Văn hóa Phật giáo Hàn quốc & lễ hội đèn lồng hoa sen

Lồng đèn là một trong những sản phẩm văn hóa nổi tiếng có mặt hầu hết các nước vùng Á Đông. Thế nhưng, với người Hàn Quốc, lễ hội rước lồng đèn hoa sen nhân ngày Phật đản hàng năm đã được họ nâng lên thành một nét văn hóa đặc trưng của quốc gia mình.

Sở dĩ lễ hội đèn lồng là một nét văn hóa đặc trưng của người Hàn là vì họ đã kết hợp nét đèn lồng trong văn hóa Á Đông với lễ hội Phật đản của Phật giáo. Thật vậy, Phật giáo đã thấm sâu vào đời sống văn hóa và lịch sử của người Hàn trên 1.600 năm và cho đến nay, phân nửa dân số Hàn Quốc vẫn còn tôn thờ và giữ gìn tôn giáo truyền thống này.

longden-1.gif
longden-2.gif

 Tương tự như lịch sử Việt Nam, Phật giáo trở thành quốc giáo vào thời vua Chosun (1392-1910), ảnh hưởng mạnh trong đời sống hoàng gia và giới quan lại quý tộc, góp công rất lớn trong việc xây dựng đời sống văn hóa xã hội của người Hàn, rồi sau đó đã bị Nho giáo thay thế. Để tránh sự phiền nhiễu do giới Nho sĩ trong triều đình gây ra, những vị cao tăng tìm lên miền núi hay những nơi yên tĩnh để tu tập và xây dựng chùa chiền. Kể từ đó, Phật giáo lan truyền mạnh trong dân gian. Ngày nay, hàng trăm ngôi chùa trên núi vẫn còn hoạt động và trở thành những trung tâm giữ gìn văn hóa truyền thống của người Hàn và cũng là những trung tâm Phật giáo lớn của Hàn Quốc. Một trong những ngôi chùa đó là Jogyesa, ở phía Nam Seoul. Đây còn là trụ sở của một hệ phái Phật giáo lớn nhất nhì xứ Kim Chi và là trung tâm của các lễ hội Phật giáo trong vùng.

longden-3.gif
longden4.gif
longden-5.gif

Với người con Phật, ngày lễ Phật đản được xem là quan trọng và có ý nghĩa lớn nhất trong năm. Phật tử Hàn Quốc cũng vậy, họ đã tổ chức ngày lễ này hàng năm hết sức lớn và ấn tượng. Và, một trong những nét văn hóa tạo nên sự hoành tráng và ấn tượng đó là lễ hội rước đèn lồng hoa sen.

Những người từng có cơ hội tham dự lễ hội đèn lồng hoa sen nhân ngày Phật đản thường cho rằng, thật khó có thể nói hết được sự đặc biệt và vi diệu của lễ hội này. Bởi vì, đèn lồng mà một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất của lễ hội Phật giáo. Chiếc đèn lồng hoa sen, với người Hàn là biểu tượng của ước muốn mọi người đều được tuệ giác của Đức Phật và ngọn nến cháy sáng bên trong tượng trưng cho sự giác ngộ. Người Hàn tin rằng, ánh sáng từ đèn hoa sen tượng trưng cho ánh sáng giác ngộ mà Đức Phật tìm thấy đang chiếu sáng trong đêm tối vô minh, người rước đèn lồng hoa sen là đang góp phần chiếu dọi ánh sáng trí tuệ của Phật từ hoa sen (tượng trưng cho trí tuệ giải thoát) vào cõi ô trược của thế gian này.

longden-6.gif
longden-7.gif

Ngọn đèn lồng hoa sen, theo sử liệu, lần đầu tiên xuất hiện ở đất nước Hàn vào năm 551, thời đế chế Silla sau đó đến thời vua Koryo (918-1392) trở thành biểu tượng của lễ hội Phật giáo và phổ biến rộng rãi trong dân chúng khi vua cho làm 10.000 chiếc lồng đèn hoa sen để dâng cúng Phật nhân ngày Phật đản.

Lồng đèn hoa sen là biểu tượng của niềm tin. Nét đẹp của nó nằm ở các màu sắc ánh sáng: ánh vàng, ánh tía, ánh hoa anh thảo,… đan xen, huyền ảo, lung linh, lập lòa trong bóng đêm. Nó có thể là cái đẹp, nó có thể là bầu không khí huyền diệu, bời vì con người tham gia lễ hội cũng chưa bao giờ tưởng tượng ra được vì sao ánh sáng lồng đèn hoa nhiều màu sắc lại tạo nên được như thế. Người Hàn đã thiết kế một chiếc lồng đèn hoa sen cực lớn và được ghi vào sách Guinness của thế giới vào năm 1989. Họ xem đó là một thành tựu của nghệ thuật xứ Hàn.

