngược với lối sống trên lại là xu hướng lánh đời, khép mình, tìm về với những giá trị quá khứ một thời. Điều này phản ánh sự chông chênh trong niềm tin và nhận thức khi tiếp cận với hiện thực mà ở đó có không ít giá trị bị xem nhẹ, đảo lộn, dẫn đến đánh mất ý chí phấn đấu, không đủ khả năng đối mặt với những thách thức trực tiếp. Từ đó tạo ra những quan niệm bi quan về thời thế.
- Xu hướng tôn giáo nặng về phần tín ngưỡng, cầu cúng, lễ bái…; nặng về hình thức lấy tiếng, quảng cáo, tiếp thị kinh doanh…; nặng về vọng ngoại (cụ thể trong vấn đề kiến trúc, điêu khắc, y phục…). Trong khi những mô hình tự viện có khả năng tiếp cận và chuyển hoá lối sống cộng đồng diễn ra tự phát, giới hạn, chưa thực sự được phát huy hiệu quả. Những thành quả được tổng kết hàng năm thường ít giá trị định tính, thiên về định lượng (số lượng), phần nào làm chệch hướng nhận thức phát triển bền vững.
- Xu hướng quan tâm đến việc hình thành một đặc điểm nhận diện. Chẳng hạn một màu sắc đặc thù, một kiểu trang phục, kiến trúc…, một cách thức hành lễ…, là thực tế đang diễn ra trong một số truyền thống tông môn, tự viện. Song bắt nguồn từ ý thức nào, để có thể nhận diện văn hoá Phật giáo như một nét đặc trưng của văn hoá dân tộc thì gần như chưa được quan tâm, nếu không nói đó chỉ là những “ốc đảo” tự phát, ngày càng trở nên phân mảnh trong ý thức phân hoá vùng miền. Thực tế, việc lựa chọn một hình ảnh xuất hiện của Phật giáo thông qua một gam màu văn hoá ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng, sẽ xác lập ý thức cho một sự quảng bá hình ảnh Phật giáo trong tương lai. Ngay cả hành vi đi đứng nói năng, cách chào hỏi lễ độ (A Di Đà Phật, Mô Phật…), cái cúi đầy nghiêm trang, cái chắp tay đầy đạo vị… cũng là những đặc thù trong văn hoá biểu hiện. Đó là những biểu hiện trong văn hoá để người Phật tử dễ dàng nhận ra nhau trong quan hệ ứng xử hàng ngày.
- Xu hướng dấn thân đa dạng. Trong điều kiện xã hội hiện đại, dù tiếp nối tinh thần nhập thế của tiền nhân như thế nào, thì chắc chắn sẽ có những dao động về hình thức dấn thân. Những cú sốc văn hoá, những dịch chuyển trong quan niệm tạo ra cách thức dấn thân khác với truyền thống có thể dẫn đến tranh luận. Song tất cả những điều này buộc người tu sĩ phải điều chỉnh và thích ứng để tồn tại. Trong quá trình vừa phá vỡ, vừa mở ra này, có thể những hình thức dấn thân mới sẽ đi vào ổn định, nếu thuyết phục được rằng tinh thần nhập thế ấy đã được tiếp nối nhằm đem đến lợi ích an lạc thực sự cho cộng đồng, chứ không phải sự vun vén, hưởng thụ cho bản thân, hay tạo ra lợi ích nhóm cục bộ dù đứng dưới danh nghĩa là một tổ chức tôn giáo.
