“Hãy gọi đúng tên tôi”(1)
GN - Vài nét về Phật giáo và truyền thông
Phật giáo là một trong những tôn giáo đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã có những quan tâm rất sớm về lãnh vực truyền thông, biết vận dụng năng lực tích cực của truyền thông trong việc góp phần ổn định tổ chức Tăng-già, cũng như tạo ra sự gắn kết giữa Phật giáo và các tổ chức quần chúng xã hội.
Bằng chứng cụ thể đó là, từ sự kiện ly giáo của Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) trong tác phẩm Cullavagga, Đức Phật đã chỉ dạy Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) thực hiện một thủ pháp cung cấp thông tin cho các giới xuất gia và cho quần chúng, về sự thật đang diễn ra trong tổ chức giáo đoàn của Ngài. Thuật ngữ Phật học gọi đó là hành sự công bố (Pakāsanīyakammaṃ)(2). Xem ra, việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho các giới, cho nhiều người, xuất hiện rất sớm, và Đức Phật được xem như là bậc lãnh đạo tôn giáo đầu tiên, đã vận dụng thành tựu này trong thực tế hóa đạo.
Kế thừa sự phát triển từ lịch sử, lãnh vực truyền thông ngày nay đã khẳng định chỗ đứng và tạo nhiều sức mạnh vượt trội, do biết kế thừa những thành tựu khoa học đương đại. Nếu như ngày xưa, để tạo nên cũng như xóa bỏ một dư luận thì đòi hỏi phải có một khoảng thời gian nhất định. Ngày nay, với công nghệ truyền dẫn kỹ thuật số, trên nền tảng cáp quang, khoảng cách về thời gian và không gian khi sự kiện diễn ra đến khán, thính chúng bị thu hẹp, và đôi lúc diễn ra gần như đồng thời.
Truyền thông đã tạo nên một thứ quyền lực, sau ba thứ quyền lực cơ bản (3) để góp phần vận hành và ổn định xã hội. Với sức mạnh của riêng mình, ngành truyền thông đã góp phần tạo nên những tượng đài bất tử, ca ngợi những phẩm tính tốt đẹp của nhân loại nói chung. Có thể nói, làm truyền thông đúng nghĩa, thì chuyên chở những giá trị nhân văn, có xu hướng rất gần với con đường của Phật giáo.
Và, cũng như bất cứ lãnh vực nào của xã hội, bên cạnh những điều tốt đẹp thì cũng còn đó những sự cố, những hạt sạn trong lãnh vực truyền thông. Điều mà bài viết quan tâm ở đây, là những vấn đề đã và đang diễn ra trong lãnh vực truyền thông chính thức hoặc không chính thức, liên quan đến Phật giáo, mà để tìm kiếm một giải pháp đồng bộ và hài hòa, thì phải có sự nỗ lực chung tay từ các bên liên quan.
Thực trạng truyền thông tiêu cực liên quan đến Phật giáo
Trước hết, với các quán ngữ như thầy chùa, tiền chùa, cơm chùa... được sử dụng trong ngôn ngữ giao tiếp đời thường với dụng ý không tốt đẹp, thì ngày nay quán ngữ này thảng hoặc xuất hiện chính thức, dù để trong dấu nháy, của một vài tờ báo có tên tuổi. Sự vận dụng quán ngữ này không đúng chỗ, và thường xuyên, trên những phương tiện truyền thông chính thức, đã gián tiếp gây nên những phương hại hữu hình hoặc vô hình cho tổ chức Phật giáo.
Thứ hai, với một số thuật ngữ chuyên ngành về Phật giáo được sử dụng không chính xác trong lãnh vực truyền thông, đã gây nên những ảnh hưởng không nhỏ cho tổ chức tôn giáo này. Cụ thể, các khái niệm trong lãnh vực Tăng sự như Hòa thượng, Ni trưởng, Sa-di, Tịnh nhơn… đã được quy định cụ thể bằng văn bản pháp quy của GHPGVN (4), được cơ quan hữu quan của Nhà nước như Ban Tôn giáo các cấp y cứ và tham chiếu, nhưng không được giới truyền thông lưu tâm, và thậm chí sử dụng sai lầm, dễ dãi. Việc sử dụng không chính xác những thuật ngữ chuyên ngành này đã gây nên những tác hại, đôi khi rất nghiêm trọng, đến thanh danh của Phật giáo. Đơn cử một ví dụ thô thiển, tuy cùng phản ánh một hiện tượng, nhưng có sự khác biệt rất lớn giữa khái niệm hòa thượng tán gái và người xuất gia ngắn hạn thể hiện sự yêu đương. Trong liên hệ thoáng qua, chỉ xét riêng trong lãnh vực quốc phòng, an ninh, có sự khác biệt rất lớn giữa những tên gọi như thiếu úy, thiếu tá, thiếu tướng, và cũng có sự khu biệt rạch ròi giữa quân nhân chuyên nghiệp và lính nghĩa vụ có thời gian. Sử dụng nhầm lẫn thuật ngữ quốc phòng ở lãnh vực truyền thông, thì sẽ nhận ngay kết quả trực tiếp từ cơ quan chuyên trách!
Thứ ba, trong vài năm gần đây, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cơ quan, các phương tiện truyền thông là một thực tế không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra trên toàn thế giới. Để thu hút người đọc cũng như tạo nên sự quan tâm của khán, thính giả nói chung, đã có những cơ quan truyền thông tổ chức xây dựng, khai thác những tuyến tin, bài trái với chuyên trách của mình. Thậm chí có những cơ quan, phương tiện truyền thông bất chấp hậu quả nguy hại từ những thông tin do mình đưa ra, miễn làm sao có lợi cho một nhóm đối tượng nào đó, hoặc tăng số lượng phát hành, tăng lượng độc giả, tăng số lượng truy cập (pageviews)…là thành tựu mục tiêu phấn đấu.