Khung của chiếc đèn lồng truyền thống được làm bằng tre. Những thanh tre được vuốt thật sắc sảo và đan kết lại với nhau thành sườn của chiếc lồng đèn hoa sen. Một cây tre dài làm cần treo lồng đèn. Ngày nay, người ta đã thay đổi, họ làm khung lồng đèn bằng sắt và mọi việc có vẻ dễ dàng hơn nhiều. Chiếc đèn lồng hoa sen gồm có hai phần, phần trụ lõi bên trong và phần cánh gắn bên ngoài. Phần lõi là một chiếc khung hình trụ tròn, được bọc bằng giấy trắng. Phần cánh được chia làm nhiều tầng, tầng dưới lớn nhất và nhỏ dần lên phía trên. Các cánh sen được làm bằng giấy kiếng đủ màu, mỗi chiếc đèn lồng có khoảng 20 đến 30 cánh. Các cánh gắn vào trụ tròn bằng keo dính và có sợi dây xuyên các gốc cánh sen và bao quanh trụ, xoắn dần lên trên. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi làm thì công việc đòi hỏi sự khéo tay và đầu óc sáng tạo của “nghệ nhân”. Sự khéo léo làm cho cánh sen căng tròn để tạo nên sức sống cho chiếc lồng đèn. Chiếc lồng đèn làm xong được treo nơi cao để cho mau khô keo. Khi thời gian lễ hội đến, một chiếc nến được thắp sáng và đặt bên trong, nó góp phần tạo nên sự huyền ảo của lồng đèn. Ngày nay, sau khi làm lồng đèn mang đến chùa cúng Phật, người ta dán lên đó miếng giấy ghi tên tuổi của mình và gia đình, bạn bè thân quen để cầu nguyện Đức Phật gia hộ.

longden-8.gif

Lễ hội rước lồng đèn hoa sen cúng Phật nhân ngày lễ Phật đản diễn ra khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc, có nơi bắt đầu sớm, từ cuối tháng Ba âm lịch, nhưng thông thường, những trung tâm Phật giáo lớn thường bắt đầu từ những ngày đầu tháng Tư và kéo dài suốt tuần, đến ngày lễ Phật đản.

Hàng năm, ở Seoul , người ta tổ chức tuần lễ rước lồng đèn hoa sen rất lớn. Mọi người tập trung ở cổng trường Dongdaemun để tham gia rước đèn, con đường kéo dài vài cây số, xuyên qua trung tâm thành phố Seoul về chùa Jogye. Đợt lễ hội thu hút tất cả mọi giới Phật tử từ tất cả các hệ phái Phật giáo lớn trên đất nước Hàn Quốc, như Cheontaejong, Jogyejong, hay các nhóm nhỏ như Taegojong, Trung tâm Hanmaum Seon. Lễ hội cũng hấp dẫn cả những người không tín ngưỡng.

Sư Mushim ở chùa Musang nói, họ có thể khác nhau về lý tưởng, về con đường tu tập, màu da, chính thể, văn hóa,… nhưng khi đến đây tham dự lễ hội, tất cả chỉ là một. Năm vừa rồi, các vị tăng sĩ của các nước trên thế giới, như châu Mỹ, Nga, Israel, Cộng hòa Czech, Lithuania, Ba Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Sri Lanka, Mông Cổ, Mongolia,… cũng về tham dự, tạo nên một lễ hội mang tính quốc tế. Họ đến háo hức và rạo rực khi chen chân cùng đoàn người trong lễ hội rước đèn. Họ cũng cầm trên tay chiếc lồng đèn hoa sen hay đơn giản là lá cờ quốc kỳ của nước họ.

Brandon Walcutt, một sinh viên ngoại quốc có dịp tham dự lễ hội đã không kìm được sự ngưỡng mộ đến kinh ngạc. Anh kể rất nhiều trong bài viết của mình và đăng tải trên trang web http://www.bootsnall.com:

"Tôi đứng lặng yên dưới rừng màu sắc và âm thanh huyên náo, tắm mình trong ánh sáng ấm cúng của hàng nghìn ngọn nến lung linh trong chiếc lồng đèn mang hình Đức Phật, hình rồng, voi trắng và hoa sen. Trước mặt tôi là những vị Tăng Ni, những người Phật tử trong sắc phục Hanboke truyền thống làm hiện lên bầu không khí truyền thống thời trung đại ở xứ Hàn. Con đường bỗng trở nên yên ắng bởi âm thanh của các bài kinh được phát lên hòa trong tiếng nhạc dân tộc,…"

Từ đó, mỗi khi nhắc đến ngày Lễ hội Phật đản ở Hàn Quốc, người ta liền nghĩ ngay đến lễ hội của lồng đèn. Sắc màu truyền thống và hiện đại hòa quyện vào nhau tạo nên một bản sắc lồng đèn riêng có của người Hàn. Người dân vốn rất tự hào và ý thức tham gia để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống này của dân tộc mình.  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.