- Xu hướng phát triển theo chiều rộng, ưa bề nổi, hoành tráng. Xu hướng này phần nào không tương thích với cấu trúc của chiều sâu, vì thực tế hai phương cách thức thực hiện khó đi cùng với nhau trong một thời điểm. Sự phát triển không cân đối trong một chỉnh thể văn hoá (quá thiên về cái này, quá thiên về cái kia) sẽ tạo ra những phân hoá trong ứng xử. Việc đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực cho các công tác tôn giáo, tín ngưỡng có xu hướng dịch chuyển vào đối tượng giàu có, có chức quyền. Đây là một thực tế của cái thời người ta vừa bước ra khỏi đói nghèo, thiếu thốn. Song xu hướng này phần nào phản ánh tâm thức ăn bù (ăn xổi, ở thì). Nếu không điều chỉnh tích cực, xu hướng này có thể làm mất đi tính chất hồn nhiên, cố kết, chia sẻ trong cộng đồng làng xã, dân cư, chí ít ở trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo. Vì vậy, để cân bằng trước thực tế phát triển này, cần một quan niệm mới trong hoằng pháp, để làm sao các giai tầng trong xã hội cùng tham gia vào quá trình bảo tồn các giá trị Phật giáo, mà ở đó không có biểu hiện đặc quyền, đặc lợi, hay phân chia giàu nghèo.
- Xu hướng phân hoá trong quan niệm tu hành. Cụ thể khi có điều kiện, một số chức sắc có xu hướng dịch chuyển trong quan niệm tu hành và ứng xử. Đặc biệt khi sự tu chứng, khám phá chiều sâu giáo lý, lối sống giản dị đã dịch chuyển sang sự phát triển về chiều rộng của các hình thức giao thiệp, tiếp xúc, tuyên truyền, kinh doanh, xây dựng chùa chiền nguy nga… Từ đó dần phá vỡ ý nghĩa về mặt đoàn kết tăng đoàn, dễ tạo ra những phân hoá trong tông môn và hình thành sự tách biệt của các mô hình Phật giáo. Hình ảnh chùa giàu, chùa nghèo, Tăng Ni giàu, Tăng Ni nghèo tạo thêm những phân hoá trong ứng xử Tăng đoàn. Nếu không bám sát vào giới luật, sẽ dẫn đến những ứng xử giống như thế tục, tức những người có tiền, có quyền sẽ có tiếng nói quan trọng, thay vì đó là những người có tư cách đạo đức vượt trội của một tập thể đoàn kết, hòa hợp.
- Xu hướng thế quyền hoá đang dẫn đến những nghi ngại trong phương thức quản lý tăng ni, Phật tử. Chính xu hướng này tạo ra các nhóm lợi ích có khả năng thao túng tổ chức (dựa vào uy quyền chứ không phải uy đức). Đặc biệt khi tổ chức chưa đủ năng lực chuyên môn để xử lý những mâu thuẫn dưới cả góc độ pháp luật lẫn giáo luật. Vì thế những quy tắc tông môn, hệ phái và những quy định trong cơ cấu tổ chức Giáo hội cùng một lúc tác động ngược trở lại với hệ thống giáo lý, giáo luật và những ứng xử truyền thống. Sự khác biệt trong việc xử lý tình huống giữa giáo luật và pháp luật, giữa tự viện và tổ chức đã dẫn đến không ít những khác biệt trong đời sống sinh hoạt của người Phật tử. Nếu không điều chỉnh tích cực sẽ có nguy cơ vô hiệu hoá khả năng sáng tạo, tự thích nghi, hài hoà của Phật giáo.