Bên cạnh những tệ trạng thực chất cần được phê phán để điều chỉnh, thì Phật giáo cũng là nạn nhân của xu hướng truyền thông này. Câu chuyện về thanh niên Phạm Hồng Thức ở Vĩnh Long được gửi vào chùa cai nghiện không thành công, sau đó bị bắt quả tang khi đang dạo quanh tìm nơi mua ma túy, được nhiều tờ báo đưa tin không chính xác. Cần phải thấy, Phật giáo và ma túy là những phạm trù chứa đựng nhiều nội dung quan trọng, tinh tế và nhạy cảm. Việc sử dụng sai thuật ngữ chuyên ngành Phật giáo, liên quan đến tư cách nhân thân, đã góp phần hình thành nên nhận thức tiêu cực cho nhiều giới và nhiều người, về một tổ chức tôn giáo có nhiều đóng góp tích cực cho quốc gia, dân tộc như Phật giáo.
Như vậy, từ những sự kiện xã hội có liên quan đến Phật giáo, được giới truyền thông tổ chức khai thác và phản ánh không đúng bản chất, theo chúng tôi có thể rơi vào hai trường hợp. Thứ nhất, do yếu kém về nghiệp vụ chuyên môn. Thứ hai, phương hại thanh danh của tổ chức tôn giáo có chủ ý.
Được biết, với cơ cấu vận hành của một cơ quan ngôn luận đúng chuẩn theo hiến định và theo luật báo chí, thì sự yếu kém về nghiệp vụ chuyên môn trong những năm mới thành lập do thiếu thốn về nhân sự, là điều có thể tạm thời chấp nhận. Tuy nhiên, với những cơ quan truyền thông có thâm niên kinh nghiệm, có sự phân công và phân nhiệm chuyên sâu, thế mà khi phản ánh sự kiện liên quan đến Phật giáo, lại sử dụng thuật ngữ Phật học không đúng, sai phạm liên tục và nhiều lần, thì dễ dẫn đến suy nghĩ: cơ quan truyền thông đó có vấn đề với Phật giáo. Trong những trường hợp này, tùy theo mức độ ảnh hưởng, mà giới chức Phật giáo hữu quan cần có những động thái phù hợp và cần thiết.
Hãy gọi đúng tên tôi, là lời mời gọi thống thiết của người viết đối với các cơ quan truyền thông nói chung cũng như với các nhà báo nói riêng, khi phản ánh những sự kiện liên quan đến Phật giáo. Gọi đúng tên tôi chính là phản ánh đúng người, đúng thuật ngữ chuyên ngành, đúng bản chất sự việc như những gì đang diễn ra, được thể hiện dưới ngòi bút chuyên chở thương yêu và sự thấu cảm. Nếu được như vậy, thì tuy xe và thuyền có khác nhau, nhưng cùng chuyên chở những liệu pháp yêu thương cần thiết cho cuộc đời.
Thay lời kết
Có quan điểm cho rằng, lý luận được hình thành cần dựa trên thực tiễn để rồi trở lại định hướng thực tiễn. Quan niệm này có vẻ phù hợp với những trường hợp tiêu cực trong truyền thông, liên quan đến Phật giáo. Cụ thể là, việc sử dụng không đúng thuật ngữ chuyên ngành khi phản ánh các sự kiện Phật giáo.
Giải pháp sơ khởi về trường hợp này, Ban Thông tin và Truyền thông Trung ương của Phật giáo, có thể căn cứ vào Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, căn cứ vào Thông tư số 005/2016/TT.HĐTS về hướng dẫn thi hành một số điều Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, căn cứ vào thực tế sử dụng sai thuật ngữ Phật học đang diễn ra trong lãnh vực truyền thông; biên soạn một bộ Phụ lục thuật ngữ Phật học sử dụng trong lãnh vực truyền thông. Sau khi phối hợp với các ban ngành hữu quan để kiểm định và thông qua, cần ra văn bản mang tính pháp quy của GHPGVN, và gửi cho các cơ quan truyền thông trong cả nước. Có như vậy, sẽ giảm thiểu phần nào việc sử dụng không đúng thuật ngữ chuyên ngành Phật học, khi phản ánh các sự kiện có yếu tố Phật giáo.
Phật dạy: Danh phải tương xứng với người (5). Gọi đúng tên một người, một sự vật, một hiện tượng…không những là cơ sở đầu tiên để chạm đến sự thật mang tính bản chất, mà còn là mong mỏi của bất kỳ ai.
Chúc Phú
_________________
(1) Tựa đề do chúng tôi đặt ngẫu nhiên. Sau khi phối kiểm, chúng tôi phát hiện ra rằng, Hãy gọi đúng tên tôi vốn là tên một bài thơ của Thiền sư Nhất Hạnh. Đây chỉ là sự trùng hợp, vì nội dung bài viết đề cập khác với bài thơ.
(2) Nguồn: Cūḷavaggapāḷi - Saṅghabhedakakkhandhakaṃ - Dutiyabhāṇavāro - Pakāsanīyakammaṃ. Xem tại: http://www.tipitaka.org
(3) Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.
(4) Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.
(5) ĐTKVN, Kinh Tương ưng bộ, tập 1, chương 7: Tương ưng Bà-la-môn, phẩm A-la-hán thứ nhất, kinh Bất hại - Ahimsaka, VNCPHVN, 1993, tr.360.