- Xu hướng kết hợp, dung hợp văn hóa đã, đang và sẽ còn là xu hướng chủ đạo của văn hoá Phật giáo Việt
- Xu hướng cho rằng Phật giáo giữ vai trò nền tảng đạo đức dân tộc. Điều đó dựa trên hệ thống các chuẩn mực, nguyên tắc ứng xử có bề dày lịch sử, hay dựa trên thực tế số lượng tín đồ đang hành đạo và các chuẩn mực chung trong xã hội đang gặp khủng hoảng? Sẽ có đủ điều kiện để khẳng định xu hướng này, nếu hệ thống các chuẩn mực và các nguyên tắc ứng xử cơ bản, những bài học làm người của Phật giáo trở thành nhân tố cơ bản trong hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, trước khi nó trở thành một nhân tố cơ bản trong hệ thống giáo dục thì nó phải phát huy hiệu quả trong thực tế ứng xử của người Phật tử, của một tổ chức giáo hội. Sự kiểm soát trong ý thức hệ Nho giáo ở những thế kỷ trước đối với Phật giáo đã tạo ra những tranh luận về mặt đạo đức học, nhưng cuối cùng sự thắng thế nằm ở thực tiễn ứng xử mà nhân gian đã tôn sùng, chứ không phải ở một chính sách bất bình đẳng hay nhìn nhận một cách hời hợt về Phật giáo. Vai trò cân bằng của một thể chế văn hóa (vô thần hay hữu thần) không phải là sự cào bằng mà là ý thức cho một điểm tựa văn hoá ở tầm quốc gia, chủ yếu dựa trên những ảnh hưởng thực tế trong đời sống ứng xử.
Những vấn đề về văn hoá và đối kháng văn hoá xảy ra trên bình diện xã hội ngày càng cho thấy tính chất phức tạp đan chen của những quan niệm về văn hoá. Như thế rất cần một định hướng rõ ràng, cụ thể hơn cho một lối sống ứng xử văn hóa. Bởi hai nghìn năm Phật giáo ấy là gì, nếu không muốn nói rằng đó những phong cách ứng xử đã trở thành di sản vật thể và phi vật thể trong nền văn hoá dân tộc. Muốn thế, việc đẩy mạnh cho một hình mẫu văn hoá, như một niềm tin, một biểu hiện văn minh, trước tiên cần phải được chuẩn hoá trong hệ thống giáo dục Phật giáo. Sự xuống cấp về văn hoá, lối sống hiện nay có nguyên do từ đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Và nếu không phải đã có những ứng xử lệch chuẩn trong văn hóa, thì nguyên nhân gì lối sống xã hội lại thể hiện sự bất tín vào các giá trị, trong đó có cả các giá trị tôn giáo.
Phật giáo Việt Nam trong 30 năm ấy đã tạo ra một bước chuyển gì trong việc xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, làng xã, phường xóm, thôn ấp. Và những công việc làm thay đổi lối sống ứng xử của cộng đồng kia có phải chỉ là từ thiện xã hội? Thực tế, không có nhiều những cuộc tranh luận tư tưởng để lôi cuốn dư luận ở tầm quốc gia vào những chủ đề lớn của văn hoá dân tộc, để tìm ra những mẫu số chung trong ứng xử, nhằm tạo niềm tin trong dư luận xã hội. Tư tưởng
Có thể nói, vướng mắc lớn nhất của chúng ta trong các vấn đề về văn hoá, xã hội vẫn là khả năng định tính. Định tính để thấy những khác biệt trong các loại hình văn hoá vùng miền, trong cả quan niệm và cách ứng xử, trong cả thang mức đánh giá, mặc dù trong văn hoá khó có thể nói đến yếu tố cao thấp giữa một người ăn bốc và một người cầm đũa. Có những cách tiếp cận khác trong kho tàng kinh luận Phật giáo để người Phật tử nhập cuộc với thế sự, hoà mình vào dòng chảy kinh tế - văn hoá, đối mặt với những thách thức mới trong đời sống văn minh đô thị hiện đại. Chắc chắn mái chùa phải bước dần từ cấu trúc làng xã khép kín sang một cấu trúc mở của đô thị, từ đó trên nền tảng phân tầng giai cấp xã hội, sẽ dần cuốn hút một lượng lớn trí thức, doanh nhân, công chức, sinh viên, học sinh, công nhân lao động vào với dòng chảy văn hoá Phật giáo, xem Phật giáo như một lối sống hướng thiện và giảm thiểu căng thẳng cuộc sống.
Dù không trực tiếp tham dự vào cuộc cạnh tranh kinh tế, song do có những hấp lực văn hoá, mà Phật giáo có thể đóng vai trò điều hoà mâu thuẫn, hướng con người đến những lợi ích thiết thực hơn cho công đồng. Ở đó có thể nhìn ra nét văn hoá tương thân, tương ái, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của nhà Phật một cách không phân biệt. So với dân số và sự ảnh hưởng của Phật giáo, cũng như nền tảng của quan hệ ứng xử Tam giáo, về mặt kết cấu xã hội, văn hóa Việt Nam khá thống nhất trong văn hoá Phật giáo. Nhưng tầm ảnh hưởng phổ biến đó sẽ định hướng như thế nào để Phật giáo Việt Nam có thể phát triển hài hòa, hay trở thành một nền tảng văn hoá cho sự hòa hợp và hoà giải các mâu thuẫn, xung đột xã hội, tôn giáo? Trước tiên cần phải thống nhất trong những điều kiện khác biệt của văn hoá vùng. Đây là cơ sở đầu tiên cho việc đoàn kết, giảm thiểu sự chia rẽ trong cộng đồng. Ý thức ứng xử thể hiện trong mỗi mái chùa, mỗi nếp áo, mỗi cái chắp tay vái chào nhau, sẽ luôn làm đẹp cho văn hoá Phật giáo.
Thay đổi thói quen sống lệ thuộc quá nhiều bằng vật chất, hướng tới đời sống sẻ chia, gần gũi và hài hòa hơn với môi trường là một trong những khuyến khích quan trọng của Phật giáo. Không thế khuếch trương tinh thần này, nếu các di sản Phật giáo bị lợi dụng cho những hình thức kinh doanh du lịch, tàn phá môi trường. Dĩ nhiên việc thúc đẩy lối sống này, dù có song song với sự phát triển vượt bực của kinh tế, thì cũng không thể phá vỡ cấu trúc văn hoá. Cần phải để mỗi người dân tự nhận ra giá trị, tự mang những giá trị văn hoá ấy vào lối sống ứng xử.
Đáng nói, một khuynh hướng quảng bá hình ảnh có tính chất văn hoá đặc thù vẫn còn mờ nhạt trong ý thức xã hội. Từ truyền thống đến hiện đại, văn hoá cần phải là một cẩm nang trong ứng xử, trong các hoạt thường nhật và phản chiếu rõ nét vào trong lối sống. Do đó, rất cần nhìn thẳng vào chiều sâu ảnh hưởng của một nền văn hoá. Thí dụ như nói đến Nhật Bản là nói đến nền văn hoá chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi Thiền đạo và Thần đạo, hay nhắc tới Trung Hoa là nhắc tới văn hoá Khổng giáo… Ở Việt
Ở bình diện quốc tế, những giá trị Phật giáo đã được khẳng định như một tôn giáo tiến bộ nhất trên toàn cầu cả về giáo lý và sự hành trì. Vậy muốn có một nhân gian Phật giáo, thì Phật giáo phải là Phật giáo của nhân dân. Nhân dân phải thấy nó gần gũi hài hoà và gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần của mình. Không thể có một tôn giáo với những cơ sở khang trang tiện nghi mà lại tạo ra những hố sâu ngăn cách với người nghèo, gây lên sự dị ứng với xã hội. Giảm bớt những bất bình của người dân hướng đến tôn giáo không phải là bài học quá mới, mà từ lâu, ngay chính trong lòng xã hội phương Tây, tôn giáo, đất đai và bạo chúa đã được xây dựng trên hình ảnh của một gia tầng bóc lột, ăn trên, ngồi trốc. Để chuyển hướng sự chú ý của công chúng vào một niềm tin xã hội hay một hợp đồng xã hội, cách duy nhất là tạo ra những nhân tố sống và hành đạo xứng đáng với vai trò hộ quốc an dân, từ bi cứu khổ của đạo Phật./.